Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

TS. Vũ Thu Hương bày cách giúp trẻ tránh bị bắt nạt ở trường

07 Tháng Mười 2017 4199 lượt đọc

TS. Vũ Thu Hương bày cách giúp trẻ tránh bị bắt nạt ở trường

Ảnh minh họa

GD&TĐ - Cả tuần nay, con trai đang học lớp 2 của tôi đi học về là chia sẻ với mẹ mong muốn cô giáo chuyển lớp cho một bạn thường xuyên bắt nạt con và nhiều bạn khác trong lớp. Bày cho con các “chiêu” để đối phó nhưng xem ra không mang lại hiệu quả mà khiến tôi lại càng thêm bối rối.

Mang câu chuyện của mình chia sẻ với nhiều bà mẹ khác, tôi còn được nghe nhiều tình huống bị bắt nạt khiến các bậc phụ huynh “cười ra nước mắt” nhưng lại khiến trẻ rơi vào trạng thái lo âu, thậm chí giảm tập trung trong học tập. Nguyên nhân được các mẹ nêu ra rất đa dạng: do con hiền lành quá, con biết nhường bạn, con sợ va chạm với bạn lại bị cô giáo phạt,…

Có lẽ tập thể nào cũng có những đứa trẻ bị bắt nạt và cha mẹ thì không phải ai cũng đủ chiêu để bày cho con cách đối phó và tự giải quyết dứt điểm tình trạng này. TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khuyên cha mẹ nên có phương pháp “xử lý” cả với con mình và đám trẻ bắt nạt con mình, kèm thêm 6 lưu ý như sau:

1. Không can thiệp vào câu chuyện nội bộ của trẻ

Có sự can thiệp của người lớn, mọi chuyện sẽ căng thằng và thậm chí có thể xảy đến những vụ án lớn như những vụ người nhà đến trường đánh, chửi bạn bè của con em mình. Vì vậy, người lớn tuyệt đối không can thiệp trực tiếp vào chuyện của trẻ.

2. Không mách cô giáo và cũng không xúi con mách cô

Tâm lý trẻ cực kì ghét kiểu “mách tội” và hoàn toàn chưa ý thức được hậu quả những việc làm của mình nên chiêu này dễ gây tác dụng ngược, khó kiểm soát hậu quả. Có khi con còn bị nhiều bạn "tẩy chay" hơn.

TS Vũ Thu Hương chia sẻ câu chuyện có thật rằng, một học sinh bị bắt nạt, bị đánh, mẹ đến mách cô. Hôm sau, lũ trẻ không đánh thằng bé nữa mà tạt nước nóng vào người nó. Trẻ không biết đâu là điểm dừng và chưa nhận thức hết những nguy hiểm của các hành động. Vì thế, nếu chúng ta dùng uy quyền của “nhà cầm quyền” là cô giáo để xử thì chúng ta rất dễ nhận hậu quả cay đắng.

3. Phân tích cho con nguyên nhân con bị bắt nạt

Cha mẹ nên ân cần phân tích cho con chính vì con bị cô lập nên khi bị bắt nạt, không ai giải cứu con. Chắc chắn các bạn sẽ chẳng dám làm gì nếu như con có một đám bạn bè đông đảo. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm ngay khi con có vẻ không có bạn. Hãy quan sát và suy nghĩ xem tại sao con không có bạn và xử lý ngay trước khi sự việc trở nên xấu hơn.

Bên cạnh đó, bạn nên động viên con phấn đấu và rèn luyện để có kết quả học tập thật tốt. Sự tự tin về kiến thức sẽ là một phần quan trọng giúp con có được sự nể phục của bạn bè và theo đó nguy cơ bị bắt nạt chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.

4. Hãy giúp con kết bạn

Kể cả lúc con đang bị tẩy chay hoặc bắt nạt rồi, phương pháp này vẫn hữu hiệu. Đó là cha mẹ hãy mua độ chục gói kẹo, mỗi ngày cho con 1 gói và dặn con mang đến chia cho bạn bè. Các bạn thấy con có kẹo thì sẽ thích thú lắm và sẽ tỏ tình thân với con.

Đây không phải là “mua chuộc” mà hiểu rằng bạn đang dạy con cách chia sẻ với bạn bè. Cũng có thể, bạn sắm cho con một món đồ chơi mà nhiều người tham gia được để con cùng chơi với các bạn trong giờ ra chơi hoặc cuối giờ học. Trẻ rất dễ thương. Cứ ai cho cái gì là các con nghĩ đến việc đền đáp. Vì thế, hãy giúp con tạo tình thân từ việc đơn giản này.

5. Giúp con tạo liên kết bạn bè

Cho kẹo rồi, nhưng tính cách của con quá ích kỉ, ít quan tâm bạn bè thì cũng khó giữ bạn lắm. Vì thế, khi đón con, hàng ngày, cha mẹ hãy hỏi con những câu như: Bạn ngồi gần con tên là gì? Bố mẹ bạn tên là gì? Nhà bạn có mấy anh chị em? Nhà bạn có nuôi chó mèo không? Nhà bạn có trồng cây không?....

Khi con nhớ ra và hỏi thăm bạn, lúc đó hai bên sẽ có những giờ giao tiếp và hiểu nhau nhiều hơn. Có trò chơi dân gian thú vị nào thì cha mẹ nên dạy con và khuyên con dạy cho bạn rồi rủ bạn chơi. Có trò chơi là có niềm vui. Từ tam cúc, ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy lò cò, đồ cứu, bịt mắt bắt dê… các trò chơi sẽ giúp lũ trẻ có niềm vui tuyệt vời ở những giờ ra chơi dù rất ít ỏi và giúp con có bạn bè gần gũi gắn bó.

6. Hãy để con tự giải quyết vấn đề của mình

Đơn giản vì ra đời ai cũng có thể gặp phải các tình huống bị bắt nạt. Vì vậy, để tạo kỹ năng tốt thích nghi với hoàn cảnh, bố mẹ nên để con tự xử lý khủng hoảng ngay từ nhỏ. Điều quan trọng cần làm là ủng hộ con, sát cánh cùng con, lắng nghe con chia sẻ, tâm sự hàng ngày. Nếu con tự giải quyết ổn thỏa vấn đề, cha mẹ cần có lời ca ngợi, động viên, khích lệ kịp thời để con thấy con chẳng hề kém cỏi, chẳng ai bắt nạt được con.

“Bị bắt nạt rõ ràng chẳng dễ chịu gì nhất là đối với trẻ. Nhìn con bị bắt nạt là cha mẹ nào cũng xót xa và lo lắng. Tuy nhiên, cha mẹ hãy luôn luôn bình tĩnh làm chỗ dựa tinh thần cho con, tạo niềm tin vững chắc để có thể được nghe mọi chia sẻ của con từ các hoạt động hàng ngày bên ngoài cánh cửa nhà. Trong các "chiêu" để chống bị bắt nạt, chiêu hiệu quả nhất là cha mẹ hãy theo dõi kín đáo và hỗ trợ con tự giải quyết vấn đề. Kỹ năng tự vệ luôn bền vững và hữu ích trong mọi tình huống.” – TS. Vũ Thu Hương

 

Theo Kim Thoa - GD&TĐ


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab