Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

CHUẨN BỊ GÌ CHO CON VÀO LỚP 1?

20 Tháng Tư 2017 4782 lượt đọc

Bố mẹ thường băn khoăn vào lớp 1 cần chuẩn bị gì cho con?

Có rất nhiều thứ cần chuẩn bị như tâm lí, sức khỏe, kĩ năng chăm sóc bản thân….Tuy nhiên lại ít người nghĩ tới việc chuẩn bị cho CẢ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP CỦA CON sau này chứ không chỉ dừng ở những bỡ ngỡ ban đầu khi con lẫm chẫm bước vào môi trường lạ.

Vào lớp 1, bước chuyển lớn lao và quan trọng đối với bé, nhưng sự thực là giai đoạn bỡ ngỡ đó cũng sẽ qua đi nhanh chóng. Mất vài tuần, 1 tháng hay tối đa là 1 kì học là con bạn đã hoàn toàn có thể bắt nhịp được với nhịp sinh hoạt, học tập ở môi trường mới. Việc biết đọc hay biết viết trước tuy có là lợi thế của một số bạn nhưng gần như lại không quyết định năng lực học tập về lâu dài của trẻ.


Điều quan trọng, mấu chốt nhất theo tôi là chuẩn bị về năng lực ngôn ngữ và kĩ năng học tập cho trẻ để không chỉ là lớp 1 mà toàn bộ quá trình học tập dài hơi sau này, thậm chí là suốt đời của bé được trải nghiệm niềm vui học tập một cách nhẹ nhàng, hứng thú, say mê.


Năng lực ngôn ngữ là thể hiện ở khả năng đọc hiểu, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết. Không chỉ môn Văn- Tiếng Việt của cấp 1 hay Ngữ văn của cấp 2,3 mà TẤT CẢ CÁC MÔN HỌC đều cần tới năng lực đọc hiểu, kĩ năng nói, kĩ năng viết để có thể tiếp thu, học hỏi, phát triển, vận dụng... Với mỗi một lứa tuổi việc rèn luyện năng lực ngôn ngữ lại có đặc thù khác nhau. Đối với trẻ trước khi vào tiểu học con cần được chuẩn bị tốt các kĩ năng: phát triển ngôn ngữ nói, tích lũy từ vựng, khả năng hiểu một câu chuyện.


Điều quan trọng nhất của kĩ năng học tập là khả năng tự học. Bố mẹ làm sao để dạy con mình có thể tự học, tự khai thác tài liệu thay vì mỗi buổi tối sau khi mệt rũ người ở cơ quan lại phải kè kè bên cạnh con nhắc nhở hoặc gào thét với con. Con học ít nhất là 12 năm phổ thông nếu không rèn con tự học ngay từ tấm bé thì hơn ba vạn sáu nghìn ngày trước mắt có thể bố mẹ sẽ ức chế, sẽ mệt mỏi, sẽ cáu kỉnh mà con thì hoang mang, sợ hãi, thụ động.


Phát triển năng lực ngôn ngữ rèn luyện khả năng tự học nghe thì có vẻ to tát nhưng thật may là cha mẹ hoàn toàn có thể chuẩn bị cho con rất nhẹ nhàng và vô cùng hiệu quả chỉ bằng một việt đơn giản, đó là ĐỌC SÁCH CÙNG CON. Đọc sách đúng cách, có hướng dẫn của người lớn không chỉ tăng cường năng lực ngôn ngữ mà còn xây dựng nền tảng cho kĩ năng học tập của bé.
Đọc sách là một quá trình làm quen với tri thức một cách tự nhiên và hứng thú nhất. Đứa trẻ một khi đã yêu sách thì việc đọc, việc học của nó trở nên rất nhẹ nhàng bởi sách và tri thức lúc đó đã trở thành phần không thể thiếu của chúng. Thực tế cho thấy những đứa trẻ yêu sách cũng là những đứa trẻ sớm biết tự học, rất tự giác với bài vở và thường đạt thành tích cao trong học tập một cách thực sự chất lượng. Học khi đó đã trở thành nhu cầu tự thân của trẻ.


Biết đọc biết viết chữ trước khi vào lớp 1 không phải là lợi thế của trẻ nếu chỉ dừng lại ở việc xóa mù, đọc viết đơn thuần. Trẻ chỉ thực sự có lợi thế và lợi thế dài lâu nếu con được chuẩn bị kĩ về năng lực ngôn ngữ mà trọng tâm là kĩ năng đọc hiểu, nói, vốn từ vựng và khả năng tự học.


Một số phụ huynh có con sắp vào lớp 1 khi gửi con thường hỏi, cô có dạy tập đọc không, có dạy viết không, có dạy làm toán không...Con biết tự đọc trước cũng tốt để có thể chủ động đọc sách nhưng biết đọc rồi bố mẹ vẫn nên vẫn cần đọc cùng để hỏi, để thảo luận, để khai thác…Nếu con chưa biết đọc trước khi vào lớp 1 cũng không sao, chỉ cần kiên trì đọc sách và tương tác với con là được, còn viêc tập đọc, viết, giải toán cứ để cô giáo tiểu học của con dạy, sẽ hiệu quả hơn nhiều. Tôi chỉ thích dạy các con yêu sách, thông qua sách để học nói, để tăng từ vựng, để giáo dục tình yêu, lòng nhân ái, sự vị tha….và tôi thấy sách làm rất tốt những việc đó.


---------------00000000000000-------------
Một vài gợi ý cho cha mẹ trong quá trình đọc sách cùng con


PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ NÓI


Trong quá trình đọc truyện cho con, bố mẹ có thể dừng lại để trao đổi cùng con. Hỏi con về các thông tin trong truyện, tùy từng lứa tuổi mà tăng cường độ khó của câu hỏi. Bé bé một chút thì sử dụng câu hỏi: ở đâu, là gì, màu gì, có bao nhiêu, ….lớn thêm chút nữa thì hỏi các câu như: làm gì, như thế nào, vì sao,…hay những câu hỏi mang tính chất kích thích trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của con như:

  • Con nghĩ là việc gì sẽ xảy ra tiếp theo?
  • Nếu là con con sẽ nói gì?

Cũng có thể hỏi các câu hỏi để con được trình bày ý kiến, cảm xúc cá nhân: điều gì trong truyện khiến con thích thú? Tránh những câu hỏi có/ không để kích thích con nói nhiều hơn.

Việc hỏi con không nên biến thành hình thức kiểm tra kiểu như đọc xong thì hỏi để xem con có nhớ không, hãy tạo cho con không khí thật thoải mái và một môi trường cởi mở cho bé trao đổi. Bố mẹ hãy nhớ thể hiện thái độ thật háo hức, nhiệt tình để chờ đợi câu trả lời của con. Đừng đánh giá đúng- sai, hãy trân trọng những nhận xét, ý kiến của con vì mục đích là con được nói.


TĂNG CƯỜNG VỐN TỪ VỰNG


Vốn từ của trẻ càng phong phú thì khi đi học khả năng đọc hiểu của trẻ càng phát triển. Bố mẹ có thể xây dựng vốn từ cho trẻ bằng cách nhấn mạnh vào từ mới trong khi đọc truyện, nói cho trẻ về ý nghĩa của những từ này dựa trên kinh nghiệm hay những thứ trẻ đã biết.
Vd khi trong truyện có xuất hiện từ “thất vọng”, bạn có thể giải thích cho con bằng những từ đơn giản và dễ hiểu hơn như là: mong muốn nhưng không đạt được, chờ đợi nhưng không được v.v và hỏi con những câu hỏi liên qua tới chuyện có thật trong kinh nghiệm thực tế của trẻ:

  • Con có nhớ con đã thất vọng thế nào khi chuẩn bị đi công viên mà trời mưa không?

Bạn nên nhấn mạnh từ cần giải thích khi nói.

Vốn từ cũng có thể xây dựng bằng cách đọc đi đọc lại một truyện mà trẻ thích, giải thích từ mới, vận dụng từ mới để đặt câu.


ĐỌC HIỂU TRUYỆN


Để đọc hiểu tốt trẻ cần hiểu được một cách chính xác tài liệu bằng văn bản, trẻ em cần phải được rèn luyện khả năng
(1) Giải mã những gì đọc được trên trang giấy
(2) Kết nối giữa những gì con vừa đọc và những gì con đã biết từ trước ; Giúp trẻ kết nối giữa những thứ vừa đọc và kinh nghiệm hay trải nghiệm đã có của trẻ thông qua những gì bé đã gặp, đã thấy, đã xem, đã đọc ở nơi khác.
(3) Tập suy nghĩ sâu sắc về những gì được đọc (bài học, thông điệp…).

Cha mẹ hãy trò chuyện với trẻ về các phần quan trọng của truyện (ví dụ, các nhân vật, bối cảnh, tình huống, hành động, giải quyết tình huống) sẽ giúp trẻ hiểu truyện dễ dàng hơn, và cũng chuẩn bị cho trẻ tự hiểu các câu chuyện mà bạn ấy sẽ đọc sau này.

Vd có thể hỏi: vì sao bạn ấy lại làm như vậy? Con có nghĩ là bạn ấy nên bỏ đi không? Con học được gì từ chuyện này? V.v
Những câu hỏi chưa trả lời được hướng dẫn cách trẻ tìm lại thông tin trong sách để trả lời. Điều này tuy nhỏ nhưng cũng hỗ trợ khá lớn đối với các bài tập đọc hiểu sau này của con, đó là kĩ năng tìm kiếm thông tin trong văn bản để trả lời câu hỏi.


Đọc truyện ngắn trước để trẻ không quá mệt mỏi khi theo dõi và cũng dễ dàng hiểu được cốt truyện.
Cùng nhau đóng kịch hay thi kể lại truyện cũng là cách hiệu quả giúp con hiểu truyện.


--------------ooo----------------
bài viết có tham khảo
www.hanen.org
www.readingrockets.org

 

Chia sẻ của thành viên Phùng Diệu Linh trong FB group Con Tự Học


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab