Học bí quyết đọc sách cho trẻ dưới 3 tuổi của mẹ Nhím
Là admin nhóm Nuôi con không phải là cuộc chiến, mẹ Nhím đã có những chia sẻ hữu ích về cách chọn sách, đọc sách cho trẻ 0-3 tuổi.
1. Trẻ dưới 1 tuổi
Khả năng tập trung và ghi nhớ của bé còn ngắn hạn, nên bạn cần nói với bé những thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và lặp đi lặp lại nhiều lần. Thời gian đọc mỗi lần cũng nên bắt đầu từ ngắn rồi kéo dài dần, nên kết thúc khi bé bắt đầu cảm thấy chán (quơ tay vứt sách, mắt ko tập trung, bỏ đi...).
Với một cuốn sách/truyện mới mua, đầu tiên, bạn sẽ mở từng trang, chỉ vào hình và nói khái quát về hình đó “Đây là khu rừng này, có nhiều cây – tay chỉ vào cây, có nhiều loài vật – tay chỉ các loài vật”, sang trang sau nếu sách chỉ có 1 chi tiết “Đây là bạn voi, bạn voi có cái vòi dàiiii – chỉ voi và cái vòi”.
Nếu trang sách có nhiều chi tiết thì sẽ chỉ các chi tiết lớn trước, nói ngắn gọn “Đây là bạn voi, đây là bạn thỏ, đây là bạn nhím…”, cứ thế giới thiệu nhanh đến hết sách.
Các lần sau, tùy vào phản ứng của con mà giới thiệu lại như lần 1 hay mở rộng thông tin “Bạn voi màu xanh có cái vòi dài và thích ăn mía…”. Tiếp tục các lần sau, có thể lồng ghép câu chuyện xuyên suốt để chắp nối các trang lại, giúp bé học về “sự liên quan”.
Các bé dưới 1 tuổi (và cả trên 1 tuổi – thường là đến 18 tháng) vẫn còn hay “xé sách”, không phải vì các bé muốn phá phách mà là do bé chưa làm chủ được đôi tay của mình, chưa biết cách lật sách nhẹ nhàng cho khỏi rách. Do đó, giai đoạn dưới 18 tháng, các mẹ nên chọn cho bé loại sách bìa cứng hoặc sách vải, hoặc không thì trước khi đưa sách cho bé, ba mẹ chịu khó dùng băng dính trong khổ lớn dán kỹ sách lại trước.
2. Trẻ từ 1 tuổi đến 18 tháng
Trẻ 12-18 tháng đã có thể tập trung lâu hơn và ghi nhớ, nắm bắt thông tin tốt hơn và cũng là thời kỳ trẻ bắt đầu học nói, nên khi giới thiệu, ban đầu, cha mẹ có thể nói một câu dài hơn trước, các lần sau có thể nói theo cách khá cnhau (cùng nội dung nhé) để tạo vốn từ phong phú và cách sử dụng từ ngữ linh hoạtcho trẻ.
Ví dụ, lần 1, bạn kể: “Bạn sư tử mang tới bữa tiệc một cái đùi gà rất to, bạn chim sẻ thì mang tới thật nhiều thóc”. Lần 2, bạn có thể nói khác đi, như “Sư tử kiếm được một cái đùi gà thật lớn và mang tới bữa tiệc còn chim sẻ thì lại đóng góp cả một nắm đầy thóc”… Thông tin bạn đưa ra cần thống nhất, nhưng ngôn ngữ bạn sử dụng thì cần linh hoạt.
(Ảnh: TheTot)
3. Trẻ từ 18 tháng đến trên 2 tuổi
Phần lớn trẻ 18 tháng-2 tuổi đã bắt đầu nói được những câu dài, có khả năng ghi nhớ và bắt chước, nên trong quá trình đọc, bạn hãy cố gắng sử dụng nhiều những câu cảm thán, những câu nói hoặc những điều mà bạn muốn truyền tải vào trong câu chuyện.
Ví dụ, mình thường xuyên thêm vào chuyện những câu như “Xin chào”, “Cảm ơn”, “Bạn thật đáng yêu”… hay những câu bông đùa dí dỏm (thường trong truyện chả có, nhưng mà nên nhớ là các bạn ý chưa biết chữ. Hehe).
Trong khi đọc, bạn cũng nên dừng lại một chút ở những đoạn cuối câu, hoặc khi có một câu ngăn ngắn nào đấy để bé tự “kể” lại (đối với sách đã đọc nhiều lần), hoặc đặt cho bé câu hỏi về diễn biến tiếp theo của câu chuyện “Bạn sư tử sẽ mang theo gì nhỉ?” hay “Ai mà mang tới bữa tiệc cái đùi gà lớn thế này nhỉ”…
Mình thì đôi khi còn cố tình kể sai truyện đi để cho bạn ý sẽ “sửa lưng” mẹ, kiểu như sẽ bảo “Bạn sư tử thì mang đến bữa tiệc rất nhiều thóc, bạn chim sẻ thì mang theo một cái đùi gà thật bự”… Hehe, sau đấy thì nhớ xin lỗi rối rít vì “ôi mẹ nhầm rồi, mẹ xin lỗi nhé” – ai cũng có những lúc nhầm lẫn và cần phải biết xin lỗi mà đúng không?. Hay lâu lâu, mình còn sửa cốt truyện đi, kể một câu chuyện hoàn toàn khác (tất nhiên vẫn hợp với nội dung hình ảnh).
(Ảnh: Firstwords)
4. Trẻ trên 2 tuổi đến 3 tuổi
Trẻ 2-3 tuổi bắt đầu biết đặt câu hỏi (vô cùng nhức đầu, luôn mồm, kinh dị). Bắt đầu sẽ là ai, cái gì, của ai, rồi tới làm sao, như thế nào, tại sao, để làm gì… Và đọc sách truyện là thời gian để ba mẹ “phục thù”. Haha.
Bình thường, các bạn ý luôn mồm hỏi hỏi hỏi, tới lúc đọc sách truyện cũng thế, nhưng mà chúng mình biết chữ, chúng mình có quyền, nên phải đặt câu hỏi cho các bạn ý thật lực, không trả lời thì chúng mình không thèm đọc (nói thế thôi chứ xong vẫn phải đọc dẻo cả cơ mồm).
Lúc này, vừa đọc vừa phải hỏi các bạn ý đủ thứ và liên hệ đủ chuyện: “Bạn Ong đang làm gì?”, “Áo của bạn Voi màu gì?”, “Cái vòi của bạn voi để làm gì?”, “Tại sao bạn sư tử lại bị đau bụng?”, “Chú này cho Nam kẹo để đi theo chú, thế có người lạ cho Nhím kẹo Nhím có đi theo không?”, “Xe cấp cứu để làm gì?”, “Xe chở cô đến bệnh viện để làm gì?”, “Đi khám bác sỹ, mình có khóc nhè không?”… và ti tỉ câu hỏi khác.
Nhưng xin nhớ chúng mình hỏi các bạn ý 10 câu thì sau đó (hết giờ đọc truyện) các bạn ý sẽ hỏi lại mình 1.000.000 câu. Haha, cứ chuẩn bị tinh thần cho vững nhé.
Trong lúc đọc thì mình cũng có thể yêu cầu các bạn “hành động” nữa, ví dụ như là hỏi “bạn gà trống kêu như thế nào nhỉ?”, hay là “Nhím có thể nhảy giống như bạn ếch xanh không, nhảy cho mẹ xem”…
(Ảnh: Cogattest)
Lưu ý về việc chọn sách cho con
1. Chọn sách dựa vào tính cách, sở thích của con
Mỗi trẻ là 1 cá thể khác biệt, không bé nào giống bé nào, mỗi bé có 1 cá tính và sở thích khác nhau, nên dù bất cứ làm gì, ba mẹ cũng nên dựa vào tính cách, sở thích của CHÍNH BÉ để có lựa chọn phù hợp với con mình.
Việc chọn mua sách truyện cũng thế. Giờ có ti tỉ thể loại sách truyện cho các bạn bé, nhưng không phải loại nào cũng phù hợp với con bạn. Tiếp nữa là cái mà bạn muốn hướng bé tới khi đọc sách/truyện cho bé cũng là điều quyết định xem bạn nên mua sách thế nào cho bé.
Lại kể lể về bạn Nhím và mẹ bạn tí. Bạn Nhím thuộc mẫu trẻ em năng động, hoạt động luôn chân tay và năng lượng tràn trề. Tất nhiên, bạn cũng thích sách nhưng bạn không thể chịu đựng được các thể loại sách truyện nhiều chữ dài dòng. Bạn chỉ thích kiểu câu ngắn gọn, có cảm thán hoặc vần điệu, kết thúc nhanh chóng để chuyển qua cuốn khác. Bạn Nhím là một đứa trẻ vui tính, nên bạn cũng rất thích sách truyện có hình minh họa và nội dung kiểu hài hước một tý. Sách quá dày (nhiều trang) bạn cũng không thích, đọc được 7-8 trang là bạn đòi đổi quyển khác.
(Ảnh: Reading Rockets)
Mẹ bạn Nhím thuộc trường phái “hiện thực”, không thích màu hồng, không mê công chúa, hoàng tử và các câu chuyện cổ tích mộng mơ. Mẹ thích những gì thực tế, thiên về thực hành, đơn giản súc tích, những lời khuyên hay chỉ dẫn giúp ích cho cuộc sống. Mẹ muốn thông qua các câu chuyện giúp Nhím hiểu được thế giới xung quanh, hiểu được các nguyên tắc trong cuộc sống, các thói quen tốt, vì sao nên và không nên làm thế này thế khác…
Thế nên ngay từ đầu, mẹ bạn đã dẹp ngay các thể loại cổ tích trong và ngoài nước, thần thoại, ngụ ngôn (khó hiểu) ra khỏi danh sách các loại sách truyện cần và sẽ mua cho con gái (tất nhiên sau này khi bạn lớn hơn tí, nếu bạn thích thì bạn vẫn hoàn toàn có quyền được đọc những loại sách này). Thay vào đó, mẹ hướng tới những cuốn sách nói về thế giới xung quanh như sách về cây cối, động thực vật, đồ vật, thiên nhiên…; sách về các hoạt động thường ngày như một ngày của bé ở nhà, đi học, các hoạt động của mọi người, nghề nghiệp…; sách giải thích những câu hỏi “Tại sao như là tại sao phải đánh răng, phải rửa tay, không nghịch điện, lửa?…
Như vậy, việc quan trọng đầu tiên trong việc lựa chọn sách là phải biết con muốn gì, con cần gì, cha mẹ muốn hướng con tới điều gì. Ở trên chỉ là ví dụ thực tế của mẹ Nhím và Nhím. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể hướng cho con bạn đọc truyện cổ tích với công chúa hoàng tử để hướng con tới một cuộc sống biết ước mơ, biết sống tốt đẹp, hiền lành, biết tin vào phép màu kì diệu… Hoặc hướng con theo đọc những câu chuyện ngụ ngôn (Ví dụ như “Con cáo và chùm nho”) để dạy con cách tư duy sâu sắc, nhìn nhận vấn đề theo nhiều cách, hay đọc các sách về khoa học kỹ thuật, về không gian, đọc truyện Kiều, thơ Nguyễn Bính, ca dao, dân ca, truyện Anh Mỹ Nhật hay là cuộc đời các vĩ nhân…, miễn là bạn cảm thấy thực sự hứng thú với chủ đề mà bạn đọc cho con, và con hứng thú với chủ đề mà con được nghe.
2. Chọn sách phù hợp với lứa tuổi của con
Điều này tưởng chừng rất dễ, vì hầu hết các sách truyện cho trẻ con bây giờ đều có ghi “sách dành cho bé từ x đến y tuổi”, nhưng tớ cam đoan là có vô vàn ông bố bà mẹ vẫn sẽ “cố tình” lựa mua cho con những cuốn sách “vượt tuổi”.
Điều này chủ yếu là do tâm lý của cha mẹ, thường thì hoặc bạn sẽ thấy những cuốn sách “đúng tuổi” (ví dụ sách ghi cho trẻ 1 tuổi) có vẻ quá tầm thường đối với con mình (con trên dưới 1 tuổi), con mình “lanh” lắm, nên đọc mấy cái đơn giản này chắc sẽ không hứng thú, nên sẽ mua sách “vượt cấp” lên 1 vài bậc cho con (ví dụ mua sách 2-3 tuổi cho bé 1 tuổi). Hoặc là sẽ có tâm lý mua “để dành”, sợ mai mốt không có để mua (cái này thì chấp nhận được, nhưng để dành thì phải cất đi không lôi ra cho con xem luôn nhé, cất đi thì tới lúc con lớn nhớ lôi ra), hoặc là suy nghĩ “con đọc hết mấy cuốn đúng tuổi sẽ thích đọc cuốn khó hơn” – cái này lúc đúng lúc sai, mà thường sai nhiều hơn đúng.
Mấy điều này là kinh nghiệm bản thân luôn, n lần mua sách thì n+1 lần, mẹ Nhím vẫn có tâm lý mua sách “vượt tuổi”, tuy nhiên là n+2 lần, bạn Nhím vẫn chỉ cương quyết thích đọc sách đúng tuổi, sách vượt tuổi có thể có đọc nhưng chỉ 1 vài trang có nội dung “dễ nhằn” đúng tuổi của bạn.
Trên đây là một ít xíu kinh nghiệm đọc sách truyện thực tế của mình muốn chia sẻ với các ba mẹ. Đây chỉ là việc đọc sách truyện thông thường. Ngoài ra thì còn rất nhiều cách kể truyện khác hấp dẫn hơn nhiều, như là làm con rối, rối tay, đóng kịch, vừa kể vừa vẽ, flashcard…
Trích từ FB group Nuôi con không phải là cuộc chiến
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- BÀI HỌC LỚN NHẤT BẠN ĐÃ HỌC ĐƯỢC TỪ CHA MÌNH LÀ GÌ?
- 4 HOẠT ĐỘNG GIÚP TRẺ DUY TRÌ VIỆC ĐỌC SÁCH TRONG SUỐT KỲ NGHỈ HÈ
- Mô hình Daily 5 (5 hoạt động mỗi ngày) để phát triển kỹ năng đọc và khả năng tự học
- Là quá sớm nếu bạn ngừng đọc sách cho con ngay khi chúng tự đọc được - một nghiên cứu khoa học tại Úc khẳng định
- Những lời khuyên tuyệt vời về việc đọc sách cho con từ tác giả Russ Walsh
- Giáo dục con bạn - lời khuyên của giáo sư John Vũ về trách nhiệm và cách giáo dục con của cha mẹ