Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Tường thuật ConTuHoc Offline#1

24 Tháng Tám 2016 6055 lượt đọc

Buổi Offline lần đầu tiên của Contuhoc được tổ chức tại tầng 3, trung tâm Anh ngữ EHAPU, chung cư Hapulico với sự chia sẻ của các diễn giả:

Chị Châu: Đã có kinh nghiệm nuôi dạy 3 con học tiếng Anh rất siêu (2 bé lớn học trường Ams, bé thứ 3 nói tiếng Anh rất chuẩn và tự nhiên). Chị Châu cũng đã có nhiều bài chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Anh cho con trên Lamchame và trên Facebook. Xem: 

Chị Trần Quỳnh Hương: Đã có nhiều kinh nghiệm rèn con trai sinh năm 2005 đạt nhiều thành tích trong học tập, bao gồm nhiều học bổng tại nhiều Trung tâm, giải English Champion, giải thưởng Toán, và gần đây nhất là học bổng toàn phần cho 4 năm học cấp 2 tại trường Newton. 

Chị Dương Thị Minh: Nhà sáng lập site Contuhoc.com 

Mở đầu là phần chia sẻ của chị Dương Minh.

Chị Minh có 2 bé gái, một bé học lớp 6 và một bé học lớp 2 ở trường công. Đối với bé lớn, giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm và mải mê công việc, chị đã phó thác bé gần như hoàn toàn cho các cô ở trường. Đến lúc bé học lớp 2 thì chị giật mình vì thấy trình độ tiếng Anh của con học được ở trường công rất ít ỏi. Khi đó chị đã bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư cho bé đi học tiếng Anh ở trung tâm có tiếng nhưng kết quả thu được cũng không được như mong đợi, sau 03 khoá mỗi khoá 03 tháng với tổng học phí hơn 30 triệu đồng mà lượng từ vựng và kiến thức tiếng Anh vẫn chỉ ở mức làm quen với TA. Từ đó, chị Minh đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu, nghiên cứu các  phương pháp để hướng dẫn cho con tự học tại nhà. Trải qua thời gian lặn lội trên webtretho, lamchame để học hỏi kinh nghiệm của các mẹ đi trước, chị nhận thấy rất nhiều đường dẫn tới các nguồn tài nguyên đã không còn hoạt động khiến cho các bố mẹ đi sau mất rất nhiều công sức mới có được tài liệu. Thấu hiểu được nỗi niềm của các bố mẹ, chị Minh đã tạo ra site Contuhoc.com với mong muốn giúp các bố mẹ khác tiết kiệm được thời gian khi tìm nguồn tài nguyên và phương pháp giúp con tự học, đặc biệt là tự học tiếng Anh (Xem thêm: https://www.contuhoc.com/lich-trinh-khai-thac-tai-nguyen và https://www.contuhoc.com/blog). Chị Minh đã tóm tắt về tài liệu và phương pháp học tiếng Anh cho trẻ từ 4-7 tuổi như sau:

  • Dựa trên quan sát của mình, chị Minh cho rằng thời điểm hiệu quả nhất để cho bé bắt đầu tiếp cận với TA là khi bé đã nghe nói được tiếng Việt trôi chảy, thành thục.
  • Đối với trẻ nhỏ, quá trình học tiếng Anh có thể chia thành 3 giai đoạn chính:
    • Giai đoạn tắm tiếng Anh: Xem video trên youtube, xem các phim hoạt hình đơn giản, thiết kế cho trẻ học TA từ lúc bắt đầu như GoGo, MagicEnglish đến các phim hoạt hình cho trẻ bản ngữ.
    • Bé khoảng từ 5 tuổi, bắt đầu cho bé học từ dạng flascard, từ vựng, mẫu câu đơn giản (vẫn tiếp tục cho bé nghe/xem tiếng Anh thường xuyên). Starfall là một tài nguyên bổ trợ rất tốt cho giai đoạn này.
    • Bé tầm 6 tuổi: Học tiếng Anh có định hướng, hệ thống:
      • Theo các giáo trình: Family and Friends, Lets go, Oxford discorver (có thể tự học ở nhà hoặc nếu có điều kiện thì đưa đến trung tâm hoặc mở lớp TA tự quản cùng bạn bè).
      •  Cho con học phonics: chọn một trong các bộ giáo trình online hoặc offline như Reading Eggs, Headsprout, SoundGreat, Jolly phonics, Kizphonic... rồi kiên trì theo từ đầu đến cuối bộ đã chọn. Có thể chọn dùng các tài liệu bổ trợ khác khi đang theo một bộ, nhưng nên có một bộ làm xương để tránh đi lan man mà không đầy đủ.
      • Cho bé đọc truyện/nghe tiếng Anh: Có bé thích đọc, có bé thích nghe, bố mẹ phải tự theo dõi xem con mình thích loại nào hơn thi áp dụng đọc hoặc nghe nhiều hơn theo nhu cầu của bé.
      • Lưu ý: Bố mẹ không nên sốt ruột, so sánh con mình với con người khác vì mỗi đứa trẻ có quá trình phát triển khác nhau. Ngoài ra sử dụng trên các thiết bị quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị lực và bé giảm quan tâm đến hoạt động vui chơi, giao tiếp, cho nên cần có quy tắc từ đầu: mỗi lần dùng không quá 20’ liên tục, trước 7 tuổi thì tổng mỗi ngày không quá 1,5 tiếng.
  • Chi tiết về tài liệu và phương pháp, các bố mẹ có thể xem chi tiết trong bài https://www.contuhoc.com/phuong-phap-tai-lieu-cho-tre-4-7-tuoi-hoc-tieng-anh-tai-nha 

Chia sẻ của chị Minh đã được rất nhiều bố mẹ quan tâm và đặt ra  nhiều câu hỏi, thắc mắc về quá trình áp dụng phương pháp cho con mình.

Câu hỏi 1 Con 4 tuổi, mẹ đã cho con tắm tiếng Anh và bé rất thích, tuy nhiên đến giai đoạn học có định hướng nghiêm túc hơn vdu xem Gogo thì bé không thích mà chỉ thích xem những video vui tươi, nhiều màu sắc như ở giai đoạn trước, vậy mẹ nên tiếp tục như thế nào?

Trả lời:

  • Chị Minh: Ở giai đoạn con mới bắt đầu thì quan trong nhất là tạo cho bé niềm yêu thích đối với tiếng Anh. Bố mẹ cần tôn trọng sở thích của con, không ép buộc con vìnếu bắt con nghe/đọc những thứ không thích thì bé sẽ chống đối hoặc nghe từ tai nọ sang tai kia thì cũng không hiệu quả. Bố mẹ cần phải quan sát, để ý về sở thích, thiên hướng của con, có bé thích nấu nướng, có bé thích khoa học.... thì bố mẹ cần chọn cho con xem các video hoặc truyện theo chủ đề bé thích.
  • Chị Trần Quỳnh Hương cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm đã cho con tắm tiếng Anh bằng bộ đĩa khoảng 20 đĩa bao gồm rất nhiều bài hát, trò chơi cho bé. Chị đã cho bé nghe nhiều lúc, tận dụng thời gian bé ngủ dậy, ăn sang, thời gian đang chơi. Trên facebook có chị Đỗ Tú Thảo cung cấp bộ đĩa này.

Câu hỏi 2: Con hiện 3 tuổi, mẹ đã cho con tắm tiếng Anh từ bé và nói chuyện bằng tiếng Anh với con thường xuyên nên khả năng ngôn ngữ của bé cả tiếng Việt và tiếng Anh đều tốt như nhau, giờ mẹ muốn rèn để khả năng tư duy và phản biện của bé tốt hơn thì có cần phải giảm bớt tiếng Anh đi hay không?

Trả lời

  • DTMinh: Nếu muốn rèn tư duy thì tiếng Anh hay tiếng Việt không quan trong vì ngôn ngữ chỉ là cái vỏ của tư duy. Cách để rèn khả năng tư duy phản biện cho bé là thường xuyên hỏi con các câu hỏi tại sao, như thế nào, để cho con tự phán đoán xem sẽ như thế nào. Ngoài ra cho bé đọc nhiều, nghe nhiều sách nói (nếu như không có thời gian đọc). Bố mẹ cũng cần lưu ý để chọn sách hay, bổ ích cho con.
  • Chị Châu: Con hiện đang bé quá, chưa đi học nên mẹ chưa cần lo. Đến giai đoạn đi học đặc biệt là ở trường công, khối lượng học tiếng Việt rất nhiều, nếu mẹ không thường xuyên nói tiếng Anh với con thậm chí có thể bị quên. Nhiều mẹ hay sốt ruột khi con mình ko bằng con người khác. Lưu ý là trẻ con có nhận thức theo độ tuổi, nhiều lúc bé 3 tuổi dạy mãi không vào nhưng đến 4 tuổi bé tự nhiên hiểu được hết. Bố mẹ nên để con sinh hoạt với các bạn trong cùng độ tuổi +_1 tuổi, không nên để bé 5 tuổi nhưng học cùng lớp với các bé 7 tuổi mặc dù về mặt trình độ các bé tương đương.

Câu hỏi 3: Mẹ nói tiếng anh không chuẩn thì có nên nói chuyện bằng tiếng Anh để tạo môi trường với con không?

Trả lời

  • Chị Minh: Mẹ không biết tiếng Anh những vẫn muốn dạy con và hướng cho con tự học thì cần kiên trì học cùng con (vì cả mẹ cả con bởi học tiếng Anh không bao giờ thừa ). Trường hợp mẹ không có thời gian thì có thể xem xét phương án đưa con đến học ở các trung tâm để có môi trường. Một số chương trình dạy đọc, học phonics mà cả mẹ và con có thể học cùng nhau: Readingeggs, Headsprout, Kizphonic, Starfall.

Câu hỏi 4: Bé 4 tuổi, đang học Family and Friend 1, nhà ở ngoại thành, bố mẹ không biết tiếng Anh, không có trung tâm thì có cách nào để tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh cho con.

Trả lời:

  • Chị Trần Quỳnh Hương: Có một cách rẻ tiền nhất mà lại khá hiệu quả là bố mẹ chịu khó quay clip cho con sau đó cho con xem lại. Ngoài ra bố mẹ có thể tham gia vào các group chia sẻ clip tiếng Anh của các con=> Con được xuất hiện trên group nên cũng tạo thêm động lực cho con nói tiếng Anh
  • Chị Minh: Còn một cách nữa là sử dụng dịch vụ dạy tiếng Anh qua skype với người bản ngữ. Ngoài ra có thể tạo môi trường cho con bằng cách mẹ cùng học với con hoặc anh chị em/bạn hàng xóm cùng học để tập diễn đoạn hội thoại theo giáo trình và giao tiếp theo ngữ cảnh.

Câu hỏi 5: Bé học lớp 2, mẹ chưa có kinh nghiệm nên không tắm tiếng Anh từ bé mà để tự do phát triển. Mẹ có cho con theo học trung tâm, bé biết từ vựng, nghe được nhưng không bật ra nói được => Làm sao để bé bật ra nói được, có cần cho bé tắm lại tiếng Anh từ đầu không?

Trả lời

  • Chị Minh: Đã từng có bạn lớn không được tắm tiếng Anh từ bé nên rất hiểu và đồng cảm với trường hợp này. Đối với trường hợp này mẹ nên cố gắng tạo môi trường để bé thường xuyên nghe/xem tiếng Anh và có ngữ cảnh để nói tiếng Anh. Để tạo động lực cho bé thì mẹ nên đưa ra quy đinh thưởng (lưu ý xem bé thích gì thì đưa thưởng như vậy), nếu hoàn thành kế hoạch thì thưởng cho bé. Tuy nhiên tránh cho bé tư tưởng học là để kiếm phần thưởng.
  • Chị Vân Anh: Mẹ nên lưu ý đến sự liên kết, tái sử dụng các kiến thức học tiếng Anh ở trường, ở trung tâm và ở nhà. Mỗi ngày mẹ cần xem hôm nay ở lớp con học nội dung gì thì hỏi thêm con, giao tiếp với con về chủ đề đó, ví dụ con học về chủ đề gia đình thì mẹ bảo con giới thiệu về gia đình, hỏi đáp bằng tiếng Anh về các thành viên trong gia đình...
  • Chị Châu: Có thể do bé chưa đến ngưỡng giao tiếp, mẹ cứ để cho bé nghe và nói, kể lại đến khi bé đã quen, nhuần nhuyễn thì bé sẽ tự bật ra được. Ngoài ra có thể bé ngại ngần khi nói với giao viên nhưng lại giao tiếp được với các bạn trong tình huống buộc phải nói tiếng Anh. Bố mẹ có thể đưa con đến một số địa chỉ như PlayCafe để giao tiếp với các bạn nước ngoài

Câu hỏi 6: Khi con đã nói được rồi thì đến mấy tuổi chuyển sang viết

Trả lời

  • C.Minh: Để hiệu quả nhất thì bố mẹ nên để khi nào con biết viết tiếng Việt thành thạo thì chuyển sang viết Tiếng Anh. Tuy nhiênnếu bố mẹ có điều kiện cũng có thể kèm con sớm hơn thì càng tốt.
  • Chị Châu: Bố mẹ nên theo quy trình Nghe->nói->đọc-> viết, tức là sau khi con đã nghe, nói và đọc tốt rồi thì chuyển sang viết. Chị Châu cũng chia sẻ kinh nghiệm về trường hợp con nhà mình, bé nghe và nói tốt nhưng đọc và viết lại khó khăn. Ví dụ bạn nghe elephant bạn hiểu ngay là con voi nhưng nhìn chữ thì không biết, viết cũng không biết. Để khắc phục chị đã phải kiên trì cho conluyện dần dần, ví dụ học theo razkid. Chị Châu cũng chia sẻ kinh nghiệm về cách rèn kỹ năng viết cho con: Mỗi lần đi chơi về đều yêu cầu con kể bằng lời về các điều thú vị trong chuyến đi. Mẹ đưa thêm các câu hỏi để khơi gợi con nói thêm các thông tin chi tiết, cụ thể =>Từ đó luyện thành thói quen nhớ được chi tiết, nói lại chi tiết. Đến lúc bé lớp 3 thì mẹ yêu cầu viết thu hoạch, tùy chọn tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Mẹ xem bài của con và góp ý, gợi ý dần dần, hỏi thêm chi tiết nếu thấy bài viết của chưa được.
  • C. Hương: Mẹ đừng kỳ vọng quá sớm về kỹ năng viết của con vì con có nghe và đọc đủ nhiều mới có thể viết tốt được. Các mẹ có thể tham khảo nguồn sách ngoại văn cho con trong kho sách contuhoc có rất nhiều đầu sách bằng tiếng Anh, Let’s study english

Câu hỏi 7: Con 4 tuổi, mẹ đang tắm tiếng Anh cho con vào buổi sáng và buổi chiều, bé rất thích nghe.Tuy nhiên bé không thích nghe đi nghe lại một vài bài mà cứ muốn nghe hết bài này chuyển sang bài khác. Mẹ băn khoăn vì cho con nghe như vậy có ổn hay không vì các mẹ khác đều nói là nên cho bé nghe đi nghe lại. Ngoài ra mẹ cũng muốn hỏi về thời gian thích hợp để cho con theo học giáo trình.

Trả lời

  • Chị Minh: Mỗi bé có sở thích và khả năng khác nhau, không bé nào giống với bé nào. Mẹ nên tùy nhu cầu của con, xem con thích gì thì cho con xem như vậy, đừng vội sốt ruột đến kết quả hoặc áp dụng cứng nhắc phương pháp chung, quan trong là tạo được thói quen và sự yêu thích cho con. Còn đối với việc cho con học theo giáo trình thì mẹ nên để khi bé khoảng 5 tuổi, đã biết một số từ vựng đơn giản

Câu hỏi 8: Bé hơn 4 tuổi, mẹ băn khoăn khi có quá nhiều thứ cần phải dạy cho con thì phải bố trí sắp xếp thời gian như thế nào

Trả lời

  • C.Minh: Quỹ thời gian mỗi người đều có hạn nên từng mẹ phải tự biết, tự quyết đinh xem con mình cần những gì để dành ưu tiên vào mảng đấy. Mẹ cần xác định rõ mục tiêu của hướng cho con là gì, hiện nay bé đang yếu ở khâu nào từ đó mẹ sẽ biết được cần ưu tiên và dành thời gian cho bé vào đâu, phải cắt bớt những gì

 

Câu hỏi 9: Làm thế nào để con học khi con không thích học (Bé không thích học toán, rất khó khăn khi ép bé ngồi học)?

Trả lời

  • Chị Châu: Cần rèn nề nếp cho con từ sớm (5 tuổi) để con quen và có ý thức tự giác. Ngoài ra bố mẹ cần nhất quán và có cách phạt thích hợp khi con không tuân thủ
  • Chị Minh: Không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều vào học toán với kì vọng muốn con được giải này giải kia trừ khi con có năng khiếu hoặc yêu thích đặc biệt. Theo chị Minh thì các con chỉ cần biết cách giải bài tập trong sgk là đủ. Ngoài ra mẹ nên cố phát hiện thêm về năng khiếu, sở thích khác của con để đầu tư cho kỹ năng đó.

 

Câu hỏi 10: Mẹ băn khoăn không biết nếu cho con học Mobymax thì có đáp ứng đủ hết các nội dung kiến thưc cần có hay không?

Trả lời

  • Chị Minh: Mobymax đáp ứng hết phạm vi kiến thức và thường xuyên đứng trong top 10 site dành cho homeschool. Mẹ có thể đăng ký tài khoản teacher loại homeschool để xem được chi tiết nội dung chương trình đáp ứng

Gần cuối buổi giao lưu, chị Trần Quỳnh Hương có chia sẻ về toàn bộ quá trình hướng dẫn cho con học tiếng Anh, học phonics, học toán, học Science…Tất cả các kinh nghiệm này đã được chị Hương cẩn thận ghi chép lại thành các file tài liệu. Các file tài liệu này sau đó cũng đã được chia sẻ trên Contuhoc để các mẹ cũng tham khảo:

Chị Minh chia sẻ một số kinh nghiệm học phonics: Lỗi nghiêm trọng nhất của người Việt (nghiêm trọng đến mức làm người bản ngữ khó hiểu mình định nói gì) là hay bỏ âm cuối của một từ và hay thêm dấu sắc, vì vậy mẹ cần luyện thói quen cho con:

  • Đầu tiên là phát âm đúng từng tiếng. Các bước để làm được là:
    • Nhận biết được các sound cơ bản (sound của từng nguyên âm/phụ âm đơn, sound của các chữ cái đi kép với nhau)
    • Biết các quy tắc ghép vần đơn giản của những từ 01 âm tiết.
    • Luôn để ý phát âm cả âm cuối cùng của từ.
  • Sau này lớn hơn sẽ tìm hiểu quy luật tách 1 từ dài thành các âm tiết, rồi nắm được quy luật trọng âm trong từ, trọng âm trong câu, và ngữ điệu của câu.

Chị Vân Anh, với kinh nghiệm 10 năm dạy tiếng Anh cũng chia sẻ thêm với các mẹ:

  • Tắm tiếng Anh cho con cũng cần có định hướng: Nên chú trọng phát âm, nhấn mạnh khác biệt trong phát âm giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Bố mẹ cũng lưu ý là việc học phát âm chỉ hợp với các bé dưới 8 tuổi, sau 8 tuổi bé sẽ dễ thấy boring khi học phonic
  • Luyện viết: Nên cho con luyện viết các từ đơn trước, các loại từ phái sinh (ví dụ reproduction, resolution…) con sẽ dần dần tích lũy và thu thập trong quá trình đọc sau.
  • Rèn tính tự giác và kỷ luật cho con: Để rèn tính tập trung cho con thì từ lớp 1 nên rèn cho con ngồi bàn học trong khoảng thời gian 30 phút, không ra ngoài kể cả đi uống nước hay đi vệ sinh.

Kết thúc buổi thảo luận, chị Minh nhắn nhủ với các phụ huynh về kinh nghiệm lập lịch cá nhân để quản lý thời gian của mình, bao gồm các khung thời gian học/chơi cùng con cho tốt, để không bị đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi, rồi lâu lâu lại giật mình không thấy con mình khai thác được tài nguyên gì mấy. Chị cũng cho biết sau này, theo gợi ý của chị Châu, ConTuHoc sẽ cân nhắc sử dụng công nghệ Live video trên youtube để tổ chức chia sẻ online, ai ngồi nhà nấy mà vẫn chia sẻ, hỏi đáp được cho nhau. Khi nào thực sự cần tụ tập, cần cùng chia sẻ chi phí mời chuyên gia, thì mới tổ chức offline tiếp.

Phóng viên tình nguyện trong cộng đồng Con Tự Học :-)

 

Bài viết liên quan:


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab