Trẻ mầm non nên được học ngoại ngữ theo cách nào?

20 Tháng Mười Một 2017 4207 lượt đọc

Cách học và điều kiện cho ngôn ngữ thứ hai ở tuổi mầm non

Theo Jayne Moon (2000), một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục trẻ nhỏ hiện đang giảng dạy ở Đại học Leeds, bản chất cách học của trẻ nhỏ rất khác với người lớn, cũng như yếu tố cảm xúc ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động học tập của các em.

Cách tiếp cận học tập này sẽ bao gồm những cơ hội để: bộc lộ sự sáng tạo thử nghiệm ngôn ngữ của các em, chỉ tập trung vào thông điệp chứ không phải vỏ ngôn ngữ, sử dụng các cụm từ lặp lại, được vui vẻ trong lớp, tham gia vào hoạt động học tập bằng các giác quan khác nhau, và được cảm thấy thoải mái tự nhiên trong lớp.

Từ những nhu cầu này, bà đã chỉ ra những điều kiện cơ bản cần có để tạo môi trường lý tưởng cho việc học ngoại ngữ của trẻ:

  • Tạo ra nhu cầu và mong muốn thực sự với việc học tiếng Anh.
  • Dành đủ thời gian cho tiếng Anh.
  • Tạo đủ cơ hội cho các em tiếp xúc với nguồn tiếng với mục đích. giao tiếp đa dạng và phong phú
  • Tạo điều kiện cho các em thử nghiệm với ngôn ngữ mới.
  • Tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động thực hành và sử dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh khác nhau.
  • Nhận xét cho các em.
  • Giúp trẻ nhận diện những cấu trúc ngầm của ngôn ngữ các em đang học.

Trẻ mầm non nên được học ngoại ngữ như thế nào?

(Ảnh: Vancouver Sun)

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng, với trẻ càng nhỏ thì càng cần chú ý tới nội dung thay vì buộc trẻ tập trung vào hình thức ngôn ngữ (chữ viết, âm thanh...), cũng như các vấn đề về đúng/sai hay cấu trúc nên dành lại sau.

Cụ thể là: “Trẻ em làm vậy (đoán nghĩa thông qua ngữ cảnh) dựa trên kiến thức của bản thân về cuộc sống thường ngày và những dấu hiệu có được thông qua những tình huống thực, hoặc qua tranh ảnh.... Các em luận nghĩa trước và có xu hướng không chú tâm tới những từ ngữ đã được sử dụng để diễn đạt ý đang nói.

Khi các em lớn dần lên, các em mới bắt đầu quan tâm hơn tới từ ngữ. Năng lực tìm nghĩa này rất hữu dụng với trẻ nhỏ bởi nó giúp các em hiểu được chuyện gì đang diễn ra trong một tình huống, như trong một câu chuyện, một đoạn video, một cuộc hội thoại, và điều này sau đó giúp các em gắn được nghĩa chuyển tải vào từ ngữ đã sử dụng.

Việc dùng các trò chơi có tính giao tiếp, kịch, làm dự án, kể chuyện, cũng như các hoạt động thực tế trong giảng dạy, tất thảy đều cho phép trẻ sử dụng năng lực này để truy tìm nghĩa. Tuy nhiên, giáo viên đầu tiên cần phải có phản hồi giúp xây dựng bản năng tìm nghĩa tự nhiên này ở trẻ, chứ không phải phớt lờ nó đi. Việc dùng ngôn ngữ chính xác, dĩ nhiên, cũng quan trọng nhưng có thể xử lý sau khi trẻ đã quen thuộc với ngôn từ ở mặt nghĩa.

 

Xây dựng chương trình với nội dung phù hợp

Việc xây dựng nội dung chương trình cho khối trẻ mầm non có định hướng tương đối mở, trong đó mục tiêu là làm quen ngôn ngữ, xây dựng ý thức và động cơ cho việc học tập, cũng như góp phần chuẩn bị các em cho quá trình học tập ở bậc cao hơn. Điều này kết hợp với cơ chế học tập tự nhiên của trẻ. Cơ chế này tập trung vào phát triển nhận thức của bản thân về thế giới xung quanh và thông qua đó, tự nhiên lĩnh hội ngôn ngữ.

Như đã phân tích ở phần trước, có thể thấy mô hình dạy ngoại ngữ đơn thuần không hiệu quả và hữu ích bằng việc dạy ngoại ngữ như công cụ để tiếp cận kiến thức - vốn có sức thu hút với các em hơn.

Tuy nhiên, như nhận định của Pinter (2011), cách tiếp cận này hoặc chỉ có ý nghĩa tức thời hoặc sẽ mang lại thay đổi đáng kể cho tương lai, tất cả phụ thuộc vào cách xây dựng chương trình cho nó. Nếu độ thống nhất trong nội dung chương trình đạt ở mức cao, nó sẽ trở thành một chương trình dạy dựa theo chủ đề (Content-based Instruction hoặc theme-based).

Derrick (1977) chỉ ra một nguyên tắc chính khi xây dựng chương trình là tổng hợp một loạt các đơn vị ngôn ngữ (language items) được dùng lặp đi lặp lại có liên quan tới các hoạt động của trẻ ở phạm vi trong và ngoài nhà trường.

Theo đó, trẻ em học cách sử dụng tiếng Anh ở nhiều tình huống và với nhiều chức năng hơn trong cuộc sống thực. Cách tiếp cận này, theo Candlin và Derrick (1973) sẽ đòi hỏi người giáo viên phải thấu hiểu những nhu cầu cụ thể của trẻ và chủ động kết nối với những nhu cầu tự nhiên khác xuất hiện trong quá trình học. Tuy vậy, kết quả lại có ý nghĩa hơn rất nhiều so với chỉ dạy tiếng Anh đơn thuần theo những nội dung tách biệt với cuộc sống.

Tóm lại, việc xây dựng chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non nhìn trên bề mặt có thể thấy, cần chú ý rất nhiều tới môi trường tương tác của các em, nhu cầu học tập và xây dựng nội dung nhằm phát triển những năng lực bên trong, làm tiền đề tốt cho cả quá trình học tập lâu dài sau này. Chương trình đó cần được đầu tư xây dựng sao cho mang những nội dung kết nối xuyên suốt, vừa gắn với đời sống hàng ngày vừa có mục đích thúc đẩy các kỹ năng sẵn có theo độ tuổi.

Theo FB Nguyễn Thanh Thuý


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab