Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ sơ sinh không được đáp ứng nhu cầu vuốt ve, âu yếm thì gặp khó khăn trong việc phát triển và đạt được thành công, kể cả khi các bé vẫn được cung cấp đầy đủ thức ăn, dinh dưỡng và sự bảo vệ.
Tiến sĩ Tiffany Field (sinh năm 1942, chuyên gia về tâm lý học phát triển và là giáo sư về nhi khoa) cho biết: “Chúng tôi chứng minh được rõ ràng sự âu yếm cũng quan trọng như chế độ ăn uống và tập thể dục trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Tôi muốn các bậc cha mẹ nên thường xuyên âu yếm các con ngay từ lúc chúng mới sinh ra. Tất cả chúng ta đều cần đến liều thuốc tình cảm này.”
Tiến sĩ Field cho rằng sự âu yếm chính là quà tặng giản dị nhất dành cho con.
Theo Tiến sĩ Gary Chapman, các bậc phụ huynh luôn có cơ hội truyền tải tình yêu đến trẻ thông qua các cử chỉ âu yếm. Kể cả khi bận rộn, bố mẹ cũng có thể tiếp xúc với con bằng những cách đơn giản như vỗ lưng, chạm nhẹ vào tay hay vai con.
Chuyên gia tâm lý Gary Chapman cũng cho biết, ngoài nhu cầu được bố mẹ yêu thương, trẻ còn cần nhận được cử chỉ âu yếm từ ông bà, cô chú, thầy cô giáo… - những người có vai trò quan trọng với trẻ. Trẻ luôn cần những vòng tay ôm ấp yêu thương và sự vuốt ve trìu mến của những người thân để có thể cảm nhận được ý nghĩa của thông điệp: “Cha/Mẹ/Ông/Bà… yêu con!”.
Theo chuyên gia trị liệu gia đình nổi tiếng người Mỹ Virginia Satir (1916-1988), mỗi ngày con người cần 4 cái ôm để tồn tại, 8 cái ôm để duy trì sự sống và 12 cái ôm để phát triển. Những cái ôm có tác dụng chữa lành những tổn thương trong tâm hồn và nâng cao khả năng miễn dịch của con người. Những cái ôm giúp chúng ta cảm thấy mình được yêu thương, được che chở và mang chúng ta đến gần nhau hơn.
Về lợi ích của cái ôm, Tiến sĩ Tâm thần học Harold Falk cho biết: “Cái ôm có thể xoa dịu chứng trầm cảm, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Cái ôm mang sinh lực tươi mát vào cơ thể mệt mỏi và giúp bạn cảm thấy trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn.”