Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Học sinh nói tục quen miệng, tại sao?

14 Tháng Tư 2017 5295 lượt đọc

Thực trạng: "Quen miệng rồi, chúng em cứ ngồi với nhau là nói tục"

Được hỏi về vấn đề nói tục, chửi bậy, T. học sinh lớp 11 một Trường trung học phổ thông quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) thừa nhận, ngày nào em cũng vi phạm. 

''Trước đây, em không nói tục. Giờ thì em quen miệng rồi. Ngày nào em cũng nói tục hết. Chúng em cứ ngồi với nhau là nói'', T. cho biết.

Viết kiểm điểm xong là vi phạm

Tôi hỏi: ''Em có thấy nói tục, chửi thề là xấu và là nguyên nhân làm văn hóa học đường đi xuống?''. T. khẳng định: ''Em thấy bình thường. Bọn em nói quen rồi. Ở trên mạng người ta còn lập ra nhóm nữa cơ''.

''Tại sao em lại nói tục, chửi thề'', tôi hỏi. ''Thấy bạn nói em cũng nói theo'', T. trả lời. 

Một học sinh khác cho biết, nói tục, chửi thề ở học sinh bây giờ giống như một trào lưu. Học sinh nào cũng nói tục, không nhiều thì ít.

''Ở trường em, các bạn nói tục liên hồi. Ngồi trong lớp học cũng nói tục. Đứng trước thầy cô, nhiều bạn lỡ miệng cũng nói. Có người, bước ra khỏi cổng trường, cởi áo đồng phục học sinh rồi ngồi nói tục'', học sinh này nói.

Giám thị một Trung tâm giáo dục thường xuyên cho biết, việc yêu cầu học sinh phải viết bản kiểm điểm vì nói tục, chửi thề cứ diễn ra thường xuyên ở trung tâm. Có học sinh, viết bản kiểm điểm, hứa sẽ không tái phạm nhưng vừa viết xong, ra khỏi phòng lại chứng nào tật đó.

Có học sinh, cứ thế nói mà chẳng biết có giám thị đứng phía sau. Được bạn nhắc mới bịt miệng lại vì biết mình bị phát hiện. 

''Việc nói tục của học sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng có thể các em ảnh hưởng từ văn hóa gia đình và bạn bè rất nhiều. Một học sinh sống trong gia đình có người thân nói tục, chơi với nhóm bạn nói tục thì sẽ bị ảnh hưởng'', nữ giám thị nói.

Bàn về vấn đề trên cô giáo dạy môn giáo dục công dân (xin giấu tên) cho rằng, học sinh bây giờ cứ nói tục, chửi thề là do ảnh hưởng từ quyền tự do ngôn luận. Các em hiểu rằng, tự do ngôn luận là mình thích nói gì thì nói. Nói không cần suy nghĩ.

Vấn đề trên cũng ảnh hưởng từ văn hóa phương tây, nói là làm. Học sinh này nói được thì học sinh kia cũng nói được. Các em không lường được hậu quả từ những việc mình nói ra.

''Giáo viên bây giờ đứng lớp buồn lắm. Cảm tưởng như học sinh không tôn trọng giáo viên vậy. Các em cứ quậy phá, nói ngang, nói cộc lốc.

Có em, đi học như để chiều lòng bố mẹ. Ngồi trong lớp mà chẳng chịu xây dựng bài, chẳng nghe giáo viên giảng. Các em cho rằng, chỉ cần học môn chính, môn phụ thì học qua loa'' cô giáo nói.

Thạc sĩ Giảng Văn Chải, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên quận 3 cho biết, trước cổng trường học nào cũng treo một bảng quy định cho học sinh được làm gì, không được làm gì. Trong đó, vấn đề nói tục, chửi thề của học sinh là một điều cấm. Nếu học sinh nào vi phạm sẽ xử phạt theo quy định của nhà trường, của trung tâm đề ra.

Thế nhưng, việc cấm vẫn cấm, học sinh vẫn cứ vi phạm. Không chỉ học sinh cá biệt, mà học sinh ở trường chuyên, lớp chọn cũng nói tục, chửi thề. Các em không dám nói trước mặt thầy cô nhưng cứ ngồi với nhau là dùng những ngôn từ phản cảm, để giao tiếp. 

''Tôi nghe báo lại rất nhiều nhưng muốn xử phạt thì phải có bằng chứng và nghe trực tiếp. Mình cứ nghe báo lại rồi xử phạt học sinh là không đúng và không thuyết phục'', thầy Chải nói.

Thầy Chải cũng giải thích rằng, học sinh nói tục chửi thề không hẳn là do lỗi của phụ huynh, nhà trường mà do chính các em. ''Ở trường, chẳng thầy cô nào dạy học sinh điều xấu cả. Thầy cô nào cũng muốn học sinh của mình học tốt, đạo đức tốt. Ở nhà, phụ huynh nào cũng chỉ mong con mình luôn lễ phép, nghe lời, nói năng nho nhã, kính trên nhường dưới. Chẳng cha mẹ nào lại muốn con mình nói tục, chửi thề cả. Học sinh như vậy là do bị ảnh hưởng từ bạn. Trong nhóm bạn chơi, em này nói thì em kia cũng nói theo. Riết rồi, nói tục, chửi thể trở thành thói quen, mà các em không kiểm soát được''.

Nguyên nhân và giải pháp

Có rất nhiều nguyên nhân để một em bé nói tục. Có thể do bắt chước vô thức, do thói quen đã bị nhiễm từ môi trường xung quanh.

Sự bắt chước vô thức ở trẻ lên 3

Trẻ có thể bắt đầu nói tục ngay từ khi mới bắt đầu học nói. Nguyên nhân có thể là vô tình nghe ai đó nói ra một từ bậy, tục nào đó và sau đó trẻ bắt chước nói theo. Lúc này trẻ nói bậy chỉ với mục đích ‘thử nghiệm’ sự phong phú của từ ngữ, các bé muốn biết những từ mà mình vừa học được để sử dụng làm gì, chứ thực chất trẻ không hề hiểu nghĩa của các từ mình nói là không tốt hoặc xấu, bậy.

Thành viên trong gia đình có thói quen nói bậy

Nếu đứa trẻ sống trong gia đình có một hoặc nhiều thành viên thường xuyên sử dụng các từ lóng, nói bậy, chửi tục thì chắc chắc trẻ sẽ bắt đầu nói bậy dần dần và trở thành thói quen. Một vài ông bố, bà mẹ chỉ ‘thỉnh thoảng’ có những phát ngôn quá lời nhưng thực chất trẻ đã kịp nghe thấy, nhìn thấy những lời nói, cử chỉ hành động của cha mẹ và một lúc nào đó trẻ sẽ nói lại những từ tục tĩu đó. Nhiều đứa trẻ học được rằng, người lớn thường chửi tục khi lên cơn tức giận, và việc nói tục, chửi bậy là một cách để ‘trút giận’, ‘xả giận’.

Một số cá nhân có đưa ra nhận xét, trẻ nhỏ có cha mẹ làm các công việc liên quan đến kinh doanh hộ gia đình, buôn bán ngoài chợ, là thành phần ‘bất hảo’ của xã hội thì có khả năng cao sẽ nói tục, chửi bậy hơn trẻ có cha mẹ làm công chức văn phòng. Điều này cho thấy, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ một cách rõ nét. Nếu bạn là người thường xuyên nổi nóng và thốt ra những lời nói không lịch sự thì con trẻ sẽ dễ dàng học tập và bắt chước lại hành động từ những người thân của mình.

Trẻ nói tục chửi bậy: Nguyên nhân do đâu? - ảnh 1

Cha mẹ nên chú ý lời ăn tiếng nói để không làm gương xấu cho trẻ (Ảnh: Internet)

Môi trường sống tác động không nhỏ

Chắc bạn vẫn chưa quên câu chuyện mẹ của Mạnh Tử đã 3 lần chuyển nhà để tìm được môi trường học tập tốt, tránh những tác động xấu đến con trai mình. Thực tế, môi trường sống và học tập hàng ngày của trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình định hình nhân cách cũng như những thói quen của các bé. Nếu bản chất con bạn là một đứa trẻ ngoan, gia đình bạn rất nề nếp nhưng hàng ngày trẻ phải tiếp xúc với một số người họ hàng, hàng xóm, hoặc đến lớp nghe các bạn chửi bậy, nói tục thì chuyện gì sẽ xảy ra? ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng’, nếu muốn trẻ ngoan, học được những điều hay, điều tốt thì cha mẹ cần xây dựng một môi trường sống hòa thuận, ổn định và ‘trong sạch’ cho con trước những thói hư tật xấu bên ngoài.

Không được uốn nắn và sửa chữa từ sớm

Nhiều em bé lúc mới đầu nói bậy hoặc nói những từ không hay thì ông bà, bố mẹ xua tay nhắc con không tốt. Nhưng dần dần, thấy trẻ nói nhiều hơn, thường xuyên hơn thì lại ‘chán’, không muốn nhắc nhở hoặc cho rằng đó là điều bình thường ở trẻ con… nên không để tâm để uốn nắn.

Bắt chước để bằng bạn, bằng bè

Học sinh ở lớp nếu nói bậy thì được thầy cô nhắc nhở, nhưng bước ra khỏi cổng trường, trẻ đua nhau, học nhau nói bậy, chửi tục để chứng minh mình không thua kém bạn bè hoặc thể hiện cái tôi, cái ‘chất’ của mình mà không hiểu rằng mình đang có hành vi kém văn hóa.

Trẻ nói tục chửi bậy: Nguyên nhân do đâu? - ảnh 2

Bạn bè cũng là yếu tố tác động đến thói quen ăn nói của trẻ (Ảnh: Internet)

Tiếp thu từ phim ảnh, internet

Trẻ nhỏ hiện nay sớm được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Một em bé 2 - 10 tuổi có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh của cha mẹ và thoải mái ngồi xem các video trên mạng. Những lời nói tốt, xấu lẫn lộn khiến trẻ học theo, bắt chước mà thiếu sự kiểm soát của phụ huynh. Bên cạnh đó, một bộ phận các nhà xuất bản sách, truyện thiếu nhi, phim hoạt hình… đã thả nổi chất lượng sản phẩm, để lọt không ít các trường hợp nội dung ấn phẩm có những định hướng sai lệch về ngôn ngữ khiến trẻ tiếp thu một cách vô thức.

Cha mẹ nên làm gì khi con trẻ nói tục, chửi bậy

- Tìm hiểu nguyên nhân: Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao con nói tục để tìm cách uốn nắn thay vì nổi nóng, quát mắng trẻ. Hãy giúp trẻ hiểu rằng, khi con nói bậy là con đã dùng những lời lẽ, từ ngữ không hay để trò chuyện cùng mọi người xung quanh, con phải thay đổi nếu muốn được nhiều người yêu quý.

- Giúp con kiềm chế sự tức giận: Đa số trẻ em nói bậy xuất hiện vào thời điểm trẻ bực tức. Cha mẹ cần cho trẻ biết, có rất nhiều câu nói thay thế nếu con mình nói ra trong lúc tức giận như ‘Con giận quá!’ hay ‘ Con muốn ra ngoài’… thay vì thốt ra những lời lẽ khiếm nhã.

- Gia đình cần phối hợp cùng thầy cô giáo: Trẻ phải được uốn nắn từ trong gia đình, cha mẹ là người làm gương. Khi đến trường, trẻ cần được nhà trường nhắc nhở nghiêm khắc bằng cách đánh giá hạnh kiểm, tham gia các giờ học đạo đức hoặc tự trẻ phải nhận ra sai phạm của mình để sửa chữa.

 

Nguồn: Giaoduc.net.vn và Sống khỏe


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab