Cha mẹ phải có trách nhiệm cùng dạy con, mà thông qua cách chơi để dạy là hiệu quả và nhẹ nhàng hơn cả

22 Tháng Hai 2017 4088 lượt đọc

“Con gái tôi đang học tiểu học tại Mỹ, dù cách giáo dục của họ khác với chúng ta tuy nhiên vẫn có những bài tập về nhà, đấy không chỉ là những bài học mà có cả những yêu cầu liên quan nhiều lĩnh vực như khoa học, mỹ thuật… Nghĩa là cha mẹ phải luôn đồng hành cùng dạy con chứ không chỉ để nhà trường mặc dù nhà trường rất quan tâm đến việc phát triển năng khiếu của mỗi trẻ. Thậm chí bạn có thể đề xuất nhà trường tìm người dạy một loại hình nghệ thuật bất kỳ mà chỉ có một mình con bạn học nếu bạn chứng minh với nhà trường con bạn có năng khiếu đấy. Nhưng trên hết, cha mẹ phải có trách nhiệm cùng dạy con, mà thông qua cách chơi để dạy là hiệu quả và nhẹ nhàng hơn cả”. 

Những điều đó đã được TS Nguyễn Đông Hải, giảng viên khoa vật lý Trường đại học Creighton (Mỹ), chia sẻ với nhiều ông bố bà mẹ trẻ tại TP.HCM trong những ngày đầu xuân - Theo báo Tuổi trẻ online.

“Chúng ta có thể dạy đạo lý cho con trẻ ngay trong các môn khoa học, hiện tượng trong đời sống...“ - TS Đông Hải khẳng định.

Bài học từ những trò chơi

Trò chơi thả diều được TS Đông Hải gợi mở, những phụ huynh hoặc con trẻ có mặt đều “ồ” lên thích thú khi khám phá “đạo lý” trong những trò chơi mà hầu như đứa trẻ nào cũng thích.

Tại sao muốn diều bay lên chúng ta phải chạy ngược gió? Chạy ngược gió thì khó hơn, tốn sức hơn nhưng nếu chạy cùng chiều với gió thì con diều khó có thể cất lên bầu trời được...

“Nếu không nắm chắc về nguyên lý thì chúng ta không cần giải thích cặn kẽ như nhà khoa học rằng vận tốc gió và người chạy như thế nào để có hiện tượng này. Chúng ta có thể chỉ cho con mình thấy thực tế khi chạy ngược gió vừa khó vừa mệt nhưng con diều sẽ bay lên. Chuyển tải bài học về thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống. Chính những nghịch cảnh, khó khăn, chông gai hoặc thất bại... sẽ giúp ta trưởng thành nếu biết nỗ lực vượt qua nó” - TS Đông Hải giải thích.

Trò chơi bắn tên lửa nước vốn được nhiều trẻ nhỏ thích thú với cách chơi làm sao cho tên lửa bay xa và cao cũng vậy. TS Hải chia sẻ bài học đạo đức từ trò chơi này:

“Cha mẹ có thể dạy con bài học về luật nhân quả, ví dụ khi chúng ta tương tác với xung quanh như thế nào thì chúng ta sẽ nhận lại được những điều như thế. Như chúng ta gây ô nhiễm môi trường thì chúng ta cũng sẽ nhận lại một môi trường sống không tốt, dễ gây bệnh tật...”.    

Hay trò chơi lắp mạch điện (lắp những thiết bị điện đúng quy trình để cho những bóng đèn sáng lên) cũng có nhiều bài học được gợi mở thêm, đấy chính là bài học về tính kỷ luật, sự công bằng trong cuộc sống.

“Để có nguồn năng lượng này chúng ta phải bỏ ra nguồn năng lượng khác. Hay mình không thể hạnh phúc khi không đem hạnh phúc cho người khác hay muốn có điều gì thì không thể không khổ luyện mà có được”, TS Hải nói.

Cha mẹ phải có trách nhiệm cùng dạy con, mà thông qua cách chơi để dạy là hiệu quả và nhẹ nhàng hơn cả
Các bạn nhỏ chơi trò nặn đất sét để kích thích sáng tạo - Ảnh: K.ANH

Gian bếp cũng là “phòng thí nghiệm”

Tuy nhiên để biết cách tổ chức cho con trẻ chơi cũng là một kỹ năng mà các ông bố bà mẹ trẻ cần quan tâm đầu tư.

Tại buổi trò chuyện, phụ huynh Lê Khắc Mỹ Phượng đặt vấn đề “chúng ta biết chơi với con những trò chơi khoa học thường thức thì có thể dạy những bài học đạo lý cho con nhưng làm sao để cha mẹ biết cách chơi với con rất là quan trọng”.

Trong thực tế cũng có những người cha, người mẹ muốn hướng con đến những trò chơi  bổ ích nhưng không phải ai cũng có thể làm được. 

Một chị phụ huynh chia sẻ "nếu chúng ta muốn điều tốt đẹp cho con thì chúng ta phải bỏ thời gian để học cách chơi với con, thậm chí chúng ta phải hi sinh một chút để đồng hành cùng con. Có nhiều sách khoa học vui hoặc các trang mạng khoa học thường thức chúng ta có thể cùng con chơi theo hướng dẫn trong sách, trên mạng".

TS Hải nói thêm vào: “Ở nhà mỗi chúng ta, gian bếp có thể được biến thành phòng thí nghiệm nếu chúng ta biết cách. Ở đấy bạn có thể hướng dẫn các con pha nước chanh, chơi trò pha màu nước để thành các màu khác, thẩm thấu nước qua tờ giấy hoặc gom các que kem ăn xong, vỏ hộp sữa, chai nước … để dựng thành các mô hình tái chế”.

Bà mẹ trẻ Hoài Thư cũng cho biết thêm nếu tận dụng, gian bếp sẽ là nơi để trẻ có thể tự làm, tự khám phá dưới sự hỗ trợ của cha mẹ... tất cả những việc làm đấy chúng ta đang ươm mầm cho con tình yêu khoa học một cách nhẹ nhàng.

Nguồn: Bài viết của tác giả Kim Anh đăng trên báo TTO


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab