Giúp con chọn bạn: 3 lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ
Năm học mới đến, bên cạnh những băn khoăn lo lắng về trường lớp, chương trình học, một chủ đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, đó là bạn bè của con.
Chắc chắn cha mẹ nào cũng muốn biết “Bạn con là ai?”, “Nhà bạn ở đâu?”, “Bố mẹ bạn làm nghề gì?” hay “Bạn có mấy anh chị em?”; nhưng việc hỏi con trực tiếp những câu như vậy sẽ khiến con khó chịu. Cha mẹ nên tìm những cách tiếp cận nhẹ nhàng, tinh tế hơn để con thoải mái và tự nhiên khi chia sẻ về bạn bè. Sau đây là một số gợi ý dành cho cha mẹ.
1. Tạo điều kiện để con tìm hiểu bạn bè
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang trong mình bản chất tốt đẹp, và tất cả mọi người dù tính cách và quan điểm khác nhau thì luôn có một điểm tốt để chúng ta học hỏi. Chính vì thế, cha mẹ hãy tạo điều kiện để con được thoải mái tìm hiểu các bạn cùng trang lứa và mở lòng với những người xung quanh.
Cha mẹ có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khoá, các buổi dã ngoại. Các trường cấp 3 hiện nay có rất nhiều câu lạc bộ như bóng rổ, bóng đá hay ngoại ngữ, văn học…; đây là cơ hội rất tốt để con được giao lưu với bạn bè cùng sở thích, có thêm thời gian va chạm và giao tiếp với các bạn ngoài giờ học trên lớp.
Tạo điều kiện cho con rủ bạn về nhà chơi cũng là cơ hội để bố mẹ hiểu con và bạn bè của con hơn. Nếu cuối tuần này gia đình bạn định đi picnic ở một vùng ngoại ô, hãy cho phép con mời thêm vài người bạn tham gia cùng. Ở tuổi mới lớn, con cũng cần nhiều riêng tư hơn. Khi có bạn tới nhà, cha mẹ cần tránh những câu hỏi dò xét. Nếu con muốn dẫn bạn lên phòng chơi, cha mẹ cũng không nên ngăn cản. Bầu không khí cởi mở trong gia đình sẽ làm các bạn con cảm thấy được chào đón, khi đó, chắc chắn con sẽ dễ dàng tâm sự với cha mẹ về các bạn của mình.
2. Giúp con xây dựng những mối quan hệ sâu sắc
Việc cởi mở với mọi người xung quanh không đồng nghĩa với việc con phải kết bạn với thật nhiều người. Con có thể chỉ cần hai, ba người bạn thân và dành nhiều thời gian cho mối quan hệ đó.
Không có tiêu chuẩn nhất định nào trong việc lựa chọn bạn bè, tuy nhiên, tìm kiếm những người tương đồng về sở thích, quan điểm sống sẽ giúp con duy trì được tình bạn lâu dài và sâu sắc. Trong lúc trò chuyện cùng con, bạn có thể chia sẻ những quan điểm của mình về tình bạn để từ đó giúp con hiểu thế nào là một tình bạn chân chính.
Không tránh khỏi những lúc con và bạn sẽ có những quan điểm trái ngược nhau. Ví dụ, những đứa trẻ trong độ tuổi mới lớn thường có xu hướng thích chơi với những bạn nổi bật trong lớp hay trong trường, mà bỏ qua những người bạn thật sự quan tâm đến mình. Những lúc như vậy, hãy lắng nghe con trước tiên và tìm hiểu suy nghĩ của con.
Một lưu ý dành cho cha mẹ là hạn chế “ngăn cấm” vì ở độ tuổi dậy thì, con có xu hướng làm trái lời cha mẹ. Ngay cả khi bạn không thích một người bạn nào đó của con, tránh nói trực tiếp quan điểm của bạn vì có thể khiến con phản đối. Thay vào đó có thể đặt các câu hỏi giúp con tự nhận ra ảnh hưởng tiêu cực của người bạn đó tới mình. Ví dụ: Bạn ấy có lắng nghe con nói không? Con có thực sự thích những việc bạn ấy làm không? Bạn có làm con bị tổn thương không? Nếu tiếp tục chơi với bạn, con nghĩ mình sẽ thế nào?
Hãy để con tự do kết bạn và rút ra những bài học cho chính mình. Cha mẹ chỉ nên định hướng để con đi đúng đường.
3. Hãy là một người bạn tốt để con noi theo
Những lời chỉ bảo sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu chính cha mẹ có thể làm gương từ các mối quan hệ với bạn bè mình. Ngay từ nhỏ, trẻ luôn có xu hướng bắt chước người xung quanh, đặc biệt là người trong gia đình và thói quen đó còn tiếp tục kéo dài về sau. Một cách vô thức, con sẽ nhìn vào cách bố mẹ tương tác với bạn bè để áp dụng lên mối quan hệ của mình. Nếu bạn muốn dạy con về sự chia sẻ, đừng ngại an ủi một người bạn mới trải qua chuyện buồn trước mặt con. Thỉnh thoảng bạn có thể rủ con đi cùng trong những buổi gặp gỡ bạn bè.
Ngoài ra, chính cha mẹ cũng có thể trở thành hình mẫu người bạn lí tưởng của con. Quan tâm đến biểu hiện vui buồn của con, nếu thấy con có chuyện buồn bạn có thể rủ con đi xem phim, đi dạo rồi dần hỏi chuyện. Thể hiện sự tin tưởng đối với con bằng việc để con đưa ra quyết định quan trọng như chọn ngành học, nghề nghiệp, hỏi ý kiến con về việc chung của gia đình như chuyển nhà, chọn địa điểm du lịch… Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bạn đang truyền tải với con giá trị mà bạn muốn con hướng đến khi tìm kiếm bạn bè.
Việc chọn bạn là cả một quá trình cần nhiều kiên nhẫn từ cả con cái và cha mẹ. Khó tránh khỏi bất đồng tại một số thời điểm, nhưng cha mẹ cần học cách kiềm chế, đôi khi không nên can thiệp quá sâu vào mỗi quyết định của con. Thay vào đó hãy cho con cơ hội để mắc sai lầm, tự học hỏi từ sai lầm đó. Chỉ như vậy con mới biết cách rút kinh nghiệm và trở nên sáng suốt hơn trong quyết định quan trọng sau này.
Theo rmitvachame.com
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Dạy con hàng ngày
- CÓ CÁCH NÀO ĐỂ CON HỨNG THÚ VỚI VIỆC TỰ HỌC – “CHỊ BÍCH BỘP” WTT
- ĐỪNG NGHĨ THAY CHO CON CÁI!
- 20 ĐIỀU TRẺ CẦN HỌC ĐỂ SỐNG THÔNG MINH VỀ TÀI CHÍNH – PHẦN 1 (3-5 TUỔI)
- 20 ĐIỀU TRẺ CẦN HỌC ĐỂ SỐNG THÔNG MINH VỀ TÀI CHÍNH – PHẦN 2 (6-10 TUỔI)
- 20 ĐIỀU TRẺ CẦN HỌC ĐỂ SỐNG THÔNG MINH VỀ TÀI CHÍNH – PHẦN 3 (11-13 TUỔI)