22 Tháng Tư 2017
4338 lượt đọc
Từ 1.6 tới đây, việc tiết lộ thông tin cá nhân trẻ em như: tung clip, hình ảnh, kết quả học tập của trẻ em lên mạng xã hội... đều là những hành vi pháp luật nghiêm cấm.
Những cá nhân tiết lộ, đăng tải thông tin cá nhân của trẻ em, bí mật đời tư của trẻ mà chưa được phép của các em, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể sẽ bị khởi kiện ra tòa.
Xử lý những hành vi xâm hại trẻ em trên internet
Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, cho rằng việc tự ý chụp ảnh, hay quay clip trẻ em đăng lên mạng xã hội có thể dẫn đến hậu quả không lường trước được. “Trẻ rất nhạy cảm, suy nghĩ chưa đầy, chín chắn như người lớn, hay xấu hổ, mặc cảm, tự ti. Những vấn đề liên quan đến trẻ cần đưa cẩn trọng tránh tổn thương cho trẻ em về sau. Có nhiều vụ xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ghi rõ các tình tiết, rõ địa chỉ, dẫn đến trẻ không dám đi học, ngại giao tiếp, buồn bã, đau lòng và có trường hợp dẫn đến tự tử”, bà Hồng nói.
Một trong những thông tin được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây đó là cha mẹ đưa hình ảnh lên mạng xã hội sẽ bị tòa án xử lý khi luật Trẻ em có hiệu lực. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nói: “Nếu đúng là hình ảnh liên quan đến đời sống riêng tư phải được sự đồng thuận của trẻ (nếu các em từ đủ 7 tuổi trở lên) và của cha, mẹ, người giám hộ”. Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, không phải tất cả mọi hành vi đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật.
|
|
|
Chúng ta phải tính tới các nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, bị xâm hại. Kẻ xấu sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích không đúng với mục đích ban đầu của những bậc cha mẹ
|
|
|
Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN
|
|
|
Trước sự việc nhiều gia đình thích khoe ảnh con trên mạng xã hội, diễn đàn..., bà Ninh Thị Hồng cho rằng: “Chúng ta phải tính tới các nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, bị xâm hại. Kẻ xấu sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích không đúng với mục đích ban đầu của những bậc cha mẹ”.
Hướng tới việc bảo vệ tốt nhất các quyền và tránh nguy cơ bị xâm hại của trẻ em, ông Nam chia sẻ: “Hiện nay trong hệ thống pháp luật nói chung và luật dân sự chưa quy định chi tiết về như thế nào là bí mật riêng tư, như thế nào là thông tin cá nhân. Đây là vấn đề nhạy cảm phải hướng dẫn chi tiết để khắc phục khoảng trống trong luật dân sự. Hiện chúng tôi vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định chi tiết một số điều khoản trong luật Trẻ em. Trong đó sẽ cố gắng làm rõ thế nào là các thông tin về đời sống riêng tư làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên mạng xã hội”.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, trong đó có phòng ngừa, xử lý những hành vi đưa sai sự thật, những hành vi xâm phạm đời tư, những thông tin nói xấu... xâm hại trẻ em trên môi trường internet.
Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em
Tại điều 33 - dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều trong luật Trẻ em quy định: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em bao gồm các thông tin về tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho trẻ em...