Là người lớn, chúng ta vừa sợ con yêu của mình bị những trẻ khác bắt nạt, vừa lo lắng với sự cổ vũ của mình, các con sẽ trở thành “đứa trẻ hung dữ” trong mắt người khác. Vậy các bậc phụ huynh nên thực hiện vai trò của mình như thế nào? Con bị đánh, liệu có nên cổ vũ con đánh trả hay không?
Ngăn chặn bằng lời nói
Hãy để trẻ học cách dùng lời nói để “đánh lại” hoặc nói lên suy nghĩ của mình đối với những trẻ có hành vi bắt nạt, giọng nói phải kiên định và không có tính công kích. Ví dụ như có thể nói những câu sau đây:
– “Mình không thích bạn làm như vậy!”
– “Không được đánh người!”
– “Đánh nhau là sai!”
– “Thầy cô nói không được đánh nhau!”
Đối với những trẻ còn khá nhỏ, khi xuất hiện những hành vi có tính công kích như chỉ trỏ, đánh đá, trẻ sẽ không hiểu được rằng hành vi của mình sẽ gây tổn thương cho người khác, trẻ chỉ không thể điều khiển được cảm xúc của mình và cũng không biết làm thế nào để bày tỏ cảm xúc thông qua những cách tích cực.
Chính vì vậy, khi con bạn bày tỏ thái độ của mình một cách kiên quyết đối với những trẻ có hành vi công kích thì những hành vi này sẽ dừng lại trong khá nhiều trường hợp.
Hô lớn tiếng
Nếu lời nói không có tác dụng, đối phương vẫn tiếp tục hành vi công kích, tấn công, trong tình huống này, bạn có thể dạy con hô lớn tiếng, ví dụ như:
– “Không được đánh người!!!!!”
– “Dừng tay lại!!!!”
Khi hô những lời này, giọng phải kiên quyết, mắt phải nhìn thẳng đối phương và khoanh tay trước ngực làm tư thế bảo vệ. Nếu đối phương vẫn không dừng lại thì hãy hét lớn để tìm sự giúp đỡ, để mọi người xung quanh và người lớn nghe thấy, ví dụ như “Cô ơi, bạn A đánh người ạ!”, ” Mẹ ơi, bạn đánh con này!”…
Chủ động rời khỏi “nơi không tốt” đó
Dạy con rời khỏi “nơi không tốt” cũng là một cách quan trọng. Khi xảy ra xung đột và có những hành vi tấn công, trẻ không nhất định phải đối đầu gay gắt.
Có rất nhiều bậc phụ huynh nói rằng nếu không đối kháng lại thì chẳng phải con mình sẽ bị bắt nạt sao? Chẳng phải là quá dễ dàng cho đứa trẻ kia rồi sao? Thật ra là không phải vậy. Chủ động rời khỏi nơi tranh chấp hoàn toàn không phải là nhu nhược và nhát gan mà còn có thể là biểu hiện của sự tự tin, khoan dung và dũng cảm.
Cách này không chỉ có thể giúp bản thân tránh được việc có thể bị tổn thương và cũng có thể khiến trẻ nhận ra nhiều điều khác. Ví dụ như khi hai đứa trẻ tranh giành chiếc xe hơi đồ chơi, không ai chịu nhường ai cả, một trong hai trẻ bắt đầu dùng hành vi chỉ trỏ hoặc đấm đá, lúc này đứa trẻ còn lại chủ động bỏ đi, có thể trẻ sẽ nhận ra các món đồ chơi khác hoặc chơi với bạn khác vui hơn.
Đây hoàn toàn không phải là nhu nhược yếu đuối mà là khôn ngoan sáng suốt, khiến trẻ nhìn thấy được những cơ hội khác chứ không chỉ chăm chăm vào một việc nhất thời.
Cùng đọc câu chuyện về 2 cậu bé dưới đây và suy ngẫm:
Bi và Bo là hai cậu bé 5 tuổi, lần đầu tiên hai bé chơi cùng nhau đã xảy ra một việc không vui.
Ban đầu, hai bé tranh giành một món đồ chơi, Bi giơ tay đánh Bo một cái, Bo hét lên: “Cậu làm vậy là không đúng!”. Bi càng tức giận, vừa đánh vừa đá Bo. Lúc này mẹ của hai bé đến, mẹ Bi nói: “Sao vậy, không được đánh nhau!”, mẹ Bo nói: “Con làm đúng lắm, không động tay động chân là rất ngoan!”.
Điều này khiến tâm trạng của Bi càng kích động hơn, cậu bé bắt đầu lăn lộn quấy khóc… còn Bo thì được mẹ khen ngợi, cậu bé chạy ra khỏi đó về phía mẹ.
Mẹ của Bi nói: “Bo sao lại ngốc vậy chứ, bị đánh mà không đánh lại…”. Mẹ Bo chỉ cười cho qua.
Về việc vì sao không dạy con “đánh trả” khi bị người khác đánh, mẹ Bo giải thích: “Dù là trẻ con thì cũng phải biết rộng lượng, từ nhỏ dạy thằng bé biết khoan dung và nhẫn nhịn, lớn lên con sẽ vui vẻ hơn, cũng không cần lo lắng con sẽ đi gây rắc rối”.
Quả đúng là như vậy, khoan dung là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp và cũng là một biểu hiện của trí tuệ, nếu cha mẹ biết dạy con mình khoan dung thì họ sẽ giúp con nắm được cách giao tiếp trí tuệ với bất kỳ ai.
Trẻ học được cách khoan dung thì sẽ có những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, nhờ đó cuộc sống sẽ vui vẻ hơn, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh trong xã hội và thành công trong tương lai.
Theo Trí Thức VN