Star Donation Challenge

Vì sao một số phụ huynh “sợ” miễn học phí?

30 Tháng Mười Một 2017 2560 lượt đọc

Miễn học phí đến THCS theo phổ cập

Theo Bộ GD&ĐT, lý do của việc miễn học phí đối với bậc THCS (từ lớp 6 đến lớp 9) là vì cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Luật Giáo dục hiện hành cũng quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Gần đây nhất, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 cũng đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Trung ương và Quốc hội về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020.

Hiện tại, ở bậc tiểu học công lập trên phạm vi cả nước đã thực hiện phổ cập giáo dục và không thu học phí trong những năm gần đây. Việc áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh bậc THCS công lập cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Đặc biệt là đối với các vùng nông thôn, miền núi, khoản học phí của con em cũng là một gánh nặng cho các gia đình khó khăn, nhất là các gia đình có nhiều con cùng đi học.

Vì sao một số phụ huynh “sợ” miễn học phí?

(Ảnh: Báo Tuyên giáo)

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, hiện nay nước ta đang thực hiện phổ cập từ mầm non, tiểu học tới THCS, tuy nhiên chỉ có bậc tiểu học là được miễn học phí. Về bản chất, khi đã phổ cập THCS nghĩa là mọi học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, được tạo điều kiện để hoàn thành phổ cập. Dù mức học phí cấp THCS hiện nay không quá cao, song vẫn có rất nhiều gia đình khó khăn, không có tiền cho con đi học, một số học sinh nhà nghèo vì không đủ điều kiện theo học mà phải ở nhà phụ giúp gia đình, đi làm thêm kiếm sống...

Đánh giá về đề xuất của Bộ GD&ĐT, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc miễn phí từ tiểu học tới THCS là hết sức cần thiết, rất đáng hoan nghênh với đề xuất này để hoàn thiện việc phổ cập bậc học này. Để thực hiện, cần tính toán hợp lý để ngân sách có thể cấp bù, duy trì ổn định các hoạt động của nhà trường. “Trong trường hợp nguồn lực tài chính còn hạn chế, có thể thực hiện từng bước theo lộ trình. Trước mắt, thực hiện miễn học phí cấp THCS tại các trường vùng sâu vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn trước khi áp dụng đại trà trên cả nước”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.

Có làm tăng tình trạng lạm thu?

Với nhiều gia đình, thông tin miễn học phí bậc THCS là tin mừng, bởi nếu thực hiện sẽ giảm số tiền đóng góp hàng tháng, số tiền này để mua quần áo, sách vở giúp con cái có điều kiện hơn trong học tập. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn, chẳng hạn như Hà Nội, dù tăng tới gần 40% so với năm học trước, nhưng mức thu học phí của học sinh mầm non, THCS, THPT năm học 2017-2018 khu vực thành thị 110.000 đồng/tháng, nông thôn 55.000đồng/tháng. Mức thu của các trường học ở Hà Nội được cho là khá thấp, thậm chí học phí học sinh Thủ đô thấp hơn một số tỉnh lân cận. Do đó, thông tin miễn học phí khiến nhiều phụ huynh cảm thấy không hào hứng.

Không mấy hào hứng với đề xuất miễn học phí của Bộ GD&ĐT, phụ huynh Lê Thị Thu Hương có con học lớp 6 công lập ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Miễn học phí cho học sinh cũng là điều đáng mừng, tuy nhiên tôi thấy ngoài học phí con phải đóng thêm nhiều khoản khác mà mức đóng này lên tới cả triệu đồng. Ví dụ như đứa út đang học tiểu học nhà tôi, dù miễn học phí nhưng hàng tháng phải đóng thêm các khoản như: Tiền học 2 buổi/ngày, tiền chăm sóc bán trú, tiền tiếng Anh tăng cường, tiền quản lý ngoài giờ… Khoản nào cũng từ 100.000đồng – 250.000đồng/tháng. Như vậy, có bớt khoản này mà thêm các khoản khác lớn hơn thì miễn học phí theo tôi chỉ có tác dụng với các trường nông thôn, miền núi”.

Nhiều phụ huynh có con học THCS ở Hà Nội cho rằng, học phí là khoản cần duy trì nếu như nhà trường chưa thể đủ kinh phí cho các hoạt động dạy và học, trong đó có việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất. Nếu như thực hiện miễn học phí trong điều kiện thiếu hụt ngân sách, các trường bị cắt giảm hoặc phải hoạt động cầm chừng trong lúc chờ “rót” ngân sách sẽ ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh lo lắng việc miễn học phí làm tăng mối lo xảy ra tình trạng lạm thu tiền trường đầu năm học, điều đã xảy ra trong những năm học vừa qua.
 
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Mức học phí THCS không quá cao, nên phụ huynh vẫn có thể đóng góp. Nhưng nếu thực hiện, cần tính toán làm sao để ngân sách giáo dục được tăng lên, chứ nếu vì việc tăng lương giáo viên, miễn học phí mà ngân sách giảm đi thì vô tình “làm khó” giáo viên, học sinh. Ngoài ra, khi thực hiện miễn học phí thì các khoản thu khác trong trường học phải được công khai, minh bạch, nếu không phụ huynh lại phải gánh thêm các khoản phí mập mờ khác. Các khoản thu sau khi miễn học phí cũng cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường cố tình thu sai”.

Theo Báo điện tử Gia đình & Xã hội


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

Khóa HD ôn thi vào 10

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab