Đừng xem thường những lỗi nhỏ nhặt
Nhiều phụ huynh hay ca thán về việc con cái thường không cẩn thận trong học tập cũng như các công việc hàng ngày. Chị Lan Anh khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) rất không vừa lòng về việc cậu con trai lớn năm nay đã lên lớp 8 xong làm việc gì cũng chỉ làm quấy quá cho xong.
Mỗi lần vào phòng của con, chị đều phải mất tới 30 phút để thu dọn lại cho ngăn nắp. Sách vở quần áo bày la liệt, thậm chí vỏ bánh ăn xong cậu cũng để y nguyên một góc… Mẹ có nhắc nhở quát mắng lại chống chế “con để sách vở như vậy cho dễ tìm”. Nhiều khi chị tự nghĩ có lẽ lớn hơn một vài tuổi nữa con trai sẽ có ý thức hơn về việc phải gọn gàng ngăn nắp.
Tuy nhiên điều mà chị lo ngại hơn là chính sự cẩu thả của con lại rất ảnh hưởng tới kết quả học tập. Mỗi khi trao đổi về việc học tập của con, cô giáo chủ nhiệm lớp đều nhận xét:
“Con trai chị khá thông minh và nhanh nhẹn, tuy nhiên cháu hay hấp tấp, nên mỗi khi giáo viên cho làm bài kiểm tra, kết quả bài làm thường không đạt điểm cao. Thậm chí trong bài làm cháu hay gạch xóa. Các cô giáo đều nhắc nhở về điều này song sự chuyển biến của cháu còn chậm”.
Có thể nhận thấy đa số trẻ cẩu thả thường ham chơi là do không tập trung chú ý, không nghiêm túc trong học tập nên thường làm với thái độ qua loa, đại khái... Trẻ ngồi học nhưng đầu lại nghĩ tới việc chơi nên làm thật nhanh, không kiểm tra cẩn thận và chưa có ý thức về hậu quả của nó.
Tuy nhiên khi phát hiện ra điều này cha mẹ cần có biện pháp giáo dục để giúp con thay đổi tính cách. Bởi trẻ có cẩn thận, ngắn nắp thì mới có thể có kết quả cao trong học tập cũng như các công việc sau này.
Không làm thay cho con
Điều mà bà Trần Thị Hiền, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam khuyên các phụ huynh trong trường hợp này đó là: Cha mẹ tuyệt đối không được làm thay con. Ngay từ nhỏ gia đình nên dạy trẻ biết tự phục vụ những sinh hoạt của bản thân, đồ chơi mà trẻ chơi xong phải tự mình xếp lại gọn gàng.
Đến tuổi bắt đầu đi học, phụ huynh cần theo sát để uốn nắn nền nếp cho con. Kiên trì dạy con từ nhỏ sẽ giúp chúng hình thành thói quen ngăn nắp, biết sắp xếp mọi công việc hay học tập của bản thân.
Đặc biệt trong việc học tập, bố mẹ nên định hướng con cần thực hiện theo các yêu cầu của thầy cô giáo. Rèn trẻ có ý thức phải suy nghĩ kỹ trước khi bắt tay vào làm bài tập chứ tuyệt đối bố mẹ không nên gợi ý ngay khi con kêu khó.
Sau khi trẻ làm bài xong, cha mẹ nhắc trẻ cần kiểm tra cẩn thận. Đồng thời, kiên quyết bắt trẻ làm lại các bài sai hoặc viết ẩu bằng cách ghi lại những lỗi sai, cùng trẻ phân tích nguyên nhân sai và tìm ra phương pháp giải đúng.
Cách làm này giúp trẻ nhận thức được sự nguy hại của tính cẩu thả và tăng cường tinh thần tự giác để sửa chữa tính cẩu thả của mình, tạo thói quen tốt trong học tập.
Đối với những trẻ lớn hơn việc rèn sự ngăn nắp cẩn thận lại càng phải kiên trì. Bố mẹ có thể gợi ý cho các con lên kế hoạch học tập và làm việc trong mỗi tuần.
Song điều quan trọng nhất là người lớn phải quan sát cách con thực hiện thời khóa biểu ấy như thế nào. Ngoại việc nghiêm khắc nhắc nhở thậm chí có những hình phạt phù hợp (liên quan tới sở thích của trẻ), thì cha mẹ nên có sự động viên kịp thời khi con biết thay đổi thói quen không tốt này.
Đặc biệt theo dõi sự tiến bộ của con khi con biết thay đổi việc học tập và làm việc một cách khoa học. Những kết quả tích cực của bản thân sẽ giúp trẻ có động lực để vươn lên.