Mô hình Daily 5 (5 hoạt động mỗi ngày) để phát triển kỹ năng đọc và khả năng tự học
Theo bài chia sẻ viết trên FB cá nhân của cô Hương Quỳnh - Tiến sỹ, giảng viên trường ĐHSP Hà Nội.
Gail Boushey và Joan Moser đã xây dựng mô hình “5 hoạt động mỗi ngày - the daily 5” để giúp học sinh tiểu học hình thành các thói quen đọc tích cực.
4 khía cạnh trong đọc sách được phát triển - gồm đọc hiểu, đọc chính xác, đọc trôi chảy và đọc để mở rộng từ vựng - được viết tắt là CAFE (Comprehension, Accuracy, Fluency and Expanding vocabulary).
Để phát triển 4 nội dung trên, mô hình “5 hoạt động mỗi ngày” đưa ra năm hoạt động chủ đạo học sinh có thể thực hiện khi đọc sách gồm:
- Đọc cho chính mình nghe,
- Đọc chung với bạn,
- Nghe máy đọc,
- Tìm hiểu từ vựng
- và Viết về những gì mình đọc.
Mô hình này còn hướng tới các kỹ năng mềm khi hoạt động nhóm, làm việc độc lập hay lúc cần đưa ra lựa chọn. Mô hình này hiện nay được sử dụng khá nhiều trường tiểu học ở bang Victoria. Ngay cả các lớp vỡ lòng và lớp 1, giáo viên cũng cho học sinh sử dụng mô hình này.
Trong năm hoạt động, trẻ có thể tự chọn một trong các hoạt động theo sở thích chứ không nhất thiết tất cả đều phải cùng làm một hoạt động. Cô giáo sẽ có một bảng theo dõi để ai làm việc gì thì tự đánh dấu vào. Ví dụ như bạn A bảo cô, hôm nay con sẽ làm bài viết, mục tiêu của con là viết đủ các dấu câu khi viết. Bạn B bảo con sẽ tự đọc cho mình, mục tiêu là đọc hiểu và kiểm tra xem con có hiểu những gì con đọc không. Bạn C lại có thể chọn nghe trên máy tính.
1. Đọc một mình (read to self):
Ở hoạt động này, trẻ sẽ tự chọn cho mình một quyển sách và tự đọc cho chính mình nghe. Để tiến hành được hoạt động này, cần chuẩn bị cho trẻ một số kỹ năng sau:
- Biết 3 cách đọc sách (three ways to read a book): Từ trước đến giờ, đọc sách nghiêng nhiều về việc đọc các câu chữ trong sách. Tuy nhiên, trẻ có thể tiếp cận nội dung một quyển sách với 3 cách sau: đọc tranh, đọc chữ và kể lại câu chuyện. Trong đó, trẻ có thể chuyển suy nghĩ, dự đoán, câu hỏi ... thành lời khi xem các tranh minh họa trong một quyển sách. Ở cách đọc này, câu truyện của trẻ có thể khác nhiều so với nội dung khi đọc chữ cũng chẳng vấn đề gì. Và với những câu truyện đã nghe, đọc nhiều lần, trẻ có thể tự giở tranh để kể lại theo từng trang.
- Biết chọn sách phù hợp với mình (a good-fit book): Thế nào là sách phù hợp? Các bạn nhỏ sẽ được dạy cách lựa chọn về nội dung, về độ khó và về sở thích khi chọn sách. Để chọn được một quyển sách phù hợp, trẻ có thể xem bìa, xem qua nội dung, hình ảnh và tự đặt cho mình các câu hỏi sau:
- (1) về mục đích: tại sao mình lại muốn đọc quyển sách này;
- (2) về sở thích: Mình có thích quyển này không?
- (3) về độ khó: Mình có hiểu những gì mình đang đọc không?
- (4) về từ vựng: Mình có đọc được hầu hết các chữ trong sách không?
- Gợi ý để trả lời cho mục 3 và 4 là đọc thử 1 trang và đếm các từ mình không đọc được, nếu quá 5 từ mình không biết thì quyển sách đó quá khó với trình độ đọc hiện tai. Kỹ năng này đặc biệt quan trọng để giúp trẻ có thể tự chọn sách cho mình khi đi thư viện, hiệu sách hay khi chọn sách tập đọc ở lớp, ở nhà.
- Biết chọn chỗ mình yêu thích để tự đọc sách.
2. Đọc cùng bạn (Read-to-someone):
Trong hoạt động này, hai bạn có thể cùng nhau đọc một sách, đọc đồng thanh hay mỗi bạn sẽ lần lượt đọc một quyển sách. Khi đọc cùng bạn, trẻ có thể học được các kỹ năng về điều chỉnh tốc độ đọc, thể hiện cảm xúc khi đọc, cùng giúp nhau đánh vần...
Các kỹ năng nền tảng để thực hiện hoạt động này gồm:
- Biết kiểm tra khả năng hiểu những gì bạn và mình đang đọc bằng cách đặt các câu hỏi có liên quan trong khi đọc.
- Biết cách điều chỉnh giọng để cả bạn và mình cùng nghe được.
- Biết chọn bạn đọc cùng.
- Biết bắt đầu bằng việc chọn người đọc trước, đưa ra các quy định.... Thường thì trẻ có thể chơi rock, paper, scissors để chọn người thắng, hoặc có thể chọn ai bé hơn, cao hơn, theo tên...
- Biết cách ngồi đọc cùng bạn: EEKK (elbow, elbow, knee, knee). Và có bài hát là: Elbow to elbow, Knee to knee, book in the middle, so both can see.
3.Học/ Nghe với máy tính, Internet, các ứng dụng học tập (Listen-to-reading)
Ở nội dung này, trẻ sẽ dùng các phần mềm trên máy tính, laptop để nghe đọc và làm các bài tập liên quan. Để thực hiện, trẻ cần biết cách sử dụng các phần mềm, biết cách nghe và theo dõi nội dung đọc trên máy.
Hiện giờ có rất nhiều kênh trên youtube, các ứng dụng giúp các bạn nhỏ có thể nghe truyện... theo chủ đề và nội dung yêu thích.
4. Tìm hiểu từ vựng (Word-work)
Ở nội dung này, trẻ có thể chọn cách mình tìm hiểu hay luyện tập với từ vựng. Ví dụ như điền vào bảng từ những từ mình đã học được trong tuần, tập viết chính tả, tập đọc một số từ...
Ở nội dung này, cô giáo thường chuẩn bị một bảng hoạt động liên quan đến việc học từ và tập viết để học sinh tự chọn. Ví dụ như chọn 5 từ mình thấy khó trong bài và sắp xếp theo trật tự ABC, viết hình xoắn ốc, viết định nghĩa, viết câu....
5. Viết về những điều mình đọc (Work on writing)
Trong nội dung này, trẻ có thể viết bất kỳ thể loại gì liên quan đến những gì mình đã đọc hay học trong tuần. Có thể giới thiệu cho bạn quyển sách mình thích đọc nhất, viết thư, kể chuyện...
Để thực hiện nội dung này, trẻ cũng cần chuẩn bị một số kỹ năng như:
- Đánh dấu các từ mình không biết đánh vần và tiếp tục viết.
- Biết các kĩ năng tóm tắt, kết nối / so sánh với trải nghiệm của bản thân trong khi viết.
- Lựa chọn nội dung mình sẽ viết và viết và rồi trình bày. Các sản phẩm bài viết thường có kèm hình ảnh, và có tính sáng tạo / tương tác với người đọc theo một cách nào đó.
Với việc sử dung mô hình tự học, tự đọc, tự chọn này các con dần dần sẽ hình thành khả năng tự học và tự lựa chọn những gì mình cần học trong quá trình tích lũy kiến thức cho mình.
Theo FB cô Hương Quỳnh - Tiến sỹ, giảng viên trường ĐHSP Hà Nội.
Bộ sản phẩm Language Arts của hãng Learning A-Z được thiết kế liên hoàn cho các hoạt động trên:
|
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |