Chơi ngoài trời là chìa khoá giúp trẻ phát triển toàn diện, tại sao?
Chơi ngoài trời có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của trẻ?
Tầm quan trọng của việc vui chơi ngoài trời gần đây thu hút sự ủng hộ của rất nhiều người. Richard Louv, một nhà báo Mỹ, đồng sáng lập Mạng lưới Trẻ em và Thiên nhiên, là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Rối loạn thiếu hụt thiên nhiên”. Ông giải thích rằng sự thiếu hụt này làm giảm khả năng sử dụng các giác quan, gây khó khăn trong việc tập trung, là điều kiện gây ra bệnh béo phì và tỉ lệ cao hơn các bệnh về thể chất cũng như cảm xúc.
Angela Hanscom, nhà trị liệu nhi khoa, người sáng lập TimberNook (một chương trình sáng tạo dựa vào tự nhiên), ủng hộ mạnh mẽ việc vui chơi với thiên nhiên. Bà nói: “Trẻ con cần được thử thách qua các giác quan, các kĩ năng vận động và các khả năng khác để cấu tạo não bộ hoàn thiện và phát triển các kỹ năng mới trong cuộc sống. Công việc của chúng ta là cung cấp thời gian, không gian và cơ hội để chúng được thử thách như vậy”.
(Ảnh: Inhabitat)
Một nghiên cứu mới đây được trình bày tại Hội nghị và Triển lãm Nhi khoa Quốc gia tại Chicago (Mỹ) cho thấy học sinh được hưởng lợi nhiều từ không gian xanh của trường học. Nghiên cứu nói rằng các mức độ căng thẳng của học sinh giảm đi trong khi các hoạt động thể chất của chúng được tăng lên. Điều đó chứng tỏ việc tiếp xúc với môi trường xanh không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn quyết định đến sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em.
Việc vui chơi ngoài trời rất có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, sự tiến bộ công nghệ của chúng ta hiện nay cùng với lịch học dày kín các buổi chiều của trẻ và thời gian nghỉ ngơi hạn chế đã làm cản trở khả năng trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên một cách thường xuyên.
-
Chơi ngoài trời giúp trẻ hoàn thiện các kĩ năng xã hội
Khi trẻ chơi ngoài trời và trong công viên, chúng thường phải tương tác với những trẻ khác. Chúng sẽ cần phải đợi đến lượt để chơi xích đu, tự cất tiếng khi một đứa trẻ khác chen vào hàng, và có cơ hội thể hiện dàn xếp trong các hoạt động chơi với các bạn đồng lứa.
Những trẻ cá tính mạnh thì cần tìm cách để cùng tồn tại, nhượng bộ một cách thân thiện trước yêu cầu của bạn khác. Chúng phải tự thỏa thuận nhau, lựa chọn vai trò của mỗi người trong các trò chơi tự do tưởng tượng mà chúng nghĩ ra. Đó là một viễn cảnh hoàn toàn khác với chơi trong nhà vì không hề có kịch bản sẵn và không ràng buộc.
Khi cho phép trẻ tự suy luận, chúng ta đang giúp trẻ phát triển tính quyết toán, các kĩ năng giao tiếp và hình thành phong cách lãnh đạo lành mạnh: tất cả những kĩ năng xã hội này sẽ giúp trẻ phát triển tốt trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
(Ảnh: Fatherly)
-
Chơi ngoài trời thúc đẩy 4 kỹ năng
Nền giáo dục thế kỉ 21 tập trung vào sự phát triển 4 kỹ năng: tư duy phản biện (critical thinking), sự hợp tác (cooperation), sự cộng tác (collaboration) và sự sáng tạo (creativity). Các nhà giáo dục trên khắp thế giới đã cẩn thận đưa những kĩ năng này vào giáo trình của họ. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng đây là những kĩ năng học sinh cần có để thành công trong cuộc sống.
Khi trẻ được cung cấp các công cụ khác nhau như các cây que, hòn đá, lá cây, cành cây, vũng nước - trí tưởng tượng của chúng sẽ được kích hoạt. ‘Chúng ta có thể tạo ra thế giới gì đây?’, ‘Những chiếc que này đóng vai trò gì trong trò chơi của chúng ta đây?’, ‘Chúng ta dùng những cành cây, lá cây để chơi giả vờ như thế nào?’. Đây là những câu độc thoại nội tâm của trẻ nhỏ khi chơi ngoài trời.
Sự đa dạng của các vật liệu, họa tiết và công cụ mà chúng có thể tìm thấy ở ngoài trời sẽ tỉ lệ thuận với số lượng trò chơi sáng tạo vô hạn mà trẻ con có thể nghĩ ra. Những cơ hội này cho phép trẻ thực hành cả bốn kĩ năng để bồi dưỡng sự phát triển cả về nhận thức lẫn cảm xúc của chúng.
-
Chơi ngoài trời giúp trẻ phát triển “trí thông minh tự nhiên”
Trí thông minh tự nhiên được hiểu là khả năng tốt trong nhận thức thiên nhiên, phản ứng với các biểu hiện của tự nhiên.
Trước quá nhiều tai họa thảm khốc xảy ra gần đây, mà phần lớn do biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính, việc giúp trẻ phát triển khả năng thấu cảm với thiên nhiên là cần thiết hơn bao giờ hết. Khi trẻ được tiếp xúc ngoài trời, trẻ biết trân trọng Trái đất và cởi mở hơn trong việc đưa ra những lựa chọn thân thiện với môi trường.
Những tác động tích cực của việc chơi tương tác với tự nhiên có thể được nhìn thấy ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống của trẻ. Những điều kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều những lợi ích của chơi ngoài trời. Như Louv gợi ý, hãy cho những đứa trẻ của bạn nhiều Vitamin T (tự nhiên) hơn.
(Ảnh: Fatherly)
Các gợi ý dành cho cha mẹ khi cùng trẻ thực hiện các hoạt động vui chơi ngoài trời
-
Bạn không cần cắt tỉa vườn cỏ quá gọn gàng, ngay ngắn.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em được chơi ở những sân chơi đầy những cây xanh mát mọc um tùm có sự cân bằng tốt hơn cũng như tỏ ra nhanh nhẹn hơn những trẻ được chơi ở những sân bê tông bằng phẳng.
-
Không cho trẻ mang theo đồ chơi.
Nói theo cách khác, hãy để trẻ dùng gậy gỗ, que, ụ đất cát để tượng trưng cho những đồ vật như kiếm, lâu đài… tùy theo trí tưởng tượng của trẻ khiến trẻ tăng khả năng sáng tạo.
-
Hạn chế can thiệp vào trò chơi của trẻ.
Để trẻ học cách chấp nhận rủi ro và kĩ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp trẻ phát triển sự tự tin vào bản thân, giúp giảm thiểu rủi ro rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc gặp các vấn đề về tinh thần khác. Thực tế, những trẻ thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên có khả năng chịu đựng căng thẳng tốt hơn.
(Ảnh: What the Flicka)
-
Hãy để trẻ được chơi những trò xây dựng.
Xây nhà, pháo đài, lâu đài… là cách tuyệt vời để trẻ thử nghiệm và học về tự nhiên cũng như khả năng của chính mình. Nếu chúng thực sự có khả năng, trẻ có thể làm được những điều khiến bạn ngạc nhiên như một ngôi nhà bằng gỗ…
-
Khuyến khích trẻ chơi với bạn bè, đặc biệt với những trẻ có khả năng sáng tạo lớn.
Một nghiên cứu của Thụy Điển chỉ ra rằng chơi trên sân bê tông, yếu tố về thể chất sẽ giúp trẻ thiết lập trật tự hay thứ hạng trong nhóm bạn, nhưng khi chơi trong môi trường gần gũi với thiên nhiên, những trẻ có óc sáng tạo sẽ trở thành những nhà lãnh đạo.
-
Khuyến khích trẻ sử dụng tất cả các giác quan.
Quan sát bằng mắt và sờ nắm bằng tay thường được dùng nhiều nhất nhưng nghe và ngửi là giác quan quan trọng giúp cảm nhận được thế giới xung quanh rõ nét hơn tất cả những trải nghiệm cảm nhận bằng tay. Trẻ có thể học rất nhiều khi ngồi trên cánh đồng cũng như khi trèo cây.
-
Hãy tạo nên mối liên kết đặc biệt giữa trẻ với môi trường tự nhiên.
Tạo điều kiện cho trẻ đến một nơi đặc biệt với trẻ, giúp chúng hiểu được đó là khu vực cần được bảo vệ. Dạy trẻ yêu tự nhiên và chúng sẽ lớn lên trở thành những người có ý thức bảo vệ môi trường.
-
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường lớp về bảo vệ môi trường.
Quan trọng là phải thông qua những việc làm thiết thực. Bạn không cần phải nói quá nhiều về những điều cao siêu như rừng nhiệt đới ẩm, mặc dù nó rất quan trọng nhưng trẻ không đủ lớn để hiểu. Thay vào đó, hãy nói về những điều gần gũi xung quanh như cá trong hồ nước.
Tham khảo từ VnExpress
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Những trò chơi đơn giản ngoài trời rất hợp với tiết trời thu
- Chơi với con trong năm đầu tiên của bé - những gợi ý từ chuyên gia trên Parents
- LẤY ĐÂU RA KỸ NĂNG SỐNG Ở QUÊ MÀ HỌC?
- Gợi ý 8 trò chơi với con cho cha mẹ thường xuyên bận rộn, mệt mỏi
- Những trò chơi tận dụng đồ vật trong nhà bạn dễ dàng làm cho con
- 4 trò chơi với nước đá trẻ em nào cũng mê tít