Star Donation Challenge

Mẹ 2 con chia sẻ: rèn cho con tự học là một quá trình kéo dài đến vài năm.

10 Tháng Mười 2017 4340 lượt đọc

Gần đây có một số bạn hỏi mình về cách làm thế nào để cho con tự học. Các bạn ở lớp con gái (lớp 6) cũng hỏi chính bạn ấy là: "Làm thế nào mà cậu lại có hứng thú tìm hiểu trước bài và nghe giảng chăm chú như vậy". Vì thế, mình viết bài này để các bố mẹ tham khảo. Tự học, đó là một quá trình dài, cần sự kiên trì và hướng dẫn linh hoạt của bố mẹ.

Các giai đoạn để con tự học

Tập cho con tự học là một quá trình kéo dài đến vài năm. 

Giai đoạn 1: Biết phải đi học để lấy kiến thức.
Giai đoạn 2: Nắm được bài và cảm thấy hứng thú vì kiến thức mở ra cả vùng trời mới.
Giai đoạn 3: Háo hức tìm hiểu những điều liên quan đến những gì đã học và sắp học.

giúp con tự học

(Ảnh: Gazette)

1. Giai đoạn 1

  • Bắt đầu từ khi con còn nhỏ

Mỗi khi con được học một điều mới, mình luôn nhấn mạnh vai trò của việc biết đọc và việc học

Kiểu như “Con thích cái xe ô tô này không? Có biết các đặc điểm của nó không? Đây có một quyển sách nói về ô tô này. Mẹ biết đọc rồi mẹ sẽ đọc cho con về nó nhé! Sau này con sẽ tập đọc để tự tìm hiểu về ô tô nhé!”
Rồi “Con biết tại sao cái lá có màu xanh không? Sau này con sẽ được học để biết đấy. Học thích nhỉ - cho mình biết bao nhiêu là điều mới!”.

  • Từ 3 tuổi

Lúc này, mình bắt đầu dạy con khái niệm về tiền và giá trị đồng tiền, mình bắt đầu "nhồi" vào con: “Con có biết tại sao phải đi học không? Phải đi học để biết kiến thức rồi còn đi làm ra tiền nuôi chính mình. Nếu không đi học thì chỉ đi nhặt rác, kiếm được ít tiền lắm. Đi học có kiến thức sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.”

Nhờ các điều đó, các bạn nhà mình biết là mình ĐƯỢC ĐI HỌC, không là PHẢI ĐI HỌC. Các bạn ấy biết học để biết, học để sau này kiếm tiền, học để sau này kiếm tiền một cách bớt vất vả. Và học là phải biết đọc, rồi sau đó biết viết.

Mẹ Việt chia sẻ cách giúp con hứng thú và chủ động với việc học tập

(Ảnh: New Kids Center)

2. Giai đoạn 2

Khi con chính thức đi học, hàng tuần mẹ cầm sách và hỏi con về kiến thức con học được trong tuần. Với các môn tự nhiên, con cần nắm được khái niệm và cho ví dụ minh họa. Với các môn xã hội, con cần nắm được các ý chính của bài.

Để theo kịp kiến thức khi vào năm học thì tốt nhất là các bạn nên nhận biết toàn bộ mặt chữ cái, chữ số, biết đếm xuôi đếm ngược trong phạm vi từ 0 đến 10. Nếu các bạn biết ghép vần, giỏi hơn nữa là biết đọc thì càng tốt. Việc biết trước này để dồn thời gian còn lại cho bạn tập viết.

Để phục vụ cho các bạn tập viết hiệu quả, mẹ nên chú ý tư thế ngồi và cách cầm bút đúng của bạn cho các bài tô màu từ hồi con 2 đến 3 tuổi. Nói thêm là bố mẹ nên nói rõ với con khi con bắt đầu đi học là “Con đi học thì con phải có nghĩa vụ nghe cô giảng trong giờ học và làm theo các yêu cầu của cô, làm bài tập cô giao đầy đủ. Nếu con không nghe giảng và không làm đầy đủ bài tập thì con không đủ điều kiện để được đi học, con sẽ phải ở nhà và đi làm để kiếm tiền nuôi bản thân mình.”

Sau đó, ngoài hàng tuần ôn kiến thức, hàng ngày bố mẹ chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng rằng: “Con đã làm đủ bài cô giao chưa? Nếu chưa thì đi làm đi.” Chứ không cần can thiệp quá sâu để giúp con làm toán hay tập viết. Bài nào con không hiểu, bố mẹ chỉ gợi ý miệng, tránh tình trạng con ỷ lại vào bố mẹ, thiếu chủ động trong học tập. Nếu quá khó, yêu cầu con đến lớp tự hỏi cô.

Mẹ Việt chia sẻ cách giúp con hứng thú và chủ động với việc học tập

(Ảnh: Pkolino)

Nếu con đã tự làm toàn bộ bài cô giao trên lớp, thời gian trống buổi tối, bố mẹ có thể cho con đọc truyện phù hợp để nâng cao đọc, tập viết theo một quyển luyện viết đúng chuẩn của chương trình học trên lớp, nhẩm toán đố với những trò chơi với con, học thêm tiếng Anh.

Lúc con viết, chú ý tư thế ngồi đúng (không gù lưng, gục cổ, mắt cách xa vở, ánh sáng đầy đủ - không lóa), cách cầm bút đúng, uốn con bằng miệng về viết đúng dòng kẻ, viết đúng chiều rộng chữ mẫu. Bố hoặc mẹ có thể luyện viết chữ đẹp cùng con bằng cách mua một quyển luyện chữ tương tự và viết đua với con để con có bạn, tăng sự hứng thú luyện viết.

  • Với các bạn lớp 2

Lúc này các bạn đã chuyển sang viết chữ nhỏ và viết chính tả. Việc luyện viết vẫn nên duy trì ở giai đoạn này với một quyển luyện viết phù hợp. Nhà mình luyện theo quyển “Vở thực hành luyện viết chữ đẹp – Kiểu chữ đứng” của Đặng Thị Trà do NXB ĐHSP phát hành.

Hàng tuần, nếu có thời gian, bố mẹ vẫn nên kiểm tra kiến thức tuần của con. Chính việc kiểm tra kiến thức tuần này giúp con nắm được bài, con sẽ mạnh dạn phát biểu trên lớp, được cô khen, con sẽ càng hứng thú học tốt hơn.

Giai đoạn này bố mẹ chú trọng cho con đọc truyện hàng ngày, truyện nên có số lượng chữ phù hợp và nội dung không quá phức tạp để con hiểu. Đặc biệt chú ý yêu cầu con kể lại truyện sau khi đọc xong để con hình thành cách tóm lược nội dung của những gì đã đọc.

Ngoài ra, bắt đầu khuyến khích con viết những đoạn văn ngắn về những sự việc, mô tả đồ vật, mô tả người, con vật quanh con. Bước này là bước chập chững làm văn. Về tiếng Anh, tùy trình độ để tiếp tục duy trì.

Mẹ Việt chia sẻ cách giúp con hứng thú và chủ động với việc học tập

(Ảnh: Notey)

  • Với các bạn lớp 3, lớp 4

Việc đọc, tóm tắt nội dung đã đọc, viết các đoạn văn dài là việc cần duy trì hàng ngày hoặc vài lần/ tuần. Tiếng Anh cũng nâng cao dần theo một chương trình học phù hợp, nghe các bài hát phù hợp, xem các truyện tiếng Anh phù hợp.

3. Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 này thường áp dụng cho các bạn ít nhất từ lớp 3 trở lên, thông thường phải là lớp 4 mới phù hợp. Lúc này, các bạn đã đọc tốt, có thể tự tìm sách phù hợp với trình độ đọc, phù hợp sở thích để đọc. Việc tóm tắt nội dung vẫn nên duy trì. Việc viết văn cũng cần duy trì hàng ngày hoặc vài lần/ tuần.

Các bạn đã vào guồng nắm tốt bài học trên lớp. Bố mẹ cần khuyến khích con tự tìm hiểu trước bài học, và tìm hiểu thêm về các kiến thức đã học thông qua mạng Internet hoặc sách báo.

Lúc này, bố mẹ có thể để con tự học hoàn toàn. Nhắc nhở con không quan trọng điểm số mà quan trọng là kiến thức con thu được. Nếu một môn học con thu được điểm cao thì chứng tỏ con đã nắm tốt kiến thức về môn học đó. Nếu ngược lại, con bị điểm thấp thì chứng tỏ con chưa hiểu về phần học đó. Con cần ôn lại cẩn thận để nắm bài tốt hơn.

4. Kết luận

Việc rèn con tự học cần sự kiên trì và linh hoạt của bố mẹ. Một phương pháp dạy con có hiệu quả hay không cần áp dụng từ 1 tuần đến 4 tuần và lặp đi lặp lại ít nhất 5 lần/ tuần. Nếu sau khoảng thời gian áp dụng mà con không tiến bộ, hoặc không hợp tác, bố mẹ cần thay đổi phương pháp phù hợp với con.

Việc thưởng phạt cũng phải thay đổi linh hoạt để có tác dụng thúc đẩy con nhiệt tình hơn với những bài học mà con không thích. Tốt nhất nên CẤM TUYỆT ĐỐI TIVI VÀ MÁY TÍNH, dùng tivi và máy tính làm phần thưởng cho con khoảng 30’ mỗi ngày sau khi con hoàn thành bài học là hiệu quả nhất.

Ghi nhớ nguyên tắc "Học và chơi cùng con". Việc bố mẹ đóng vai trò như một người bạn để học cùng con hoặc chơi cùng con cũng rất hiệu quả.

Khi con biết tự học, bố mẹ có thể thở phào sung sướng, để con tự phát triển trong chân trời kiến thức cực kỳ lớn lao. Và con sẽ nhanh chóng tìm ra con đường con muốn đi trong tương lai.

Chúc các bố mẹ thành công!

Theo bài viết chia sẻ trên FB Quỳnh Hương.

Mẹ Quỳnh Hương cùng đã từng chia sẻ trong Con Tự Học Offline#3 về việc rèn con đọc và viết


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

Khóa HD ôn thi vào 10

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab