Star Donation Challenge

"Học không phải để giỏi" và "cuộc đời rộng lớn quá để có thể gom vào sách vở"

19 Tháng Chín 2017 6154 lượt đọc

ConTuHoc xin giới thiệu một bài viết hay của blogger Đặng Huỳnh Mai Anh mà chắc hẳn nhiều phụ huynh sẽ muốn cho con cùng đọc.

----

Trong một ngày xám xịt và lạnh lẽo năm ngoái, khi ngồi trong giảng đường chờ sang tiết cuối, tôi thở dài sau 6 tiếng ngồi miệt mài chép đuổi theo lời thầy giảng, hỏi bạn tôi:

“Cậu nghĩ bọn mình học nhiều thế này rồi có giỏi được không?”
“Mình học đâu phải để giỏi, mình học là để đỡ dốt thôi”.

Câu nói đó của bạn như là câu thần chú của tôi. 

Mỗi lần thấy mình quá bé nhỏ trước biển kiến thức, trước sự thay đổi điên cuồng của những hiểu biết nhân loài, tôi lại lặp lại câu đó với chính mình, để tự nhắc: Việc học là để trau dồi bản thân, chứ không phải để đề cao chính mình. Để đừng thất vọng, để đừng kỳ vọng quá cao rằng tất cả những gì học được sẽ khiến mình trở nên giỏi giang xuất sắc trong đời sống, trong công việc. 

Hồi tuần trước, chúng tôi có tiết học lập trình Python và phân tích dữ liệu. Giảng viên thỉnh giảng là một chuyên gia đang làm việc trong ngành nên thầy truyền tải rất thiết thực, cập nhật những xu hướng mới nhất được ứng dụng phổ biến trong thực tế, hiểu rõ chuyện-gì-thực-sự-xảy-ra trong công việc. Cả lớp đều quý và nhân cơ hội hỏi thầy đủ thứ về nghề, về thị trường lao động, nhu cầu nhà tuyển dụng. Có cậu bạn hỏi thầy:

“Sau khóa học này, thì em đã lập trình bằng Python đủ thành thục chưa? Em phải mất thêm bao nhiều thời gian nữa để ĐỦ GIỎI?”
Thầy trả lời: 
“3 năm. Và, ngày nào cũng làm việc, làm project hoàn chỉnh càng tốt, làm những thứ càng khó càng tốt. 3 năm như vật chỉ để em cảm thấy tự tin với workflow trong thực tế thôi”.

Rồi thầy kể thầy đã đến nhiều nơi để hướng dẫn và huấn luyện về lập trình và dữ liệu. Thầy luôn bắt đầu bằng việc giới thiệu: Thầy có bằng thạc sĩ về Vật Lý và Vũ Trụ, làm tiến sĩ về Vật Lý và Vũ Trụ, sau đó học thêm một ‘specialization’ (gồm nhiều courses) về Data Science trên Coursera, sau đó chuyển sang làm về Data Analytics cho Deloitte (một công ty về kiểm toán, thuế và tư vấn tài chính). Thầy bảo thầy luôn giới thiệu như vậy để mọi người hiểu một thông điệp rằng: “Khi đi làm, trong thực tế, người ta cần kỹ năng nhiều hơn là kiến thức. Đúng vậy, người ta không cần hiểu biết của một anh tiến sĩ Vật lý-Vũ trụ, nhưng người ta cần những kỹ năng logic, kỹ năng lập trình, kỹ năng tính toán và xử lý số liệu của anh ta”.

Người ta không cần một người rành rẽ về mô hình 4P trong Marketing, người ta cần người áp dụng được mô hình đó cho chiến dịch của công ty. 
Người ta không cần người thuộc lòng cuốn Luật Quốc Gia, người ta cần người biết áp dụng điều luật nào trong trường hợp nào.
Người ta cần những người biết "điền vào chỗ trống".

Kỹ năng ở đây không chỉ gói gọn trong kỹ năng mềm về giao tiếp, ứng xử, quản lý… (như chúng ta luôn nhắc đến). Càng ngày người ta càng cần nhiều hơn những kỹ năng cứng, hay nói cách khác là sự chuyển hóa và ứng dụng kiến thức và lý thuyết từ trường lớp vào đời thực, vào tình huống cụ thể, vào công việc cụ thể.

“Chẳng hạn như lập trình, những câu lệnh đó các em học thì sẽ biết. Khi các em ngồi nhìn tôi làm, khi các em xem một sản phẩm của người khác, em hiểu hết, em thấy nó đơn giản lắm. Đó là “hiểu và biết”. Nhưng khi tự em làm, tự em nhúng tay vào việc, em sẽ biết là nó rất khó. Nhưng việc học có vô nghĩa không? Không! Nó cho các em một điểm để bắt đầu”, thầy nói. 

Cũng như không ít bạn học sinh khác, phần lớn quãng đời đi học của mình, tôi dành để than vãn. Than về sự thiếu thực tế của giáo dục, than chương trình sao mà lý thuyết quá, than rằng có những thức chẳng biết học để làm gì!!! 
Rồi dần dần tôi nhận ra: Dẫu có cố gắng thế nào, không cách gì việc học giống y cuộc sống, để mà học xong bạn sẽ “ra đời” tự tin không tiếng khóc. Có lẽ vì cuộc đời rộng lớn quá để có thể gom vào sách vở, không thể dạy hết cho tụi mình một-ngàn-một-trăm-vô-cùng tình huống và vấn đề sẽ xảy ra thực tế. Người ta chỉ có thể dạy những quy luật, những thứ tổng quát hơn (và vì thế cũng trừu tượng hơn). Khi học, chúng ta đều có trong tay những công thức giống nhau, những lý thuyết như nhau. Tùy tình huống cụ thể (mà không cái nào giống cái nào), mỗi chúng ta sẽ chọn dùng “công thức” nào, kết hợp cái này với cái kia thế nào, điều chỉnh thế nào. Điều đó không chỉ đến từ hiểu biết, mà còn từ sự rèn luyện, sự quan sát và sáng tạo của cá nhân.

Sử dụng kiến thức, đó có lẽ là kỹ năng mà thầy tôi muốn nói đến. 
Việc học rồi hiểu thường cho ta một ảo tưởng rằng mình đang giỏi lên. Nhưng bản thân việc hiểu chưa thật tạo ra giá trị gì đáng kể. Từ chỗ hiểu đến chỗ biến cái mình hiểu thành cái có ích là một khoảng cách dài, có thể là ba năm, hoặc là năm, bảy, mười… Là một chuỗi ngày rèn luyện theo sau sự hiểu và biết.

Tôi lại nhớ về ngày tôi tốt nghiệp đại học, có một người thầy đã nói với tôi: “Lễ tốt nghiệp trong tiếng Anh là Commencement, còn nghĩa là sự khởi đầu. Bây giờ, em là số 0, trước đó em là số âm”.

Nguồn: FB Blogger Mai Anh D. Viết


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

Khóa HD ôn thi vào 10

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab