May quá con tôi bình thường

18 Tháng Tám 2017 2020 lượt đọc

Tôi đi họp phụ huynh cho con, thằng bé mới vừa kết thúc lớp 1. Sau phần điểm lại thành tích, trao phần thưởng và động viên vài học sinh “chưa phát huy hết khả năng”, cô giáo an ủi phụ huynh rằng dù ngày khai giảng chính thức tận 5/9, nhưng các vị có thể cho con đi học hè ngay từ đầu tháng 7. Nhập học thì từ đầu tháng 8. Điều này khiến nhiều phụ huynh mừng ra mặt.

Như vậy, bọn trẻ chỉ được nghỉ hè 1 tháng. Và khái niệm “3 tháng nghỉ hè” hoàn toàn là một thuật ngữ mang đầy tính định kiến. Hình như là từ lâu lắm rồi, trẻ con từ thành thị đến nông thôn đều chẳng biết đến 1 kỳ nghỉ hè trọn vẹn. 
Không nói đến con nhà giàu có, một đứa trẻ gia đình trung lưu giờ bình thường cũng phải: học văn hóa (và học thêm phụ trợ), học võ, học vẽ, học nhạc, học ngoại ngữ.

Thế còn nếu như bố mẹ có điều kiện và cầu kỳ nữa, thì bọn trẻ sẽ được (hay phải) học thêm: thiền, yoga, khiêu vũ, khai mở giác quan thứ 6 (thậm chí 7, 8), kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thuyết trình, giải phóng tư duy, giải phóng cơ thể…

Điều ngạc nhiên là, hầu hết các yêu cầu học hành kín mít ấy, đều xuất phát từ phía các bà mẹ. Các ông bố, mặc dù cũng rất khoái khi thấy con mua veo véo một bài quyền hay lướt một bản piano réo rắt, nhưng đa số thì luôn ừ hữ khi vợ hỏi ý kiến về việc cho con đi học thêm cái gì đấy. Vấn đề không chỉ là tài chính, mà còn là đưa đón. Mỗi lịch học thêm phát sinh của con, là một lịch đưa đón phát sinh của bố mẹ. Không phải ai cũng có thể thu xếp thời gian, và thế là việc ấy sẽ được giao phó cho ông bà, cô dì chú bác, hay thậm chí là ông xe ôm quen mặt đầu phố.

Đến mức giao con cho một ông xe ôm, miễn đảm bảo lịch học kín mít của đứa trẻ, thì đó là biểu hiện thái quá của các phụ huynh rồi. Và xin nhắc lại, người quyết định việc ấy không ai khác luôn là những bà mẹ.

Vào mỗi dịp tổng kết năm học, hãy lên mạng mà xem. Hàng nghìn, hàng vạn bảng điểm của bọn trẻ được khoe lên Facebook, Instagram. Tôi toát mồ hôi khi xem những bảng điểm đó. Chúng gần như là hoàn hảo, với rất rất ít điểm 9. Với trẻ cấp 1, các cô giáo thay cho việc chấm điểm bằng vô số những dấu đỏ hình bông hoa và những lời khen tặng. Hãy hình dung, sống trong một môi trường toàn những “siêu nhân” vừa làm toán nhanh vừa viết chữ đẹp, lại biết vẽ, biết thể thao, biết chơi nhạc cụ… bạn sẽ đối mặt với áp lực đến thế nào?

Bạn tôi đến nhà chơi, dắt theo thằng bé con 7 tuổi. Đấy là một thằng bé bất thường. Vở đầy những dấu mực lem luốc cùng lời nhắc nhở của cô giáo. Da đen trũi vì suốt ngày bêu nắng đạp xe, đá bóng. Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhưng không biết chơi nhạc cụ gì và sách vở thì chỉ thích truyện tranh. Hai bố con dành cả buổi chiều hôm ấy làm cần câu và ra cái ao nhỏ trước nhà tôi câu tôm.

Đến lúc ấy tôi mới nhận ra, đấy là đứa trẻ con đầu tiên tôi thấy cầm cần câu ra bờ ao, kể từ ngày tôi dọn đến đây ở. Cả một khu dân cư, hàng trăm đứa trẻ, không biết chúng biến đi đâu? Thời tôi còn là một đứa trẻ, nhà ở kế bên hồ, thì cả ngày chỉ biết có cái hồ ấy thôi. Câu tôm cá, bắt ve đổ dế, dính chuồn chuồn, hái me hái sấu… Còn ở đây, cả một ao nước mát rượi, vô cùng quý giá trong lòng Thủ đô, và bọn trẻ thờ ơ.

Trở lại với cuộc họp phụ huynh của con tôi. Tình cờ, tôi ngồi ngay bên một thứ - giống như là – bảng thi đua, với các bông hoa (một hình thức phiếu bé ngoan) dán kề bên các tên học sinh trong lớp. Tôi dễ dàng tìm thấy tên con mình, với một dãy dài những bông hoa dán đến tận rìa tấm bảng. Ngay bên dưới, là tên một cậu bé khác, với số hoa chỉ bằng 1/3. Nhưng tôi ấn tượng với tên cậu bé này, bởi vì chỉ vài phút trước đó, tôi đã xem qua cuốn lưu bút năm học của cả lớp. Trong đó, mỗi học sinh kể tên vài người bạn thân thiết với mình. Cậu bé “hư” kia được rất nhiều bé chọn là bạn thân. Còn con tôi, một học sinh giỏi xuất sắc, chỉ được 2 bạn đề cập đến. Và 1 trong 2 người đó, chính là cậu bé “hư”. 
Không thể kết luận gì từ những chi tiết nhỏ này, nhưng nó phần nào khiến tôi hiểu rằng, những đứa trẻ không hẳn là thích những “siêu nhân”.

Mỗi tối đi làm về, tôi thường đi qua một căn gác nhỏ. Từ ấy vang lên tiếng piano non nớt, lặp đi lặp lại một hợp âm, cần mẫn, đúng vào giờ ấy. Đôi khi tôi nghe có tiếng quát, và sau đấy thì hợp âm sẽ rối lên, hoặc im bặt. Và trong đầu tôi, luôn lặp đi lặp lại hình dung về một đứa trẻ, đang cặm cụi học đàn trong cơn đói, trong tiếng nấc, và trong ánh mắt kỳ vọng của một bà mẹ nào đó…

Thế rồi tôi lại nhớ đến giây phút đầu tiên mà tôi bế con mình trên tay, nghe tiếng nó khóc chào đời, và chính mình cũng rơi nước mắt, chỉ bởi vì nó đã là một đứa trẻ bình thường.

Nguyệt san Phụ nữ Mới - số 8 - 7/2017

Nguồn: Fb Phạm Gia Hiền


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab