Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Dạy con đánh vần trước khi vào lớp 1

07 Tháng Bảy 2017 75979 lượt đọc

Đối với mỗi bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 1, việc dạy cho con làm thế nào để đánh vần, học vần chuẩn nhất là vấn đề rất được quan tâm. Bài viết dưới đây hướng dẫn phụ huynh vài thông tin cơ bản về chủ đề này.

Cách đánh vần tiếng Việt

1. Phân biệt tên gọi chữ cái và âm đọc chữ cái

Nhiều bạn nhầm lẫn giữa tên gọi chữ cái và âm đọc chữ cái.

Đánh vần Tiếng Việt

Bảng chữ cái với tên gọi và âm đọc

Chẳng hạn: Chữ b, tên gọi là "bê", âm đọc là "bờ". Để nhớ và phân biệt tên gọi và âm đọc có thể dùng câu sau:

Chữ "bê" (b) em đọc là "bờ"

Chữ "xê" (c) em đọc là "cờ", chuẩn không?

Đặc biệt có 3 chữ cái c (xê), k (ca), q (quy) đều đọc là "cờ". 

Với các phụ âm, nguyên âm ghi bởi 2 - 3 chữ cái thì các bạn nhớ bảng sau:

Đánh vần Tiếng Việt

Bảng đọc các phụ âm, nguyên âm ghi bởi 2-3 chữ cái.

2. Đặc điểm ngữ âm và đặc điểm chữ viết của tiếng Việt

 

Về ngữ âm, tiếng Việt là ngôn ngữ có nhiều thanh điệu, các âm tiết được nói rời, viết rời, rất dễ nhận diện. Mặt khác, ranh giới âm tiết tiếng Việt trùng với ranh giới hình vị, do vậy, hầu hết các âm tiết tiếng Việt đều có nghĩa. Chính vì điều này, tiếng (có nghĩa) được chọn làm đơn vị cơ bản để dạy học sinh học đọc, viết trong phân môn Học vần.

Với cách lựa chọn này, ngay từ bài học tiếng Việt đầu tiên, học sinh đã được tiếp cận với một tiếng tối giản, là nguyên liệu tạo nên các từ đơn và từ phức trong tiếng Việt, Cũng vì vậy, học sinh chỉ học ít tiếng nhưng lại biết được nhiều từ chứa những tiếng mà các em đã biết.

Về cấu tạo, âm tiết tiếng Việt là một tổ hợp âm thanh có tổ chức chặt chẽ, các yếu tố trong âm tiết kết hợp theo từng mức độ lỏng chặt khác nhau: phụ âm đầu, vần và thanh kết hợp lỏng, các bộ phận trong vần kết hợp với nhau một cách chặt chẽ. Vần có vai trò đặc biệt quan trọng trong âm tiết. Đây là cơ sở của cách đánh vần theo quy trình lập vần (a-mờ-am), sau đó ghép âm đầu với vần và thanh điệu để tạo thành tiếng (lờ-am-lam-huyền-làm).

3. Cách đánh vần một tiếng

Ta thấy 1 tiếng đầy đủ có 3 thành phần: âm đầu - vần - thanh, bắt buộc phải có: vần - thanh, có tiếng không có âm đầu.

Thí dụ 1. Tiếng an có vần "an" và thanh ngang, không có âm đầu. Đánh vần: a - nờ - an.

Thí dụ 2. Tiếng ám có vần "am" và thanh sắc, không có âm đầu. Đánh vần: a - mờ - am - sắc - ám.

Thí dụ 3. Tiếng bầu có âm đầu là "b", có vần "âu" và thanh huyền. Đánh vần: bờ - âu - bâu - huyền - bầu.

Thí dụ 4. Tiếng nhiễu có âm đầu là "nh", có vần "iêu" và thanh ngã. Đánh vần: nhờ - iêu - nhiêu - ngã - nhiễu.

Đánh vần Tiếng Việt

Chú ý: Vần đầy đủ có âm đệm, âm chính và âm cuối.

Thí dụ 5. Tiếng Nguyễn có âm đầu là "ng", có vần "uyên" và thanh ngã. Vần "uyên" có âm đệm là "u", âm chính là "yê", âm cuối là "n". Đánh vần "uyên" là: u - i - ê - nờ - uyên hoặc u - yê(ia) - nờ - uyên. Đánh vần "Nguyễn" là: ngờ - uyên - nguyên - ngã - nguyễn.

Đánh vần Tiếng Việt

Thí dụ 6. Tiếng yểng, không có âm đầu, có vần "yêng" và thanh hỏi. Vần "yêng" có âm chính "yê", âm cuối là "ng". Đánh vần: yêng - hỏi - yểng.

Thí dụ 7. Tiếng bóng có âm đầu là "b", vần là "ong" và thanh sắc. Đánh vần vần "ong": o - ngờ - ong. Đánh vần tiếng "bóng": bờ - ong - bong - sắc - bóng.

Thí dụ 8. Tiếng nghiêng có âm đầu là "ngh", có vần "iêng" và thanh ngang. Vần "iêng" có âm chính "iê" và âm cuối là "ng". Đánh vần tiếng nghiêng: ngờ - iêng - nghiêng. Đây là tiếng có nhiều chữ cái nhất của tiếng Việt.

Thí dụ 9. Với từ có 2 tiếng Con cá, ta đánh vần từng tiếng: cờ - on - con - cờ - a - ca - sắc - cá.

Đánh vần Tiếng Việt

Thí dụ 10. Phân biệt đánh vần "da" (trong da thịt ) và "gia" (trong gia đình).

"da" : dờ -a-da.

"gia" có âm hoàn toàn như "da" nhưng vì lợi ích chính tả được đánh vần là: gi (đọc là di)-a- gia.

Như vậy các bạn hoàn toàn có thể yên tâm về đánh vần các tiếng theo sách giáo khoa lớp 1.

7 lưu ý về phương pháp dạy trẻ học đánh vần tại nhà

1. Lưu ý về thời gian học đánh vần

Ở độ tuổi của các bé chuẩn bị vào lớp 1, sự tập trung mà con có trong thời gian dài dường như là rất khó khăn, vì vậy để dạy con đánh vần hiệu quả, bố mẹ nên cùng con học vào những thời điểm bé ít bị chi phối bởi các trò chơi tiêu khiển. Phụ huynh có thể chọn thời gian tốt nhất là khi tắm vì trong phòng tắm bé không có nhiều trò chơi như những chỗ khác nên dễ tập trung hơn trong việc học đánh vần tên mình. 

2. Học đánh vần qua các trò chơi

Bé còn nhỏ nên không thể tránh khỏi việc ham chơi, vậy thì các bố mẹ có thể lợi dụng tâm lý này của con để dạy con một cách hiệu quả nhất. Học đánh vần qua chính các trò chơi bé yêu thích. Hiệu quả hơn, bố mẹ có thể  dùng các tấm chữ cái có gắn nam châm, giấy note có hình thú vị rồi gắn chúng lên tủ lạnh hoặc những nơi trẻ thường xuyên nhìn thấy, sau đó mỗi lần trẻ nhìn thấy, bạn lại chỉ cho con những ký tự, cách ghép vần. Ngoài ra, mẹ có thể mua cái bảng treo lên tường rồi viết chữ lên đấy, dạy con từng chữ một, hoặc mua 1 bộ chữ tượng hình có kèm tranh ảnh

Trước khi dạy bé tập đánh vần bố mẹ có thời gian dạy cho bé nhớ hết mặt chữ cái, dấu câu. Có thể mua các thẻ chữ, số, kèm hình ảnh để con có hứng thú học hơn. Thêm vào đó, bố mẹ nên tìm những câu đơn giản để bé có thể đánh vần trước. Sau đó giúp đỡ bé đánh vần và lưu tâm những từ khó đánh vần như “a+i” để bé tập ghép hiệu quả một vài câu đơn giản.

3. Kiên nhẫn đối với trẻ

Tâm lý của bố mẹ luôn là nôn nóng cho con mình nhanh biết đánh vần, nhưng cũng đừng vì thế mà bố mẹ dùng các biện pháp bạo lực, ép buộc con đánh vần. Hãy nhẹ nhàng và khuyến khích con, bé rất thích những điều vui vẻ vì thế đừng tạo áp lực cho chúng. Bố mẹ không nên ép con học đánh vần, mỗi ngày cho bé tiếp nhận một ít và tích tụ dần dần.

4. Chuẩn bị sẵn tâm lý

Bố mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý, cho con vừa học, vừa chơi thôi. Khi tư tưởng mẹ thoải mái, con hào hứng, bé sẽ tiếp thu tốt hơn. Bố mẹ có thể bắt đầu với những chữ quen thuộc nhất với bé như tên con, tên bố mẹ, tên anh chị em để con dễ nhớ. Hàng ngày, cho bé ký tên vào các bức tranh tự vẽ, viết tên riêng của bé lên ba lô, hộp bút…

5. Thường xuyên ôn tập 

Kể cả người lớn, nếu không thường xuyên ôn tập lại những gì đã học, việc xao nhãng là hoàn toàn dễ dàng, vì vậy, đối với việc học vần của con, bố mẹ cũng nên thường xuyên nhắc lại để con không bị quên. Để ôn tập lại những chữ đã dạy, bố mẹ nên thay đổi phương pháp, thay vì bắt bé nhớ lại cả chữ, bố mẹ nên cho bé tìm chữ cái bị mất, ví dụ như từ “bàn” chỉ còn “…àn” rồi cho bé từ “b” và “d” hỏi xem phải ghép chữ nào con nhỉ. Bạn nên cho bé vài cơ hội lựa chọn, thì bé đỡ ngại, đỡ sợ khi trả lời.

6. Khen ngợi, khuyến khích

Do con còn nhỏ nên thường rất hiếu động, ước mơ con ngồi “ôm sách” là điều khó có thể xảy ra, vì vậy ,xem xét độ hào hứng của trẻ, nếu trẻ thích có thể dạy nhiều chữ, còn trẻ không hứng thì chỉ nên dạy khoảng 2-3 chữ. Sau đó, khi bé xem phim thì cha mẹ nhắc lại những chữ đã dạy để trẻ nhớ. Thường xuyên khen ngợi và khuyến khích nếu con đánh vần, ghép đúng được 1 từ.

7.  Học đánh vần chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều việc bạn có thể làm để giúp con phát triển ngôn ngữ

Nếu bạn bận rộn không có nhiều thời gian, bạn có thể phó mặc phần dạy trẻ đánh vần cho cô giáo lớp 1, hầu hết các bé đều có thể học rất nhanh. Nhưng hãy cố gắng dành thời gian chơi mà học để giúp con phát triển ngôn ngữ từ trước khi vào lớp 1:

Nguồn: Sưu tầm


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab