Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Hướng dẫn chi tiết 8 bước dạy con biết đọc

20 Tháng Mười Một 2017 18721 lượt đọc

Đọc cho con nghe, và sau đó là đọc và học cùng với con, là việc quan trọng nhất bố mẹ có thể và cần làm càng sớm càng tốt (thậm chí ngay từ ngày đầu tiên từ bệnh viện phụ sản về , nhằm giúp trẻ phát triển trí tuệ cũng như các khả năng khác trong tương lai. Khả năng tự học từ việc đọc – theo tôi, là kỹ năng hàng đầu giúp một người thành công trong cả công việc và cuộc sống. Tình cờ tìm được bài viết của một giáo viên cấp 1, tôi nhờ bạn dịch, rồi ghép thêm các kinh nghiệm của bản thân mình trong việc nuôi dạy con gái. Mong bài viết giúp ích cho những ai đang muốn có một hướng đi rõ ràng trong việc dạy con sớm. 

Nói chung thì hầu hết mọi đứa trẻ đều chỉ bắt đầu biết “đọc” vào khoảng 6 tuổi, và mọi bậc phụ huynh cũng chẳng cần lo lắng hi vọng đứa con 3 tuổi của mình cần phải biết đọc. Tuy nhiên, những thông tin mà tôi chia sẻ dưới đây sẽ hữu ích với những đứa trẻ ở mọi lứa tuổi, dù chúng đã đến tuổi học đọc hay chưa. Đừng cố gắng ép con bạn phải học tất cả những gì tôi chia sẻ cùng một lúc, hay hi vọng chúng sẽ làm tốt ngay từ đầu. Đây là một quá trình và bài viết này là những bước đơn giản mà bạn có thể áp dụng hàng ngày để giúp con học đọc, cũng như phát triển khả năng văn học trong tương lai.

Bạn nên lưu ý rằng dù những gợi ý này được gọi là “các bước” nhưng bạn không nhất thiết phải làm đúng theo thứ tự, đây chỉ đơn giản là những chỉ dẫn giúp bạn học thực hiện dễ dàng hơn cùng bé.

Hướng dẫn chi tiết 8 bước dạy con biết đọc

Minh Thư khi còn bé 

1. Đọc cho trẻ nghe

Qúa trình dạy trẻ đọc thực sự phải bắt đầu từ khi trẻ còn ẵm ngửa (tôi không nói đến cũng như không tán thành những chương trình dạy đọc cam kết rằng trẻ có thể đọc sớm, bằng cách dùng các tấm thẻ flashcard). Tôi khuyến khích bạn bắt đầu đọc cho trẻ nghe ngay từ những ngày đầu của cuộc đời bé! Việc này không chỉ làm tăng tình cảm của bạn và con mà còn giúp cả bạn và bé yêu đọc sách hơn. Sự thích thú bé nhận được khi đọc sách là một trong những thành công ban đầu khi bé đến tuổi đi học! Nếu trẻ không được học một số điều hay từ việc lắng nghe bố hoặc mẹ đọc sách từ nhỏ, khả năng phát triển của bé sẽ không thể được phát huy tối đa. 

Tôi bắt đầu đọc sách cho con gái nghe ngay từ ngày đầu tiên sau khi hai mẹ con từ bệnh viện sản khoa về nhà. Thường thì hai mẹ con nằm ngửa, tôi giơ sách lên cách mắt con quãng 20 cm, vừa đọc rõ ràng từng từ, vừa dùng ngón tay chỉ vào dưới từ mình đọc. Sách dành cho trẻ sơ sinh thường chỉ dày 2 – 4 trang, với nhiều hình vẽ to, mỗi trang chỉ có một vài chữ in to và rõ”. 

Đọc cho trẻ nghe bao nhiêu hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện của bạn và gia đình, nhưng hãy cố gắng đọc 3 đến 4 lần mỗi ngày (mỗi lần có thể chỉ kéo dài dăm phút), ngay cả khi trẻ còn rất nhỏ. Khi trẻ lớn hơn và có thể ngồi yên một lúc, hãy cố gắng đọc sách cùng nhau ít nhất 20 – 30 phút mỗi ngày. 

“Trong tháng đầu, mỗi ngày ông ngoại và mẹ thay nhau đọc cho Minh Thu quãng 4 – 5 lần, mỗi lần từ 5 đến 10 phút. Còn bà ngoại thì ngâm thơ mỗi khi ở bên cháu. Tôi nhận thấy là chỉ sau chừng hai tuần, khi nghe ông hoặc mẹ đọc, Minh Thu thường nhìn chằm chằm vào ngón tay mẹ chỉ trên trang sách. Khi con được quãng 4 tháng, tôi có cảm giác con bắt đầu mấp máy môi mỗi khi nghe ông và mẹ đọc sách”.

Dưới đây là một số dạng sách mà bạn nên đọc cho con. Nhưng dù sao thì, hãy cứ đọc bất cứ cuốn sách nào bé cảm thấy thích đọc cùng bạn!

  • Mới sinh – 1 tuổi: sách hát ru, sách bằng tranh ảnh (ảnh thật), sách bằng vải, sách bài hát
  • 1 - 3 tuổi: Sách bài hát, sách thơ, sách có những câu chuyện ngắn
  • 3 - 5 tuổi: sách chữ cái, sách bài hát, sách tranh ảnh, sách thơ, 

2. Đặt ra các câu hỏi

Khi bé trước một tuổi, chưa biết nói, hãy hỏi bé các câu hỏi trong khi đọc, điều này không chỉ giúp bé tương tác với sách tốt hơn và còn phát huy khả năng nhận thức một cách hiệu quả. Bạn có thể nhận thấy, nếu mục đích trong việc “đọc” chính là khi trẻ phát âm được các từ thì điều này chưa đủ. Nhiều đứa trẻ có thể nhận diện được chữ và “đọc” dõng dạc nhưng vẫn không hiểu chúng đang đọc những gì, nghĩa là bạn chưa thành công câu. 

Khi trẻ còn nhỏ, hỏi chúng những câu, ví dụ như: “con có nhìn thấy con mèo không?” khi chỉ vào bức tranh con mèo. Từ đó, bé không chỉ phát triển vốn từ vựng mà còn tương tác với cuốn sách đang đọc. Khi bé lớn hơn, hãy nói bé tự chỉ vào những gì bé thấy trong sách và làm tiếng kêu giống con vật bé thấy. 

“Ví dụ: trước khi con gái Minh Thu biết nói, tôi hay chỉ vào bất cứ hình nào trong sách, hoặc các vật xung quanh hai mẹ con, nói rất rõ ràng với bé đó là cái gì. Sau đó, tôi hay hỏi bé: con tìm con mèo hộ mẹ đi. Bé sẽ với tay chỉ vào quyển sách có hình con mèo. Tôi cũng bắt chước tiếng mèo kêu, chó sủa…, mỗi khi chỉ cho bé những con vật đó trong trang sách hoặc ngoài đường” 

Khi bé biết nói, bạn có thể bắt đầu hỏi những câu hỏi trước và trong khi đang đọc, cũng như sau khi đã đọc xong từng mẩu chuyện. 

Kinh nghiệm của tôi với con gái Minh Thu là

  • Trước khi đọc: cho bé xem bìa sách, nói bé đoán xem cuốn sách nói về cái gì – tất nhiên chỉ là dự đoán. Bé trả lời ra sao, tùy bé, vì đây là cách luyện cho bé trí tưởng tượng, cũng như logic đoán sự việc dựa trên hình ảnh. Không bao giờ được phê phán, hoặc tìm cách sửa dự đoán của bé. Thay vì vậy, hãy nói: “Mẹ con mình bắt đầu đọc để xem cón đoán có đúng không nhé”. 
  • Khi đang đọc, hãy hỏi bé xem các nhân vật định sẽ làm gì và vì sao các nhân vật lại hành động như vậy (phỏng đoán). Khi một nhân vật có đặc điểm cá tính nổi bật nào, hãy giải thích cho bé và hỏi về cảm giác của bé, đã khi nào bé cảm thấy như vậy chưa (kết nối). 
  • Đến cuối cuốn sách, hãy gọi ý để bé tự rút ra kết luận xem câu chuyện có đúng như bé dự đoán không. Sau đó, hãy hỏi bé các câu hỏi về nội dung cậu chuyện, cuối cùng nói bé kể lại cho bạn nghe câu chuyện đó. Hãy để bé kể, nếu bé quên, bạn có thể gợi ý để bé nhớ lại, không bao giờ được ngắt lời bé. 

Bạn hãy linh hoạt sử dụng những kĩ thuật này trong khi đang đọc cùng bé, đây là cách tuyệt vời để nâng cao hiểu biết và phát triển trí tuệ cũng như nhận thức của trẻ. 

3. Hãy tự trở thành một tấm gương tốt về việc đọc sách

Ngay cả khi con bạn đã từng rất thích đọc sách từ khi còn nhỏ, thì sự hứng thú của bé cũng sẽ dần mất đi khi nhận ra đọc sách không phải là một thói quen hàng ngày trong gia đình. Nếu bạn quả thực không có hứng thú gì với sách thì hãy cố gắng để con của bạn nhìn thấy bạn đang đọc sách ít nhất vài phút mỗi ngày. Đọc một cuốn tạp chí, sách nấu ăn, tiểu thuyết,… tùy bạn! Nhưng hãy cho trẻ nhận thấy đọc sách là một việc người lớn cần làm, và làm hàng ngày. Nếu bạn có con trai, hãy cho bố của bé đọc bài viết này, bé trai rất thích thấy bố đọc sách.

Bậc cha mẹ nào cũng mong con phải lớn lên và thành người họ mong muốn, nhưng chúng ta thường quên mất rằng trẻ con học nhiều nhất qua các ví dụ xung quanh. Hãy bắt đầu đọc sách, và tất nhiên, trẻ sẽ bắt chước bạn!

“Từ khi con gái tôi biết đọc, ngoài việc vẫn tiếp tục đọc cho con nghe ít nhất 2-3 lần/ngày, tôi dành khá nhiều thời gian tĩnh lặng ngồi cùng con trong một phòng, mẹ đọc sách của mẹ, con tự đọc sách của con. Dần dần, tôi nhận thấy, hễ tôi lấy sách ra đọc, thì con gái cũng vội vàng tìm sách rồi ngồi cạnh mẹ, ê a đọc sách của bé rất chăm chú”.

Hướng dẫn chi tiết 8 bước dạy con biết đọc

Minh Thư được tiếp xúc với sách từ khi lọt lòng.

4. Nhận diện chữ cái một cách tự nhiên

Trước khi đẻ, bạn có thể viết và treo những chữ cái bằng gỗ tên của từng người trong nhà lên một cái giá để trang trí các phòng. Bạn không thể đoán được rằng những miếng gỗ này lại khiến khiến các bé thích thú học hỏi đến thế nào đâu! Khoảng sau 2 tuổi, các bé bắt đầu hỏi những chữ cái để đánh vần tên bé, rồi các bé tự học cách đánh vần tên của mình, và tên của mọi người trong nhà.

Phương pháp này, được gọi là “học từ môi trường xung quanh”, và xung quanh trẻ có rất nhiều thứ mà chúng có thể đọc được, từ biển hiệu cửa hàng, nhãn đồ ăn, biển giao thông, tạp chí….

“Hồi con gái Minh Thu còn nhỏ, trong phòng nào của nhà tôi cũng có một vài cái bảng thấp vừa tầm đứng hoặc ngồi của bé, cùng với bút đủ màu để bé có thể tự vẽ hoặc viết bất cứ cái gì bé thích. Cũng nhờ thế, bé chẳng bao giờ bôi vẽ bẩn lên tường nhà”. 

Đôi khi, chúng ta muốn ép con mình học cách đánh vần tên trẻ khi trẻ đến một độ tuổi nhất định. Chúng ta mua những tấm thẻ flash card hoặc bật video lên và cố dạy chữ cái cho trẻ, sau đó bật đi bật lại, bắt đứa trẻ 2 tuổi phải tập trung chú ý. Nhưng, cách tốt nhất là hãy để những đứa trẻ cứ là những đứa trẻ, cho bé học từ những thứ gần gũi xung quanh! Trí nhớ của trẻ em giống như miếng bọt biển, chúng có khả năng nhớ được bảng chữ cái khi cố luyện tập, nhưng đây không phải là cách hay để dạy bé nhớ lâu. Cách hiệu quả hơn là để bé cảm thấy thích thú với những chữ cái bé nhìn thấy xung quanh, rồi tự đặt câu hỏi để bạn giải đáp khi bé thắc mắc. 

Đừng hiểu nhầm ý tôi là việc học chữ không quan trọng, nó khá quan trọng nhưng phương pháp chúng ta dạy bé còn quan trọng hơn! Hãy luôn nhớ rằng, mục tiêu cao nhất để bé có kiến thức lâu dài bắt đầu từ sự mày mò, khám phá và yêu thích chứ không phải nhớ hoặc thuộc lòng như con vẹt!

5. Kết hợp nhiều giác quan khi đang học

Trẻ em học tốt nhất khi sử dụng nhiều giác quan cùng lúc. Một khi trẻ bắt đầu tỏ ra thích thú với chữ cái, hãy lồng thêm các hoạt động, kết hợp nhiều giác quan nhất có thể. Hãy nhớ rằng, tên của chữ cái không quan trọng bằng chữ cái đó phát âm ra sao!

Có rất nhiều cách để bé nhận ra các chữ cái từ khi còn nhỏ. Các trò chơi xếp chữ cái giúp trẻ nhận diện được hình dáng của chữ, dùng chúng để học phát âm, kết hợp với các trò dán, cắt,… Và đừng quên rằng trẻ em rất thích thơ, nhạc! Bạn hãy tìm hiểu xem bé thích hoạt động kiểu nào và chơi bé để bé phát huy nhiều khả năng khác nhau. 

“Gia đình tôi có cái may mắn là mẹ tôi rất thích thơ, và cụ thuộc rất nhiều thơ. Khi tôi còn bé, suốt ngày nghe mẹ ngâm thơ, nên tôi cũng thuộc lòng rất nhiều bài. Để rồi có lẽ những bài thơ mẹ hay đọc góp phần rất lớn giúp tôi phát triển ngôn ngữ, cũng như khả năng văn học từ khá sớm. Đến khi có con, thì tôi rất có ý thức trong việc đọc sách cũng như ngâm thơ, hát các bài hát ru cho con gái nghe. Khi mới được độ 6 -7 tuổi, con gái tôi đã bắt đầu tưởng tượng và viết những mẩu chuyện ngắn dài chừng nửa trang. Chắc đó cũng là nền tảng quan trọng với con gái trong việc định hình khả năng văn học khi nàng lớn hơn”. 

6. Phân loại

Khi trẻ khoảng 5 tuổi và đã có thể nhận ra sự “giống nhau, – khác nhau”, hãy bắt đầu dạy cho bé hiểu về các loại sách khác nhau khi bạn đọc sách cùng bé. Điều này nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra khá đơn giản.

Đây là 5 loại sách thông dụng cho trẻ em:

  • Sách không có yếu tố tưởng tượng (câu truyện thật về động vật, con người, nơi chốn,..)
  • Sách có yếu tố tưởng tượng (câu truyện không có thật, có phép thuật, động vật biết nói,…)
  • Sách vừa có yếu tố tưởng tượng vừa có yếu tố hiện thực (một câu truyện không có thật nhưng có thể xảy ra trong cuộc sống)
  • Sách chữ cái
  • Sách bài hát

Khi trẻ biết tự biết phân loại sách, nó sẽ có thể tóm tắt cuốn sách trong đầu và nhớ lại các tình tiết. Sau đó, chúng phải dùng các thông tin đó để quyết định sẽ cho cuốn sách vào đâu. Cuối cùng, trẻ sẽ nhớ đến nội dụng của các cuốn sách cùng một loại, tìm cách kết nối chúng lại. Hoạt động đơn giản này đôi khi chỉ mất vài phút của bạn, nhưng rất có ý nghĩa với sự phát triển não của trẻ!

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải cuốn sách nào cũng có thể phân loại theo 5 loại này và mục tiêu cuối cùng là giúp bé hiểu thấu đáo những gì đã đọc. Khi đã khuyến khích trẻ suy nghĩ về những cuốn sách đọc cùng bạn, hãy tin tưởng rằng, một ngày bé có thể tự đọc sách một mình! Bạn cũng có thể giúp bé sắp xếp sách trên giá nhỏ của bé, theo các tiêu chí phân loại trên.

7. Học cấu tạo từ

Đây là một hoạt động quan trọng vì nó cho phép trẻ bắt đầu “đọc” bằng cách ghép các nhóm chữ trong một từ lại. Hãy cùng bé tìm ra những từ có phần phụ âm giữ nguyên, nguyên âm thay đổi.

Ví dụ như khi trẻ biết từ “cái chổi”, bé sẽ cố gắng tìm được từ quả ổi, lá phổi,..... Thêm vào đó, nhận ra các chữ có phát âm gần giống nhau là một kĩ năng ngôn ngữ tốt. 

8. Ghép vần

Kĩ năng này đóng vai trò rất quan trọng khi dạy bé đọc, nhưng không phải là quan trọng nhất. Khi trẻ đã biết cách phát âm, ghép vần (qua các ví dụ thực tiễn) thì trẻ sẽ bắt đầu đặt các chữ cái cạnh nhau. Khi thấy những từ ngắn như “voi”, hãy cho bé đọc thành từng chữ v – o – i, sau đó ghép lại thành “voi. Khi trẻ đã hiểu và nhận diện và ghép vần được nhanh hơn, bé sẽ hứng thú hơn với con chữ. Nhiều khi, nhiệm vụ này quả rất khô khan, nhưng cố tìm cách vui vẻ nhất để thực hiện cùng bé. Khi tôi dạy học cho trẻ lớp 1, tôi đã mua những con rối tay dễ thương để học sinh dùng, chỉ vào các chữ cái mà chúng vừa ghép vần, và chúng rất hứng thú với trò chơi đó!

“Tôi hay dùng tên người trong nhà, tên các con vật hoặc các vật trong nhà, để cùng con gái Minh Thu tập ghép vần. Ví dụ: hôm đó ăn món cháo cá, tôi nói với con: hôm nay nhà mình ăn “a “o “ao”, chờ ao chao sắc cháo. Thế là có hôm nhà ăn thịt bò, Minh Thu nói: hôm nay nhà mình ăn “ò” “ò” “ò”, bờ o bo thịt bò, làm cả nhà được mẻ cười lăn lộn. Nhưng chỉ sau độ vài tháng, bé đánh vần ngon lành hầu hết các từ quen thuộc. 

Tóm lại, dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể làm hàng ngày, rõ ràng, bạn không thể áp dụng tất cả cùng lúc mà cần điều chỉnh lại cho phù hợp nhất với trẻ. 

  • Đọc sách cho trẻ mỗi ngày
  • Hãy hỏi trẻ các câu hỏi trước, trong, sau khi đọc sách! 
  • Hãy để trẻ thấy bạn đang đọc sách
  • Hãy để ý đến các chữ cái xung quanh bạn. 
  • Dạy trẻ chữ cái và cách phát âm từng chữ cái, kết hợp nhiều giác quan nhất có thể.
  • Đọc nhiều loại sách và chơi game phân loại sách
  • Có những bài thơ, bài vè hay
  • Cùng học ghép vần, ngữ âm
  • Khuyến khích trẻ đánh vần các từ ngắn (nguyên âm, phụ âm)
  • Và hơn hết, cùng đọc và sau đó là học một cách đầy hứng thú!

Theo FB Bich Ha Tran


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab