Bài học nhớ đời (Bài đọc hiểu tiếng Việt lớp 4, 5)
Đọc truyện và trả lời các câu hỏi bên dưới:
BÀI HỌC NHỚ ĐỜI
Hồi nhỏ, có lần bố tôi đánh tôi một trận rất đau. Cảm giác đau tôi quên đã lâu nhưng lí do bị đòn tôi vẫn nhớ như in.
Sáng ấy tôi ra khỏi nhà làm như đến trường nhưng lại rẽ sang một lối khác và nghỉ học cả ngày hôm đó. Cùng với bọn trẻ trong làng, tôi đánh bài. Bố cho tôi một ít tiền để mua sách. Có số tiền đó, tôi quên hết mọi thứ trên đời. Chẳng mấy chốc, tiền hết nhẵn, tôi bắt đầu nghĩ cách gỡ lại. Tôi vay tiền của bọn trẻ cùng chơi nhưng chẳng đứa nào cho vay. Tôi bèn nghĩ ra một lối thoát. Tôi đi khắp mọi nhà trong làng nói rằng ngày mai sẽ có đoàn xiếc đến diễn, và tôi được giao nhiệm vụ thu tiền trước. Có người từ chối, có người đưa tiền cho tôi chắc chỉ vì nể bố tôi.
Đi suốt lượt các nhà xong, tôi đếm tiền và thấy mình có thể chơi tiếp. Nhưng những đồng tiền bất hạnh này tôi không giữ được lâu. Khi thua, tôi còn phải bò bằng đầu gối. Qua một ngày quần tôi rách bươm, đầu gối trầy da.
Ở nhà, bố tôi đã biết chuyện. Tối ấy, tôi đứng trước “tòa án” đáng sợ của bố. Bố nhìn tôi từ đầu đến chân. Hai đầu gối trầy da của tôi ló ra ngoài chiếc quần rách bươm trông như cái gối lông chim lòi ra khi áo gối bị thủng.
- Cái gì thế kia? – Bố tôi hỏi bằng giọng hình như bình thản.
- Đây là đầu gối ạ. – Tôi cố lấy tay che chỗ quần rách.
- Đúng là đầu gối rồi, nhưng vì sao lại làm rách quần?
Tôi nhìn xuống quần mình và làm như đến giờ mới nhận thấy nó bị rách. Trong giọng nói của bố tôi đã bắt đầu có chút đe dọa. Bố hỏi:
- Nào, con đã làm rách quần như thế nào?
- Ở trường, con bị vướng vào đinh?
- Ở đâu?
- Ở trường ạ.
- Bao giờ?
- Hôm nay ạ.
Bố quất cho tôi một roi thật đau:
- Bây giờ thì nói đi, mày đã làm rách quần như thế nào?
Tôi im lặng. Ông quất một roi nữa quắn đít.
- Nói đi xem nào?
Tôi òa khóc.
- Câm ngay. – Bố tôi ra lệnh.
Tôi ngừng khóc. Bố tôi vung roi lên.
- Nếu bây giờ mày không kể thật, tao sẽ quất cho mày mười roi nữa.
Nỗi sợ hãi roi còn nhiều hơn nỗi sợ sự thật, và tôi đành kể hết những việc làm bậy bạ của mình suốt từ sáng.
“Phiên tòa” kết thúc. Ba ngày liền, tôi như đứa mất hồn. Điều làm tôi khổ sở nhất là bố không nói chuyện với tôi.
Hết ngày thứ ba, bố gọi tôi đến, hỏi:
- Con có biết vì sao bố đánh con không?
- Con biết: vì con đánh bài ăn tiền.
- Không phải vì thế.
- Vì con làm rách quần.
- Cũng không phải. Ai hồi bé lại không làm rách quần, rách áo.
- Vì con không đến trường.
- Đó là một lỗi lầm của con. Vì lỗi đó cần phải mắng con, như mắng con làm rách quần, chơi bài ăn tiền. Nhưng nhiều lắm cũng chỉ đến mức bố véo tai con thôi. Bố đánh con là vì con dám lừa dối mọi người trong làng, dám lừa dối bố. Nói dối là một cây cỏ dại trong con người. Nếu con không kịp thời nhổ nó đi, nó sẽ mọc dày đến mức không còn chỗ cho hạt giống tốt lành. Trên đời này không có gì tệ hại hơn sự dối trá. Con hiểu chưa?
- Con hiểu rồi ạ.
- Thế thì đi chơi đi.
Tôi đi ra khỏi buồng bố tôi, tự thề rằng không bao giờ nói dối nữa.
(Đa-ghét-xtan của tôi, Phan Hồng Giang dịch)
Bài đọc hiểu cung cấp bởi TiengVietTieuHoc.vn - đơn vị phát triển các Phần mềm tiếng Việt lớp 4, 5
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Đà Lạt (bài đọc hiểu tiếng Việt lớp 3 - đề số 4)
- Đường vào bản (bài đọc hiểu tiếng Việt lớp 5 - đề số 3)
- Chú sẻ và bông hoa bằng lăng (bài đọc hiểu tiếng Việt lớp 3 - đề số 3)
- Cửa Tùng (bài đọc hiểu tiếng Việt lớp 3 - đề số 2)
- Mùa hoa sấu (bài đọc hiểu tiếng Việt lớp 3 - đề số 1)
- Cái giá của sự trung thực (bài đọc hiểu tiếng Việt lớp 4 - đề số 4)