Năm 1797, những nông dân ở làng Aveyron (Pháp) phát hiện một đứa bé trần truồng đang ẩn náu trong rừng. Nó có vẻ sợ hãi, lủi trốn ngay, vừa chạy vừa rú lên những tiếng hú kỳ lạ, nhưng rõ ràng đó là tiếng hú của con người. Sau vài tháng, những người đốn củi đã bắt được “đứa bé rừng xanh” đem về làng tắm rửa và nuôi nấng nó, nhưng lợi dụng sơ hở nó lại xổng vào rừng.
Ngày mồng 8 tháng 1 năm 1880, trong một ngày mùa đông rét buốt xương, không hiểu sao đứa bé lại trở về, nấp trong nhà một người thợ nhuộm của làng Saint-Sernin. Người ta đưa nó vào một trại nuôi các em mồ côi. Các thầy giáo, các chuyên viên giáo dục cố gắng hết sức tập cho nó nói, nhưng vô ích, nó không mở miệng nói được từ nào, chỉ biết gầm gừ như chó, thỉnh thoảng hú lên nghe ghê rợn.
Tu viện trưởng Sicard, Hiệu trưởng trường dành cho các em câm điếc, quyết định đưa nó về thủ đô Paris để các bác sĩ, các nhà chuyên môn có biện pháp dạy cho nó nói, học, sống như một đứa bé bình thường. Nhưng cũng lại vô ích.
Theo họ, đứa bé rừng xanh này “ngu dốt bẩm sinh, không thể chữa được”, do đó bố mẹ nó bỏ nó trong rừng, mặc cho nó sống với thiên nhiên, như một con thú hoang. Lời chẩn đoán này do chuyên viên về giáo dục đặc biệt - bác sĩ Pinel kết luận, sau những thử nghiêm tỉ mỉ, kỹ càng rất công phu.
Jean-Marc Itard lúc đó mới 25 tuổi, chưa có luận án về y khoa, nhưng cũng xin dạy ở viện về người điếc và người mù. (Institut des sourds-muets). Ông quan tâm ngay đến trường hợp của “chú bé rừng xanh” mà từ nay có tên là Victor.
Ông ghi nhớ tiếng gầm gừ mà nó hay thốt ra nhất và những tiếng gầm gừ khi nó ăn, uống, chạy trốn khi có người đến gần, khi cho nó một quả táo, một mẩu bánh mì, khi bó tay nó lại để thay quần áo cho nó…
Itard là đồ đệ của Locke và Condillac. Hai tên tuổi này là những nhà triết học, cho rằng tất cả kiến thức con người là do sự tích lũy kinh nghiệm mà có, không phải do trời phú. Ngôn ngữ cũng vậy, nó là công cụ của con người dùng để tiếp xúc nhau, hiểu nhau.
Do đó giáo dục có một quyền uy rất đặc biệt như nhà triết học duy vật Helvétius đã nói: “Nó có thể làm cho con gấu nhảy múa, khỉ đạp xe đạp vòng quanh sân khấu, voi đá banh…., những màn diễn thông thường của các gánh xiếc”. Itard muốn, nhân dịp có mặt của “đứa bé rừng xanh”, chứng minh một cách cụ thể luận điểm đó của Helvétius.
Ông đề nghị giao “đứa bé rừng xanh” cho ông để ông huấn luyện, giáo dục, làm sao cho đứa bé có được một của cải quý giá nhất của loài người mà Đức Chúa Trời đã ban cho, là ngôn ngữ.
Ông thực hành những nguyên tắc sư phạm rất chính xác: Thử gợi lại những kinh nghiệm mà đứa bé có được khi nó còn ở trong rừng, đồng thời từ từ đưa vào trong đầu nó những khái niệm về nhu cầu mới mà tự nó cũng muốn có, kích thích sao cho nó bật ra những phản ứng sẽ dẫn nó đến sự suy nghĩ; tạo ra những tình huống mà do nhu cầu bức xúc nó bật ra tiếng của người, không phải tiếng hú hoang dại.
Nhiều tháng trôi qua, với sự giúp đỡ của bà Hiệu trưởng Guéri, Itard kiên nhẫn “bám” đối tượng của mình, theo dõi kỹ sự tiến bộ của Victor. Ông có những sáng kiến “ngoạn mục” đến nỗi bà Hiệu trưởng Maria Montessori “bái phục”, đánh giá ông là người tiên phong đưa ra phương pháp, công cụ sư phạm mới.
Thực vậy, như một người thợ mộc lành nghề, ông sáng tạo ra vô số “đồ chơi giáo dục”, dùng những tình huống hàng ngày để đưa vào những nguyên lý của số học, bày ra những trò chơi, đồ chơi để kích thích nó bật ra một tiếng người.
Ông kiên nhẫn dạy nó lặp lại tên của đồ chơi. Nhưng vô ích, với sự chỉ vẽ của con người, dần dần nó biết tự mình tắm rửa, mặc quần áo, ngồi bàn ăn, hơn nữa về sau người ta còn dạy nó làm vườn, cắt cỏ v.v…, nó biểu hiện sự vui vẻ, sự tức tối bằng những tiếng vô nghĩa, nhưng nó không bật ra được một tiếng người nào cho đến khi chết khoảng 40 tuổi. Itard đành bỏ cuộc, đành để cho nó thành một người câm cho đến chết.
Đến ngày nay, không thể biết được thực sự là “đứa bé rừng xanh” Victor không có khả năng nói hay không. Có thể là do mất ngôn ngữ, không hiểu ngôn ngữ, bị điếc bẩm sinh, hay là do phương pháp huấn luyện của Itard, tuy rất gần với phương pháp huấn luyện ngày nay nhưng không thích hợp trong trường hợp này?
Dẫu sao công trình của Itard cũng rất đáng trân trọng, vì nó tìm cách phủ định ý kiến cho là khả năng nói là do bẩm sinh, số phận, ý Trời, v.v… Qua trường hợp của Victor, ông là người tiên phong đưa ra những suy nghĩ mới về hoạt động sư phạm. Quan sát, lắng nghe đứa bé bập bẹ, rồi dần dần biết nói, ông đã mở ra một hướng mới về sư phạm, để những người sau tiếp tục nghiên cứu.
Itard cũng rất xứng đáng đại diện cho tính chất đa năng của nguyên lý giáo dục, từ đó ông mở rộng khái niệm giáo dục. Giáo dục đâu có phải chỉ là dạy học sinh biết đọc, biết viết, biết làm toán, có những kiến thức cơ bản về sinh vật, lý hóa, mà giáo dục bao gồm một lĩnh vực rất rộng: Giáo dục cộng đồng, giáo dục cho những đối tượng không hoàn hảo về mặt sinh lý như mù, điếc, giáo dục cho những người học nghề để kiếm sống sớm, giáo dục cho những đối tượng thông minh xuất chúng hoặc đối tượng chậm hiểu hay trí tuệ kém một cách bất thường, v.v… Với người mù có chữ Braille, với người bị điếc nên trở thành câm, có hệ thống những từ biểu hiện bằng những cử chỉ.