Dạy con cách cư xử đúng mực - Phần 2: Những quy tắc ứng xử cơ bản theo độ tuổi
4 quy tắc ứng xử cơ bản cho trẻ dưới 3 tuổi
Theo Parents, trẻ ngay từ nhỏ, tầm 1,5-3 tuổi, nên được cha mẹ chú ý rèn luyện cách cư xử đúng mực, thể hiện qua 4 việc cơ bản sau:
1. Nói "Cảm ơn"
- Trẻ có thể làm gì:
Một đứa trẻ 18 tháng có thể thốt lên các từ nhưng không nhất thiết phải hiểu ý nghĩa thực sự của từ đó. Trước khi được 2 tuổi rưỡi, trẻ có thể liên hệ từ đó với ý nghĩa từ.
- Bạn có thể làm gì:
Nếu con chưa tạo được thói quen nói lời "Cảm ơn", hãy nhẹ nhàng khích lệ, hướng dẫn trẻ bằng cách thủ thỉ với con: "Chúng ta nói như thế nào khi nhận quà con nhỉ?" hoặc "Chúng ta nói gì đây khi có người tặng quà cho mình?".
(Ảnh: Harbor House Preschool)
2. Nói "Xin lỗi"
- Trẻ có thể làm gì:
Mặc dù một đứa trẻ tầm 18 tháng đã có hiểu biết cơ bản về sự đồng cảm, bé không thực sự hiểu tại sao mình cần xin lỗi. Từ 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi, trẻ sẽ hiểu khái niệm nhưng có thểể vẫn cảm thấy quá ngượng để có thể tự thốt lên lời xin lỗi.
- Bạn có thể làm gì:
Khi con giằng giật đồ chơi từ tay bạn khác, phản đối hành vi này và khơi gợi sự thương cảm trong bé: "Chúng ta không đánh nhau đâu con. Đánh bạn là bạn đau lắm đấy". Sau đó, nhẹ nhàng khuyến khích bé xin lỗi bạn: "Khi chúng ta làm đau ai đó, chúng ta sẽ nói: Tôi xin lỗi bạn nhé!".
(Ảnh: PopSugar)
3. Biết chia sẻ đồ chơi
- Trẻ có thể làm gì:
Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu hiểu khái niệm chia sẻ và luân phiên chơi, mặc dù trẻ không nhất thiết phải thích làm việc đó.
- Bạn có thể làm gì:
Khích lệ trẻ chia sẻ với bạn bè khi chơi cùng nhau bằng cách đưa cho trẻ 2 món đồ chơi tương tự và giúp trẻ trao một thứ cho bạn.
(Ảnh: Talking to Toddler)
4. Ứng xử bên bàn ăn
- Trẻ có thể làm gì:
Trước tuổi lên 3, trẻ đã có thể sử dụng thìa và ngồi vào bàn ăn trong vòng 15-20 phút. Bé cũng biết dùng khăn lau miệng.
- Bạn có thể làm gì:
Trong khoảng thời gian trẻ bắt đầu biết đi này, hãy đựng đồ ăn của trẻ trong loại bát/đĩa có kích thước nhỏ, bằng chất liệu khó vỡ. Khích lệ bé sử dụng thìa khi ăn. Để ngăn việc con ném thức ăn bừa bãi, hãy nói với con: Chúng ta không ném thức ăn xuống sàn con nhé. Nếu con không muốn ăn nữa, con có thể nói với mẹ: Con không ăn nữa đâu, mẹ ơi. Cảm ơn mẹ".
(Ảnh: SheKnows)
Trẻ từ 3 tuổi trở lên
Cha mẹ vẫn tiếp tục khích lệ, nhắc nhở khi cần và kiên trì trong việc giúp con rèn luyện thành thói quen 4 quy tắc cơ bản đã được giới thiệu ở trên.
Theo Family Education, trẻ tầm tuổi này cũng bắt đầu làm quen và dần thích nghi với trường lớp, bạn bè, thầy cô. Đây chính là thời điểm để hướng dẫn bé tập cách cư xử đúng mực ở nơi tập thể, công cộng. Cụ thể như sau:
Trẻ từ 3 đến 6 tuổi
- Biết chơi hoà thuận với nhau
Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiền tiểu học và lớp 1 học cách chơi hoà thuận thông qua việc rèn luyện các hoạt động sau:
- Chia sẻ đồ chơi, luân phiên chơi và chơi một cách công bằng với những trẻ khác.
- Không dùng tay chạm lung tung vào bạn, không bao giờ được đánh bạn.
- Thu gọn đồ chơi, sách và quần áo bẩn.
- Giúp bày và dọn bàn ăn.
- Chào tạm biệt và nói cảm ơn lúc rời khỏi nhà một người bạn hoặc một bữa tiệc.
- Lắng nghe và phát biểu theo lượt
Ở trường, trẻ sẽ học cách giơ tay trước khi phát biểu ý kiến. Ở nhà, hãy đảm bảo rằng trẻ chú ý khi ai đó nói chuyện và không tự tiện ngắt lời. Bạn có thể thử những mẹo sau:
- Làm gương cho con bằng cách thể hiện sự chú ý lắng nghe khi có người trò chuyện.
- Đề nghị trẻ nhìn và lắng nghe người nói, biết nói: "Xin lỗi, con có thể..." khi muốn xen ngang.
- Tự giới thiệu bản thân
Quy tắc ứng xử này có thể hơi khó, nhất là nếu con bạn thuộc tuýp trẻ nhút nhát khi gặp người lạ. Nhưng học cách tự giới thiệu bản thân khi còn nhỏ cũng là một kỹ năng xã hội quan trọng, giúp con kết nhiều bạn mới. Và đây là cách bạn có thể hướng dẫn bé thực hành:
- Tập bắt tay và nói: "Chào bạn, tớ là..." tại nhà với anh/chị/em hoặc thậm chí búp bê/đồ chơi của trẻ để trẻ làm quen với việc này.
- Dạy trẻ một số cung cách lịch thiệp khi giới thiệu, làm quen như cách gọi tên ông/bà/cô/bác, kèm theo tiếng "ạ" ở cuối câu thể hiện sự lễ phép.
(Ảnh: SheKnows)
2. Trẻ từ 7 đến 10 tuổi
- Biết cách cư xử lịch sự
Củng cố thói quen nói lời "cảm ơn" và dạy trẻ thực hành kỹ năng viết thư cảm ơn lên thiệp để gửi tới người tặng quà cho trẻ. Sau đây là một số gợi ý hữu ích:
- Cùng con lên danh sách những người đã tặng quà cho bé hoặc làm điều gì đó tốt cho bé
- Mua - hay thậm chí tốt hơn nữa - là tự tay làm những tấm thiệp để bày tỏ lòng biết ơn của bé tới người tặng.
- Thể hiện tinh thần thể thao
Các trò chơi và các môn thể theo có thể tiếp tục giúp trẻ tuân thủ quy tắc và tương tác tốt với anh/chị/em, bạn bè. Bạn hãy giúp bé thực hành các kỹ năng sau:
- Nếu con chơi với các bé nhỏ tuổi hơn, hãy đảm bảo con chơi công bằng và tạo cơ hội cho em nhỏ được chơi cũng như được toả sáng.
- Giải thích về tinh thần thể thao, tinh thần thượng võ, tinh thần đồng đội cho trẻ cũng như cách nhận sự trợ giúp và huấn luyện từ người khác.
- Tìm một hoạt động hoặc môn thể thao sau giờ học phù hợp với bé, đăng ký cho con tham gia.
- Tôn trọng đồ đạc và sự riêng tư của người khác
Trẻ ở mọi độ tuổi đều có bản tính tò mò. Hãy đảm bảo con bạn hiểu rõ các giới hạn:
- Giải thích cho bé về quyền sở hữu, quyền riêng tư và không gian riêng trong nhà bạn. Nói với trẻ rằng, trẻ lúc nào cũng phải xin phép trước khi chạm hay lấy thứ gì đó của người thân/bạn bè.
- Trang trí hoặc tự tạo các biển hiệu nho nhỏ gắn ở nắm đấm cửa hoặc dán lên cửa phòng của các thành viên trong gia đình để xác nhận không gian riêng của người đó. Đề nghị trẻ luôn gõ cửa trước khi bước vào phòng nếu cửa đóng.
3. Trẻ từ 11 đến 13 tuổi: Là một vị khách lịch sự
Hãy hướng dẫn cặn kẽ cho đứa trẻ đang ở độ tuổi teen của bạn về cách cư xử đúng mực khi được mời tới nhà người khác. Đề nghị trẻ quan sát và tuân thủ các quy tắc trong gia đình chủ nhà, ngay cả khi chúng khác biệt so với nhà bạn:
- Không quá thoải mái khi được mời. Hãy nói chuyện với gia đình chủ nhà về thời điểm trẻ có thể ghé thăm.
- Thể hiện sự đúng mực bên bàn ăn.
- Trò chuyện và lắng nghe một cách tôn trọng, không đảo mắt và giao lưu bằng ánh mắt với các thành viên trong gia đình chủ nhà. Không được phép chửi thề hay bất cứ hành vi xấu nào khác.
- Dọn dẹp chỗ của mình sạch sẽ và không quên nói lời cảm ơn gia chủ trước khi ra về.
4. Trẻ từ 14 đến 18 tuổi: Tôn trọng cha mẹ và những người lớn khác
Sự tôn trọng mà con dành cho bạn và những người lớn khác có thể không phải lúc nào cũng có nhưng đừng để trẻ quen với việc tỏ ra thô lỗ hay khiến người khác phát điên. Duy trì cách cư xử đúng mực ở độ tuổi này cho trẻ sẽ giúp trẻ thành công hơn khi trưởng thành:
- Lắng nghe con và mong đợi con cũng sẽ lắng nghe bạn. Sự tôn trọng lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết khi trẻ đang trong những năm tháng tuổi teen.
- Nói với trẻ hãy đúng giờ trong các cuộc hẹn và các kế hoạch khác. Đó là biểu hiện của sự tôn trọng.
- Khích lệ trẻ giúp đỡ người già khi họ cần. Làm tình nguyện viên là một cách tuyệt vời để thực hành cách cư xử đẹp và tương tác với nhiều kiểu người khác nhau.
- Dành thời gian cho con để tận hưởng sự riêng tư, cũng như sử dụng các phương tiện truyền thông mới, như điện thoại di động hay máy nghe nhạc. Nhưng đề nghị con tập trung hoàn toàn khi bạn nói chuyện với con hoặc ăn cùng con. Phần lớn teen đều "nghiện" các trò giải trí trên điện thoại, trên máy tính. Do đó, việc đặt ra các quy tắc sử dụng thích hợp sẽ giúp trẻ tránh được hành vi xấu.
BTV Con Tự Học tổng hợp
(Ảnh: Family Education)
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Dạy trẻ cách cư xử đúng mực - Phần 1: Lưu ý dành cho cha mẹ
- Dạy con cách cư xử - Phần 3: Quy tắc ứng xử bên bàn ăn
- Dạy con cư xử đúng mực - Phần 4: Quy tắc ứng xử ở trường
- Dạy con cư xử đúng mực - Phần 5: 25 phép tắc trong giao tiếp
- Phạt có lý do và nguyên tắc 3 'Không' để dạy con thành tài của người Do Thái
- Dạy con hàng ngày