Con đang học tiểu học, tôi phải làm gì để giúp con đọc hiểu tốt hơn?
12 Tháng Mười 2017
5307 lượt đọc
Nếu bạn cũng có cùng câu hỏi như tôi, chia sẻ của cô Phan Thanh Thảo - giáo viên tại CLB Phát triển Ngôn ngữ và Chỉ số EQ chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều gợi ý thiết thực và thú vị.
Theo cuốn sách “Người Mỹ giúp con ham đọc sách", trẻ từ 0- 3 tuổi có khả năng nhận biết một vài cuốn sách nhất định qua bìa sách, gọi tên vài đồ vật trong một cuốn sách, lắng nghe câu chuyện; trẻ từ 3-4 tuổi bắt đầu thích trò chuyện về những cuốn sách có cốt truyện; 5 tuổi đã biết kể những câu chuyện đơn giản, thậm chí đặt câu hỏi hoặc dùng ngôn ngữ miêu tả để giải thích. Cho đến 6 tuổi, trẻ có khả năng đọc và kể những câu chuyện quen thuộc, viết về những chủ đề có ý nghĩa… Như vậy, việc đọc không chỉ là thụ động 1 chiều mà trẻ hoàn toàn có thể tương tác từ khi còn rất nhỏ.
Dựa vào thang cấp độ tư duy Bloom, người lớn có thể áp dụng vài bí kíp giúp trẻ yêu thích đọc sách và hiểu được thông điệp mà cuốn sách mang lại (Bài viết này áp dụng cho học sinh tiểu học).
1. Đọc để biết và nhớ
Những năm đầu cấp, trẻ tiếp xúc chủ yếu với thơ. Những bài thơ vui nhộn, gieo vần linh hoạt rất dễ đọc và dễ nhớ. Gần cuối cấp, những bài tập đọc sẽ dài hơn, là những mẩu chuyện mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, trẻ cũng tiếp xúc với những cuốn sách thú vị hơn.
- Trẻ có thể áp dụng các cách đọc theo thứ tự nghe đọc truyền cảm, trẻ tự đọc thành tiếng - truyền cảm, trẻ tự đọc thầm - cảm nhận.
Bố mẹ cũng có thể kiểm tra tốc độ đọc của con bằng cách bấm thời gian (khoảng bao nhiêu từ/phút), sau đó đẩy nhanh tốc độ đọc này với các bạn đang gặp vấn đề trong ghép vần. Việc đọc nhanh, trôi chảy sẽ giúp tư duy của các con mạch lạc và thông suốt.
Theo cấp độ 1 trong thang tư duy Bloom - ghi nhớ, người lớn nên khuyến khích việc đọc và thuộc lòng các bài thơ, bởi nó làm cho vốn từ phong phú và nuôi dưỡng những cảm xúc trong tâm hồn.
- Trò chơi sơ đồ hóa
Sử dụng sơ đồ trong đọc sách là cách giúp trẻ hiểu nhanh nội dung cuốn sách/bài đọc. Có thể áp dụng cách này cho các câu chuyện viết về hành trình của nhân vật (đi đến đâu, gặp ai- xảy ra chuyện gì…) Vẽ sơ đồ sẽ vô cùng thú vị, và trẻ cũng nhanh chóng nhớ và kể lại được câu chuyện.
Ví dụ: Câu chuyện “Bộ lông Chồn” (Cuốn sách “Bầu trời màu xanh ve”- Đinh Thị Thu Hằng) đã được sơ đồ hóa rất dễ nhớ và sinh động. Nhìn vào sơ đồ này, bất cứ bạn nào cũng có thể tự tin kể lại câu chuyện một cách chính xác.
2. Đọc và hiểu
Từ việc ghi nhớ, học thuộc các bài thơ, tóm tắt được diễn biến cốt truyện… trẻ cần hướng đến việc hiểu thông điệp. Một số hoạt động có thể giúp trẻ hiểu nhanh hơn nội dung có thể áp dụng:
- Tra từ
Rèn thói quen sử dụng từ điển Tiếng Việt để tra các từ khó là cách để trẻ tiếp cận gần hơn thông điệp mà cuốn sách/bài đọc đem lại.
- Trò chơi với giấy màu
Viết lên các mảnh giấy màu nhỏ tên các nhân vật hoặc các hình ảnh/sự kiện xuất hiện trong bài đọc. Sau đó đặt các câu hỏi liên quan đến nhân vật hoặc hình ảnh/sự kiện đó. Trẻ trả lời đúng người lớn sẽ phát tín hiệu “tinh tinh” và thưởng cho một sticker/viên kẹo… để tạo hứng thú và khích lệ. Trẻ trả lời sai tiếp tục dùng những câu hỏi có độ khó giảm dần để trẻ trả lời đúng. Để rèn tính kiên trì và cũng tạo niềm tin cho trẻ (là mình có thể làm được) người lớn không nên bỏ qua câu hỏi hoặc đưa đáp án luôn.
- Xem clip
Lựa chọn một clip (video) có nội dung tương tự, tư duy thông qua hình ảnh trực quan (có kèm khơi dậy cảm xúc bằng âm thanh, cách biểu cảm/diễn xuất) là cách giúp trẻ hiểu nhanh thông điệp mà cuốn sách/bài đọc đem lại.
- Lập sơ đồ giải mã
Không phải cuốn sách hay bài đọc nào cũng đơn giản và dễ dàng hiểu được thông điệp mà nó đem lại. Trò chơi lập sơ đồ giải mã giúp trẻ hứng thú tìm hiểu nội dung cuốn sách. Có thể kẻ một bảng lên giấy, trên đó ghi từ khóa: nhân vật- hành động- tính cách… hoặc từ khóa theo bất cứ cách nào bố mẹ nghĩ con sẽ hiểu nội dung. Và giờ cùng đọc lại và giải mã nó.
Ví dụ câu chuyện “Chim Sẻ và Chim Chích”:
“Một hôm Sẻ được bà gửi cho một hộp hạt kê. Sẻ không muốn chia cho Chích cùng ăn. Thế là hằng ngày, Sẻ nằm trong tổ ăn hạt kê một mình. Khi ăn hết, Sẻ bèn quẳng chiếc hộp đi. Gió đưa những hạt kê còn sót trong hộp bay xa. Chích đi kiếm mồi tìm được những hạt kê ngon lành ấy. Chích bèn gói cẩn thận những hạt kê còn sót lại vào một chiếc lá, rồi đi tìm người bạn thân của mình. Chích vui vẻ đưa cho Sẻ một nửa. Sẻ ngượng nghịu nhận quà của Chích và tự nhủ: “Chích đã cho mình một bài học quý về tình bạn”.
Bố mẹ cùng con kẻ 1 bảng gồm 3 cột theo thứ tự sau: Nhân vật, hành động, tính cách và 2 dòng: Chim Chích, Chim Sẻ. Sau khi tự điền đầy đủ thông tin và bằng cách trả lời các câu hỏi bố mẹ đặt ra, trẻ sẽ giải mã được thông điệp của câu chuyện.
- Viết ghi chú
Viết thông điệp hoặc những bài học của cuốn sách lên giấy ghi chú, đính lên bảng mềm. Theo dõi từng tháng đọc được bao nhiêu cuốn sách/ viết được bao nhiêu thông điệp là cách chúng ta hiểu hơn về giá trị mà sách đem lại và cũng rèn luyện thói quen đọc sách cho con.
3. Đọc và vận dụng
Hiểu được thông điệp cuốn sách đem lại và vận dụng nó- không chỉ trong việc hoàn thành bài tập mà còn trở thành một bài học cuộc đời, đó là điều mà người lớn luôn kì vọng. Việc giao nhiệm vụ cũng cần vừa sức với trẻ bằng những hình thức hấp dẫn, kích thích tư duy logic, trí tượng tượng phong phú và sáng tạo vô tận của trẻ.
- Kể chuyện sáng tạo
Bố mẹ có thể tạo một nhân vật bất kì (nên chọn kiểu nhân vật là loài vật) và gợi mở 1 tình huống (có cùng nội dung thông điệp với cuốn sách trẻ vừa đọc), hướng dẫn trẻ xây dựng một câu chuyện mới hoàn toàn của riêng trẻ.
Ví dụ: Sau khi đọc xong mẩu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-drây-ca”, bố mẹ cho trẻ nhân vật mới là Thỏ Láu. Gợi ý tình huống: Thỏ Láu trêu chọc một bạn nào đó trong rừng, khiến bạn buồn. Sau đó Thỏ Láu đã hối hận về việc làm của mình và không bao giờ tái phạm.
- Viết kết thúc khác cho câu chuyện
Cách suy nghĩ của trẻ con hoàn toàn khác với người lớn. Bởi vậy, không phải kết thúc câu chuyện nào cũng đem lại sự “thỏa mãn” hoặc nhận được sự đồng tình của trẻ. Viết kết thúc khác là cách kích thích sự sáng tạo, tư duy logic và trí tưởng tượng tuyệt vời.
Ví dụ: Truyện “Cây nhút nhát”- Trần Hoài Dương kết thúc bằng đoạn cây Xấu Hổ rất hối tiếc và hi vọng được chú chim xanh biếc, tuyệt đẹp quay trở lại một lần nữa.
Việc viết tiếp câu chuyện sẽ mở ra vô vàn những cách kể chuyện thú vị, nối dài thông điệp mà tác giả đang truyền tải.
- Chuyển thể: thơ thành truyện hoặc truyện thành thơ
Với hoạt động này, trẻ không những phải thuộc, hiểu mà còn vận dụng nhiều kĩ năng khác để hoàn thành. Đây cũng là cách để phát triển năng lực ngôn ngữ hiệu quả.
Theo bài viết chia sẻ trên FB Cô giáo Phan Thanh Thảo
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
CÙNG CHỦ ĐỀ:
- Tìm hiểu các phương pháp đọc hiểu để hỗ trợ con đọc tốt hơn (Phần 2)
- ReadTheory - trang web luyện đọc hiểu tiếng Anh miễn phí cho 12 trình độ từ lớp 1-12
- Những website hàng đầu cho download miễn phí Reading comprehension worksheets
- Tìm hiểu các phương pháp đọc hiểu để hỗ trợ con đọc tốt hơn (phần 1)
- Graphic Organizers là gì, tại sao dùng, tìm mẫu ở đâu?
- Close reading - kỹ năng đọc kĩ nghĩ sâu