Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Sẽ miễn học phí tới cấp THCS là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Bộ GD&ĐT trình chính phủ

24 Tháng Mười Một 2017 3053 lượt đọc

Hệ thống giáo dục mở, linh hoạt

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký cho hay sẽ sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo.

Theo dự thảo luật, giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp THCS; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp THPT. Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến hết lớp 5. Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi.

Giáo dục THCS được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, học sinh có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.

Giáo dục THPT được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh vào lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp THCS. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi.

Dự thảo sửa đổi thể hiện sự linh hoạt, liên thông giữa cấp học và trình độ đào tạo khi dự kiến cho phép: Trong thời gian học THPT, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể học lên ĐH hoặc theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Sẽ miễn học phí tới cấp THCS

(Ảnh: Thanh Niên)

Một chương trình, nhiều sách giáo khoa

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung điều 29 trong Luật GD trước đây về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, đưa vào nội dung “một chương trình nhiều sách giáo khoa”.

Cụ thể, dự thảo quy định, chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trong cả nước và việc tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt.

Đồng thời có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Dự thảo cũng quy định: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong dạy và học ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Miễn học phí tới cấp THCS

Dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí khi bổ sung quy định miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập.

Tờ trình Chính phủ nêu rằng nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng.

Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.

Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh cấp THCS trường công lập.

Theo dự thảo, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

UBND các cấp chịu trách nhiệm chất lượng giáo dục địa phương

Một điểm mới được đưa vào dự thảo là bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chịu trách nhiệm về chất lượng của giáo dục địa phương tại khoản 4 Điều 100.

Cụ thể, khoản 4, Điều 100 nêu rõ: “Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý; phát triển các loại hình trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương.”

Trong khi đó, Luật GD 2005 và sửa đổi năm 2009 chỉ quy định ngắn gọn:

“Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương”.

Không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Dự thảo mới không sửa đổi, bổ sung điều Điều 31 trong Luật GD 2005 quy định về Xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Theo đó, tại khoản 3 của điều này, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi (tốt nghiệp THPT - PV) và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống lương hành chính, sự nghiệp

Tại điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 đã có nội dung mới. Cụ thể, Điều 81 trong dự thảo nêu:

“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Theo Bộ GD-ĐT, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông.

Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.

Cụ thể, theo Bộ GD-ĐT, việc sửa đổi, bổ sung Điều 81 về tiền lương của nhà giáo, nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ GD-ĐT trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau nên Bộ GD-ĐT muốn xin ý kiến của Chính phủ.

Theo Vietnamnet


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab