Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Với những gợi ý này, tôi đã thấy phần nào tự tin hơn khi giúp con rèn thói quen tự học

27 Tháng Chín 2017 5298 lượt đọc

Hôm thứ Bảy tuần qua (22/9), tôi có tham dự một buổi hội thảo, với sự góp mặt của diễn giả là tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh, chủ đề “Kiến tạo Không gian và Thói quen Tự học ở nhà”.

Vẫn phải “hò đò” mới khiến con ngồi vào bàn tự học

Đây thực sự là chủ đề mà tôi vô cùng quan tâm. Bé lớn nhà tôi năm nay học lớp 3. Ở nhà, tôi quy định 7h30 tối, con bắt đầu ngồi vào bàn để học – có thể bao gồm việc làm bài tập về nhà (nếu có), sửa lại bài bị sai trên lớp (do yêu cầu của cô giáo), nếu không thì đọc sách hoặc thực hiện một hoạt động nào đó liên quan tới việc học. Tuy nhiên, rất ít khi con tự giác vào bàn học. Hết bố tới mẹ phải nhắc nhở, thậm chí là nhắc khá nhiều lần, con mới bắt đầu ngồi học. 

Tôi cũng có tìm hiểu một số nguồn sách báo về vấn đề này. Lời khuyên thường được đưa ra, như chia sẻ của một số bà mẹ nổi tiếng trên mạng, là không nhắc nhở con. Bởi cha mẹ càng nhắc, trẻ sẽ càng ỷ lại vào lời nhắc đó và không tự giác thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. Cha mẹ phải luôn luôn xác định, việc học là nhiệm vụ của con, không phải của cha mẹ. Và có thể để trẻ một vài lần không thực hiện nhiệm vụ đó, để trẻ tiếp nhận hậu quả (bị cô giáo nhắc nhở hoặc bị phạt), rồi trẻ sẽ tự giác hơn.

Tuy nhiên, việc này vợ chồng tôi vẫn chưa thực hiện được. Thấy con dường như chẳng thèm bận tâm tới giờ giấc, gần đến 7h30 tối là vợ chồng tôi lại sốt ruột lên tiếng nhắc. Vậy là đâu vẫn hoàn đó!

Nhưng trong buổi hội thảo của tiến sĩ Tuệ Anh, tôi đã thực sự đã hiểu thêm về việc để tạo dựng thói quen tốt, nhất là thói quen tự học cho con ở nhà thì nên làm thế nào.

Đúng với chuyên môn của mình, tiến sĩ Tuệ Anh đã trình bày những thông tin dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng về thói quen, về cảm giác thứ gì đó thuộc về mình, là của mình, hợp với mình (sense of belonging), về cách thức học thế nào là tốt nhất…

Sau đây là một số thông tin thú vị mà tôi đã thu nhận được từ buổi hội thảo. Điều đáng nói là tôi có thể áp dụng chúng vào thực tế nhà mình để giúp con cải thiện tinh thần tự giác, tự học ở nhà:

Khái niệm “Habit loop” - tạm dịch “Vòng thói quen”

Bắt đầu từ Tín hiệu (Cue), một lộ trình (Routine) hình thành và khi hoàn tất thói quen, bạn sẽ nhận được Phần thưởng (Reward).

Tiến sĩ Tuệ Anh đã đưa ra một ví dụ rất hay về chính cô con gái bé bỏng của mình: bé Panda. Panda sau khi tắm xong, bao giờ cũng có thói quen leo lên ghế sofa và bật tivi, lắc lư theo tiếng nhạc. Cho dù mẹ bé có đổi thời gian tắm sang một khung giờ khác, thì nhất định tắm xong, bé cũng phải thực hiện hành động trên. Tiến sĩ Tuệ Anh đã trò chuyện với con gái, hỏi xem có phải vì thời điểm đó, tivi phát chương trình thiếu nhi mà bé rất thích không. Nhưng cô bé đáp là “Không” và giải thích, đại ý là: Con mở tivi vì nghe mấy âm thanh vui nhộn, dễ chịu!

Như vậy, trong trường hợp bé Panda, Tín hiệu chính là “việc vừa tắm xong”. Lộ trình là chuỗi hành động leo lên ghế sofa - bật tivi - nhún nhảy theo điệu nhạc. Và Phần thưởng chính là cảm giác vui vẻ, thoải mái được nhân lên khi nghe âm thanh trên tivi sau màn tắm táp thoả thuê.

Hiểu rõ điều này, tiến sĩ Tuệ Anh đã đề nghị bé Panda, sau khi tắm xong, bé không bật tivi nữa mà 2 mẹ con cùng mở nhạc rồi khiêu vũ, nhảy múa cùng nhau. Cô đã tác động đến Phần thưởng - cảm giác thoả mãn khi bạn thực hiện một thói quen nào đó của mình – và giúp con gái bỏ được thói quen xem tivi để hình thành thói quen tốt hơn, có lợi hơn là khiêu vũ cùng mẹ trên nền nhạc vui nhộn.

Một ví dụ cũng rất hữu ích khác được tiến sĩ Tuệ Anh đưa ra là cách giúp con gái thực hiện các hoạt động thức dậy buổi sáng và làm vệ sinh cá nhân trước khi đi lớp. Cô tạo ra Tín hiệu bằng cách kéo rèm che phòng con, cố tình tạo ra âm thanh khá mạnh để đánh thức con gái, kèm theo ánh sáng từ bên ngoài tràn vào phòng.

Tiếp đó, cô thêm vào một Lộ trình buổi sáng gồm những hoạt động mà cô mong muốn con mình tự giác thực hiện: đánh răng, rửa mặt, buộc tóc, thay quần áo… Những hoạt động này được in ra một tờ giấy, có kèm hình ảnh em bé đang làm mỗi hành động đó, với màu sắc nổi bật. Ở đây, tiến sĩ lưu ý một điều, cha mẹ cần vận dụng kiến thức về “sense of belonging” để tạo lộ trình cho con. Nên bàn bạc, thảo luận với con để cùng sáng tạo thời gian biểu đó, sử dụng hình ảnh, tranh vẽ mà con yêu thích để tạo cảm hứng, sao cho con có cảm giác đây là lộ trình của mình, thuộc về mình và mình hoàn tất nó là điều đương nhiên.

Cuối cùng, Phần thưởng mà tiến sĩ trao cho con gái chính là những cái ôm hoặc những nụ hôn lên trán, lên má con. Phần thưởng vật chất gần như không được sử dụng. Kết quả, tiến sĩ Tuệ Anh không phải mất công “hò đò” mỗi sáng để gọi con gái dậy, thúc giục con làm vệ sinh cá nhân mà cô bé 4 tuổi đã rất chỉn chu tuân thủ lịch trình của mình.

Tiến sĩ Tuệ Anh cũng nhấn mạnh một điều: Rất khó để chấm dứt một thói quen nào đó, nhưng thay đổi thói quen thì hoàn toàn có thể. Việc thay đổi có thể thực hiện bằng cách, bạn quan sát con, tìm ra những Tín hiệu để khởi phát Lộ trình và đảm bảo Phần thưởng được thực hiện, phù hợp với sở thích, mong muốn, nhu cầu của con.

Qua ví dụ trên, tôi nhận thấy, trong trường hợp con tôi, có lẽ tôi có thể sử dụng 1 Tín hiệu (như bản nhạc/bài hát mà cháu thích) bật lên tầm 5-10 phút trước thời điểm cháu ngồi vào bàn học (7h30 mỗi tối) và thống nhất với cháu về việc, nghe xong bản nhạc này là đúng đến giờ học bài ở nhà. Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó câu chuyện về một người lớn tuổi – cứ tầm 7h hoặc 7h30 tối (tôi không nhớ chính xác), ông lại ra đình làng đánh kẻng. Hễ nghe tiếng Anh, trẻ con trong làng đều tất bật hoàn tất nốt những việc còn dang dở và ngồi vào bàn học bài. Đây hoàn toàn có thể là một gợi ý hay để tôi bắt đầu hành trình thay đổi thói quen tự giác học tập của con mình lắm chứ.

Sau khi thực hiện Lộ trình học bài (do cháu mới học lớp 3 nên tôi chỉ giới hạn tầm 30 phút ngồi vào bàn học), phần thưởng đối với con là sự thoải mái, thư giãn. Thời điểm này, cháu có thể tự do chơi hoặc làm việc mình thích, cho tới khoảng 8h30 sẽ đi tắm, làm vệ sinh cá nhân để 9h lên giường, đọc sách rồi tắt đèn đi ngủ. Để củng cố thói quen tự ngồi vào bàn, tự học, tôi nghĩ, có thể thông qua việc củng cố yếu tố Phần thưởng. Con trai tôi rất thích đọc truyện tranh nhưng bình thường, tôi hạn chế không cho cháu đọc nhiều. Vì những cuốn cháu thích chữ thường khá bé nên có thời gian, cháu đọc nhiều truyện tranh, mắt phải điều chỉnh liên tục để nhìn chữ, thành ra không ngừng nháy mắt. Sau giai đoạn ngừng đọc truyện tranh kết hợp mát-xa mắt theo hướng dẫn của bác sĩ, hiện tượng nháy mắt của cháu đã gần như không còn. Do đó, tôi có thể cho phép cháu được đọc cuốn truyện tranh yêu thích trong khoảng 15 phút sau khi hoàn thành học bài ở nhà. Việc này có lẽ sẽ đem lại kết quả tốt, giúp cháu hứng thú hơn với việc tự học và trở nên tự giác hơn.

Cảm ơn ConTuhoc vì buổi hội thảo Kiến tạo không gian và thói quen tự học ở nhà cho con rất bổ ích!

Huyền Nguyễn


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab