Tôi bảo: “Con lấy tiền này bỏ ống heo đi. Cậu cho con đó”. Không chần chừ, thằng bé lắc đầu quầy quậy: “Thôi con không lấy đâu, 1.000 đồng đâu mua được gì!”. Tôi chưa kịp chưng hửng thì ba của cháu cũng bồi vào: “1.000 đồng bây giờ có mua được gì đâu cậu ơi. Anh cho nó 5.000 đồng nó còn chê nè! Bỏ ống là phải polime từ 10.000 đồng trở lên”. Tôi chào thua với cách dạy con về tiền bạc của anh chị mình.
Không riêng gì anh chị tôi mà hầu như nhiều bậc cha mẹ hiện nay thường có tư tưởng như thế. Họ cứ nghĩ những đồng tiền có mệnh giá nhỏ sẽ không mua được gì, không có giá trị gì để sử dụng trong cuộc sống nên gián tiếp hướng con cách coi nhẹ những tờ 200, 500, 1.000 đồng. Như thế là không nên chút nào vì vô tình dạy con tính tiêu pha, thích xài tiền có mệnh giá cao, đặt nặng vật chất.
Theo thời gian, suy nghĩ ấy sẽ dần lớn thêm, trẻ ngày càng quan trọng hóa tiền bạc, nô lệ cho đồng tiền nhưng lại không biết trân trọng, tiết kiệm hoặc xây dựng kinh tế lành mạnh. Thường ở môi trường kinh doanh, người ta đi lên từ những cái nhỏ nhất, tầm thường nhất. Nhất là những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, vẫn kiếm lời mỗi món hàng chỉ từ 50, 100, 200, 500... đồng, tức chưa quá bốn số 0. Nhưng tích tiểu mới thành đại. Con cái trưởng thành, trân quý tiền bạc, biết làm kinh tế sớm, giỏi giữ tiền, giỏi làm giàu theo hướng tích cực cũng từ đây mà ra.
Cha mẹ sẽ là người định hướng con và dạy con giá trị của những đồng tiền, kể cả là những tờ tiền có mệnh giá nhỏ. Cần giải thích cho con hiểu, dù một tờ 200 đồng không mua được gì nhưng 100 tờ, 200 tờ... sẽ làm nên chuyện. Thường xuyên dẫn con đi siêu thị, nhà sách, chỉ cho con những thùng tiền từ thiện, bên trong ấy có rất nhiều tờ tiền 200, 500 đồng. Dù tiền mệnh giá nhỏ nhưng lại giúp ích cho những hoàn cảnh khó khăn.
Một khi trẻ nhận ra được mỗi tờ tiền đều có một giá trị riêng nhất định, trẻ sẽ là người sống tốt cho hôm nay và mai sau.