Chia sẻ từ một người mẹ từng du học và đã cho hai con đi du học Singapore, Úc, Mĩ
Đây là bài phỏng vấn mình lấy về từ FB của bạn Do Vu Luu Phuong. Thấy thông tin rất bổ ích nên xin được chia sẻ rộng rãi cùng cộng đồng. Theo mình hiểu đây là đoạn phỏng vấn giữa bạn Đỗ Vũ Lưu Phương và nhà giáo - người mẹ Thuy Hang Le:
1. Được biết cô đã có thời gian du học tại Úc, cô hãy kể về thời gian du học tại đây? Những ích lợi mà cô nhận được từ việc du học Úc?
Mình được học bổng của chính phủ Úc theo chương trình Ausaid, học tại đại học Macquarie từ năm 1995 đến năm 1997 về Language Teaching (post graduate diploma). Đối tượng học bổng là giáo viên các trường đại học từ Bắc tới Nam. Trước tiên, mình phải thi ở Việt Nam, sau đó tới vòng sơ tuyển. Vượt qua các kỳ thi, bọn mình được học tập trung tại Hà Nội trong vòng 3 tháng trước khi sang Úc. Khóa học pre-departure do giảng viên từ Úc sang Việt Nam dạy, bọn mình học ở ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Khóa học giúp bọn mình trang bị kiến thức cơ bản cần thiết trước khi đi Úc. Trong quá trình học, thứ 6 mỗi tuần bọn mình đều thi thử IELTS. Kỳ thi IELTS official test diễn ra vào tháng cuối cùng. Bài thi được gửi sang Úc chấm và gửi thông báo kết quả về Việt Nam. Bọn mình còn được chuẩn bị về so sánh văn hóa, nhận thức sự khác biệt về văn hóa. Về những lợi ích của thời gian du học, đầu tiên, mình bước vào 1 môi trường mới với phong cách học tập khác hẳn Việt Nam. Bọn mình là giáo viên, có language proficiency tốt, nên có thể nói bọn mình có background tương đối ổn, kết quả thi IELTS tốt.
Nhưng ngay buổi đầu đi học mình bị overwhemed, vì khi thầy bước vô lớp, chỉ viết 1 concept lên bảng rồi nói nói nói… Sau đó thầy raise question, sinh viên (địa phương) cứ nói ào ào ào ào, bọn mình không biết ất giáp gì, chỉ có thể ngồi dưới lật sách mà đâu biết chỗ nào đâu. Đó là một môi trường hoàn toàn xa lạ với cách học của Việt Nam, lúc đầu bọn mình đứa nào cũng hoảng hốt. Sau đó bọn mình hiểu là thầy chỉ brainstorm, sau đó bọn mình đọc để tìm đường ra, tìm cách định hình để làm bài. Phải nói thời gian đó mình vất vả và phải struggle ghê gớm. Mình thường nói với sinh viên của mình là kết quả thi IELTS không đảm bảo 100% bạn có thể viết bài đạt điểm A khi sang bên kia, nó chỉ đảm bảo bạn có nền tảng & hiểu biết về academic writing để viết. Khi thực sự bắt tay vào viết còn đòi hỏi nhiều yếu tố từ đọc sách, tổng hợp, phân tích, cách trình bày….
Sau này khi đàn em nhờ tụi mình chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước mình thường khuyên các em tham gia các khóa trau dồi thêm kỹ năng Viết do trường mở để hỗ trợ cho sinh viên quốc tế. Cái chính yếu là phải tự học, phải lên thư viện lấy tài liệu. Thời bọn mình Internet chưa phát triển như bây giờ nên bọn mình phải thường xuyên lên thư viện, sau đó bọn mình thường mượn các tạp chí chuyên ngành, ví dụ như ngành mình thì đọc TESOL Quarterly, đọc và học theo cách viết của họ vì đây là các bài viết có cách viết chuẩn mực. Điều mình thấy được nhất là du học giúp mình hình thành thói quen tư duy phản biện, điều ở Việt Nam mình không có. Thời gian đầu việc học khiến mình hoảng hốt, giáo sư yêu cầu đọc rất nhiều. Bên đó thường bọn mình được đăng ký lên văn phòng gặp giáo sư consult khoảng 10 phút. Khi lên văn phòng gặp giáo sư, giáo sư hỏi em muốn nói về vấn đề gì. Sau đó mình trình bày sơ topic. Theo thói quen ở Việt Nam, mình kỳ vọng thầy sẽ nói đúng hay sai, có đúng hướng không nhưng mình nói gì thầy cũng gật và chỉ khuyên mình về nhà đọc nhiều hơn nữa. Sau này mình hiểu là đề tài của mình còn dàn trải, chưa tập trung vào vấn đề và thầy khuyên mình read around để narrow down chủ đề. Đó là kinh nghiệm mình thường chia sẻ với học trò.
2. Hai con của cô, một du học Úc, một du học Mỹ. Cô có nhận xét gì về sự khác biệt giữa giáo dục Úc và Mỹ? Tại sao gia đình lại quyết định cho bé sau học tại Mỹ mà không học ở Úc như cô và con đầu?
Về việc lựa chọn cho con đi du học, đứa đầu, lý do mình cho con đi học ở Úc là thời điểm đó thông tin về du học Mỹ mình chưa biết nhiều. Mình đã trải nghiệm du học Úc nên cũng định hướng cho con đi học ở Úc. Con mình tốt nghiệp chương trình đại học liên kết với Queensland của Úc. Nên mình nghĩ đơn giản tiện nhất là cho con qua Úc học Master. Khi đi học Úc, con mình phải trình điểm IELTS mới khi học cao học, các điểm đại học khác thì được chuyển tiếp sang. Con mình học chuyên Anh ở Lê Hồng Phong, hết lớp 11 đi học ở Singapore, học đại học ở trường có chương trình liên kết với đại học Queensland. Thủ tục, giấy tờ rất đơn giản. Con mình học MBA ở La Trobe, Melbourne. Bản thân mình học Applied Linguistics ở La Trobe. Đây là 1 trong top 10 trường đại học của Úc. Xuất phát từ trải nghiệm của bản thân, mình hướng con mình học ở Úc. Thời đó thông tin du học ở Mỹ mình không nắm nhiều.
Về khác biệt giữa du học Mỹ và Úc, mình nghĩ 2 phía đều có những ưu điểm nhất định nên mới thu hút được nhiều du học sinh theo học. Đến khi con thứ 2 của mình đi học, mình đã đi tham khảo rất nhiều hội thảo du học để lấy thông tin. Thông thường, 1 năm có 2 đợt intake: học kỳ fall semester tổ chức hội thảo vào tháng 7-8, học kỳ mùa xuân vào tháng 2-3. Sau khi đối chiếu và so sánh, mình thấy yêu cầu của Mỹ trước khi vào đại học, học sinh được kiểm tra toàn diện qua bài thi SAT. Ở Úc, học sinh chỉ cần thi IELTS là chính (kiểm tra 4 kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết), không kiểm tra Toán, Critical Reading như Mỹ. Bài thi SAT kiểm tra học sinh y như học sinh bản ngữ: kiểm tra cả Toán, Critical Reading, Writing. Bài thi rất khó, ví dụ bài thi Viết, trong vòng 25 phút phải viết được bài essay dài 500 từ, đây là 1 thử thách đối với học sinh Việt Nam.
Mình đã tìm hiểu và quyết định cho con đi học ở Mỹ vì nếu so sánh về yêu cầu đầu vào, yêu cầu của Mỹ cao hơn và đánh giá toàn diện hơn, kiểm tra các kỹ năng quan trọng. Nếu các em theo đuổi được, và đạt được thì sẽ có nền tảng và theo học rất thoải mái. Khi quyết định cho con đi học ở Mỹ, mình cho con đi học SAT. Con mình vẫn trách mình cho đi học SAT trễ quá vì đến hè lớp 10 mình mới cho con học. Sau này, mình khuyên cháu mình nên học khi hết lớp 8 đầu lớp 9. Mình nghĩ nên làm quen với SAT càng sớm càng tốt, rèn sớm sẽ có lợi hơn. Con mình thi SAT 3 lần. Học sinh được lấy điểm cao nhất của từng môn. Mình cho thi nhiều lần vì điểm càng cao thì khi apply vào các trường thì mức hỗ trợ tài chính sẽ cao. Báo chí hay đưa tin em đó được 100% học bổng, thực tế chỉ có chương trình Fullbright là có học bổng 100% còn thì chỉ được 1 phần chi phí. Ví dụ, chi phí cho khóa học là 50.000 USD, nếu kết quả tốt có thể được offer 30.000-35.000 USD, còn lại phải trả thêm tùy theo ngành học. Báo chí Việt Nam đôi khi làm người đọc hiểu sai, tất cả chỉ là hỗ trợ tài chính. Để đạt được mức hỗ trợ tài chính cao, điều kiện ràng buộc là phải duy trì GPA ở mức 3.6/4.0 (tức là 9/10), cực kỳ cao, không dễ dàng gì. Nếu duy trì được mức điểm đó thì sẽ tiếp tục được nhận học bổng các năm sau, nếu không duy trì được sẽ bị mất. Phụ huynh nếu có hướng cho con đi học, phải tìm hiểu thông tin từ bạn bè, người thân, chịu khó dự các hội thảo. Mình đi dự Hội thảo cùng con từ lớp 8- 9, để giúp con quen ứng xử đối đáp, tập cho con dạn dĩ, cho con biết khi đi du học người ta yêu cầu như thế nào.
Về việc chọn trường, đầu tiên mình hỏi ý hướng của con. Chỉ có phụ huynh nắm được con mình học tốt môn nào. Trường hợp con mình, có 5 môn con học tốt: Toán, Lý, Hóa, Anh văn & Tin học. Với 5 môn đó có thể apply nhiều ngành khác nhau, nhưng con mình chọn học Computer Science ngay từ đầu. Mình tôn trọng ý kiến của con và xem xét các trường có thể nộp đơn. Mình không kỳ vọng cao, không chọn Harvard vì trường này chỉ chuyên đào tạo lãnh đạo, con mình không làm lãnh đạo, chỉ làm kỹ thuật. Mình và con xem trong top 100/ 150 ranking của ngành Computer Science, trường nào được xếp thứ hạng cao. Nhiều trường ở top 50 nhưng ngành Computer Science lại đứng top 25 của Mỹ. Không có nghĩa là trường top thì ngành cũng ở trong top. Phụ huynh phải đọc, lấy thông tin giúp con lựa chọn vì con vẫn còn nhỏ, nhiều em chưa thể hình dung ra hết. Bản thân mình cũng tìm hiểu thông tin tại các hội thảo du học, nhờ tư vấn: con tôi giỏi các môn này, chuyên ngành con chọn như vầy, tôi đã xem xét các trường như vầy, anh/ chị có thể cho tôi lời khuyên không... Các nhân viên tư vấn cũng sẵn sàng tư vấn miễn phí.
Ở một số Hội thảo có mời các du học sinh chia sẻ kinh nghiệm, mình cũng đến dự và hỏi thăm. Sau đó, mẹ con về nhà list ra các trường. Mình được apply thông thường 5-7, thậm chí 10 trường. Học sinh bắt buộc phải viết bài essay gửi cho các trường mình apply, gửi vào tháng 11. Đến tháng 3 năm sau các trường sẽ gửi feed back. Bên cạnh bài essay, còn phải gửi bảng điểm, điểm SAT, điểm TOEFL, IELTS. Các trường đều có tiêu chí riêng quy định mức điểm SAT, TOEFL/ IELTS. Phụ huynh và con cần phải biết tất cả các tiêu chuẩn đó, bàn bạc đưa ra quyết định chọn trường nào. Sau đó điền form trên College Board và gửi hồ sơ online. Đến tháng 3, nếu nhận, các trường sẽ gửi thư về. Hạn trả lời chọn trường là 30/5. Kinh nghiệm bản thân là phải quyết định sớm ngay trong cuối tháng 3, trễ nhất là đầu tháng 4, phải gửi feedback phản hồi là có chấp nhận offer của trường hay không. Trường hợp con mình, có 1 trường North College offer học bổng rất cao 120.000 USD cho 4 năm, mời gọi rất hấp dẫn nhưng con mình quyết định không chọn. Nhà mình lúc đó bố chọn 1 trường, mẹ 1 trường, con 1 trường, tranh luận rất nhiều vấn đề. Cuối cùng, đành tôn trọng ý kiến con. Hỏi lý do tại sao con chọn UMASS, con trả lời con đã đọc rất kỹ, tìm hiểu ranking của trường, con cũng được offer financial aids, có thư của Hiệu trưởng tặng học bổng nhờ academic achivement của con. Vì các lý do đó nên con chọn học UMASS. Bố mẹ thường quan tâm nhiều nhất vấn đề tài chính, chọn các trường mức hỗ trợ học phí cao nhưng con lý luận là các trường hỗ trợ tài chính nhiều thì ranking không cao. Mình chia sẻ là cần cân nhắc vấn đề tài chính khi cho con đi du học.Trong nhiều trường hợp, vấn đề tài chính phải được đặt lên hàng đầu. Nhiều nhà phải bán nguyên 1 căn nhà khi cho con đi học. Nếu phụ huynh đảm bảo được tài chính trong chặng đường 4 năm, đánh giá được đúng thực lực, thiên hướng của đứa trẻ, chuẩn bị được nền tảng vững chắc nhất là về ngôn ngữ, nên theo đuổi con đường du học. Nếu lấn cấn vấn đề tài chính, có những lựa chọn khác: community college (mất 2 năm sau đó học nối lên, không được học thẳng đại học), hoặc chọn học những trường không có tiếng bằng nhưng có cơ hội internship từ năm thứ 2, được đi làm trong 6 tháng, có tiền để trang trải.
Nếu gia đình có định hướng cho con đi du học, phải chuẩn bị từ rất sớm, càng sớm càng tốt. Đầu tiên phải chuẩn bị về tiếng Anh. Nhiều gia đình muốn cho con đi du học từ phổ thông, phải xem con đã có nền tảng tiếng Anh đủ đáp ứng nhu cầu chưa dù các trường phổ thông không đòi hỏi điểm TOEFL, IELTS. Như bạn mình cho con đi du học từ lớp 11 nhưng đến năm 12 lại về và luyện thi & thi SAT tại Việt Nam, thi TOEFLT iBT cũng tại Việt Nam. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, bé cảm thấy ở Việt Nam việc luyện thi & thi thuận lợi hơn. Các phụ huynh cần để ý, khi chuẩn bị cho con đi học cần tính toán để cân đối về tài chính, tạo điều kiện tốt nhất cho con khi đi học để đáp ứng các yêu cầu cụ thể của các trường. Mỗi trường đều có yêu cầu rất kỹ lưỡng.
3. Theo cô, có nên cho con đi du học hè?
Du học hè là 1 trải nghiệm rất tốt đối với các em, đặc biệt là các em nhỏ. Khi quyết định cho con đi du học hè, nên tính đến yếu tố bản thân đứa trẻ phải năng động, cởi mở, dạn dĩ. Đối với các em rụt rè quá, thời gian đi rất nhanh nên lợi ích chưa được nhiều. Mình nghĩ nên hướng tới các em cởi mở, năng động, dạn dĩ. Tất nhiên việc quyết định đi hay không là do phụ huynh nhưng mình nên giải thích, phân tích cho phụ huynh: những em quá rụt rè, không có lợi, cũng tốn kém cho phụ huynh.
Bước chân ra ngoài, các em sẽ mở mắt rất nhiều, học hỏi rất nhiều điều. Quan trọng là các em được trải nghiệm. Cháu mình chỉ đi 2 tuần, nhưng về kể rất hào hứng. Thực ra trong 2 tuần tiếng Anh của con không được nâng cấp nhiều, nhưng các hoạt động trong chuyến đi khiến con thay đổi nhiều, năng động hơn. Con kể được làm các hoạt động nhóm, các project. Điều đó khiến phụ huynh thấy hài lòng, Nếu có định hướng cho con đi du học, nếu có đủ điều kiện cho con du học hè, đó là bước chuẩn bị rất tốt để con tiến xa hơn trong tiến trình sau này.
4. Được biết con đầu của cô ngoài học thạc sĩ tại Úc thì có học đại học ở Singapore. Cô hãy chia sẻ thêm về giáo dục ở Singapore?
Chương trình học ở Sing không hề nhẹ. Bên Sing vẫn học rất nặng, không kém Việt Nam, mang tính cạnh tranh. Ở Singapore vẫn có học thêm, không tổ chức lớp như ở mình mà học ở nhà, thầy đến nhà kèm, giá rất đắt. Các phụ huynh này cho con học thêm vì muốn hướng con vào các trường đại học quốc gia như NTU, NUS... Giáo dục Singapore vẫn chịu ảnh hưởng của châu Á, áp lực về điểm số. Tất nhiên môi trường học tập và điều kiện học tập rất tốt, nhưng áp lực cao không kém Việt Nam.
Con sau mình đang học đại học ở Mỹ, do nền tảng đã được chuẩn bị nên việc học không vất vả. Bình thường sinh viên địa phương đăng ký học 12 chỉ, con mình đăng ký 17 ngay trong học kỳ đầu, học gấp rưỡi. Lúc đó mình cũng hơi hoảng hốt, sợ con không manage được nhưng con bảo con làm được. Một ngày trung bình con bỏ ra 3-4 tiếng học, vẫn có thời gian ăn, ngủ, nghỉ, vẫn có thời gian xem phim và phụ đạo (tutor) cho bạn trong ký túc xá. Theo con, môn Toán hoàn toàn giống lớp 12 ở đây, cực kỳ dễ, không có vấn đề. Computer Science là nhập môn, những giới thiệu về lập trình con đã học rồi nên cũng không gặp khó khăn gì. Con chỉ chướng (ý con là khó chịu) về môn Arts & History. Mình cũng thắc mắc là tại sao lại phải học Arts & History. Sau khi con phân tích mình hiểu: Mỹ đào tạo rất nhiều thứ, anh học khoa học không có nghĩa là không có tí gì về nhân văn cả. Theo con kể, họ tổ chức cho tham quan bảo tàng, quan sát 2 bức tranh thánh, con đi về sẽ viết report về 2 bức tranh thánh, cảm nhận về 2 bức tranh, đánh giá như thế nào, cảm xúc khi xem tranh, ý tác giả chuyển tải gì. Hoàn toàn là về xã hội và nhân văn. Mình hiểu vấn đề ở đây là tôi đào tạo anh về khoa học không đồng nghĩa là anh quên nhân văn , anh phải luôn luôn balance. Sinh viên Mỹ được đào tạo rất toàn diện, mình rất hài lòng về điều đó. Ở Việt Nam con mình không thích học môn Sử mà giờ phải học Arts & History nên thấy chướng. Một điều con mình thấy chướng nữa là viết essay luôn phải đọc tối thiểu 50 trang chỉ trong 2 đêm. Trên thực tế, con mình vẫn vượt qua hết vì con mình viết vững nhưng vẫn cảm thấy bị dồn, ép.
Học kỳ mùa xuân này, con mình có đăng ký học tiếng Hoa và Linguistics dùng trong ngôn ngữ Toán, ngành khoa học Máy tính. Con mình đăng ký học tới 20 chỉ. Mình không hiểu con học để sống hay để chết. Nhưng kế hoạch của con là đến năm thứ 4 con sẽ xin internship hoặc tham gia chương trình trao đổi (exchange) sang Nhật và Đức để trải nghiệm. Plan của con là như vậy. Lúc ở Việt Nam, con mình không hề có idea (ý định) này, đến khi đi học, bước vào chương trình, khi con khẳng định được bản thân, mình thấy con trở nên rất tự tin. Tất nhiên tính cách của con vẫn rất trẻ con, nhưng bây giờ con đã tự tin hơn rất nhiều trong chuyện học. Đó là 1 cái được của du học. Khi đứa trẻ được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ tự tin rất nhiều. Có 1 câu nói mình thấy rất đúng với con là “Confidence leads to competence”. Rõ ràng con càng confident bao nhiêu thì sẽ càng competent bấy nhiêu. Mới năm thứ 1 nhưng đã hoạch định được năm 4 làm gì. Đó có thể là tham vọng của con, có thể thực hiện được có thể không nhưng ít ra con đã nhìn được long term. Ngược lại, sinh viên của mình (Việt Nam) rất kém tự tin. Hôm vừa rồi, trường mình mời giáo sư Mỹ về nói chuyện chuyên đề, sinh viên cái gì nghe cũng hiểu, activity rất đơn giản, nhưng khi ổng mời sinh viên involved vào thì giảng viên phải push. Bên kia không vậy. Bản thân mình lúc đầu đi học cũng rất hoảng hốt. Sau này mình phát hiện ra, có người nói đúng, nói trật, chỉ là brainstorm thôi mà. Nhưng càng nói càng ra ý, sau này khi làm seminar, ý tưởng mới ra, không thì chết. Những skills đó Việt Nam mình chưa làm được. Mình đã trải nghiệm nên trong quá trình giảng dạy mình có thể chia sẻ với sinh viên mình. Nhưng có những người cũng không có trải nghiệm đó, họ không thể hình dung được, không thể tả được cho sinh viên. Phụ huynh cũng vậy, nếu biết và tìm hiểu có thể định hướng cho con.
Nguồn: FB Do Vu Luu Phuong
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |