Star Donation Challenge

Bác sĩ Việt sống tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

15 Tháng Mười Một 2017 3084 lượt đọc

Hôm trước có bạn hỏi mình, rằng bạn ấy không có năng khiếu âm nhạc, viết văn không giỏi, vẽ vời cũng kém, mà bạn ấy có những ba đứa con, vậy làm thế nào để dạy được con sống có tâm hồn đẹp đẽ với các hoạt động nghệ thuật?

Mình cũng là người không biết chơi nhạc, gần như không biết vẽ,... nên đó cũng là câu hỏi của mình từ hồi còn chưa có con cơ. Sau này có con rồi, mới thấy là hoá ra không phải cứ giỏi hết mấy thứ đó thì mới biết dạy con sống có tâm hồn đẹp đẽ đâu... Và càng ngày mình càng nhận thấy là mỗi người trên đời này đều có rất nhiều năng khiếu nhiều ít một cách khác nhau, có thể là bạn chưa nhận ra khả năng của chính bản thân bạn đó thôi...

Và ngoài những gì đã có trong tâm hồn bạn, bạn luôn cần học hỏi thêm, tự làm cho tâm hồn mình phong phú hơn thì sẽ truyền được cho con thôi...

Và bài viết này mình muốn chia sẻ với các cha mẹ ít năng khiếu như mình... Và cũng mong bạn nào có ý gì hay thì trao đổi thêm cho nhiều người cùng biết...

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: Positive Psychology Program)

1. Phát triển các giác quan của trẻ

Sức sáng tạo và đời sống tâm hồn của một đứa bé có nhiều phần phụ thuộc vào quá trình phát triển các giác quan của trẻ: nhìn, sờ mó, lắng nghe, mùi vị và cảm giác...

Vậy nên từ lúc con còn bé tý, bạn đã có thể rủ bé thổi hơi nhè nhẹ lên làn da của bé, rủ bé ngắm nhìn lá rụng mùa thu, rủ bé ngửi mùi đất bốc lên khi trời vừa mưa xuống, rủ bé sờ lên các chất liệu khác nhau để cảm nhận độ cứng, mềm,… cho bé ngửi một cái lá thơm được vò nát bằng các ngón tay, rủ bé nếm các loại rau quả, thức ăn, những mùi vị mà bé chưa biết đến bao giờ.

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: Sun Warrior)

Bạn có thể khuyến khích bé quan sát những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Không phải lúc nào cũng cần phải dẫn trẻ đi xem các tác phẩm nghệ thuật để phát triển các giác quan của trẻ, bạn chỉ cần hướng dẫn bé ngắm nhìn chăm chú thế giới xung quanh cũng đã thấy được bao nhiêu điều kỳ diệu rồi. Bạn khuyến khích bé ngắm nhìn thật gần những bông hoa, những màu sắc khác nhau của một khu vườn,… Khuyến khích bé phân biệt sự khác nhau của một đồ vật khi ánh sáng thay đổi. Khi phải chờ đợi lâu ở đâu đó, bạn có thể đưa cho bé một quyển sổ nhỏ và ít bút chì màu để bé có thể vẽ những gì bé thấy ở xung quanh và thế là thay vì phải buồn chán trong chờ đợi, bé đã có thể vẽ được một bức tranh.

Lớn lên chút, bạn rủ bé làm việc nhà cùng bạn, cho bé nấu ăn, nhào nặn bột, nặn bánh, nếm đồ ăn, tra thêm gia vị ... làm vườn, trồng cây...

Rồi bạn có thể dạy con tập thể dục, tập võ qua va chạm, tiếp xúc để có những cảm nhận cơ thể rõ ràng hơn. Ví dụ trong môn võ Vĩnh Xuân có mục tập linh giác qua mở mắt, nhắm mắt, tập di chuyển trong bóng tối hoặc khi nhắm mắt ... rất hay.

2. Giúp con hình thành, phát triển và thể hiện cảm xúc 

Bạn hãy luôn khuyến khích con mô tả những cảm xúc bằng lời. Trẻ em rất dễ thay đổi cảm xúc, trẻ có thể chuyển một cách dễ dàng từ cười sang khóc, từ sự dịu dàng dễ thương sang những cơn cáu giận ngập tràn. Và bạn hãy học cách nói với bé: “Bây giờ Bố/Mẹ muốn cảm nhận nỗi sợ của con/ sự cáu giận của con/ niềm vui của con/  mong muốn kêu la của con. Con có thể giải thích cho Bố/Mẹ những gì con cảm thấy bằng lời được không?”. Khi đó, sự bùng nổ, những cơn giận, những niềm vui, những cảm xúc dịu dàng yêu thương... của bé sẽ trở nên có ý nghĩa. Và sự thể hiện bản thân sẽ trở nên thú vị nếu những người xung quanh có thể hiểu được nó.

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: University of Surrey)

Chia sẻ cảm xúc khi đứng trước một vẻ đẹp của cuộc sống với con.  Bạn đừng ngần ngại chia sẻ với con bạn bằng cách cho trẻ cùng nghe những bài hát, những bản nhạc yêu thích của bạn, bạn có thể chọn một vài bài đơn giản phù hợp với lứa tuổi để dạy cho trẻ một cách nhẹ nhàng. Bạn có thể trò chuyện với trẻ về những bài hát và những bài thơ mà bạn yêu, những bức tranh khiến bạn xúc động.

Với trẻ nhỏ, bạn có thể bắt đầu bằng những cảm xúc đơn giản nhất như cho trẻ cùng ngửi mùi thơm của một loài hoa mà bạn cảm thấy thích.

Bạn hãy chỉ cho bé nhìn thấy những vẻ đẹp giản dị trong cuộc sống hàng ngày ví dụ trên đường dẫn con đến trường, bạn có thể chỉ cho bé: “Con có thấy rằng bầu trời hôm nay rất xanh không?”, “Con có nhìn thấy những cái lá xanh mướt óng ả dưới ánh mặt trời không?”. Cứ như vậy, dần dần, mỗi khi đi qua những nơi quen thuộc ấy, trẻ lại nhớ lại những cảm xúc đã trải qua cùng bạn để rồi tự suy nghĩ về những cảm xúc riêng của trẻ về một điều gì đó.

3. Tạo điều kiện cho trẻ phát triển các năng khiếu tự nhiên

Để biết được con bạn có những năng khiếu tự nhiên gì và những hoạt động nào thích hợp nhất với bé, bạn quan sát con bạn một cách kỹ lưỡng sau đó đưa ra các gợi ý cho bé.

Nếu con bạn thuộc về những đứa trẻ thích các vận động, bạn có thể gợi ý và tạo điều kiện cho bé được múa, được học kịch câm, thể dục mềm dẻo, nhào lộn,…

Nếu con bạn thích màu sắc, bạn cho bé được làm quen với màu nước, màu sáp, phấn màu, bột nặn, hoặc một cái máy ảnh,… Trẻ con ba tuổi là đã có thể chụp được những bức ảnh rất tuyệt rồi.

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: Kids U)

Nếu con bạn chú ý đặc biệt đến âm thanh, bài hát, đến các tiếng động từ đường phố như tiếng còi xe cứu hỏa chẳng hạn, bạn cho bé nghe những điệu nhạc và những bài hát khác nhau, đặc biệt là chơi với bé, ví dụ như gõ vào một cái nồi, một cái cốc hoặc đơn giản chỉ là những điệu vỗ tay.

Nếu con bạn thích cầm bút và sử dụng bút một cách khéo léo, bạn cho bé tập vẽ, điều này còn chuẩn bị rất tốt cho việc cầm bút viết ở tuổi đến trường.

Tóm lại là trẻ có thể lựa chọn bất cứ họat động nào, điều cốt yếu là trẻ phải cảm thấy thoải mái và thấy được giá trị của bản thân trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau để làm nảy nở và phát triển lòng tự tin của trẻ.

4. Phát triển trí tưởng tượng của trẻ qua các câu chuyện, qua đời sống hàng ngày.

Để giúp trẻ, bạn đừng bao giờ yêu cầu con: “Nào, con hãy làm cho mọi người cười đi, làm hề đi ! Hãy kể cho cả nhà nghe một câu chuyện tuyệt vời vào nhé!”. Tốt hơn cả là gợi cho trẻ vài ý tưởng nào đó. Ví dụ, bạn có thể nói với trẻ: “Nếu con gấu bông này của con mà biết nói thì nó sẽ muốn nói gì nhỉ?”  Hoặc “Nếu con mèo của  bác hàng xóm nhà mình mà biết nói thì nó sẽ nói gì nhỉ?”…

Khi cùng con  sáng tác ra một câu chuyện, bạn cố gắng hướng trẻ đến những gì thân thuộc với trẻ, ví dụ như bạn bè, trường học, bộ phim hoạt hình mà trẻ thích, những nhân vật trong  truyện mà trẻ yêu quý,  gia đình, những chuyện của cuộc sống hằng ngày như đi chợ với mẹ, đi dạo chơi hoặc chuẩn bị một bữa ăn,… Với những cơ sở sẵn có ban đầu như vậy, trẻ có thể dệt nên một câu chuyện nhỏ một cách dễ dàng.

(Ảnh: Schoolbag)

Tạo điều kiện cho trẻ bắt chước. Một đứa trẻ bé không mang sẵn trong mình “bản chất sáng tạo”, sự sáng tạo của trẻ được hình thành qua sự bắt chước, và bố mẹ thường là những người được trẻ bắt chước đầu tiên.

Để kích thích sự sáng tạo của con bạn, bạn có thể cho bé những ví dụ. Bạn có thể bắt đầu bằng việc vừa kể chuyện cho bé nghe vừa diễn lại các nhân vật theo các tình huống trong câu chuyện. Sau đó bạn cho bé học nhắc lại những câu nói theo tình huống, ví dụ khi cáu thì nói thế nào, nói dịu dàng thì thế nào, nói thầm thì thế nào…Khuyến khích bé đóng vai một nhân vật nào đó trong câu chuyện, sau đó lại đến lượt bạn đóng lại để cho bé xem để bé học dần cách thể hiện…

 Học cách kể chuyện, và cách biến tấu các câu chuyện ...

Bạn có thể cùng con biến tấu những câu chuyện cổ tích quen thuộc của bé bằng cách cùng bé thay đổi các nhân vật, các địa điểm của câu chuyện, ví dụ như con gấu trong chuyện sẽ được thay bằng con gấu bông của bé, khu rừng trong chuyện sẽ được thay bằng công viên,… Cùng lúc có thể thay đổi một số chỗ trong nội dung câu chuyện. Bạn cũng có thể kể cho bé nghe đoạn đầu của một câu chuyện mà bé đã biết, sau đó đề nghị bé kể nốt phần còn lại.

Hồi con mình còn nhỏ, một lần đi công viên chơi thì hai mẹ con gặp một chú chim sẻ nhỏ rất xinh xắn. Sau hôm đó, tối nào mình cũng kể cho con nghe về chú chim sẻ. Hai mẹ con cùng tưởng tượng ra xem hôm nay chim sẻ làm gì, đi học thế nào, chơi gì, vui hay buồn, gặp nguy hiểm gì, gặp niềm vui gì, vượt qua khó khăn như thế nào ? ... cứ thế thôi, mà có mỗi ngày một câu chuyện nhỏ xen kẽ với một số câu chuyện trong sách khác trong suốt gần cả năm trời.

Đến khi con lên lớp lớn hơn chút, tự biết đọc truyện đọc sách rồi thì tạm biệt sẻ con để đi tìm những câu chuyện có trong các cuốn sách của con, và lâu lâu vẫn trở về với em sẻ con yêu dấu...

5. Trò chơi hóa trang, đóng phim, đóng kịch...

Quần áo cũ, mũ, khăn, đồ trang sức đã lỗi mốt của bạn có thể trở thành những đồ hóa trang tuyệt vời cho trẻ trong những dịp này dịp khác, hoặc trong khi diễn lại các câu chuyện kể thường ngày. Để kích thích trẻ hứng thú sáng tạo, bạn có thể đặt các câu hỏi: “Mặc váy xong rồi thì bà hoàng hậu đi thế nào con nhỉ? bà ấy quay người thế nào hả con, giọng nói của bà ấy thế nào nhỉ?”… Dần dần, bạn sẽ hướng trẻ vào việc nhập vai, thoát ra khỏi con người quen thuộc của trẻ và sống trong thế giới tưởng tượng.

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: SheKnows)

Hồi con mình nhỏ, đóng kịch, hoá trang, chơi trò phân vai...là những thứ rất thường làm. Lớn lên chút, con rất thích tự viết kịch bản, đóng và quay phim này kia với các bạn. Mình đã từng có thời gian bỏ ra cả tháng để may bao nhiêu quần áo, đồ hoá trang cho con và nhóm bạn để chúng mặc khi đi quay phim..

Rồi dẫn cả bọn về nông thôn, lên rừng để chúng đóng phim trong rừng...rồi cùng nhau thưởng thức những đoạn phim ngắn mà bọn trẻ đã làm...

Vừa vui, vừa rất là yêu thương, ...

6. Cho trẻ tham gia một hoạt động nghệ thuật nào đó.

Chẳng cần phải là nhà soạn nhạc thiên tài Mozart hay hoạ sĩ vĩ đại Picasso, đứa trẻ nào cũng có ít nhất một ít tính nghệ sĩ tự nhiên. Vẽ, nặn, múa, đàn , kịch,… từ sớm sẽ mang lại cho trẻ sự thoải mái và đồng thời giúp trí tuệ phát triển.

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: Groupon)

Các bộ môn nghệ thuật giúp trẻ tự thể hiện cảm xúc, suy nghĩ,… của mình. Niềm vui hay nỗi buồn của con người có thể được thể hiện thành một điệu múa hay một bài hát. Khi vẽ một bức tranh rất đẹp bằng toàn màu đỏ, một đứa trẻ có thể đã tự thể hiện được ra ngoài một số ấm ức bị kìm chế nào đó...ví dụ thế.

Nhưng để tìm được đúng họat động làm trẻ thích thú, trước khi đăng ký cho trẻ vào một họat động nghệ thuật nào thì cũng nên cho trẻ thử trước một vài buổi.

7. Tạo sự thoải mái khi trẻ tham gia các hoạt động.

Để tránh sự nhàm chán và gò ép, bạn cố gắng chuyển các tập luyện thành trò chơi, ví dụ khi trẻ tập đàn piano, thay vì bắt trẻ tập đi tập lại theo cùng một kiểu, bạn có thể chỉ cho bé  vừa tập vừa tưởng tượng ra các kiểu ngón tay: Khi tay bằng cao su thì như thế nào, khi như cái máy khâu thì các nốt nhạc sẽ như thế nào, nếu tay mềm lỏng ra như nước thì nốt nhạc sẽ như thế nào,…

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: Pinterest)

Hoặc đọc thơ theo nhịp, hoặc cùng sáng tác một bài hát liên khúc để học từ.

Hoặc thay vì vẽ bằng bút lông, thỉnh thoảng trẻ có thể được vẽ bằng các ngón tay, bằng một miếng giẻ, bằng một củ khoai cắt đôi, bằng in hình lá.

Bạn luôn nhớ rằng điều quan trọng ở đây không phải là những tác phẩm đẹp đẽ, những bản nhạc được dạo một cách thành thạo. Những đòi hỏi về những tác phẩm hoàn hảo của người lớn có thể giết chết tính sáng tạo của trẻ, khi đó, thay vì thấy giá trị của mình được nâng cao, đứa trẻ sẽ cảm thấy khó chịu vì bị nhận xét, vì bị gò bó. Điều quan trọng ở đây là trẻ được tìm tòi, ham mê, được thoải mái vui vẻ, được thể hiện những gì đang diễn ra trong nội tâm trẻ và thu thập được kinh nghiệm sống với tâm hồn đẹp đẽ... 

8. Đọc sách, nghe nhạc, xem phim, đi dạo, đi chơi đây đó, làm quen với người này người kia.... đều là những cơ hội tốt để trẻ được sống với tâm hồn đẹp đẽ.

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: Finding joy in the everyday)

9. Bạn hãy cho con thời gian (dù ít thôi cũng vẫn là tốt) để thưởng thức cuộc sống, được sống thảnh thơi, được hưởng sự bình yên, được lặng lẽ ngắm nhìn cuộc sống ...

Khi con mình còn nhỏ, vẫn nhớ mãi những khoảng khắc thằng bé mải mê với bầy kiến, hay lặng lẽ tìm kiếm nhặt nhạnh những cái lá vàng, những cái que nhỏ để tự “xây" một ngôi nhà cho các em kiến vì sợ “đêm nay trời sẽ lạnh"... mình cứ ngồi đó chờ con suốt cả giờ, trong yên lặng, kiên nhẫn trước sự miệt mài của con để con có thể hưởng những giây phút bình yên, thưởng thức thiên nhiên một cách thảnh thơi...

Bác sĩ Việt làm việc lâu năm tại Pháp chia sẻ bí quyết dạy con sống với tâm hồn đẹp đẽ

(Ảnh: Laura Froyen)

Tóm lại, nói một cách ngắn gọn là bạn có thể mang lại cho con bạn rất nhiều từ những thứ tưởng chừng đơn giản nhất. Bạn cứ thử đi đừng ngại...  

Theo FB Nguyễn Thu Hằng


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 ASEAN Scholarship 2024

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab