BỎ TÍNH NHẨM VÀ VIẾT CHỮ ĐẸP ĐỂ LÀM GÌ?

07 Tháng Bảy 2017 2528 lượt đọc

Câu chuyện phụ huynh, học sinh và thậm chí cả giáo viên phản đối việc luyện viết chữ đẹp, tính nhẩm nhanh trong trường tiểu học đã âm ỉ từ lâu.

Chuyện đó rất dễ hiểu khi nó đã trở thành một phong trào, tiêu chí đánh giá thi đua. Đã là phong trào tất phải có báo cáo thành tích vàđã là thi đua tất có đánh giá ưu liệt, thắng thua. Ở Việt Nam những thứ đấy cuối cùng sẽ được tập thể và cấp trên coi là tiêu chuẩn để đánh giá công việc và thăng thưởng. Lương, thưởng cũng ở đấy! Kết quả là cả cô, trò và nhà trường chạy như đèn cù trong vòng quay ngày càng thắt lại.

Nhưng bỏ nó thì sao?

Trong giáo dục chuyện triết lý rất quan trọng. Như đã từng viết đó đây, với tôi triết lý giáo dục gồm hai bộ phận hay nói đúng hơn là thể hiện ở hai hình ảnh: hình ảnh xã hội tương lai cần xây dưng và hình ảnh con người cần giáo dục. Hai cái này có mối quan hệ khăng khít với nhau.

Người giáo viên không phải là thợ dạy và cũng không phải kĩ sư tâm hồn. Họ là người thầy giác ngộ sâu sắc về triết lý trên để hướng dẫn, giáo dục học sinh từ những việc nhỏ nhất biến họ từ một người yếu ớt về thể chất, tinh thần thành người khỏe mạnh về thể chất, độc lập về tư duy và phong phú về tâm hồn.

Người Nhật rất coi trọng “hình” (hình thức, kiểu cách, mô hình) vì nó là sự thể hiện cụ thể của “hồn” hay “tinh thần”.

Cũng có thể hiểu “hồn” hay “tinh thần” là triết lý. Triết lý sẽ nói lên mục tiêu và ý nghĩa của hành động.

Trở lại chuyện viết chữ đẹp và tính nhẩm. Hai cái này là hình thức. Chuyện cho học sinh luyện đi luyện lại mấy thứ này sẽ trở nên vô dụng và có hại cho cả thể lực và trí lực của học sinh khi giáo viên không ngộ được triết lý giáo dục là gì mà hẹp hơn là hai công việc trên nhằm mục tiêu gì, có ý nghĩa gì.

Con người là một động vật rất phức tạp vì làm bất cứ cái gì nó cũng sẽ đặt ra mục tiêu và gán cho nó một ý nghĩa. Nếu không như thế hoặc người ta sẽ ở trong trạng thái điên, mất lý trí hoặc là tự kết liễu sự sống. Trong số những người tự sát có vô số những người tự kết liễu đời mình chỉ vì không còn mục tiêu và ý nghĩa để sống.

Nếu giáo viên chỉ biết nghĩ rằng luyện chữ đẹp là để viết chữ đẹp và luyện tính nhẩm là để tính cho nhanh thì….hỏng! Hỏng hoàn toàn! Nó chỉ là hình thức mà thôi. Bản thân nó không có nhiều ý nghĩa. Triết lý sâu xa của nó phải nằm ở chỗ giáo viên muốn học sinh trở thành người có cảm quan mĩ học, có năng lực tập trung, sự thận trọng và khát vọng hướng tới sự hoàn mĩ.

Chắc ai cũng biết câu chuyện Ngộ Không được thầy Bồ đề tổ sư truyền đạo cho. Để giác ngộ và giành được cảm tình của thầy, Ngộ Không cũng phải mất 7 mùa đào gánh nước, bửa củi cùng các sư huynh và phục dịch thầy. Đấy là hình thức. Nếu không có triết lý của riêng mình là tìm ra con đường thoát khỏi lẽ tử sinh, mãi mãi Ngộ Không sẽ là con khỉ nhiều lông gánh nước phục vụ sư huynh và sư phụ.

Giáo dục Việt Nam cả ở vĩ mô và hiện trường chạy và xoay như đèn cù là vì không phân biệt được đâu là “hình thức” đâu là “tinh thần”, “linh hồn”.

Triết lý giáo dục cần để soi rọi từng người từ trên xuống dưới là như thế!

Trong từng việc nhỏ nhất, con người cũng sẽ cần đến triết lý. Nếu không hành động của họ sẽ mất phương hướng hoặc họ sẽ từ bỏ hành động.

Hồi ở Nhật tôi đã từng xem hai bộ phim tài liệu của NHK rất ấn tượng và làm tôi suy nghĩ mãi.

Bộ phim thứ nhất nói về công việc và cuộc sống của các cảnh sát thi hành án tử hình. Một công việc khá nặng nề và chịu nhiều soi mói, thiên kiến từ xã hội. Ở Nhật việc thực thi án tử đã được đổi từ bắn sang treo cổ để giảm áp lực cho người thi hành án. Tuy nhiên, là người, cho dù đã tâp luyện và trải nghiệm nhiều họ-những viên cảnh sát lên phim được xóa mặt vẫn chịu áp lực tinh thần. Đơn giản vì họ biết những người nhận án tử hình là nhận sự trừng phạt của pháp luật vì những tội ác của họ đã gây ra và bị tòa phán quyết. Nhưng họ vẫn là những con người. Tự tay mình tước đi sinh mạng của người khác không phải là chuyện đơn giản. Lịch sử Nhật chứng minh có vô số các tướng quân, võ sĩ đã xuất gia đi tu vì suy ngẫm về những chuyện chém giết đã trải qua. Vì thế họ-những viên cảnh sát phải tìm thấy ý nghĩa ở công việc của mình-họ phải nghĩ rằng nếu thiếu họ công lý sẽ không được thực thi, những kẻ gây tội ác sẽ không phải chịu sự trừng phạt và xã hội sẽ diệt vong. Và để giúp họ giảm cảm giác tội lỗi người ta đã thiết kế một căn phòng chỉ có thể nhìn vào trong mà không thể nhìn ra ngoài. Phạm nhân đứng trên một miếng gỗ được điều khiển bằng điện nối với 4 công tắc ở phía ngoài phòng. Một viên cảnh sát sẽ vào phòng và tròng dây thòng lọng vào cổ phạm nhân. Sau đó anh ta ra ngoài.

Bốn viên cảnh sát còn lại sẽ đồng loạt nhấn nút điện. Không ai trong số họ biết công tắc nào thực sự điều khiển tấm ván tách ra khiến phạm nhân rớt xuống và bị treo cổ. Điều này giúp họ có ý nghĩ nhẹ nhõm trong đầu “Lạy thánh thần! Không phải là tay con đã tước đi mạng sống của người khác”. Mỗi cảnh sát chỉ phải thực thiện một lần duy nhất trong đời công việc nặng nề ấy (Án tử hình ở Nhật cực ít).

Bộ phim thứ hai có tên “One Shot, One Kill” nói về chuyện các binh sĩ Mĩ khi sang Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam lúc đầu bắn bách phát bách trúng nhưng kì lạ thay càng chiến đâu lâu, kinh nghiệm tăng lên thì tỉ lệ bắn trượt lại nhiều. Người Mĩ nghiên cứu và phát hiện ra binh sĩ gặp vấn đề về tâm lý. Khi biết người đứng trước mũi súng mình không phải là quỷ mà là người, họ đã run tay. Vì thế để huấn luyện binh sĩ các sĩ quan Mĩ ở trường huấn luyện đã dùng những tấm bia bù nhìn có mặt quỷ thay cho bia thông thường hay hình người. Họ muốn binh sĩ hiểu và nhớ rằng thứ mà họ đang nhắm bắn là quỷ chứ không phải là người.

Một bộ phim vô cùng ám ảnh.

Trở lại chuyện viết chữ đẹp!

Theo ý của tôi chuyện bỏ nó trong tư cách là phong trào là cần thiết và cân làm ngay. Nhưng mỗi giáo viên cần duy trì nó như một môn bổ trợ hay hoạt động thường xuyên đối với học sinh mình. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là giáo viên phải hiểu được triết lý sâu xa của giáo dục.

Dạy chữ không phải là chỉ dạy cho học sinh biết chữ là xong. Dạy chữ đẹp không phải là nhằm vào việc làm cho học sinh viết chữ đẹp. Nhiều người chơi Piano rất giỏi vì bố mẹ ép học từ nhỏ nhưng tiếng đàn phát ra chỉ là tiếng đàn vô hồn vì nó không phải tiếng lòng của họ.

Giáo dục ở nghĩa rộng nhất và tốt đẹp nhất là hướng đến kiến tạo xã hội tương lai ngày một tốt đẹp hơn xã hội hiện tại thông qua việc tạo ra những con người có khả năng kiến tạo và bảo vệ không ngừng xã hội ấy.

Giáo dục không phải là nơi sản xuất ra hàng loạt những con rô-bốt lập trình hay những người được đúc bằng những hình thức không có tinh thần.

Đó là lý do tôi cảm thấy buồn và thương thương mỗi khi có giáo viên nào đó cứ sốt sắng hỏi tôi về chuyện “ở Nhật (hay anh) có phương pháp nào hay để làm cho học sinh thích học”.

Phương pháp suy cho cùng chỉ là phương tiện. Cái khó nhất của người giáo viên và nói chung là của con người là tìm ra triết lý. Mình làm việc đó để làm gì? Nó có ý nghĩa gì cho mình, cho người người học, cho xã hội hiện tại và tương lai?

Nếu trả lời được những câu hỏi đó một cách nghiêm túc và thành thật, tự khắc bạn sẽ tìm ra được phương pháp phù hợp. 
Tất nhiên, cũng có thể trong quá trình tìm kiếm, cải tiến phương pháp người ta cũng ngộ ra được triết lý nhưng ít nhất cũng cần phải hiểu được điều trên vì nó có tính chất nguyên lý.

Những người làm nghề, cho dù là nghề gì, nếu thiếu triết lý thì cho dù có thành công, họ cũng không thể đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp và để lại giá trị có tuổi thọ dài hơn cuộc đời của họ.

Điều này cũng giải thích được vì sao có những người cho dù phải chịu nghịch cảnh, bị tù tội hay ở trong cảnh tượng khốn cùng họ vẫn bình thản sống hay làm việc của mình cho dù là những việc nhỏ nhặt hay nhàm chán nhất trong mắt người khác. Đơn giản là vì họ nhìn thấy ý nghĩa và mục tiêu của những công việc đó. Những người dám hi sinh tính mạng của mình cũng là những người giác ngộ rất cao về ý nghĩa nhân sinh của họ. Họ khác những kẻ "chết vì ngu" hay liều mạng là ở chỗ đó.

Giáo dục nên tạo ra những người có ý thức cao về mục đích và ý nghĩa của nhân sinh hơn là nhắm đến những người chỉ biết chuốt cho đẹp những hình thức đã được đúc sẵn.

Nguồn: FB thầy Nguyễn Quốc Vương


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab