Tại sao trẻ con lại mê iPhone đến vậy?
Dù thế nào, con gái tôi vẫn cứ chọn iPhone
Ngay trước khi con gái Livia của tôi tròn 1 tuổi, một người bạn ghé thăm nhà. Vô cùng hào hứng, anh đã kể cho tôi nghe về lễ Doljanchi mà anh vừa được tham dự. Đó là nghi lễ truyền thống của người Hàn Quốc diễn ra vào dịp trẻ sinh nhật 1 tuổi. Phần tuyệt vời nhất, theo lời anh nói, là nghi lễ dự đoán tương lai của trẻ. Bé sẽ được đặt trước một chiếc bàn bày nhiều đồ vật khác nhau và được khuyến khích chọn một món. Sự lựa chọn này người Hàn tin rằng có thể giúp dự đoán tương lai của bé. Nếu trẻ chọn 1 quả chuối, trẻ sẽ không bao giờ bị đói; 1 cuốn sách, trẻ sẽ gắn bó với con đường học vấn; 1 đồng xu bạc, trẻ sẽ giàu có…
Tôi cảm thấy rất thích thú và tối hôm đó, tôi cũng đặt trước mặt Livia rất nhiều đồ vật khác nhau: 1 chiếc ống nghe bác sĩ (con sẽ trở thành bác sĩ sao?); 1 chú chó nhồi bông (con sẽ làm bác sĩ thú y?), 1 cái cây (nhà hoạt động cho tổ chức Hoà bình xanh?), khối bột nhào (đầu bếp?) và mô hình bọ não nhiều màu sắc (nhà khoa học thần kinh?). Livia tỏ ra rất chăm chú và xem xét kỹ lưỡng tất cả các lựa chọn dành cho mình. Cuối cùng, con đi thẳng tới chiếc iPhone mà tôi vô tình đặt ở góc bàn.
Lẽ ra tôi không nên ngạc nhiên đến thế. Con gái tôi mê iPhone. Và bé đã rất thành thạo bò từ góc phòng này tới góc phòng kia để lấy cho mình chiếc điện thoại. Một hành động như thế chắc hẳn sẽ có nghĩa trọn vẹn nếu sau đó Livia của tôi sẽ kiểm tra e-mail và cập nhật trạng thái Facebook. Nhưng đó không phải ý định của con. Bất cứ khi nào con cầm được chiếc iPhone trong tay, con sẽ đưa nó lên miệng và thử gặm.
Mặc dù việc “ăn” iPhone có vẻ không thành công nhưng Livia chẳng lấy thế làm nản lòng. Hết lần này tới lần khác, con bé đều chọn iPhone, ngay cả khi có những thứ ăn được nằm trong tầm mắt. Không phải ánh sáng và âm thanh của chiếc điện thoại gợi tò mò nơi con bé – Livia có những loại đồ chơi phát nhạc rực rỡ hơn thế nhiều. Chiếc điện thoại là thứ mà con gái tôi muốn bởi vì kể từ ngày chào đời, con đã quan sát thấy bố mẹ liên tục dùng nó với sự thích thú tột độ. Sự say mê đối với iPhone của Livia cho chúng tôi biết vài điều quan trọng về cách thức vận hành của bộ não.
Bộ não con người vận hành ra sao?
Chúng ta được sinh ra với khả năng thiên bẩm là học hỏi từ những người quanh mình. Chúng ta học gần như mọi thứ - từ những vật gì có giá trị nhất tới cách gọt vỏ một quả cam – thông qua quan sát hành vi của người khác. Chúng ta bắt chước, vận dụng và cứ thế làm theo. Và chúng ta thường thực hiện việc này mà không hề hay biết.
Lợi thế khi làm như vậy là chúng ta không cần hạn chế việc học hỏi từ kinh nghiệm ít ỏi của bản thân còn có thể dựa vào kinh nghiệm của người khác. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta có thể học nhanh hơn, thay vì trải qua quá trình thử - sai chậm chạp.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, nhu cầu của chúng ta không phải lúc nào cũng tương đồng với nhu cầu của người khác. Lấy con gái tôi làm ví dụ. Livia hoàn toàn có thể chọn khối bột nhào là thứ mà con có thể nhau được hoặc chú chó nhồi bông là thứ con có thể chơi cùng. Nhưng con không muốn thứ phù hợp với nhu cầu của mình – con muốn thứ phù hợp với nhu cầu của tôi: chiếc điện thoại di động.
Đi theo lựa chọn của người khác có thể vô hại nhưng cũng có đe doạ tới mạng sống của bạn. Ví dụ, 10% các ca hiến thận ở Mỹ không đem lại hiệu quả mong muốn mỗi năm. Khi quả thận được hiến không hợp với cơ thể người nhận – do niềm tin tôn giáo hoặc do một căn bệnh đặc thù nào đó - bệnh nhân tiếp theo trong danh sách được thông báo rằng tình hình nhưng lại không được giải thích rõ lý do. Vậy là họ mặc định rằng, quả thận được hiến đó bị “lỗi”, đồng thời bỏ qua cuộc phẫu thuật có thể cứu mạng mình. Và cứ thế, tình trạng tương tự xảy ra với các bệnh nhân tiếp theo.
Ngày nay, mối bận tâm đó ngày càng trầm trọng thêm bởi con người thường xuyên sử dụng các thang đánh giá, xếp hạng trên mạng để đưa ra quyết định. Chúng ta chọn đi nghỉ ở đâu, nên khám bác sĩ nào dựa trên các nhận xét online. Thang đánh giá, xếp hạng trở thành chỉ dẫn sống mới cho chúng ta. Nhưng thực sự thì chúng tốt đến đâu? Chúng ta mặc định rằng đánh giá, xếp hạng trên mạng phản ánh ý kiến của nhiều người dùng độc lập. Nhưng khi bạn chấm điểm một nhà hàng trên Yelp hay một sản phẩm trên Amazon, bạn không bắt đầu từ một vị trí để trống mà bạn đã được biết đến những xếp hạng trước đó, vốn phần nào ảnh hưởng tới chính xếp hạng của bạn.
(Ảnh: UPI)
Nghiên cứu cho thấy con người tác động qua lại lẫn nhau nhiều như thế nào
Trong một nghiên cứu, Shawn Taylor và đồng nghiệp phát hiện thấy, nếu bạn thấy nhận xét đầu tiên là tích cực, khả năng những nhận xét tiếp theo cũng tích cực tăng tới 32% và xếp hạng cuối cùng được củng cố độ tích cực 25%. Điều này có nghĩa là, khác biệt giữa một bác sĩ/khách sạn được chấm điểm trung bình với một bác sĩ/khách sạn được ca ngợi hết lời có thể chỉ nằm ở việc ai là người đầu tiên đăng nhập và đưa ra ý kiến của họ.
Tuy nhiên, phần lớn chúng ta đều nói rằng, chúng ta ít có khả năng ảnh hưởng bởi người khác. Hãy tham khảo thí nghiệm do Caroline Charpentier và tôi thực hiện. Chúng tôi đã đề nghị 100 tình nguyện viên tới phòng thí nghiệm của chúng tôi ở London sau 1 ngày nhịn ăn để đánh giá 80 món ăn khác nhau, từ đỗ nướng tới táo và đậu Hà Lan chấm mù tạt. Sau đó, họ đã đưa ra vô số lựa chọn từ danh sách trên. Ngay trước khi tình nguyện viên quyết định, chúng tôi trao cho họ kết quả lựa chọn của những người khác. Vào cuối nghiên cứu, chúng tôi hỏi xem liệu có có bị ảnh hưởng bởi nhóm tình nguyện viên tham gia trước đó không. Một sinh viên trả lời: “Em cảm thấy thú vị và đôi lúc bất ngờ khi thấy những gì người khác lựa chọn nhưng quyết định của em vẫn không thay đổi”. Một người khác đáp: “Đó là lựa chọn của họ và nó không ảnh hưởng tới việc em đưa ra quyết định của riêng mình”.
Như phần lớn những người tham gia thí nghiệm của chúng tôi, hai điều này đều sai. Nhìn vào hành vi của tình nguyện viên thứ nhất, chúng tôi thấy 20% thời gian, cô đã chọn đồ ăn mà ban đầu cô nói rằng mình không thích chút nào (như cà chua bi) nhưng sau đó biết rằng nhiều người khác chọn nó (sinh viên thứ 2 cũng thế, nhưng với 10% thời gian). Khi nhận thức về lựa chọn của người khác, bộ não con người tự động lập mã về giá trị gia tăng cho những thứ được chọn. Khi tới lượt mình đưa ra lựa chọn, chúng ta vô tình sử dụng chính những dấu hiệu giá trị gia tăng trước đó để đi đến quyết định cuối cùng.
(Ảnh: PlayBuzz)
Một nghiên cứu khác của chúng tôi cũng tiết lộ rằng, ý kiến của người khác thay đổi không chỉ suy nghĩ/lựa chọn của chúng ta mà còn cả cách ký ức được lưu lại trong não. Ở thí nghiệm này, chúng tôi mời các nhóm 5 người tới phòng thí nghiệm để xem 1 bộ phim tài liệu. Sau đó, chúng tôi đặt câu hỏi cho họ (ví dụ “Chiếc mũ của viên cảnh sát trong phim màu gì?”) . Vài ngày sau, chúng tôi mời họ đến để ghi lại hoạt động não bộ của họ thông qua máy chụp cộng hưởng từ trong lúc họ hoàn thành câu hỏi tương tự. Lần này, trước khi đưa ra câu trả lời, họ được biết lựa chọn của những người khác trong nhóm. Trong vài trường hợp, chúng tôi đưa cho họ câu trả lời sai nhưng không để họ biết.
Thật đáng kinh ngạc, 70% thời gian, tình nguyện viên của chúng tôi đi theo những đáp án sai. 1 tuần sau, chúng tôi mời tất cả mọi người trở lại phòng thí nghiệm và nói với họ rằng, thông tin chúng tôi đưa cho họ trước đó được tạo một cách ngẫu nhiên rồi đề nghị họ hoàn thành bảng câu hỏi lần cuối cùng. Khoảng một nửa thời gian, tình nguyện viên chữa các phần nhớ sai mà chúng tôi đã “truyền” vào họ, nhưng khoảng nửa thời gian còn lại, họ vẫn giữ những niềm tin sai lầm đó.
Một cấu trúc có hình dáng quả hạnh nhân nằm sâu trong não - người ta gọi là hạch hạnh nhân giúp dự đoán liệu những niềm tin sai lầm có thể thay đổi được hay không. Hạch hạnh nhân liên quan tới việc sản sinh những khơi gợi về cảm xúc và xử lý thông tin xã hội. Khi hạch hạnh nhân được kích hoạt cùng thời điểm với một vùng gần đó vốn giữ vai trò thiết yếu trong việc tạo ra ký ức - hồi hải mã – trí nhớ của con người về bộ phim đã thay đổi. Khi người tham gia phát hiện chúng tôi đã đưa cho họ những thông tin giả, những người có thuỳ trán vận hành linh hoạt có thể hồi tưởng lại trí nhớ gốc của họ về bộ phim. Nhưng việc này không hiệu quả nếu hạch hạnh nhân của họ phản ứng rất mạnh trước ý kiến của người khác.
Những bài học quý giá
Điều đầu tiên có thể rút ra được từ nghiên cứu này là chúng ta cần cẩn trọng khi phụ thuộc vào đánh giá và hành động của người khác, dùng chúng để chỉ dẫn cho chính đánh giá và hành động của chúng ta. Rất nhiều lần, ảnh hưởng diễn ra khó mà nhận biết nhưng chúng ta có thể cố gắng để ý thức hơn về việc nó vẫn tiếp diễn và để cảnh giác hơn, để không đánh đổi nhận định riêng biệt độc đáo của chúng tôi lấy thứ của người khác.
Kết luận thứ hai là chúng ta cần tỉnh táo trước việc khi ý kiến và quyết định của chúng ta được người khác quan sát, chúng có thể tạo nên khác biệt. Cho dù đó là việc chấp nhận một việc làm, từ chối một lời cầu hôn hay bỏ qua một lần hiến tạng, tất cả những hành động này có thể thay đổi nhận thức và quyết định của người khác. Trên thực tế, những tình nguyện viên của chúng tôi có thể vứt bỏ ký ức đúng của chính họ và chấp nhận ký ức sai của người khác, chỉ cần mọi người trong nhóm cùng nhất trí ủng hộ đáp án sai. Nhưng nếu một người đưa ra nhận định đúng, các tình nguyện viên sẽ bảo lưu niềm tin nguyên bản của họ. Nói cách khác, trong một đám đông, một tiếng nói khác biệt cũng có thể khiến người khác hành động độc lập. Bạn bị ảnh hưởng bởi những người khác nhưng chính họ cũng bị ảnh hưởng từ bạn. Đó là lý do tại sao hành động và lựa chọn của bạn có ý nghĩa không chỉ cho cuộc sống của chúng bạn mà còn cho hành vi của những người quanh bạn.
Vài nét về tác giả:
Tali Sharot là tác giả cuốn sách “The Optimism Bía” và là trợ giảng khoa thần kinh nhận thức. Cô đã có bằng kinh tế và tâm lý. Sharot còn là người sáng lập kiêm giám đốc phòng thí nghiệm Affective Brain Lab thuộc đại học University College London.
BTV Con Tự Học
Theo TED Ideas
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Con gái 7 tuổi thú nhận vào mạng chat với người lạ, bà mẹ người Úc này đã làm gì?
- Bill Gates: Trẻ trên 14 tuổi mới nên sử dụng thiết bị di động
- 5 phần mềm miễn phí giúp hạn chế thời gian sử dụng máy tính của trẻ
- NÊN CHO TRẺ SỬ DỤNG MÀN HÌNH CÁC LOẠI BAO LÂU MỘT NGÀY?
- Tư thế ngồi đúng để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng máy vi tính
- Phương pháp để hạn chế con xem các thiết bị điện tử