Star Donation Challenge

Về cái sự TỰ HỌC

09 Tháng Ba 2017 5618 lượt đọc

Cuối tuần trước, lúc tranh thủ lướt Face để duyệt các bài thành viên đăng trong FB group Con Tự Học, mình thấy có một bài nói rằng các phụ huynh muốn con tự học nhưng thực chất là muốn con học giỏi, suốt ngày lo kiếm tìm tài liệu để nhồi nhét cho con,  rằng muốn tìm kiếm "đồng bọn" cùng quan điểm cho con quyền được điểm kém... Mình rất quan tâm, muốn tham gia thảo luận ngay, nhưng đang ở quê có việc nên chỉ nhấn nút Approve, Like rồi mất hút.

Mấy ngày sau quay lại, thấy cái sự biết tự học của chủ top đã chuyển thành sự thành công cho con tự học tiếng Anh ở nhà mà nói được như trẻ bản ngữ ngang tuổi, sẵn sàng làm dịch vụ tư vấn cho người khác về các app và phương pháp để con tự học tiếng Anh (!?). Tiếc quá, mình lại phải viết một bài mới để giãi bày với các bạn đồng hành quan điểm về cái sự tự học.

"CON TÔI BIẾT TỰ HỌC CHƯA!?

Mình mở ra group Con Tự Học này, mà mình lại bảo "Không, tự tiếc quái gì, mỗi tuần mấy tối mẹ phải làm cái ghế thần kì, để nó ngồi lên lòng, hỏi này kiểm kia, trả lời chậm thì ghế phải rung lên bần bật, trả lời sai ghế lại doạ hất rơi xuống sàn. Đến lớp thì nếu cô giáo xếp hạng 50 em ra làm 3 tốp, nó toàn vào tốp bét.", thì nghe ôi nhỉ?
May quá, con bé 7 tuổi nhà mình biết tự học thật cả nhà ạ. Cháu biết tự học nhảy dây!!! 


Đây nhé, lúc lập mục tiêu cho năm 2017, cháu nó có mục tiêu số 3 là nhảy dây giỏi. Bố mẹ cháu chả cần hỗ trợ gì ngoài việc mua cho cháu một cái dây, loại dây nhựa đặc cho nó dễ quăng một tí.
- Ngày thứ nhất cháu demo con nhảy được 3 cái liền rồi.
- Ngày thứ hai cháu mang dây đến trường, chiều về khoe con đã nhảy được tận 18 cái.
- Ngày thứ ba đi học về, thở hổn hển bảo con đã biết nhảy mấy kiểu cơ: bla bla rồi lăn ra sốt, viêm phế quản nghỉ học hai ngày, chắc tại cả ngày bị mồ hôi ra nhiều, ướt lạnh!
- Trong lúc nghỉ ốm ở nhà, nàng viết ra tấm bảng trắng tên 12 kiểu nhảy dây, tick đã biết 6 kiểu.
- Hết ốm lại mang dây đi học, về lại hí húi viết thêm tên mấy kiểu nữa, lại hí húi tick, ngắm cái bảng theo dõi progress của cái sự nhảy dây ...
Mình có add friend với cô giáo đang dạy con, mình có nên tag cô vào và bảo tôi tự hào vì đã cho con tôi "quyền học kém": viết ẩu, làm tính chậm, nhưng bù lại cháu đã biết tự học như thế này chưa?

Để mình nghĩ thêm rồi chia sẻ tiếp câu trả lời nhé!"

Thực ra mình không cần nghĩ câu trả lời, vì thực lòng mình không có câu hỏi ấy. Trong từ điển của mình không có cái từ "quyền học kém". Chỉ có cái sự chấp nhận rằng hiện mình hay con đều có thể đang yếu hơn mong đợi một vài mặt gì đó, cho nên nếu cái mức mong đợi đã là mức hợp lí, thì còn kém còn phải phấn đấu, phải nỗ lực để tiến bộ dần lên. Đòi "quyền học kém" để không nỗ lực học cải thiện điểm còn yếu, dương dương lấy cái sự khá giỏi một môn một mặt nào đó ra để "thanh minh", thì chỉ là sự đầu hàng, trốn chạy, tự co lại cái khả năng phát triển đầy đủ của bản thân.

"Viết ẩu" theo chuẩn của một cô giáo tiểu học có thể vẫn là mức chấp nhận được của những bố mẹ cả mười năm nay không hề viết tay. Nếu thế thì bố mẹ không cần động viên con dành nhiều thời gian để tập viết, vì con rất có thể còn có nhiều mặt khác đang cần được dành thời gian hơn. Nhưng nếu ẩu như con mình: hay viết nhầm từ nhầm nét, phải xóa đi viết lại, làm đoạn văn lem nhem khó đọc, thì đúng là "ẩu" thật. Và cái ẩu này không sửa sẽ thành cái tính thực sự thiếu tập trung, hay lơ đãng khi viết, khi làm một việc gì đó cần sự kiên trì.

Quay lại cái sự nghiệp nhảy dây mình kể trên đây, các bố mẹ có thể cùng thấy mấy điểm:

  1. Khi con đã thích thứ gì đó, coi điều gì đó là mục tiêu, là việc chính con muốn làm, thì con rất quyết tâm, chủ động để đạt được sự tiến bộ.
  2. Đo được, đếm được kết quả thì sẽ đạt được sự tiến bộ rõ rệt.
  3. Con tự học hỏi được qua bạn bè.
  4. Chỉ chăm chăm cải thiện kết quả mà không lưu tâm về phương cách thì có thể phải trả giá đắt (vụ viêm phế quản).

Cái ví dụ của sự chơi cho thấy khả năng tự định hướng, tự nỗ lực để thực hiện được mục tiêu của một đứa trẻ là có sẵn. Cái chúng ta cần để con cũng làm được như vậy với sự học chính là:

  1. Giúp con tự đặt ra những mục tiêu tốt cho mình.
  2. Dạy con cách quản lí thời gian để thực hiện hành động, dạy con cách đo đếm kết quả để biết sự thực mình đang đứng ở đâu so với mục tiêu.
  3. Đưa con vào môi trường của những người thầy tốt và những người bạn có cùng mục tiêu, giống như con bé nhà mình đến lớp có nhiều bạn cùng thích nhảy dây nên nó mới bắt chước nhày được kiểu này kiểu khác.
  4. Hỗ trợ con lường trước các rủi ro, các tác dụng phụ có thể có, để con sớm biết cách thực hiện tốt nhất.

Đến đây, bạn có thể đang hỏi: lý thuyết của mình nghe hay thế, con mình phải tự học tốt lắm nhỉ? Xin thưa, các con của mình vẫn là những đứa trẻ, chúng cần và chúng có quyền có thời gian để cải thiện kết quả, để hoàn thiện kĩ năng tự học cho từng loại "học" mà chúng cần. Mình chỉ cần thấy chúng đang có sự thay đổi mỗi tuần, mỗi tháng cho những mục tiêu đã biết, mình chỉ cần chúng mỗi năm lại mở ra những mục tiêu mới lớn hơn cho bản thân, là mình thấy hài lòng.

  • Để giúp con định hướng mục tiêu, mình chỉ ra cho chúng thấy để là một người có ích, con người ta:
    • Cần có những thái độ sống như thế nào: yêu bản thân, yêu thương người khác; tự trọng, tôn trọng người khác; khát khao làm cho cuộc sống quanh mình an toàn hơn, đẹp đẽ hơn, sung túc hơn...
    • Cần có cơ thể khỏe mạnh, có kĩ năng sinh tồn ra sao, tự phục vụ được bản thân như thế nào.
    • Cần có khả năng giao tiếp nghe nói đọc viết ra sao, tại sao cần hiểu biết những kiến thức cơ bản nhất về tự nhiên, xã hội, mà nhà trường, sách giáo khoa và sách đọc thêm chính là nơi lưu giữ,...
    • ...
  • Mình dạy chúng hàng năm nhìn lại những thứ cần biết cần giỏi như trên, mà chọn ra những thứ phù hợp để học được làm được  ngay trong năm nay, rồi lại đo đo đếm đếm, sửa sai khi làm,...
  • Mỗi khi thấy con đang "kém" điều gì đáng kể, mình lại tìm lúc tìm cách để nói với chúng về cái "cần" liên quan, Mưa dầm thấm lâu, sẽ đến lúc con tự coi việc cải thiện điểm kém đó là mục tiêu của chính nó, và cái sự "tự" mới lại bắt đầu.

Bạn bé nhà mình còn đang viết chậm, viết ẩu, cô giáo nhắn nhủ phụ huynh hàng ngày đọc chính tả cho con chép 15-20 phút. Sau vài buổi đầu mẹ đọc, con chép, bạn ấy tự đọc tự chép, tự đặt thời gian đo xem mình chép xong trong bao nhiêu phút, đếm xem bài hôm nay còn bao nhiêu lỗi phải gạch xóa. So với tiêu chuẩn của cô, kĩ năng viết của bạn ấy chỉ đang tiến triển chậm. So với quan điểm "tự học" của mình, bạn ấy đang đi đúng hướng và sẽ tự biết cách giải quyết những vấn đề tương tự của bản thân, khi có.

Dương Thị Minh


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

Khóa HD ôn thi vào 10

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab