Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

15 kỹ năng và thói quen sống cần dạy con

21 Tháng Hai 2017 5632 lượt đọc
Hôm rồi nghe một cô bạn kể chuyện dạy con, cô ấy bảo em chờ mãi mới có một đứa con nên thương con quá mức, chỉ muốn chiều chuộng nó nên chả muốn bắt nó phải làm gì, lại được bà nội bà ngoại cũng thế, cái gì cũng làm hết cho con bé. Thành ra giờ nó gần 10 tuổi rồi mà ko khác gì công chúa cắm cung. Hôm rồi nó đi dã ngoại với lớp, cô giáo phải gặp riêng mẹ để than phiền về việc thiếu kĩ năng sống của nó.
Và cô ấy hỏi, em phải làm gì để sửa sai đây hả chị ?
Kể ra 10 tuổi mà vẫn như một đứa bé nhỏ xíu chưa biết tự lập cái gì thì cũng hơi muộn rồi, nhưng vì cô ấy muốn sửa thực sự, và rất cầu thị nên mình cũng trao đổi với cô ấy một thời gian. Và sau đây là tóm tắt những kĩ năng và thói quen sống cần dậy con theo kinh nghiệm của mình.
 
1- Con sinh ra đời, là bắt đầu cần dạy con kĩ năng cảm nhận về cơ thể, về thái độ của con người và về cuộc sống xung quanh.
- Để giúp con cảm nhận cơ thể, mỗi khi ở cạnh con, bạn hãy vuốt ve con, chỉ cho con thấy từng bộ phận của cơ thể của con, hoặc khi tắm, thay quần áo cho con, sờ đến bộ phận cơ thể nào của con thì nói với con về bộ phận đó ví dụ như : « bây giờ mẹ rửa cái tay yêu của con này, mẹ đang xoa lưng cho con dễ chịu này, mẹ thơm vào cái má xinh này, xỏ quần vào cái chân khoẻ mạnh này….. »
Theo tâm lý học nhận thức, học về sơ đồ thân thể là bước học rất quan trọng của một em bé. Khi đứa bé cảm nhận được tốt về cơ thể của nó, nó sẽ học được cách làm chủ cơ thể sớm hơn, biết chỉ khi mình đau chỗ nào, biết tránh vật cản, tránh bị ngã, khéo léo trong vận động hơn.
- Để giúp con học cách cảm nhận buồn vui, giận dữ…của người xung quanh, bạn hãy dạy con quan sát từ rất sớm, ví dụ chỉ cho con thấy một người đang vui thì thế nào, đang buồn, đang suy nghĩ, đang giận dữ…thì ra sao ….Bạn hãy thể hiện bằng thái độ nhẹ nhàng cho con thấy cảm xúc của bạn đứng trước một hành vi của con.
Ví dụ khi cho con ti, lúc con bắt đầu mọc răng là hay cắn ti của mẹ. Mình thấy có mẹ tức giận quá, giật ti ra, thậm trí tát cả vào má con, than phiền ầm ĩ. Việc này, bạn hãy nghĩ là do con ngứa răng lợi quá nên cắn thôi, lúc đó bạn hãy nhẹ nhàng rút ti ra, nhìn thẳng vào con và nói : « con cắn ti mẹ đau quá rồi đây, nhưng mẹ biết là do con ngứa lợi thôi, để mẹ kiếm gì thay thế cho con cắn nhé », rồi bạn có thể cho con nhay cái nhay chuyên dụng một chút (hồi trước con mình còn bé, chưa có cái dụng cụ chuyên dụng này, mỗi khi thấy con nhay nhay ngứa lợi, là ba cháu rửa sạch tay rồi cho con nhay tý góc bàn tay, bảo con cắn tay ba thôi nhé, đừng cắn ti mẹ mẹ đau nhé…là thằng bé lại ôm lấy bàn tay ba nhay nhay một tý, cười toe toét rất là yêu rồi lại quay lại ti mẹ rất ngon lành).
- Rồi dần dạy con cảm nhận cuộc sống xung quanh, như thời tiết nóng lạnh, môi trường ồn ào, môi trường yên tĩnh, môi trường vui vẻ, an toàn ….
Dạy thì rất nhiều kiểu, tuỳ mỗi gia đình sẽ chọn ra cách phù hợp, nhưng tóm lại ở đoạn bé bé này là : Cảm nhận về cơ thể, bản thân, người xung quanh và môi trường, cuộc sống xung quand mình.
 
 
2 – Dạy con đầu óc quan sát và thói quen quan sát: Một đứa trẻ biết quan sát, nhận xét trước khi làm một việc gì đó sẽ là đứa bé có đầu óc nhạy bén và dễ thích nghi, theo mình đây là một trong các kĩ năng quan trọng nhất của một đứa trẻ / một con người.
Biết quan sát thì sẽ đỡ làm sai hơn. Biết quan sát, sẽ biết chọn cách giải quyết một việc gì đó tốt hơn là đâm đầu vào làm mà không quan sát, không suy nghĩ, tìm tòi. Biết quan sát, thì sẽ chọn bạn được tốt hơn, tránh được thói a dua, chạy theo chơi với bất cứ bạn nào, người nào…
Vậy bạn hãy dạy con đi, lúc bé thì quan sát môi trường ngay sát cạnh bé, thái độ của người xung quanh bé, quan sát cái cây đang mọc, bông hoa đang nở …Lớn lên thì quan sát ra cuộc sống rộng hơn, những thí nghiệm lớn hơn, những cuộc tranh luận rộng hơn….
 
3- Dạy con biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống/công việc: Là một kỹ năng hết sức quan trọng. Nhất là chúng ta đang sống trong thời đại mà nhiều người rất thiếu thời gian. Nếu bạn dạy con được cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống tốt, thì bạn đã thành công rất nhiều rồi. Khi làm được như vậy, hẳn là con bạn, và bạn sẽ làm tốt được việc bạn cần làm, có nhiều thời gian thảnh thơi, tận hưởng cuộc sống .
Bạn cứ thử quan sát mà xem, trong cuộc sống, nhiều người làm được rất nhiều việc nhưng nhìn cuộc sống của họ lại rất thảnh thơi, dễ chịu. Còn có những người, chả có công to việc lớn gì, mà động vào cái gì là rối tinh rối mù lên, mồm kêu thiếu thời gian, kêu mệt kêu khổ ầm ầm….
Mình đi làm, sợ nhất là làm cùng đồng nghiệp thiếu đầu óc tổ chức, sắp xếp công việc, nói thật là làm việc với những người này rất mệt .
Vì nó quan trọng, nên theo mình, đây là một trong các kĩ năng mà cha mẹ phải dành nhiều thời gian để dạy con. Lúc con còn bé xíu, bạn hãy dạy con cách sắp xếp đồ chơi, đồ dùng, sách vở. Con đi học thì dạy con sắp xếp cặp xách, đồ dùng học tập, sắp xếp thời gian học tập …Lớn chút nữa thì dạy cách chuẩn bị, bố trí kế hoạch cho một chuyến đi, rồi cách nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm việc….sao cho mất ít thời gian mà hiệu quả vẫn cao.
Dạy con biết hình dung, lập kế hoạch, lường trước khó khăn, nắm bắt khó khăn để giải quyết, tránh phải chạy theo giải quyết hậu quả...
Một điều quan trọng, là bạn hãy dành cho con một không gian, dù rất nhỏ, ở trong ngôi nhà của bạn. Mình thấy có nhiều gia đình rất chú trọng phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng vệ sinh…nhưng nhìn mãi ko ra một không gian sống riêng cho con. Theo mình, thì ngay cả khi nhà rất chật, bạn cũng cần bố trí cho con một góc chơi, góc học, giá sách, giá để đồ nho nhỏ , yên tĩnh nhất có thể được. Ngay cả bạn ko có phòng khách, thì hãy tiếp khách ngay trong bếp cũng chả sao, nhưng góc của con là không thể thiếu được các bạn ạ. Có cái góc riêng, ý thức tổ chức săp xếp của con sẽ dễ hình thành hơn nhiều.
 
4- Dạy con biết diễn đạt cảm xúc, biết trình bày ý kiến, biết lắng nghe người khác, tôn trọng ý kiến của người khác
 
 
5- Dạy con biết chăm sóc cơ thể, biết một số cách đơn giản để phòng tránh bệnh tật, biết tự chữa một số bệnh nhẹ khi cần thiết, biết các động tác cấp cứu cơ bản, biết tự bảo vệ / phòng vệ (cái này mình viết một bài riêng rồi nên chỉ nêu tên thôi)
 
6- Dạy con tính thích nghi với cuộc sống, con người, xã hội, bối cảnh, văn hoá …
 
7- Dạy con thói quen và lòng yêu thích đọc sách, đọc tin tức : cái này cũng rất quan trọng, cách đầu tiên, là bạn cũng phải trân trọng sách vở, tri thức, và khi con còn bé, hãy giúp con chọn sách, đọc sách cùng con,...
 
8- Dạy con thói quen học tập, sẵn sàng học hỏi, dạy tính chăm chỉ, và đã làm cái gì, thì cần làm tốt nhất có thể được
 
9- Dạy con biết giao tiếp, cởi mở trong xã hội, biết chọn bạn để chơi : Khi đã có đầu óc tốt, nhân sinh quan tốt, thì lối sống đương nhiên cũng sẽ cởi mở hơn. Còn về việc giao tiếp, đối nhân xử thế, thì con cái học của cha mẹ rất nhiều, nên bạn muốn con mình giao tiếp thế nào, sống trong xã hội thế nào, thì cứ hướng theo điều đó.
Một đứa trẻ hạnh phúc cần có bạn bè tốt. Lúc con còn nhỏ, bạn hãy giúp con chọn và kết bạn. Chọn bạn thế nào là tuỳ định hướng của gia đình bạn. Riêng mình thì chỉ cần con có bạn tốt, có thể chia sẻ được với nhau về học tập cũng như cuộc sống, gắn bó, đoàn kết với nhau, mình ko quá coi trọng vấn đề gốc gác, xuất thân gia đình.
Ở VN thì chưa phổ biến, chứ ở nước ngoài cha mẹ cho con mời bạn bè đến nhà chơi, lớn tý thì ngủ qua đêm, hoặc mời đi nghỉ hè, đi nông thôn cùng nhau …là rất phổ biến. Khi mời bạn bè của con đến nhà chơi, cũng là lúc cha mẹ có thể quan sát được xem bạn của con là thế nào, cha mẹ gia đình bạn ấy thế nào ? Cách con ứng xử với bạn ra sao ….để dần dạy con về bạn bè….
Hồi con mình còn nhỏ, mình biết gần hết gần 30 bạn trong lớp của con, đến khi con học cấp 2-3, mình cũng biết đến một nửa lớp, những bạn còn lại, tuy không gặp trực tiếp, cũng vẫn thường xuyên nghe con kể và cũng biết sơ qua.
Giờ con mình lớn rồi, mình rất tin tưởng vào cách con chọn và sống với bạn bè, và một trong những điều mà mình thấy tụi mình thành công nhất, đó là con có nhóm bạn bè rất gắn bó và chia sẻ với nhau.
 
10- Dạy con lòng biết ơn, biết giúp đỡ người khác, biết chia sẻ, biết yêu thương con người
 
11- Dạy con biết cảm thụ cuộc sống, nghệ thuật, cái đẹp, yêu cuộc sống
 
12-Dạy con biết sống khiêm nhường, tôn trọng người khác : Bạn dạy thế nào thì dạy, nhưng cái đích là chỉ cho con thấy, là sống chảnh choẹ, coi thường con người, thì rút cục là thường sẽ không được ai yêu mến cả.
 
13-Dạy con biết cách thành công, biết chấp nhận thất bại 
 
14- Dạy con về thái độ với đồng tiền, biết quản lý, biết tiêu tiền, biết tiết kiệm....
 
15- Dạy con biết tự chịu trách nhiệm về bản thân, về các quyết định của bản thân....
 
Chắc rằng nhiều bạn còn có nhiều sáng kiến dạy con khác nữa để cùng chia sẻ. Nhưng mình nghĩ, nếu bạn làm tốt được những điều nêu trên, thì con bạn cũng đã có một cái vốn kha khá để bước vào cuộc sống, và bạn đã có thể tin tưởng, yên tâm, bớt lo lắng khi con rời xa bạn rồi đấy. 
 

ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab