Các bà mẹ thế giới dạy con cách tiêu tiền như thế nào?
Hầu hết trẻ em có được kiến thức về tiền từ chính bố mẹ mình cũng như định hướng về tài chính của trẻ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chính những thói quen của cha mẹ. Nhưng có một thực tế là rất ít các bậc cha mẹ Việt Nam chú tâm dành thời gian để dạy tài chính cá nhân cho trẻ em có hiệu quả hay thậm chí là cố tình bỏ quên vấn đề này.
Tại một số nước trên thế giới ngay từ khi còn nhỏ, các bé đã được mẹ dạy cho những kỹ năng cần thiết trong việc quản lý chi tiêu. Hãy cùng tham khảo kinh nghiệm của một số bà mẹ trên thế giới.
Nhà trường và gia đình dạy con nỗ lực học hành để đảm bảo tương lai thành công về sự nghiệp – tức dạy con kiếm tiền – nhưng đa phần ít chú trọng đến dạy các em cách làm chủ đồng tiền, ứng xử thông minh và văn minh với tiền, cách tiết kiệm, tiêu tiền thông thái...
Các mẹ Singapore: Luôn hỏi ý kiến các bé khi mua đồ
Trẻ em Singapore được giáo dục về tài chính một cách rất bài bản. Tại tất cả các trường học trên đất nước Singapore, Giáo dục tài chính được dạy như một môn học chính khóa.
Thêm vào đó, các bậc phụ huynh tại đảo quốc sư tử cũng có rất nhiều những phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp trẻ em nước này có một nền tảng rất tốt về tài chính ngay từ khi con nhỏ. Ví dụ thay vì mua cho con những thứ mà con thích thì các bà mẹ Sing lại cùng con lập một danh sách những thứ mà con thích và tính toán từng khoản tiền cho từng hạng mục.
Theo đó, mỗi tuần các con sẽ được trích 1/2 số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho kế hoạch lớn. Số còn lại các bé sẽ được tự quyết định để mua sắm những thứ mà mình thích.
Các bà mẹ Singapore cho rằng, “Bố mẹ hoàn toàn có thể mua cho con cái những thứ mà con thích nhưng việc tự mua bằng tiền tiết kiệm của mình sẽ khiến con có trách nhiệm hơn với từng đồng mình kiếm được”. Mặt khác, các mẹ muốn con “phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn”.
Để dạy con biết tiêu tiền 1 cách tiết kiệm thì những bậc làm cha, làm mẹ tại Singapore luôn luôn làm gương cho trẻ. Mỗi khi đi siêu thị mua đồ cho gia đình thì các mẹ luôn hỏi ý kiến bé xem nên mua và không nên mua đồ gì? Cái gì thực sự cần thiết và hữu ích? Làm như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và là “một thành viên lớn” trong gia đình.
Các mẹ Mỹ: Dạy con chi tiêu qua những “chiếc hũ đựng tiền”
Nếu như các mẹ Sing dạy con quản lý chi tiêu qua những bản kế hoạch ngắn hạn và dài hạn thì các mẹ Mỹ lại dạy con qua những “chiếc hũ đựng tiền”.
Sẽ có 4 hũ đựng tiền và mỗi lọ sẽ được dán nhãn và chú thích lần lượt với các ý nghĩa đó là “save, invest, donate, spend” - “để dành, đầu tư, tiêu, cho”. Trong đó:
Hũ “để dành”: tiền bé tiết kiệm cho một mục đích cụ thể.
Hũ “đầu tư”: đây là tiền để mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó.
Hũ “cho đi”: tiền bé dùng để cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Hũ “chi tiêu”: tiền có thể được tiêu tùy ý bé.
Theo đó, mỗi tuần các bé sẽ được bố mẹ cho một khoản tiền nhỏ có thể chia hết cho 4 Hũ. Đây được coi là ngân sách ban đầu cho trẻ. Với cách này, các bé có thể bắt đầu tự giữ và quản lý số tiền mình có.
Tiếp đến là đưa bé đến các siêu thị mua sắm và mang theo hũ “chi tiêu”. Khi bé định mua thứ gì, hai mẹ con sẽ xem giá và đếm số tiền bé có. Thông thường, bé sẽ không bao giờ đủ tiền để mua những món đồ bé muốn. Khi ấy, mẹ sẽ giúp con quyết định xem đâu là món con thích nhất, và đặt ra một kế hoạch tiết kiệm để dành tiền mua món đó.
Các mẹ Nhật: Dạy con cách tiết kiệm tiền
Người Nhật không chỉ khiến cả thế giới ngưỡng mộ về đức tính cần cù, chịu khó, có tinh thần và trách nhiệm trong công việc mà còn nổi tiếng về những bài học về dạy con một cách khoa học. Một trong những bài học dạy con đấy là đức tính “tiết kiệm tiền”.
Các trẻ em ở Nhật sẽ được bố mẹ cho tiền tiêu vặt vào ngày đầu tiên của tháng mới. Mức tiền tiêu vặt trẻ được nhận sau khi cha mẹ đã tính toán chi tiết mức chi tiêu, các khoản cần mua sắm mức sống tại khu vực họ đang sống.
Trẻ phải tự chi tiêu cho cá nhân trọn vẹn ở trong đó từ mua đồ dùng lặt vặt cho học hành, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc... Tháng tồn đọng nhiều thì mua sắm quần áo, tháng ít thì sẽ chỉ dùng mua lặt vặt như cục tẩy, cuốn vở... Nếu muốn mua khoản lớn thì các bé phải tiết kiệm hơn để có khoản lớn.
Có thể nói, dạy con hiểu về tiền hiện nay thực sự là điều cần và nên coi là một mục tiêu giáo dục, để những đứa trẻ lớn lên không bị “khiếm khuyết” về tài chính và rơi vào khủng hoảng tiền bạc, giúp các con có tương lai tươi sáng với những kiến thức vững chắc, biết cách giải quyết mọi khó khăn về tài chính trong tương lai.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền – chuyên gia về Giáo dục tài chính cho trẻ em: Trong thời đại ngày nay, kỹ năng tài chính là một trong những kỹ năng sống cốt lõi để mỗi cá nhân có thể hòa nhập với xã hội hiện đại.
Để có thể làm chủ tương lai của mình cũng như có được sự tự chủ về tài chính, trẻ em cần được giáo dục sớm về tiền và kỹ năng quản lý tài chính để thấm nhuần được những thái độ, thói quen tốt và cách ứng xử đúng đắn về tiền ngay từ khi còn nhỏ, từ đó hình thành nền tảng cho một tương lai tài chính thành công.
Nhật Hồng
Nguồn: Dân Trí
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- 70% thế hệ 2 phá hỏng sự giàu có mà thế hệ 1 hao tâm gây dựng!?
- 4 bài học cha mẹ cần biết khi dạy con về tiền bạc
- Dạy trẻ hiểu giá trị đồng tiền: không coi thường tiền lẻ
- Những cuốn sách hay dạy con về tiền bạc từ tuổi tiểu học & THCS
- NHỮNG “THÓI QUEN GIÀU CÓ” CHA MẸ CẦN DẠY CHO TRẺ
- Không được trả công làm việc nhà, mà được dạy "những gì con học được nhiều nhất sẽ giúp con kiếm tiền nhiều nhất", Caleb Maddix đã thành tác giả thành đạt khi mới 15 tuổi