Star Donation Challenge

VỀ VIỆC HỌC TIẾNG ANH Ở TUỔI DƯỚI 6 - CŨNG NHƯ TẠI SAO MẮC "LỖI"?

11 Tháng Năm 2017 3620 lượt đọc

Hôm nay một mẹ nói chuyện với mình, hỏi rằng tại sao có bé hoàn toàn được tiếp xúc với nguồn âm thanh “chuẩn” mà phát âm vẫn bị sai? Lại có mẹ khác hỏi mình rằng tại sao ngày trước cháu phát âm tốt lắm mà càng ngày càng bị “thui chột” đi? Dĩ nhiên có nhiều thứ trong thắc mắc của các mẹ có phần hơi quá khi nhận xét các cháu, nhưng có một số thứ nhất định các mẹ cần chú ý:

1, Một đứa trẻ Việt Nam học tiếng Anh trong môi trường giả lập (video, đi học, cha/mẹ nói tiếng Anh một thời gian nhất định trong ngày...) luôn luôn bị hạn chế về điều kiện tiếp xúc ngôn ngữ. Thử phân tích tiếng mẹ đẻ của chúng ta sẽ rõ tại sao lại có việc này.

Nói một cách đơn giản, để một người Việt phát âm thuần Việt, một ngày của cháu có tầm 12 tiếng tối thiểu thiếp xúc với tiếng Việt trong đó đa phần thời gian là trao đổi qua lại từ hai hay nhiều phía. Lấy thời gian đó nhân lên với 7 ngày một tuần, 4 tuần một tháng, 12 tháng trong một năm thì các mẹ hình dung khoảng thời gian tiếp xúc ngôn ngữ THỰC của con với tiếng Việt là bao nhiêu? Chừng ấy thời gian SỬ DỤNG ngôn ngữ, ĐIỀU CHỈNH ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp mà âm thanh không hoàn chỉnh mới lạ! Ấy thế mà các con thường phải mất 4 năm đầu để hoàn thiện tiếng mẹ đẻ - do có quá nhiều yếu tố liên quan tới việc phát triển ngôn ngữ này (tìm cách điều chỉnh sự vận hành của hệ thống cấu âm, làm giàu vốn từ vựng... – tất cả diễn ra một cách bản năng). Nghĩa là các con cần bao nhiêu giờ để hoàn thiện được ngôn ngữ?!

Chính vì mọi thứ liên quan tới học tập của các con trong giai đoạn này là BẢN NĂNG, nên NGUỒN TIẾP XÚC là điều tối quan trọng. Thế nên muốn con nói tiếng Anh như người bản xứ, dễ nhất là mang con ra nước ngoài ở vài năm, cha mẹ chả cần làm gì, về nhà con cũng vẫn “bắn” vèo vèo VỀ VIỆC HỌC TIẾNG ANH Ở TUỔI DƯỚI 6 - CŨNG NHƯ TẠI SAO MẮC .

Trong khi ở mình, một đứa trẻ nhỏ hơn 6 tuổi học tiếng Anh mà môi trường chỉ đơn giản là NGHE audio, thiếu hẳn TƯƠNG TÁC trong đó có sự ĐIỀU CHỈNH qua lại để hoàn thiện (ví dụ: bạn nhỏ phát âm một từ sai – người nghe không hiểu --> hỏi lại --> bạn nhỏ hiểu ra: à phải nói lại kiểu khác thì người ta mới hiểu --> bạn nhỏ tự sửa lại...), thì các mẹ ĐỪNG KỲ VỌNG quá vào năng lực nói tiếng Anh CHUẨN XÁC cũng như càng không nên quá tin tưởng vào khả năng SỬ DỤNG được tiếng Anh của con.
Để giải quyết được việc đó, buộc lòng cha mẹ phải tạo MÔI TRƯỜNG TƯƠNG TÁC cho con, trong đó cha mẹ PHẢI nói chuyện với con bằng tiếng Anh nếu thời gian con ở với cha mẹ là nhiều nhất – hoặc THẦY/CÔ phải nói tiếng Anh trong suốt thời gian con đi học ở trường. Thiếu một trong hai điều kiện này, việc “dạy” tiếng cho các cháu dưới 5-6 tuổi là một việc chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót.

2, Khi trẻ học ngôn ngữ một cách BẢN NĂNG thì điều tối quan trọng là phải duy trì và nuôi dưỡng NGUỒN CUNG ngôn ngữ cho các cháu cho đến khi các cháu hoàn toàn có ý thức về việc HỌC ngôn ngữ ấy – nếu không, chắc chắn sẽ “quên”. Mọi người tính toán sẽ thấy, nếu so với một đứa trẻ bản ngữ 4 tuổi, một đứa trẻ Việt Nam được học tiếng Anh vài tiếng mỗi ngày kể từ khi sinh ra tính cho tới thời điểm đi học là 6 tuổi, các cháu vẫn còn thiếu rất rất nhiều giờ để hoàn thiện ngôn ngữ của mình. Chưa kể, đó là mới so với ngôn ngữ của đứa trẻ 4 tuổi chứ không phải các bạn cùng trang lứa. Như vậy nếu nguồn tiếng của bạn nhỏ về sau bị giảm đi do điều kiện khách quan (tham gia vào hệ thống trường công, kết bạn và đi học với bạn bè và giáo viên người Việt...) thì chắc chắn tiếng Anh sẽ bị ảnh hưởng. Và lúc này, tiếng nào có nhiều thời gian tiếp xúc hơn sẽ chiếm vị trí ưu tiên, và khi tiếng Anh không đủ “mạnh” thì việc “quên” là điều khó tránh khỏi. Và trên thực tế, có rất nhiều câu chuyện liên quan tới việc bé “học” tiếng mà lớn quên hết (vì không dùng mấy); đặc biệt là cách dạy tiếng Anh như hiện nay ở trường phổ thông – các cháu không “quên” mới là chuyện lạ!

Vì vậy, các mẹ có thể thấy rõ tại sao có những hiện tượng như ban đầu một số mẹ đã hỏi mình.

3, Vậy các con “học” như thế nào để không “quên”?
- Các con phải học đủ số giờ nhất định mới không “quên” tiếng – “đủ” ở đây là đủ cho quá trình SỬ DỤNG tiếng chứ không phải nghe một chiều.

- Các con phải HIỂU được lý do vì sao dùng thế này hay thế khác (như trẻ con thắc mắc ngôn ngữ trong tiếng Việt)

- Các con phải CHỦ ĐỘNG nghĩ và điều chỉnh ngôn ngữ của mình (học có Ý THỨC)

Có nghĩa rằng khi các con chưa có Ý THỨC về cái ngôn ngữ mình nói (không ai chỉ cho chính xác thế nào là “đúng”, thế nào là “chưa đúng”), thì việc dùng sai nó là việc BÌNH THƯỜNG. Điều này đúng trong mọi trường hợp (kể cả rất nhiều bạn được phụ huynh cho học tiếng từ bé xíu mà mình được xem videos trên này – chỉ không đúng với các bạn ở nước ngoài một thời gian do các bạn kia đã đủ điều kiện về mặt thời gian tiếp xúc), và điều này cũng giải thích lý do vì sao các bạn nhỏ cấp 1 khi tư duy phân tích chưa tốt sẽ thường xuyên mắc lỗi ngữ pháp khi nói và viết – cho đến khi bị các cô “cáu” mà cho làm bài tập đủ kiểu, cắt hết thời gian luyện tập nghe nói... chỉ tập trung vào ngữ pháp hihi.

Việc tương tự xảy ra với việc học phát âm của các cháu. Các bạn tuổi cấp 1 có rất nhiều thuận lợi ở năng lực bắt chước âm thanh, nhưng nếu các cháu không được ai CHỈ ra cho cần chú ý ở đâu + các cháu không Ý THỨC được rằng mình cần PHẢI sửa = có học sớm cũng vẫn sai như thường. Tuy nhiên, việc sửa này nếu diễn ra ở nhà thì còn đỡ, nhưng nếu phải tiến hành ở lớp thì chắc chắn sẽ giảm thời lượng đáng kể của buổi học, đồng nghĩa với cơ hội luyện tập và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác bị giảm xuống. Đó là lý do những lớp dạy phát âm thường không phải lớp giúp các con nói được, và có học xong nó thì cũng chỉ cải thiện phần nào được cái “vỏ” của ngôn ngữ chứ không có nghĩa là sẽ “giỏi” hơn!

4, Tất cả những điều đó có nghĩa là gì?

a. Việc dạy và học tiếng cho các bạn nhỏ dưới 6 tuổi ở Việt Nam không phải là một việc đơn giản nếu thiếu các điều kiện cho nó. Trong giai đoạn học tự nhiên/không ý thức, phụ huynh cần chú ý tạo ra các MÔI TRƯỜNG giao tiếp để các cháu HIỂU được từ đó xây dựng Ý THỨC sử dụng ngôn ngữ. Đồng thời, chính phụ huynh hoặc thầy cô giáo phải luôn đi sát để HƯỚNG DẪN các cháu NHẬN DIỆN những điểm cần chú ý trong quá trình học, nếu không, tuỳ vào mặt nhận thức/độ “tinh” ngôn ngữ mà có cháu chỉ đạt được cái “vỏ”, còn có cháu sẽ thực sự “ngấm”.

Nếu xác định dạy kiểu tự nhiên này thì luôn phải xác định việc xây dựng môi trường LUÔN LUÔN cho con cho tới khi con hoàn toàn có ý thức về việc ĐIỀU CHỈNH ngôn ngữ của mình. Nói thế là bởi có rất nhiều bạn do học không có ý thức nên dù học đã lâu nhưng mở miệng ra vẫn bị “sai” về mặt ngôn ngữ (theo tiêu chuẩn so sánh với native speakers VỀ VIỆC HỌC TIẾNG ANH Ở TUỔI DƯỚI 6 - CŨNG NHƯ TẠI SAO MẮC :D). Cái khả năng “điều chỉnh” này cực kỳ quan trọng vì sau này khi chuyển từ giai đoạn informal language (ngôn ngữ đời sống) sang academic language (ngôn ngữ học thuật), độ chính xác khi sử dụng ngôn ngữ được đề cao RẤT NHIỀU. (Nói thêm: đây cũng là lợi thế của các bạn học trường công Việt Nam khi suốt ngày bị gò ép về mặt “accuracy” nên tuy nghe/nói thì chả làm được nhưng dùng ngữ pháp cho tiếng Anh học thuật thì cực kỳ tốt).

b. Điều đó cũng có nghĩa rằng những bạn học tiếng Anh khi bắt đầu có Ý THỨC và CHỦ ĐỘNG với nó chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với những bạn thiếu hai yếu tố này. Hiện nay những phụ huynh dạy con từ khi con mới sinh bằng cách nói chuyện tiếng Anh với con, hoặc các phụ huynh cố tình nói chuyện tiếng Anh với con và gạt tiếng Việt hoàn toàn sang bên đang thực hiện cách làm ÁP ĐẶT cho con cái, buộc các cháu phải theo chứ không phải tôn trọng ý nguyện của cháu. Điều đó có nghĩa rằng việc học của các cháu lúc này hoàn toàn THUẬN theo MÔI TRƯỜNG, và việc các cháu tiếp thu được bao nhiêu % từ cái môi trường đó để nắm vững cái ngôn ngữ các cháu đang bị buộc phải học hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực TỰ NHIÊN của mỗi cháu với ngôn ngữ (và cái này là KHÁC nhau!)

Ngược lại, những bạn CHỦ ĐỘNG học nó, dù ở bất cứ tuổi nào, cũng dễ dàng đạt được kết quả tốt. Vậy như thế nào là chủ động?

- Tỏ ra thích thú với việc “học”, tự giác nghe – nhắc lại – hỏi lại...

- Tỏ ra hào hứng nhắc lại ngôn ngữ ở mọi lúc mọi nơi

- Tỏ ra chú ý khi cha/mẹ/thầy/cô hướng dẫn/sửa cho lỗi sai

....

Tóm lại, khi có những biểu hiện như trên thì dù cháu có 3 tuổi hay 12 tuổi (sắp quá tuổi dậy thì), chỉ cần học một thời gian thì chắc chắn sẽ vượt xa những bạn cùng thời gian đó mà học một cách bị động. Và khi con bạn có biểu hiện như thế, chắc chắn rằng cháu phù hợp để học tiếng – chứ không phải theo bất cứ một “mốc” nào người ta bảo cả!

P/s: Nếu mọi người có chú ý theo dõi livestream của mình về lớp đang học debate, sẽ thấy có một số bạn nữ rất khá. Các bạn này ĐỀU học tiếng tương đối muộn, và bạn nhỏ nhất nói tiếng Anh tốt + KHÔNG SAI NGỮ PHÁP chút nào bắt đầu học tiếng từ lớp 2, và môi trường chính của bạn ấy là trường công Việt Nam. Điểm đặc biệt là bạn ấy hoàn toàn chủ động điều chỉnh ngôn ngữ của mình vì thế mà khó có thể chỉnh sửa được cái gì liên quan tới phát âm lẫn ngữ pháp! Đó là một trong số rất nhiều ví dụ về việc học có Ý THỨC.

Nguồn: FB cô Nguyễn Thanh Thuý


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

Khóa HD ôn thi vào 10

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab