Phim hoạt hình ‘Alike’: Xã hội đã hủy hoại gia đình bạn như thế nào?
“Alike” – bộ phim hoạt hình dài chỉ 7 phút nhưng đã lột tả được thực trạng khắc nghiệt của một xã hội luôn hối hả và có xu hướng cuốn theo tâm lý đám đông, nơi không có chỗ cho sự sáng tạo khác biệt.
Thực tại xã hội bắt chúng ta phải trưởng thành và đạt được thành công theo một chuẩn mực chung. Chính điều ấy đang vô tình giết chết ước mơ và huỷ hoại sự sáng tạo của con trẻ, biến chúng trở thành “những chú gà công nghiệp” giống hệt với những gì người lớn mong muốn. Bằng phong cách nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc, bộ phim hoạt hình “Alike” đã nêu lên được mâu thuẫn đó, khiến các bậc làm cha mẹ phải giật mình và suy nghĩ.
Câu chuyện kể về mối quan hệ gia đình giữa người cha đơn thân và cậu con trai bé bỏng. Dường như, người cha muốn con mình tập trung học để sau này có thể có một vị trí nhân viên văn phòng giống như mình – “làm bàn giấy”. Đây là công việc “nắng không tới đầu, mưa không chạm mặt”, một chuẩn mực để được công nhận là người thành công trong xã hội. Tuy nhiên, đứa con lại có thiên hướng nghệ thuật và cảm thấy chỉ có sống là chính mình mới là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.
Tuy nhiên, thế nào mới được gọi là đúng với chuẩn mực xã hội? Trong suy nghĩ của người cha, đó chính là thuận theo tâm lý đám đông. Khi cả một xã hội đặt định ra những tiêu chuẩn đo lường tốt – xấu, thành công – thất bại, hay – dở, thì những ai có sự khác biệt dù là nhỏ thôi sẽ được mặc định là “kẻ lạc loài”. Và những người ấy sẽ khó có thể hạnh phúc được khi luôn cô đơn và lạc lõng trước dòng chảy của xã hội.
Video: Phim hoạt hình “Alike”
(Video: Alike.es)
Bộ phim ngắn “Alike” (tạm dịch: Giống như nhau) của hai nhà làm phim Daniel Martínez Lara và Rafa Cano Méndez đến từ thành phố Barcelona đã đạt được tổng cộng 69 giải thưởng tại nhiều liên hoan phim trên toàn thế giới.
Điều đặc biệt là “Alike” được thực hiện hoàn toàn bằng Blender, một phần mềm dựng 3D mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí.
Không có lời thoại, nhưng âm nhạc và cốt truyện rất cô đọng, đặc sắc, bộ phim khiến chúng ta phải suy nghẫm về việc: Thế nào là thực sự thành công? Liệu chúng ta có thực sự sống một cuộc sống đầy ý nghĩa? Hay đang tự giết chết sự sáng tạo và hạnh phúc của chính mình và gia đình để rồi bị cuốn vào guồng máy “công nghiệp” của xã hội?
Đặc biệt hơn, “Alike” dường như cũng muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc dành thời gian yêu thương, giáo dục và định hướng con cái theo đúng mong muốn của chúng.
Hãy nghĩ kỹ thêm: Bạn dành thời gian bên con cái bao lâu mỗi tuần? Bạn có chở chúng đi chơi hay trò chuyện cùng chúng? Bạn có dạy chúng kiến thức thực tế về làng quê, về câu chuyện thỏ và rùa, với cái kết mở nếu thỏ cố gắng chạy nhanh hơn thì sao? Nếu rùa và thỏ hợp sức lại thì sao chưa? Sẽ thế nào nếu một bữa ăn của con bạn không bên gia đình, mà đằng sau yên xe trên đường đến lớp học thêm?
Việc luyện tập thể thao và sức khỏe thì sao? Nếu thử đọc về các doanh nhân ở phương Tây, bạn sẽ thấy là họ rất chú trọng thể thao, kể cả thể thao mạo hiểm. Những tỷ phú là những người có sức khỏe rất tốt và rất ủng hộ phong trào thể thao, họ chú trọng giảng dạy về giao tiếp, thuyết trình và đàm phán chứ không phải kiến thức ghi nhớ.
Nếu con bạn không có niềm đam mê, không được dạy về mục đích sống, thiếu những bữa cơm bên gia đình, không có tư duy phản biện vì ở lớp học thêm người ta đã cho sẵn đề rồi, thầy cô đã tư duy giúp cho chúng. Thì sẽ ra sao khi chúng ra một xã hội đầy cám dỗ, với những lạc thú bất tận vì ma túy, cờ bạc, các trò chơi hấp dẫn… Chúng có được dạy về công lý, về anh hùng vốn chỉ là những người bình thường thôi, nhưng biết hợp sức và lên tiếng để bảo vệ điều đúng đắn?
Các trò chơi dân gian đang dần mai một và biến mất khỏi thế hệ trẻ Việt Nam, mối liên hệ họ hàng giữa những đứa trẻ và người lớn tuổi hơn cũng phai nhạt dần vì cuộc sống bận rộn hối hả. Người ta muốn thay đổi, nhưng áp lực kinh tế đè quá nặng. Ngay cả những thầy cô giáo nếu không dạy thêm sẽ không đủ tiền trang trải cho cuộc sống của gia đình và con cái họ.
Khi áp đặt từ phụ huynh ngày càng đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của những đứa trẻ ngây thơ, hào hứng sống với đầy sức tò mò và khám phá của chúng sẽ bị lụi tàn dần. Khi những giây phút quây quần cùng sẻ chia tình yêu thương bên gia đình cạn dần, thì đồng nghĩa rằng chúng sẽ bắt đầu khép mình lại với thế giới bên ngoài kia vì cảm thấy cô đơn lạc lõng và thiếu sự bao bọc an toàn.
Trở nên sáng tạo, theo đuổi đam mê và gặt hái những trải nghiệm; hay sống chạy theo vật chất và nhồi nhét vào đầu đầy những kiến thức lý thuyết? Gia đình là một nơi ươm mầm cho những tài năng tương lai. Hãy dành nhiều thời gian hơn vui chơi bên con bạn. Có lẽ đó là thông điệp của bộ phim hoạt hình ngắn Alike này.
Hoàng Vũ
Nguồn: Trí Thức VN
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |