Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Dạy con, bảo vệ con trước các nguy cơ bị xâm hại tình dục

16 Tháng Ba 2017 4890 lượt đọc

(Bài viết của cô Nguyễn Thu Hằng - tác giả bài Dạy con hàng ngày mà nhiều bạn đọc yêu mến!)

Mình nghĩ để bảo vệ được trẻ con trong chuyện này, thì cần có đủ bốn yếu tố chính :

1) Giáo dục gia đình, tình yêu thương, quan tâm của cha mẹ…

2) Luật pháp tốt …

3) Ý thức của người dân trong xã hội để cùng bảo vệ trẻ con…

4) Trường học phải là nơi an toàn nhất có thể được …

1- Dạy con, bảo vệ con :

Những người mắc bệnh ấu dâm thực ra lúc nào cũng tồn tại (vào thời đại internet bùng nổ, nhiều phim ảnh, hình ảnh bệnh hoạn lan truyền…thì có thể tăng thêm đến mức nào đó mà thôi) và đây là yếu tố rất khó kiểm soát.

Vì vậy việc quan trọng số một vẫn là dạy dỗ và bảo vệ con.

Và mình nghĩ mỗi cha mẹ cần dựa vào điều kiện cụ thể và dựa vào tính cách của con mình để tìm ra cách dạy và bảo vệ con, sao cho được dạy dỗ, bảo vệ nhưng trẻ con không bị mất đi tính vui tươi, ngây thơ của trẻ con, tính hoà đồng trong xã hội, không bị sợ hãi, không phải sống trong nỗi nghi ngờ kinh khủng, không phải lớn lên trong xã hội thiếu tình thương yêu, thiếu cảm giác an toàn, thiếu tin tưởng…

a- Cần dạy con thật kĩ về nguyên tắc các vùng nhạy cảm, không phải ai cũng được động chạm vào đó. Những thứ này có rất nhiều video và bài viết chia sẻ rất kĩ rồi mình không nói tới nữa.

Ví dụ cái hình dưới đây mình thấy cũng nói khá đầy đủ các ý cần dạy con cái rồi.

b- Trong bài viết này mình chỉ muốn nói đến vài chuyện dạy con cụ thể, hàng ngày.

- Từ hồi con mình còn bé xíu, mình đã luôn dạy con dùng cái bắt tay để giao tiếp với mọi người. Và mình luôn tránh để con bị người ngoài gia đình, người không quen lắm thơm má, ôm hôn con.

Mình tránh một cách tế nhị thôi, ví dụ có ai định làm vậy, thì mình thường tươi cười nói khéo ôi cháu thích bắt tay nhất đấy ông / bà/ cô / chú/ bác/ anh / chị ạ… và đồng thời dạy con giơ tay ra bắt.

Sau này qua bên này hay có chuyện thơm má khi gặp bạn bè, nhưng thường cũng chỉ làm với trẻ con đã lớn thôi.

- Trong nhà mình người lớn không bao giờ lấy bộ phận sinh dục của con ra để vui đùa kiểu như hỏi « cái chim của mẹ đâu ? ». Mà mình dạy con luôn đó là bộ phận để đi tè, bình thường không ai được động vào, trừ phi cha mẹ, ông bà tắm rửa cho con.

- Dạy con tự quản lý thân thể từ rất sớm : Con mình ba tuổi là mình dạy con tự tắm rồi, cha mẹ chỉ giúp cọ tý lưng, và giúp mặc quần áo.…

- Cũng không bao giờ thơm vào môi con, đây là vấn đề được nhiều nhà giáo dục / tâm lý tranh cãi, người cho đó là chuyện không hay vì gợi ra quá nhiều nhục dục, người cho rằng đó là chuyện bình thường. Riêng mình thấy đó là chuyện không nên làm vì mình nghiêng về giả thiết gợi nhục dục.

- Luôn dạy con về những chỗ nhạy cảm, từ 2 tuổi con biết hỏi, biết trò chuyện trao đổi là mình đã dạy rồi.

- Cũng luôn dạy con về việc lúc nào thì được nhận quà của người khác, từ lúc hơn hai tuổi, con đã biết không bao giờ nhận một cái kẹo hay bất cứ quà gì của người khác mà chưa được bố mẹ đồng ý rồi đấy (hoặc có lần, vì lịch sự mà con nhận, thì cũng đem về hỏi ý kiến trước khi ăn hoặc mở quà )...

- Để tạo cho con thói quen chủ động và biết từ chối, biết trao đổi, mình luôn dạy con rằng con được phép nêu ý kiến với bất cứ ai, ngay cả đối với cô giáo cũng vậy, miễn là nói năng lịch sự, tôn trọng… từ lúc còn rất bé.

- Luôn lắng nghe con kể chuyện ở trường, đây là thói quen được hình thành từ rất nhỏ, nên hầu như con mình sống ở trường thế nào, thầy bạn ra sao, bố mẹ của các bạn thế nào, các anh chị trông coi ngủ trưa, chơi trong sân thế nào, học hành ra sao... mình đều biết cả.

- Lúc con học mẫu giáo và cấp 1, mình luôn sắp xếp công việc để luôn có mặt ở nhà lúc con đi học về, để con có thể kể tất cả những gì con muốn kể. Việc này rất quan trọng, vì trẻ con thường hay quên, nên nếu không kể ngay, có thể sẽ quên..

- Học cách quan sát con, xem thái độ con vui buồn thế nào, để tránh việc con có thể vì không muốn cha mẹ buồn lo mà không kể, nhiều lúc mình cũng không vội vàng, mình có thể chờ đợi một thời gian rồi mới hỏi chuyện…

Tóm lại là luôn tâm tình với con, cha mẹ hoặc ông bà phải là chỗ để con tin tưởng, trao đổi vào bất cứ lúc nào...chỉ khi nào con có bất cứ chuyện gì buồn lo cũng đều quay về nhà lao vào vòng tay của cha mẹ, ông bà,.... thì mới được các bạn ạ.
Mình đã từng gặp nhiều đứa trẻ có vấn đề, mình nhận thấy một trong những nỗi khổ của mấy đứa trẻ đó đều là rất cô đơn trong suy nghĩ và trong cuộc sống…

- Dạy con chọn bạn chơi, bên này trẻ con hay mời nhau đến nhà chơi, rồi có thể ngủ lại.. trước khi đồng ý cho con đi ngủ nhà bạn, mình đều tìm hiểu, gặp gỡ cha mẹ bạn trước rồi, biết họ thế nào rồi thì mới đồng ý.

- Luôn tạo điều kiện, khuyến khích cho con có thật nhiều bạn bè, đặc biệt lúc nào cũng phải có nhóm bạn thân thiết. Lúc ở trường, khi đi học về trên đường, lúc đi dã ngoại…. chúng đều gắn bó, bảo vệ lẫn nhau…Như rất nhiều lần mình đã kể, là đối với mình, việc con có nhiều bạn thân thiết ở trường, là một thành công lớn trong giáo dục...
Bọn tội phạm ấu dâm thường hay dụ dỗ hoặc tấn công vào những đứa trẻ thường xuyên một mình, thường xuyên sống cô đơn…

- Khi con mình dưới dưới 10 tuổi, ở những nơi công cộng không quen thuộc ví dụ như nhà vệ sinh ở ga tàu, bến xe, ở trạm xăng…. thì nếu con đi vệ sinh phải luôn có ba cháu đi kèm. Trong trường hợp không có ba ở cạnh, mình thường dẫn con vào ngay trước cửa phòng vệ sinh ngay gần cửa, để con vào trong, đóng cửa lại rồi, sau đó mình ra ngay cạnh, đứng đó chờ chứ không để con tự đi vào một mình.

- Lúc con học mẫu giáo ở VN, mình luôn chú ý chọn trường học an toàn. Mình chú ý xem cô giáo có phải là người bao quát được hết tình hình hay không ? bất cứ hôm nào có chút thời gian mình đều ghé qua đón con sớm hơn cả tiếng đồng hồ để vào lớp ngồi xem cô tổ chức dạy dỗ, và quản lý trẻ con ra sao…cảm thấy rất yên tâm với cô giáo thì mình mới gửi. Vì trẻ con mẫu giáo thì rất khó biết tự đề phòng...

- Từ lúc con mình còn rất nhỏ, mình đã luôn dạy con biết phòng vệ, biết đẩy ra, biết hét lên, biết bỏ chạy khi cần thiết…

- Lúc con đến tuổi sử dụng internet, máy tính...mình cũng luôn để ý, trao đổi với con, hỏi ý kiến con về những trường hợp trẻ bị dụ dỗ trên internet...

- Để con vẫn sống vui vẻ, hoà đồng trong xã hội, tin tưởng con người…mỗi khi dạy con về việc bảo vệ cơ thể, mình đều nói cho con hiểu rằng những người lạm dụng trẻ con đó thực ra không có nhiều, ba mẹ chỉ dạy con như vậy để tránh rủi ro thôi. Cũng giống như học bơi để khỏi bị chết đuối, học qua đường để tránh tai nạn giao thông, học phòng vệ để tránh bị bắt nạt...vậy.

Và mình luôn chỉ cho con thấy, rằng lúc nào con cũng được cha mẹ, gia đình và xã hội bảo vệ, nên không cần phải lo sợ quá...

- Và trong gia đình mình, mình không bao giờ làm cái gì cực đoan, quá lên kiểu như ông, bà cô chú bác, anh chị thì không được làm cái này cái kia một cách thái quá...Mình nói ý này, vì mình thấy có bạn kể, là con gái còn bé xíu đã phải có khoảng cách đối với bố, hoặc ông bà cô cậu chú bác cũng không được ôm hôn con...

Trong thời hiện đại này có nhiều thứ có thể làm con người sống rất mất tự nhiên, ngoài một số lý thuyết nọ kia, tuyên truyền nọ kia thì mình nghĩ là bởi vì nhiều khi chúng ta lo sợ một cách thái quá.

Thực ra, nếu chúng ta chịu khó quan sát, tinh ý một tý thì trong gia đình ai sống thế nào, cư xử có vấn đề hay không thì cũng dễ thấy chứ đúng không các bạn ? Chỉ khi nào biết người kia có vấn đề trong quan hệ với trẻ con thì hãy cấm, hãy tránh, còn lại thì đừng kịch tính hoá quá mức các vấn đề mình nghĩ thế...

Và mình luôn tìm cách lồng ghép dạy dỗ/ trò chuyện sao cho việc bảo vệ thân thể trở ngấm vào thành hành động, thành thói quen, thành lối sống hàng ngày một cách tự nhiên...Chỉ khi nào thành cử chỉ, hành động, thói quen tự nhiên, thì lúc đó mới thực sự yên tâm thả con đi bất cứ nơi đâu các bạn ạ...

......................


2- Về mặt luật pháp

Mình rất hiểu những bức xúc, lo lắng của cha mẹ trong xã hội như xã hội VN, nhiều lúc không gây sức ép thì không giải quyết được vấn đề, nhưng dù thế nào thì mình vẫn mong chúng ta làm gì cũng nên làm đúng pháp luật và tránh gây rối loạn nhất có thể được mọi người ạ.

Chia sẻ về các trường hợp bị lạm dụng TD thường là rất tế nhị, cần làm thế nào để đảm bảo được rằng đứa bé và gia đình được bảo vệ, tránh rơi vào khủng hoảng, rối loạn nhất có thể được.

Và chia sẻ về nghi phạm / thủ phạm thì cũng vẫn cần tôn trọng luật quy định là khi chưa có bằng chứng đầy đủ, chưa xét xử người đó vẫn chỉ là nghi phạm.

Nên mình nghĩ những việc chúng ta có thể làm và nên làm là :

- Kí tên vào các cuộc vận động / yêu cầu xây dựng luật pháp, xét xử minh bạch, yêu cầu có các hình phạt theo đúng quy định của pháp luật…

- Chia sẻ một cách khách quan nhất có thể được... ví dụ không đưa hình ảnh, địa chỉ, gia đình, vợ con... nếu chưa biết chắc chắn đó là tội phạm...

Là bởi vì, dù bọn tội phạm ấu dâm là rất ghê tởm, là đáng bị trừng phạt…nhưng mình nghĩ mỗi người trước khi chia sẻ điều gì liên quan đến nghi phạm / thủ phạm đều phải nghĩ tới việc nhỡ đâu họ vô tội, dù cái nhỡ đó có khi chỉ là vài phần nghìn thì vẫn nên cẩn trọng mọi người ạ.

Chậm lại một chút, để đến khi nào có bằng chứng đầy đủ, có kết luận xét xử rồi thì chia sẻ đích danh cũng chưa muộn mình nghĩ thế.

3- Nhận thức / ý thức xã hội :

Để mọi người trong xã hội có ý thức về vấn đề này là việc làm rất lâu dài, qua các chương trình / chiến lược tuyên truyền.

Việc này thường phải do Uỷ ban bảo vệ trẻ em phối hợp với các tổ chức dân sự, hội chữ thập đỏ, UNICEF… để làm.

Nên mình nghĩ đồng thời với những yêu cầu về luật pháp nghiêm minh, thì cần yêu cầu Uỷ bạn bảo vệ bà mẹ trẻ em làm tốt trách nhiệm của họ. `

Một xã hội nhận thức rõ được vấn đề, biết cách xử lý nó khi mới còn manh mún là rất quan trọng trong việc giảm đi số nạn nhân và bắt được tội phạm.

Mình kể một ví dụ :

Hồi con mình học cấp 1, một lần tự nhiên bà hiệu trưởng triệu tập gấp tất cả các cha mẹ luôn trong ngày để dự một cuộc họp phụ huynh về an toàn cho trẻ con ở trường học và quanh khu vực.

Chuyện là có một người vô gia cư vẫn hay ngồi ở vườn hoa trước cửa trường đột nhiên gọi, hỏi chuyện và cho một bé gái học lớp 3 của trường trên đường đi học về một cái bánh rồi muốn cầm tay nó. Con bé đó liền bỏ chạy và về nhà mách mẹ, bà mẹ gọi điện ra ngay cảnh sát khu vực trình bày vấn đề. Cảnh sát khu vực vì chưa có bằng chứng xác thực nên chỉ ra đó xem xét và quyết định để theo dõi thêm.

Trong lúc theo dõi, họ báo ngay cho bà hiệu trưởng, bàn kế hoạch ngăn ngừa, vậy là có ngay cuộc họp cha mẹ khẩn cấp vào cuối ngày hôm đó để thông báo về vụ việc, diễn biến sắp tới, và đặc biệt là cha mẹ cần đến đón con, hoặc nhờ hàng xóm, bạn bè đón giúp.

Bà hiệu trướng đích thân tập hợp trẻ con để dạy cho chúng tinh thần cảnh giác ví dụ như không nhận quà của người lạ, không đi lại gần nếu mấy người đó gọi, quay lại trường ngay nếu có vấn đề trên đường về nhà, hoặc báo cho cha mẹ, thầy cô biết những vấn đề khả nghi,...

4- Trường học phải là nơi an toàn :

Ví dụ bên này, thường trường mẫu giáo, cấp 1 và cấp 2 thì ngoài giáo viên còn có các nhân viên chuyên theo dõi, hướng dẫn trẻ con chơi trong sân trường vào giờ ăn, giờ ra chơi.

Tuỳ số lượng học sinh và tuỳ vào vị trí của trường học mà hiệu trưởng tổ chức việc theo dõi sự an toàn cho học sinh.

Những người này đều phải có một số chứng chỉ về giáo dục, về vệ sinh, an toàn, cấp cứu tại chỗ, sơ cứu y tế…

Mình nghĩ các trường học bây giờ đều cần phải làm như vậy.

Nguồn: Facebook cô Nguyễn Thu Hằng


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab