Star Donation Challenge

VỀ VIỆC DẠY HỌC Ở TRƯỜNG VÀ Ở NHÀ (hay SCHOOLING, HOMESCHOOLING VÀ UNSCHOOLING)

06 Tháng Năm 2017 4901 lượt đọc

Quan điểm của mình trước nay không thay đổi: cha mẹ là người hiểu rõ con nhất nên việc tham gia hỗ trợ việc học của con là điều rất quý. Tuy nhiên, khi đã muốn một mình chịu trách nhiệm cho việc học của con, họ phải đảm bảo đủ kiến thức để không vô tình tước đi những cơ hội lớn của con trong cuộc sống do sự hạn hẹp trong góc nhìn của họ. Vì vậy homeschool tốt hay không tốt không phải ở cái tên gọi, mà là ở quá trình cha mẹ cùng đồng hành và học hỏi, giúp con phát triển tốt nhất trong khả năng có thể của con.

Và luôn luôn trong tâm thức, mình phản đối việc "nhuộm màu lông cho quạ", biến con thành "con quạ" nhiều màu sống giữa đàn quạ chỉ vì mơ ước một ngày nào đó con sẽ bay sang và sống được với đàn công. Câu chuyện cổ kết thúc thế nào, hẳn nhiều người trong chúng ta đều đã rõ.

Thêm một link nữa tham khảo: quy định về việc homeschool cho con của California, trong đó có một yêu cầu quan trọng là ngôn ngữ sử dụng để dạy con phải bằng tiếng Anh (tiếng mẹ đẻ của dân Mỹ): http://www.pheofca.org/legalfactsheet.html

Trước đây, có một vài mẹ vào hỏi ý kiến mình về homeschool và unschool. Lúc ấy quả thực mình không nói được nhiều vì mình không hiểu thực chất chuyện gì đang diễn ra (vì theo những gì mình thấy thì nó không giống với sở học của mình cũng như không logic theo năng lực hiểu biết có hạn của mình); tuy nhiên thời gian gần đây, mình có theo dõi FB của một hot mum làm unschool, và mình cảm thấy một điều mà hình như chính bạn ấy cũng cảm thấy: những người thực sự MUỐN làm giáo dục, thì dù có xuất phát từ hướng nào, đi những con đường nào... rồi cũng tìm ra "chân lý" ở khoảng nào đó tiệm cận với nhau. Và hôm nay, nhân một thảo luận nho nhỏ ở post của bạn ấy, mình chợt muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về bản chất của việc dạy và việc học - dù dưới bất kỳ hình thái nào trong ba loại hình nêu trên.

🦉 NGƯỜI HỌC:

Không một phương pháp nhằm thay đổi suy nghĩ và hành vi (học) của người chịu tác động nào lại không bắt đầu từ bản thân người ấy. Khi dạy/giáo dục một con người, một trong những bài đầu tiên giáo viên phải học là hiểu được học sinh của mình là ai, có những đặc điểm gì. Với người lớn, việc phân tích các vấn đề liên quan tới cá nhân người học thực chất là một điểm then chốt bởi người lớn bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố xung quanh: từ những nguyên nhân hữu hình tới vô hình, từ những câu chuyện có nguồn gốc xa xôi tận quá khứ tới những thứ hiển hiện ở hiện tại..., chính vì thế, dạy được "họ" mà có được "thành tựu" (theo nghĩa giúp họ học được cái gì "mới") quả thực là một quá trình phức tạp và đòi hỏi rất nhiều "kỹ thuật" bởi những yếu tố "đằng sau" người học là đa dạng và KHÁC nhau, trong khi ảnh hưởng của chúng tới kết quả việc học lại rất LỚN.

Trong khi đó, với trẻ em, mọi thứ dường như đơn giản hơn rất nhiều. Những chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh luôn chỉ đặt việc dạy trẻ em như một "nhánh phụ" sau khi giáo viên đã đạt được yêu cầu về giảng dạy người lớn. Ban đầu mình chưa hiểu rõ lý do, nhưng từ ngày tìm hiểu "xuống" (dạy những độ tuổi nhỏ hơn), mình mới nhận ra rằng công việc này thực chất, chỉ đòi hỏi người dạy thực sự thấu hiểu những vấn đề sau:

🌟 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT CỦA TRẺ

Với vấn đề này, muốn hiểu "nông" (trẻ làm được gì lúc nào và người lớn có thể làm gì) thì cũng được mà muốn hiểu sâu (quá trình hình thành và cơ chế phát triển của các bộ phận trên cấu trúc não, tâm lý và nhu cầu tâm sinh lý của trẻ...) thì càng tốt :D. Quan trọng là độ di động của các yếu tố không quá lớn (trẻ cứ đến tầm giai đoạn đó hoặc sớm hơn/chậm hơn chút chút sẽ có những nhu cầu, biểu hiện và khả năng nhất định), nên sự "sai lệch" trong phương pháp tiếp cận cũng như sự cân nhắc suy nghĩ thay đổi phương án... không phải là vấn đề quá lớn với một người có chuyên môn sư phạm (nếu so với việc dạy người lớn).

Điều quan trọng ở đây là PHẢI HIỂU ĐÚNG để KHÔNG LÀM SAI (vì cái sai lại rất nguy hiểm về lâu dài).

Nếu hiểu được sâu sắc, khả năng người hướng dẫn em nhỏ sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của bé bằng tác động của mình là rất cao - và ở độ tuổi càng nhỏ, mỗi tác động ĐÚNG ĐỘ đều tạo được kích thích phù hợp để giúp em bé ấy tiến RẤT XA trên chặng đường đời sau này.

Nhưng lại phải nhắc lại: nếu SAI (vì hiểu hời hợt) thì lại phải TRẢ GIÁ.

Có thể tham khảo từng độ tuổi ở đây (1).

🌟 NHU CẦU TINH THẦN CỦA TRẺ

Trẻ em tưởng phức tạp nhưng lại dễ hiểu, dễ hiểu mà nếu dùng hệ quy chiếu của người lớn thì lại thành khó. Nhu cầu tinh thần (tâm lý) của trẻ thực ra rất đơn giản so với tháp nhu cầu hết sức phức tạp của người lớn (tháp Maslow) - đơn giản, vì trí thông minh cảm xúc của đứa trẻ phát triển dần theo thời gian: từ đơn giản tới phức tạp, song song với sự phát triển của tri giác về thế giới xung quanh.

Có nhiều cách chia các nhu cầu này của trẻ, tuy nhiên, có thể gộp thành 4 loại chung nhất (2):

🌟🌱 Nhu cầu được định hướng và tự chủ hành động (Orientation and control):

Kể cả là em bé nhỏ lẫn thanh thiếu niên thì đều rất cần được người lớn chỉ bảo để không có cảm giác lạc lõng, hoang mang trong hành trình trở thành một phần của thế giới; tuy nhiên cũng chính các em, sau những khoảng thời gian bối rối và lo lắng, lại đòi hỏi ĐƯỢC TRAO QUYỀN để hành động.

🌟🌱 Nhu cầu được bảo vệ sự tự trọng của bản thân (self-esteem protection):

Việc người lớn, đặc biệt là những người quan trọng với đứa trẻ, nhìn nhận em như thế nào (thông qua cách giao tiếp) sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cảm nhận bên trong của em về mình. Một cách bản năng, đa số chúng ta có xu hướng nhìn nhận mình tốt hơn thực tế, vì thế, những lời chỉ trích, phê bình, mắng nhiếc... liên tục trong thời gian dài không những không làm ta tốt lên mà còn khiến tâm lý đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nặng nề, và dẫn đến những biểu hiện phản kháng (để bảo vệ sự tự trọng cá nhân này). Với trẻ em, việc đó có thể là cãi lại, phớt lờ..., còn với thanh thiếu niên, việc này dẫn đến những hành vi như trốn học (trốn khỏi nơi mà em cảm thấy bị hạ thấp), hoặc bắt nạt kẻ khác (để thấy mình quan trọng)...

🌟🌱 Nhu cầu được vui và né tránh căng thẳng (pleasure gain and distress avoidance):

Điểm cần chú ý ở đây là nghĩa của từ "vui" trong từ vựng của trẻ khác với ý hiểu của người lớn, cũng như giữa các trẻ khác nhau cũng là khác nhau. Một đứa trẻ của Montessori có thể coi hoạt động tự làm việc một mình hàng giờ là một thứ đem lại niềm vui vì em bé đó được nuôi dưỡng để nhìn nhận giá trị "giải trí" của hoạt động mang tính trí não ấy; trong khi một đứa trẻ được gia đình "trao thưởng" cho những biểu hiện tốt bằng thời gian dùng iPad sẽ chỉ thấy việc tương tác với màn hình ảo mới là thứ khiến bé thấy thích thú. Đó là lý do mà một kế hoạch "tỉnh táo" trong việc hướng dẫn và định hướng cho con trong những năm đầu đời thực sự ảnh hưởng rất lớn tới hành xử của trẻ giai đoạn sau - tạo nên cách các cháu nhìn nhận và "hợp tác" với những hoạt động giáo dục mà cháu tham gia khi lớn lên.

Việc mong muốn vui đối lập với nỗi sợ hãi sự căng thẳng cũng tạo ra một thế "cây gậy" và "củ cà rốt", trong đó những đứa trẻ khi lớn lên, học cách kìm hãm và chấp nhận căng thẳng trong một thời điểm vì biết rằng sau đó sẽ được trao thưởng bởi niềm vui.

🌟🌱 Nhu cầu được gắn bó với người nuôi dưỡng (attachment):

Sự gắn bó tình cảm với người nuôi dưỡng có ảnh hưởng cực kỳ lớn tới những biểu hiện bên ngoài của một đứa trẻ. Ainsworth chia mối quan hệ này thành một số loại chính:

- Cảm giác an toàn: những em bé có cha mẹ nhạy cảm, quan tâm tới nhu cầu của con và đáp ứng chúng một cách hợp lý (tinh tế, chấp nhận và mang tính hợp tác) thường có thái độ tin tưởng và tìm kiếm sự an ủi từ phía cha mẹ (hoặc người nuôi dưỡng) mỗi khi gặp áp lực tâm lý, và sau đó, khi các em cảm thấy an ổn, sẽ lại tiếp tục tự tin tiến ra môi trường ngoài và tiếp tục quá trình khám phá.

- Cảm giác bất an: những em bé này thường có biểu hiện ngược lại: không bao giờ tìm đến sự hỗ trợ của cha mẹ trong những tình huống khẩn cấp bởi các em đã có "kinh nghiệm" rằng không những mình không được giúp đỡ, mình còn bị hạ thấp và chối bỏ khi tỏ ý cần được giúp. Những em bé này hoặc tỏ ra bất cần, hoặc (ở giai đoạn nhỏ hơn) thường có cách đeo bám, khóc lóc, giằng dai... với người em muốn ở gần nhất bởi em biết em chỉ có được sự an ủi khi làm mọi chuyện quá lên mức cần thiết.

- Cảm giác xa cách: thường những em bé có cảm giác này khi không phát triển đủ sợi dây liên hệ vô hình với người chăm sóc mình, khiến cho em không có được cảm giác mình được gắn bó với ai đó và thấy an ổn sâu trong lòng. Chính vì thế, những biểu hiện bên ngoài của các bé này thường rất khó đoán định, đa phần cực đoan, dễ cáu gắt. Những biểu hiện này được coi là dấu hiệu của chứng rối loạn cảm xúc do thiếu hụt tình cảm gắn bó với người chăm sóc bé, và hậu quả của nó còn kéo dài mãi tới suốt cuộc đời.

Tất cả những nhu cầu cảm xúc trên đều có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng học tập và vượt qua trở ngại trong học tập (và cuộc sống), cũng như tạo ra động lực cũng như trở lực cho việc thành công hay không thành công với những nội dung học tập.

Hiểu được những nhu cầu cơ bản đó, người đảm nhiệm vai trò dạy dỗ trẻ sẽ có được năng lực thấu cảm cần thiết để lựa chọn hành động HỢP LÝ tại mỗi hoàn cảnh khác nhau và với mỗi trẻ khác nhau --> từ đó góp phần nuôi dưỡng những điều kiện quan trọng thúc đẩy quá trình học tập của bé: một người mẹ có thể lắng nghe tốt hơn con mình và khiến cháu cảm thấy tự tin chiếm lĩnh những đỉnh cao học thuật mới; một người thầy/cô có thể thuyết phục học sinh nghe theo mình mà không cần dùng hình phạt cũng như treo thưởng đơn thuần, từ đó, thực sự chăm chú vào mục tiêu quan trọng nhất: khuyến khích niềm vui khám phá và tình yêu học tập - vốn là một phần bản chất (tò mò) của tuổi trẻ.

🦉 VIỆC DẠY HỌC:

Một trong những sai lầm của chúng ta hiện nay, đa phần là chỉ nhìn vào cái "vỏ", phần "ngọn"... mà bỏ qua phần chìm sâu ở bên dưới về bản chất của việc dạy và học, vậy nên, chúng ta chỉ chạy theo CÁCH LÀM (phương pháp) và CÔNG CỤ (giáo trình, tài liệu...). Thực ra, không thể nói là không cần cách làm, cũng như công cụ giáo dục không quan trọng, nhưng nếu chỉ có phần "hình hài" mà không có phần "hồn" cốt lõi, nhiệm vụ cơ bản của giáo dục khó có thể thực sự đạt được tới "nơi".

Để dạy học, giáo viên cần hiểu được: cơ chế của việc học + bản chất của môn học. Vậy từng phần trên là gì?

🌟 CƠ CHẾ CỦA VIỆC HỌC:

Có 4 quan điểm về việc học phát triển trong những thập niên 50s cho tới gần đây được tóm tắt bằng những thuật ngữ sau (mà mình ko biết dịch thế nào): Behaviourism, Cognitivism, và Constructivism. Mỗi một quan điểm đều có những biểu hiện đặc thù của nó và sau khi phân tích, hy vọng mọi người sẽ "thấy" rõ cái chúng ta đang làm là quan điểm nào, cũng như nếu chỉ "theo" hướng đó, chúng ta đang bỏ lỡ cái gì cho con cái?!

🌟🌱 Behaviourism:

Quan điểm này là "lâu đời" nhất, trong đó người ta tin rằng việc học bản chất là hiểu và nhớ. Bởi thế, nó chỉ đơn giản là sự lặp đi lặp lại của vấn đề, được tạo nên bởi quá trình tạo ra do phản ứng của con người trước các tác động bên ngoài. Theo nghĩa đó, cơ chế ghi nhớ có vai trò quan trọng nhất, giúp hình thành phản xạ, và vì thế, việc củng cố những thói quen tốt thông qua khen thưởng và từ bỏ những thói quen chưa tốt thông qua trừng phạt là cơ chế tốt nhất để phát triển việc học theo quan điểm này.

Cách đánh giá của việc học theo trường phái này là dựa trên bài test, trong đó, việc rèn luyện thường xuyên có tính chất lặp lại sẽ được thể hiện chính xác thông qua kết quả bài kiểm tra.

🌟🌱 Cognitivism:

Trường phái này thì lại cho rằng việc học phải được định nghĩa ở khả năng cân nhắc thông tin (evaluate) và sáng tạo cái mới (create). Vì vậy, quá trình học tập bao gồm lưu giữ thông tin và thẩm thấu chúng qua bộ lọc của con người. Với quan điểm này, việc học phải được gắn với cơ chế phát triển sẵn có của con người, và sẽ bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm cá nhân của người học trước khi tới lớp/tiếp xúc với nội dung cần học. Một trong những trọng tâm của quan điểm này là ở việc phát triển năng lực tư duy, vì thế, hoạt động học tập tìm mọi cách kích thích các khả năng của não - tuy thế, lại không quan tâm đủ tới sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của người học.

🌟🌱 Constructivism:

Theo những người tin vào trường phái này, thì học tập là quá trình tái cấu trúc lại cái thu nhận được trong đó, hai đọng tác cơ bản là phân tích và áp dụng. Việc học lúc này mang tính xã hội cao, và sự tiếp thu và mức độ thấu hiểu phụ thuộc nhiều vào yếu tố cá nhân hơn là bên ngoài. Chính vì thế, môi trường học tập được xây dựng dựa trên trải nghiệm học tập thật, và thông qua sự tương tác với thực tế, mỗi cá nhân tự phân tích vấn đề và rút ra bài học phù hợp với nhãn quan của mình.

Sau khi đọc lý thuyết chung về việc học, mọi người nghĩ trường học hiện nay của chúng ta đang theo thuyết nào? Quan điểm của chúng ta khi dạy con cái đang theo hướng nào?

Còn cách làm của giáo viên thế giới (hoặc được đào tạo theo chuẩn quốc tế): cố gắng tối đa kết hợp cả 3 trường phái với nhau bởi bản chất, việc học là tổng hoà của tất cả, chứ không phải cái này loại trừ cái kia. Có điều, tuỳ vào mục đích, nội dung bài học cũng như đặc điểm của học sinh... mà sẽ có lúc ta chọn thiên về hướng này, có lúc khác thiên về quan điểm khác... Khi hoàn toàn hiểu rõ mục đích và trọng tâm của mỗi hướng đi, người đảm nhận nhiệm vụ giáo dục sẽ cảm thấy thoải mái: "lấy vô chiêu thắng hữu chiêu" trong quá trình xây đắp tình yêu học tập nơi bọn trẻ.

🌟 BẢN CHẤT CỦA MÔN HỌC:

Phần này, do đặc thù chuyên môn, mình tôn trọng và không dám "lộng ngôn" sang các lĩnh vực khác. Vậy xin chỉ nói sơ qua chút chút về môn tiếng Anh của mình.

Do toàn cầu hoá, tiếng Anh ngày một trở nên quan trọng do nó được coi là chìa khoá mở ra cánh cửa tri thức của nhân loại cũng như cơ hội phát triển cá nhân ở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ vì thế mà người người, nhà nhà nhận thức rất cao về tầm quan trọng của ngôn ngữ này.

Tuy thế, việc hiểu tầm quan trọng không có nghĩa là nhận thức được bản chất tiếng Anh là gì, và việc "giỏi" ở ngôn ngữ này nó... hình thù ra sao :D, nên có rất rất nhiều phụ huynh cho đến thời điểm hiện tại, cứ quay mòng mòng với đủ loại "lời khuyên" móc túi của đủ các cơ sở/hình thức kiếm tiền từ việc giảng dạy trẻ em ngôn ngữ này.

🌟🌱 Và vì mình đã viết một vài bài về bilingualism rồi, nên xin phép chỉ nói lại tóm tắt ý này:

Ngôn ngữ = khả năng sử dụng + tư duy ngôn ngữ + tư duy văn hoá.

Thiếu một trong những yếu tố trên, khó có thể gọi một người xì xì xồ xồ tiếng Anh là "giỏi" được.

🌟🌱 Ngôn ngữ là "sinh thể" sống: nghĩa là nó có sự biến đổi theo thời gian và bị ảnh hưởng bới tất cả những yếu tố liên quan tới con người, môi trường và xã hội.

Đơn giản: người ta di cư từ vùng này sang vùng kia của đất nước đã khiến thổ âm của vùng mới bị ảnh hưởng ít nhiều.

- Đó là lý do mà chuẩn phát âm Anh (RP) và chuẩn Mỹ (GA) nay không còn giống hoàn toàn như trong sách ban đầu nữa! Và số dân thực sự nói đúng RP với GA là CỰC KỲ NHỎ!

- Đó là lý do mà ngữ pháp tiếng Anh của chục năm trước với ngữ pháp tiếng Anh bây giờ KHÔNG HOÀN TOÀN GIỐNG NHAU.

- Đó cũng là lý do mà từ vựng tiếng Anh có những từ bạn đọc thấy ở sách nghiêm chỉnh hẳn hoi - mà nói ra chả ai hiểu, cũng như bạn nghe nhièu từ rõ ràng hiểu được âm, biết được cách viết mà vẫn chả rõ mô tê gì cả!

Vì vậy, khi dạy con cái hay học sinh, hãy biết cân nhắc "nặng", "nhẹ", cái gì cần tập trung, cái gì nên lướt qua... để vẫn chuyển tải được đúng tinh thần môn học này và không khiến đứa bé hiểu lệch lạc vai trò của một số thành phần ngôn ngữ trong bức tranh tổng thể! (Ví dụ ngữ pháp KHÔNG quan trọng thế, hoặc phát âm thì nói từng âm đúng KHÔNG quan trọng bằng ngữ điệu đúng).

🌟🌱 Cơ chế mắc lỗi:

Tư duy và ngôn ngữ là song hành, vì thế quá trình phát triển của ngôn ngữ cũng tuân thủ những quy trình phát triển nhất định: trong đó lỗi sai cũng xuất hiện tuần tự như một cơ chế tự nhiên KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI.

Hiểu đươcj cơ chế đó, ta sẽ biết được nên có thái độ thế nào cho đúng trước lỗi sai của con/người học. Có những lỗi dù có cố cũng vẫn sai ở giai đoạn ấy - nhưng cứ kiên nhẫn một thời gian, sẽ vượt qua được. Có những lỗi hoàn toàn không phải là do vấn đề phát triển, mà là do con/học sinh chưa thực sự hiểu --> lỗi của ta --> ta phải sửa. Có những lỗi lại đến từ một vấn đề nào đó của não bộ người học mà muốn giải quyết được nó, ta phải tìm sự can thiệp ở những nguồn khác...

🦉 TÓM LẠI: Thực ra mình chia môn học là chia làm vậy, chứ trên thực tiễn cuộc sống, mọi thứ đều có liên quan và kết nối với nhau, cũng như PHẢI hiểu được sự kết nối này mới nắm được bức tranh tổng thể của vấn đề mình đang đối diện. Tiếng Anh là một "môn học" khi nó bị giới hạn bởi thời gian lên lớp, nội dung bài học và một lịch trình cụ thể. Nhưng tiếng Anh hoàn toàn có thể là cuộc sống, nếu giáo viên hoặc cha mẹ nắm được TINH THẦN của nó để bứt ra khỏi những khuôn mẫu sáo mòn, xây dựng được cho con/học trò những bài học tiếng mà KHÔNG PHẢI BÀI HỌC, để đứa trẻ thực sự dùng được, và nắm được tinh thần, ý nghĩa của thứ tiếng này trong cuộc sống của bản thân cháu.

Một trong những điểm mình cho rằng Unschooling chiếm ưu thế hơn schooling là ở chỗ nó hoàn toàn chủ động phá bỏ mọi rào cản và tránh được nhiều hạn chế vốn tồn tại khi mọi thứ buộc phải tuân thủ một hệ thống nhất định đối với schooling. Rất nhiều thứ phản giáo dục diễn ra trong lòng schooling hiện nay đều tạo nên sức ép khiến ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần học tập của trẻ em hiện tại - tất cả đều do sự tắc trách, thiếu hiểu biết (nếu có) của một bộ phận không nhỏ những người trực tiếp tham gia vào công việc giáo dục - và tạo ra ảnh hưởng tới những người không chuyên khác là phụ huynh... Vì vậy, cá nhân mình nhìn nhận, nếu người mẹ/người cha là những người minh mẫn và có năng lực tự học hỏi cao, việc họ quyết định dấn thân vào dạy dỗ em nhỏ là một hành động đáng được khuyến khích và tạo điều kiện. KHÔNG AI có thể làm giáo dục với tất cả tấm chân tình như người mẹ, người cha. Và nếu có thêm sự hiểu biết sâu sắc, thì sự giáo dục ấy mới đi được đến độ sâu cần thiết tạo ra MỘT NGƯỜI HOÀN THIỆN TỐT ĐẸP.

Homeschooling thực chất không đạt được cảnh giới này, đơn giản vì nó vẫn còn 1/2 lệ thuộc vào một lịch trình cho sẵn. Cái dở của homeschooling là ở chỗ: người dạy không chuyên (cha mẹ) + tài liệu cứng nhắc (theo một chuẩn nhất định), thế nên trừ phi người lãnh nhận công việc đào tạo tại gia này có hiểu biết về kỹ thuật giảng dạy cũng như thấu hiểu cách xây dựng chương trình của hệ thống (để có thể linh hoạt với nội dung), còn không, việc homeschool ở nhà, hoặc sẽ: a, trở thành những bài học khô cứng, không toát được tinh thần cần có của môn học; b, thành gánh nặng thêm bài tập cho trẻ nếu trẻ vừa học ở trường theo hệ khác, về nhà học theo hệ khác.

................

Sơ sơ là như vậy để chúng ta cùng thấy: bản chất công việc dạy và học, dù có được thực hiện ở đâu, cũng đều phải đảm bảo sự hiểu biết cơ bản về những vấn đề trên. Có nắm bắt được chúng, ta mới chủ động, mới yên tâm lắng nghe và quan sát con/học trò, để từ đó, đưa nỗ lực dạy học của ta trở thành quá trình giáo dục chạm được tới tầng sâu, khơi gợi trong mỗi trái tim niềm vui của sự giao cảm, và thâu nhận cái mới, gợi mở cánh cửa thật mới mẻ cho cuộc đời của một con người.

Thiếu tất cả những hiểu biết này, mọi phương pháp chỉ là phù phiếm. Giống như mặc váy cho khỉ và nhuộm màu cho lông quạ mà thôi!

🦉 TÀI LIỆU THAM KHẢO
(đã lược bớt chi tiết :D)

(1) Các giai đoạn phát triển của trẻ (tổng hợp theo lứa tuổi): https://en.wikipedia.org/wiki/Child_development_stages
Sự phát triển và nhu cầu phát triển của trẻ theo cấp, lớp: https://www.teachervision.com/grades-stages-development

(2) Nhu cầu phát triển tâm lý của trẻ: http://kusoed.edu.np/journal/index.php/je/article/view/64

(3) Lý thuyết về việc học: http://thepeakperformancecenter.com/educational…/…/theories/

(4) Một số thông tin cũ về bilingualism mà mình tổng hợp trước đây: https://www.facebook.com/ntthuypp/posts/185211271982873

 

 

Nguồn: FB của cô Nguyễn Thanh Thúy


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 ASEAN Scholarship 2024

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab