Khi trẻ mắc lỗi
Không ít phụ huynh có con ở tuổi mầm non và tiểu học chia sẻ những khúc mắc trong việc dạy con. Có trẻ hiếu động trên lớp hay nói chuyện, ghi chép bài không đầy đủ. Có trẻ lại hay mè nheo, không gọn gàng, cẩu thả trong sinh hoạt hàng ngày… Chị Lan Anh, ở phố Nguyễn Du (Hà Nội) tâm sự: Con trai chị năm nay học lớp Một khá thông minh, tuy nhiên cháu lại rất hay nghịch ngợm.
Ngồi trong lớp thường xuyên trêu chọc các bạn, cô giáo nhắc nhở thậm chí phạt cu cậu đứng góc mà cậu vẫn chứng nào tật ấy. Vợ chồng chị đã áp dụng biện pháp phạt con không được xem tivi, hay không được đi chơi vào ngày nghỉ, tuy nhiên chỉ được một hai ngày đầu, xong lại đâu đóng đấy.
Còn chị Mai Anh, cô bạn đồng nghiệp cùng cơ quan tôi lại hay phàn nàn về việc cô con gái 5 tuổi thường hay quên không xếp gọn đồ chơi mỗi khi chơi xong. Tủ quần áo của con thường lộn xộn, mẹ thường xuyên phải cất dọn. Chị không biết làm thế nào để con thay đổi những tính xấu đó…
Trẻ nhỏ như những cây non cần được uốn nắn thường xuyên. Tuy nhiên, nếu bố mẹ và người lớn không hiểu tâm lý trẻ, mà chỉ gắt gỏng quát mắng trẻ sẽ khó lòng thay đổi. Ở những tình huống này, bố mẹ có thể trò chuyện với con để tìm ra những nguyên nhân khiến trẻ không muốn thực hiện theo lời căn dặn của người lớn. Những câu hỏi “Điều gì đang làm phiền con vậy?”, “Con đang gặp phải vấn đề gì vậy”… sẽ giúp trẻ biết mình luôn được quan tâm.
Mọi trẻ đều thích được khích lệ
Nhiều khi chúng ta không biết con cái nghĩ gì và thực sự mong muốn điều gì. Như thế nào thì các con sẽ hài lòng? Như thế nào các con sẽ làm đúng theo ý của mình. Tuy nhiên, có một số vấn đề người lớn của chúng ta cần phải hỗ trợ, cần phải can thiệp vào để con của chúng ta dần hình thành và phát triển hoàn thiện về nhân cách.
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm Clever Land (Hà Nội) chia sẻ với các phụ huynh rằng: Tất cả những điều chúng ta mong muốn điều chỉnh phải bắt đầu từ con và chắc chắn phải có lợi cho con. Song việc điều chỉnh con phải được thực hiện trong một quá trình, là một hành trình cha mẹ đồng hành cùng con.
Trong cuộc sống, khi muốn con làm một việc gì đó người lớn thường hay áp đặt kiểu mệnh lệnh cho các con. Thậm chí tông giọng của nhiều bố mẹ khi mong muốn con làm một việc gì đó lại thường cao giọng. Nhưng người nghe sẽ khó để có thể thoải mái thực hiện những yêu cầu đó… Vì vậy chúng ta cần nói chân thành cảm xúc của mình.
Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình, để giúp con trẻ thay đổi, mỗi ngày bố mẹ nên để ra 5 phút thủ thỉ với con nhất là trước giờ đi ngủ buổi tối. Vì theo nghiên cứu khoa học về não bộ của các nhà khoa học vào thời điểm này trẻ con rất nhạy cảm. Đặc biệt trong cấu trúc của não bộ của con người gồm có 3 tầng: Tầng ý thức thường là ban ngày, tầng vô thức là chìm ở bên trong và tầng tiềm thức đó là những ký ức, những điều ẩn chứa ở bên trong quá khứ của con người. Vì vậy 5 phút trước giờ đi ngủ mà chúng ta nói sẽ được lưu trữ vào vùng vô thức và dần dần chuyển vào tiềm thức.