Ngoài các bài học trên lớp, làm sao để dạy các giá trị cho con?
Giáo dục giá trị ở Úc
Nhìn vào cái hình về mô hình giáo dục giá trị của Úc thì mọi người hiểu rằng việc dạy trên lớp (dạy nhiều cách, không phải là giờ giảng nhé) chỉ là 1 thành phần, còn lại là CHÍNH SÁCH VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA NHÀ TRƯỜNG, CỘNG ĐỒNG TRƯỜNG HỌC VỚI SỰ THAM GIA CỦA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG VÀ NGOÀI TRƯỜNG.
Giáo dục giá trị trong trường học, về bản chất, phương pháp, đánh giá, hình thức tổ chức rất khác với việc chỉ dạy các giá trị cuộc sống (12 giá trị sống của UNESSCO hay trung tâm LVRC đang huấn luyện ở Việt Nam), và khác xa với việc dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Nghiên cứu giáo dục giá trị trong nhà trường gần đây của Úc, chỉ ra rằng, giáo dục giá trị tác động to lớn đến việc quản lý trường học hiệu quả, tăng cường chất lượng dạy của giáo viên, phát huy kết quả học tập của học sinh cũng như mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân họ (Lovat và cộng sự, 2008, 2009, 2011, 2017).
Giáo dục giá trị có thể dễ dàng nhận thấy qua việc dạy các giá trị trực tiếp (giống như dạy 12 giá trị sống của Unessco), hay các giá trị qua môn Giáo dục Công dân hay giáo dục đạo đức lối sống. Nhưng phần quan trọng hơn, có sức ảnh hưởng lớn hơn, đó là dạy một cách gián tiếp, qua mối quan hệ Giáo viên-học sinh, vai trò làm gương của giáo viên và bạn bè đồng trang lứa, văn hóa trường học, cách các thành viên trong nhà trường giao tiếp với nhau, sự hợp tác của phụ huynh, của địa phương...
Việc dạy và làm gương gián tiếp này có tác dụng và hiệu quả lớn hơn rất nhiều việc thuyết giảng về các giá trị. Như dạy cho học sinh về giá trị tôn trọng. Các thầy cô trong trường tôn trọng nhau trong giao tiếp và công việc, các thầy cô tôn trọng học sinh, tôn trọng phụ huynh và ngược lại. Học sinh sẽ thấm dần bài học về sự tôn trọng, hơn là thuyết giảng về giá trị tôn trọng.
(Ảnh: Daily Telegraph)
Giáo dục giá trị trong nhà trường có 3 cấp độ (DeNobile and Hogan, 2014):
-
Cấp độ 1: Cấp độ toàn trường:
Thể hiện trước hết ở triết lý trường học, khẩu hiệu trường học. Quan trọng nhất ở cấp độ này vẫn là tầm nhìn của lãnh đạo và nội quy, cách thi hành kỷ luật. Một hiệu trưởng sẽ quyết định thiết lập và quản lý cái văn hóa trường học. Nói to tát nhưng những việc làm cụ thể của thầy hiệu trưởng sẽ quyết định rất nhiều việc giáo dục giá trị. Trường học Brentwood park của Cherry con gái mình, dễ gặp thầy hiệu trưởng nhất không phải văn phòng, mà thầy thường đi nhặt rác quanh sân chơi cho trẻ, tìm đồ thất lạc cho học sinh, lâu lâu bất ngờ vào một lớp đố cả lớp 1 bài toán, làm trọng tài các buổi thi đấu hay khiêng bàn ghế ở các hội chợ trường...
-
Cấp độ 2: Diễn ra tại lớp học, nơi cô và trò thực hiện các kế hoạch đưa xuống từ cấp độ 1.
Có những cách dạy giá trị trực tiếp như đã nêu ở trên. Song, vì cô trò và học sinh tiếp xúc trực tiếp hàng ngày, nên sự gương mẫu của thầy cô là quan trọng nhất. Không phải làm gương là sự đạo mạo, chỉn chu về hình ảnh, lời ăn tiếng nói không đâu. Mà muốn trẻ sáng tạo, thầy cô cũng phải sáng tạo. Thầy cô cứ cứng ngắc khư khư một bài giảng mấy chục năm liên, trò sao học về sáng tạo nổi! Sự giao tiếp và làm gương của các bạn trong lớp cũng quan trọng không kém. Về vai trò giao tiếp với sự hình thành và phát triển nhân cách, lý thuyết của các nhà tâm lý học Liên Xô, khỏi phải bàn thêm nhiều nữa rồi.
-
Cấp độ 3: Cộng đồng: Phụ huynh tham gia vào giáo dục giá trị cho con.
Lúc mới qua, mình chỉ quan sát hiện tượng và hành động chứ chưa hiểu sâu xa đấy là kế hoạch của nhà trường là tăng cường sự tham gia của phụ huynh. Họ làm gì cũng có dụng ý. Ví dụ: Mỗi sáng 15 phút đầu giờ, phụ huynh được yêu cầu đến lớp đọc sách cùng con. Khi đi tham quan (Science Work Excursion), nhà trường mời gọi phụ huynh tham gia, nghĩa là cùng tổ chức chứ không phải đi phụ vặt trà nước đâu nhé. Mỗi phụ huynh sẽ phụ trách một nhóm như các cô, điểm danh, mang đồ ăn nhẹ, mang bữa trưa, mang đồ sơ cứu nhóm mình. Và phải chịu trách nhiệm chăm sóc nhóm đó.
Nhưng hay nhất vẫn là chương trình trường kết nghĩa (brother or sister schools). Mỗi một trường tiểu học lại kết nghĩa trường trung học gần đó. Vào các dịp hội trại hay hội thao, các anh chị lớn qua làm trọng tài và đưa nước, chăm sóc các em. Hay các buổi đi tham quan, các anh chị sẽ đi theo giữ đồ, mang đồ ăn giúp hay đơn giản là ngồi trên xe bus giúp các em...ói. Đây như là 1 mũi tên trúng 2 đích, vừa dạy trẻ nhỏ vừa dạy trẻ lớn, về sự giúp đỡ và yêu thương con người. Chả phải tốt hơn vạn lần thuyết giảng hay sao?
Mình còn thích nhất chương trình buddies của họ. Con gái mình thì cực kỳ yêu và nhớ buddy khi phải rời xa trường cũ. Đại loại như 1 bạn lớp Prep (lớp trước lớp 1) sẽ kết nghĩa 1 anh/chị lớp 6. Hai anh/chị em sẽ viết thư cho nhau, ôm nhau mỗi khi đến trường và khi có hoạt động trong trường diễn ra, anh/chị lớn sẽ chăm sóc em bé
Cấp độ 3 này có sự tham gia của chính quyền địa phương, các 'thần tượng" (như là ngôi sao bóng đá, ngôi sao cưỡi ngựa của thành phố Melbourne), ngân hàng và doanh nghiệp địa phương. Cherry và các bạn còn nhớ tên của bà trong ban chủ tịch của thành phố Monash nơi có trường các bạn. Vì bà ấy đến chúc mừng trong ngày Đa Văn Hóa. Bà ấy nói chuyện rất: "cute" (theo lời bọn nhỏ) và còn hát và nhảy vài động tác hiphop. Bà ấy còn ra câu đố vui cho trẻ, đại loại bao nhiêu người, ngôn ngữ trong thành phố ta. Tại sao mọi người lại tôn trọng bản sắc văn hóa của nhau... Nên trẻ rất hiểu biết về địa phương mình đang sống. Rất thực tế!
Tóm lại, giáo dục giá trị trong nhà trường là sự phối hợp thống nhất của các cấp độ. Mình tải lên đây tài liệu tập huấn miễn phí cho giáo viên tham khảo. Với từng bài giảng, hoạt động chi tiết dành cho GV trung học của Úc. Về lý thuyết thì có vẻ phức tạp nên mình đã cố gắng cụ thể hóa với những ví dụ mà mình trực tiếp quan sát. Với mong muốn bất kỳ ai cũng có thể hình dung thêm về giáo dục giá trị. Hy vọng 1 tương lai không xa, giáo dục giá trị sẽ được trả về đúng vị trí của nó trong trường học Việt Nam, để còn có cái báo cáo ra thế giới nữa!
Link tải tài liệu tại đây, cho Giáo dục giá trị từ tiểu học đến trung học:
http://www.curriculum.edu.au/values/val_values_for_australian_schooling_kit,8758.html
Theo FB Nguyen Huyen
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Tại sao trẻ bây giờ chán học, cảm thấy được làm mọi thứ và thiếu kiên nhẫn?
- “Nằm xuống” – Câu chuyện 10 giây từng gây chấn động toàn nước Đức
- 'Bố cho con cái gì?' hay câu chuyện người cha dạy con không trở thành người yếu ớt
- 3 độ tuổi “nổi loạn” của trẻ, cha mẹ cần chú ý để giáo dục con tốt
- Dạy con bằng chánh niệm: Tại sao nên và làm thế nào để chủ động lắng nghe tiếng khóc của con?
- Nguyên tắc dạy con của Hoàng gia Anh khác gì so với gia đình bình thường?