Hậu quả tai hại vì cha mẹ quá "thoáng"
Vài năm trở lại đây, số lượng vụ bạo lực học đường vì mâu thuẫn trên mạng ngày càng gia tăng. Facebook cũng là nơi nhiều em đồng trang lứa vô cảm quay clip, đăng tải như một "niềm vui". Việc không ít học sinh dưới 15 tuổi đánh nhau gây xôn xao dư luận khiến nhiều người đặt câu hỏi: Độ tuổi nào nên sử dụng mạng xã hội?
Nhiều người bày tỏ quan điểm chung, nguyên nhân sâu xa của nạn bạo lực học đường là do cha mẹ quá chiều con cái. Tại sao mới là học sinh lớp 7, lớp 8, phụ huynh đã cho con sử dụng Facebook để gây mâu thuẫn. Phụ huynh nên cân nhắc việc quản lý con em mình chặt chẽ, bởi nhà trường không thể là nơi gánh mọi trách nhiệm.
Cộng đồng mạng từng giật mình, choáng váng với clip một nữ sinh tát bạn dã man. Sau 52 cái tát, nạn nhân đứng đối diện chảy máu mũi nhưng nữ sinh này vẫn đánh không hề run tay. Nguyên nhân bởi hai học sinh này đã có nhiều bình luận qua lại trên Facebook. Điều đáng nói, học sinh này còn bị cả những bạn khác hùa vào đánh tập thể.
Thực tế, việc tán gẫu online với bạn bè ở tuổi đang cắp sách đến trường khá là thú vị. Bị cuốn vào đó, các em sẽ quên hết thời gian và mất tập trung vào những hoat động thực tế khác như làm việc nhà, làm bài tập, nói chuyện với cha mẹ. Lạm dụng giao tiếp qua chat dễ bị nghiện và mất nhiều thời gian mới có thể thoát bỏ được thói quen đó. Nhiều ý kiến cho rằng, Facebook không có lỗi, lỗi do người sử dụng. Tuy nhiên, việc cấm sử dụng Facebook hay không vẫn là băn khoăn của nhiều lãnh đạo các trường.
Điều kiện chặt chẽ
Nếu nhìn ở góc độ tích cực, mạng xã hội có thể là một công cụ tốt nếu biết sử dụng có trách nhiệm và có giới hạn, đặc biệt là với những đứa trẻ đang độ tuổi vị thành niên. Cha mẹ không thể cấm con cái tiếp xúc mạng xã hội khi chúng đến tuổi được phép sử dụng. Tuy nhiên, sự quản lý chặt chẽ không bao giờ thừa.
- Hạn chế chụp ảnh "tự sướng": Để an toàn, phụ huynh nên hạn chế việc cho con đăng quá nhiều ảnh “tự sướng” trên mạng xã hội. Với những trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, các con khẳng định bản thân mình quá nhiều dựa trên vẻ đẹp bề ngoài, thay vì tìm ra những giá trị và phẩm chất quan trọng hơn.
- Hướng dẫn trẻ bảo vệ danh tính: Những phụ huynh có con đang sử dụng mạng xã hội nên ngăn con “cho người lạ địa chỉ liên lạc và để lại thông tin liên hệ ở các trang khác nhau”, để kẻ xấu không có được “dấu vết kỹ thuật số” của con. Mặt khác, hãy dạy con rằng một người lạ trên mạng cũng nguy hiểm như, thậm chí là nguy hiểm hơn một người lạ ngoài đời thực. Vì thế, những quy tắc mà phụ huynh dạy con khi giao tiếp với người lạ cũng nên được áp dụng khi tiếp xúc với thế giới mạng.
Thế giới ảo đầy rẫy những cạm bẫy và lừa lọc, nơi mà một anh xe ôm cũng có thể là giám đốc bảnh bao, chị bán xôi cũng có thể là nữ doanh nhân thành đạt, tưởng tượng nếu con em chúng ta ngày ngày tương tác với những người xa lạ này trên cộng đồng mạng, ảnh hưởng lâu dài sẽ nguy hại đến thế nào?
- Quy định về độ tuổi: Phụ huynh tuyệt đối không cho phép con sử dụng Facebook hay mạng xã hội nếu con dưới 13 tuổi. Nếu bạn muốn cho con sử dụng tài khoản mạng xã hội riêng, hãy đảm bảo rằng bạn là người lọc danh sách bạn bè và giám sát khi con sử dụng.