Chơi mà học tại nhà để giúp con yêu tiếng Việt
Trong cuốn Yêu thương mẹ kể, chị Phan Hồ Điệp đã chia sẻ cách chị biến nhiều nội dung học thành dạng trò chơi, giúp bạn Đỗ Nhật Nam yêu tiếng Việt và phát triển tốt khả năng ngôn ngữ. ConTuHoc xin được lược kể lại và sưu tầm thêm một số hoạt động như vậy, mong là nhiều bố mẹ khác cũng có thể áp dụng và chia sẻ thêm.
Thi vẽ tranh và tả bức tranh mình vừa vẽ
Bạn nhỏ nào cũng thích vẽ, nên nếu bố mẹ không ngại mình vẽ xấu mà dám cùng con thi vẽ như chị Điệp đã làm được với bé Nam của chị thì đúng là làm con thích mê rồi. Phần tranh vẽ được đến đâu hay đến đấy, quan trọng nhất cho mục đích phát triển ngôn ngữ là phần mô tả bức tranh. Cho bức tranh của mình, con phải nói ra được: tranh vẽ gì, người trong tranh đang làm gì, những cảnh vật, màu sắc con chọn thể hiện có ý nghĩa gì,... và một câu hỏi rất quan trọng là "Em còn định nói gì thêm ngoài bức tranh nữa?". Đây là câu hỏi giúp con bày tỏ thêm được nhiều suy nghĩ, ý tưởng của mình kể cả khi chưa đủ giỏi để vẽ được nó ra.
Tìm từ không cùng loại
Odd one out là loại bài tập rất phổ biến trong các sách dạy ngôn ngữ tiếng Anh và khả năng thinking cho trẻ nhỏ. Còn với chị Hồ Điệp thì "Nếu chọn một trò chơi "gây ảnh hưởng" nhất với tuổi thơ của Nam, mình sẽ không ngần ngại chọn trò Tìm từ không cùng loại".
Cách chơi trò này rất đơn giản, cứ trong 4 từ thì chọn ra một từ không cùng loại với những từ còn lại và giải thích lý do. Lúc còn nhỏ, mẹ và con có thể thay nhau ra những "đề bài" đơn giản như trong "Ô tô, xe máy, tàu thủy, xe đạp", thì từ nào là từ khác loại với những từ còn lại. Lúc lớn hơn, có thể là những đề bài đòi hỏi một chút nhạy cảm về ngôn ngữ như tìm từ khác loại trong các từ "long lanh, lấp lánh, lấp lóe, ánh sáng", hay "ăn cơm, ánh bánh, ăn ảnh, ăn quà".
Bạn hãy thử áp dụng trò này với con, hai mẹ con luân phiên viết đề cho nhau lên một tấm bảng trắng hoặc trên những mảnh giấy nháp, bạn sẽ thấy là hóa ra con đã giỏi hơn là bạn nghĩ.
Trò chơi đố chữ
"Con gì đầu Dê mình Ốc?" - Con Dốc.
Những câu đố "độc"như trên thì khó tự sáng tác thêm. Nhưng những câu như chị Hồ Điệp và bạn Nhật Nam thì các bố mẹ hoàn toàn có thể cùng các con của mình sáng tạo thoải mái:
- "Chữ gì mà khi bỏ âm cuối đi thì thành tên của một loại quả có nhiều mắt, vị ngọt thơm?" - chữ Nam.
- "Chữ gì mà khi bỏ t ở đầu thì thành từ chỉ mùi thơm hoặc thành thứ mình vẫn dùng để thắp trên bàn thờ" - chữ Thương.
Thi tìm từ theo dãy
Từ lớp 2, với môn tiếng Việt các con sẽ gặp rất nhiều bài yêu cầu viết ra các từ băt đầu bằng tiếng này, tiếng kia. Hãy thử học mẹ con chị Hồ Điệp bằng cách thi xem ai tạo ra được dãy từ dài hơn, cùng bắt đầu từ một tiếng nào đó. VD:
- Tìm các từ bắt đầu là hoa: hoa mai, hoa đào, hoa lá,...
- Tìm các từ bắt đầu là hái: hái hoa, hái quả, hái lá, hái chè,...
Mẹ và con có thể cùng lấy nhiều tờ giấy nháp thừa, mỗi người đều viết ra các từ mà mình viết được, sau đó xếp thành hai dãy song song hoặc đếm, xem dãy của ai dài hơn, xem từ nào là từ không trùng với từ mình đã tìm được.
Làm báo tường
Lấy một tờ báo to dán ở góc học tập của con. Hai mẹ con cùng viết báo, mỗi ngày đóng góp một bài của mình, chủ đề gì cũng được. Dán những mẩu báo tự viết lên, trang trí tô vẽ thêm cho sinh động.
Chị Điệp chia sẻ, những bài báo con con này đã giúp Nam không ngại viết mà coi viết là một việc rất thú vị, khi đi học ở trường thường được cô giáo khen là viết được bài văn rất nhanh.
Tưởng tượng rồi viết lại
Hai mẹ con tưởng tượng ra những tình huống bất ngờ, cùng thêm thắt chi tiết để tạo thành một câu chuyện li kì, kiểu: "Hai người đàn ông ở trong một căn nhà hoang trên hoang đảo. Đêm hôm đó,..."
Sau đó khuyến khích con viết lại câu chuyện đã tưởng tượng ra, vì kể thì vẫn dễ hơn viết. Khi viết con sẽ phải trau chuốt lại câu từ cho gãy gọn, khúc triết hơn.
Chơi đoán từ
- Chơi trò Taboo: người này tả cho người kia đoán ra từ cần đoán mà mình đang được đọc (người kia không được biết) nhưng không dùng những từ bị cấm (taboo words). Một số thẻ Taboo tiếng Việt đã được ConTuHoc chia sẻ tại đây. Bố mẹ và các con hoàn toàn có thể tự sáng tác ra những thẻ mới, ghi trên giấy và chơi.
- Chơi trò What am I: Mẹ và con mỗi người viết ra một số thẻ từ về một chủ đề nào đó, ví dụ chủ đề gia đình, trường học,... (vẽ minh họa thêm được thì càng tốt), sau đó tưng người dán/đeo một thẻ lên đầu và đặt các câu hỏi để đoán ra thẻ trên đầu mình ghi từ gì.
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Những cách thức để giúp con thích viết văn và tăng cường vốn từ của chị Phan Thị Hồ Điệp - phần 1: Quan sát
- Những cách thức để giúp con thích viết văn và tăng cường vốn từ của chị Phan Thị Hồ Điệp - phần 2: Hộp ý tưởng
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP TRẺ CÓ KĨ NĂNG VIẾT TỐT?
- Bữa tối là thời gian tuyệt vời để trò chuyện và phát triển vốn từ cho trẻ
- Các hoạt động giúp trẻ mở rộng vốn từ
- Hướng dẫn phụ huynh về cách đọc cho lứa tuổi 3-5: Giúp con bạn khám phá chữ cái và từ