Hội thảo KIẾN TẠO KHÔNG GIAN VÀ THÓI QUEN TỰ HỌC Ở NHÀ: cuốn hút, bổ ích đến tận phút cuối cùng

25 Tháng Chín 2017 21024 lượt đọc
“Buổi hội thảo rất hay và bổ ích. Mình thu được nhiều thông tin rất rất có ích đối với việc học của trẻ. Mình chưa từng tham gia hội thảo nào xong lại thấy vui như thế...." - đó không chỉ là chia sẻ của chị Đào Thu Hường, mà còn là cảm nhận của rất nhiều phụ huynh đã tham dự hội thảo  KIẾN TẠO KHÔNG GIAN VÀ THÓI QUEN TỰ HỌC (CHO CON) Ở NHÀ do ConTuHoc và Westminster Academy đồng tổ chức vào chiều thứ bảy 23/9/2017 tại trường THCS Cát Linh, Đống Đa, HN.

Hội thảo KIẾN TẠO KHÔNG GIAN VÀ THÓI QUEN TỰ HỌC Ở NHÀ: cuốn hút, bổ ích đến tận phút cuối cùng

“Đối với nhiều sinh viên của tôi ở cấp đại học tại Anh và Mỹ, việc tự giác học ở nhà và sắp xếp thời gian biểu đã trở thành 1 việc hết sức tự nhiên và cần thiết để theo đuổi khối lượng bài vở lớn hàng ngày. Tuy nhiên, khá nhiều sinh viên quốc tế từ các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan thì những ngày đầu vào trường có nhiều bỡ ngỡ. Họ quen với việc một ngày học ở trường kín lịch, ở gia đình có bố mẹ chăm sóc, lo lắng và sắp xếp tất cả từ môn học, giờ học, và bảo ban từng giờ học tại nhà. Càng học lên cao, nhiều sinh viên có thói quen này càng đuối dần so với các bạn khác. Vì thế, “Tự giác, Tự quản và Tự quyết” nên trở thành 1 tiêu chí mà các sinh viên ngày cần học và thực hành trước để có thể trở thành 1 sinh viên tốt và có sức bền. Vậy làm sao bố mẹ có thể giúp đỡ hình thành những tính cách này qua cách định hướng hàng ngày từ nhỏ?
 
Trong buổi trao đổi này, tôi hy vọng giới thiệu đến các phụ huynh và học sinh ở nhiều lứa tuổi những phương pháp tự học, tự quản lý thời gian hiệu quả và cách gây dựng một không gian học tập lý thú tại nhà dựa trên các nghiên cứu về khoa học não bộ và những kinh nghiệm giảng dạy của tôi. Ngôi nhà chính là nơi đầu tiên bạn học và là nơi tốt nhất để các học sinh có thể phát triển những thói quen và cảm hứng cho mình. Trong buổi này, tôi sẽ cùng các phụ huynh và học sinh làm những thực hành như kiến tạo góc học tập khoa học và thiết kế thói quen quản lý thời gian. Sau buổi trao đổi, tôi hy vọng các phụ huynh và học sinh hiểu được tầm quan trọng và phương thức thiết kế tự học hợp lý dựa trên nhu cầu và tâm lý của học sinh, dưới sự hướng dẫn của phụ huynh.”
 

Chủ đề của buổi hội thảo là mối quan tâm thực sự của các phụ huynh. Toàn bộ lượng ghế ngồi đã được đặt hết trong vòng 2 ngày, và hầu hết các bố mẹ đã có mặt check-in rất đúng giờ, khiến kế hoạch dành 30" đầu giờ cho việc check-in và ổn định chỗ ngồi trở nên không hợp lý.

Mở đầu buổi chia sẻ, tiến sỹ Nguyễn Tuệ Anh khẳng định cô không coi đây là buổi giảng dạy, mà là buổi chia sẻ. Các chia sẻ của cô xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của chính cô trong quá trình học tập và giảng dạy tại Anh, Mỹ, trong 5 năm làm mẹ, và từ những kết quả nghiên cứu chuyên môn về não bộ, có thể đúng với một số trẻ chứ không phải với mọi đứa trẻ. Các phụ huynh chỉ nên tham khảo để cân nhắc áp dụng nếu thấy phù hợp với con mình.

Với phong cách chuyên nghiệp, nhanh chóng, rõ ràng và lôi cuốn, tiến sỹ Nguyễn Tuệ Anh đã dẫn dắt người nghe nghe qua hai phần nội dung chính:.

  1. Làm thế nào để xây dựng thói quen học tập cho trẻ? Các quy tắc để học hiệu quả?
  2. Góc học tập như nào là tốt cho trẻ?  

Lồng trong mỗi phần nội dung chính trên đều có rất nhiều thông tin, chỉ dẫn khoa học cho các bố mẹ tham khảo.

Dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng truyền đạt lại nhiều nhất có thể các nội dung đã được chia sẻ, để các phụ huynh không có điều kiện có mặt trực tiếp tại hội thảo cũng có thể tham khảo.

I. Tóm tắt các nội dung được chia sẻ

  1. Hiểu về thói quen

Người ta cứ lặp đi lặp lại một thói quen như thế nào? ”The power of Habit” by Charles Duhigg chỉ ra rằng cứ khi một tín hiệu (cue) xảy đến, thì một người lại lặp lại một việc gì đó (routine) để cuối cùng nhận được một điều họ mong muốn (reward). Ví dụ như cứ đến 14h00, một người đàn ông đi tới căng tin gần nơi làm việc để uống một cốc sô cô la nóng, là vì ông ta muốn có dịp để trò chuyện với các đồng nghiệp. Thói quen uống sô cô la nóng vào lúc 14h00 hàng ngày của người đàn ông này có thể khiến người khác nghĩ rằng ông ta là người thích sô cô la nóng hoặc rất ưa đồ ngọt.

Từ bỏ một thói quen không dễ, nhưng chúng ta có thể thay đổi được thói quen, bằng cách hiểu thực chất reward được mong đợi là gì, tín hiệu để thói quen bắt đầu là gì, và thay thế việc được làm bằng một việc khác miễn sao reward mong đợi ban đầu vẫn nhận được.

2. Hiểu Sense of belonging - nhu cầu được hòa hợp

Chúng ta mới chỉ hay nghe nói đến sense of belonging trong nhóm các nhu cầu xã hội trong tháp nhu cầu Maslow như là nhu cầu có cảm giác thuộc về cái gì đó hay nhu cầu được tham gia cộng đồng. Tiến sỹ Nguyễn Tuệ Anh có nhắc đến tháp Maslow và giải thích sense of belonging đối với một đứa trẻ còn được hiểu là nhu cầu muốn có cái gì đó là của mình, thuộc về mình, mang dấu ấn của riêng mình, thấy nó hòa hợp với chính mình.

Kết hợp hai hiểu biết về thói quen và nhu cầu được hòa hợp, ta có thể giúp trẻ xây dựng bất kì một thói quen nào mà ta mong muốn. Ví dụ như để con gái có thói quen làm vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, người mẹ sẽ:

  • Chọn làm một tín hiệu là kéo mở rèm cành cạch. Đây là một tín hiệu tốt vì nó là điều thường chỉ xảy ra vào buổi sáng sớm, âm thanh nó tạo ra không dễ lẫn với các âm thanh khác.
  • Chỉ ra cho trẻ thấy việc cần làm và vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, bằng cách chuyện trò với trẻ về việc này và làm cho trẻ một bảng mô tả các việc cần làm dưới hình thức thật cụ thể, trực quan, chọn hình minh họa chính là một avatar mà trẻ lựa chọn cho mình, ghi tên trẻ ở bên trên, để trẻ cảm thấy bảng chỉ dẫn này là dành cho mình, của chính mình.
  • Trao phần thưởng là cái hôn trên trán sau khi trẻ làm vệ sinh cá nhân xong, để trẻ cảm thấy được cha mẹ quan tâm.

Các bạn sẽ có thể mua những mẫu bảng khen thưởng (reward charts) được in sẵn hoặc tải về các mẫu bảng khen thưởng có tại đây để tự thay đổi nội dung cho phù hợp và in dùng, để giúp trẻ xây dựng các thói quen tốt.

3. Thói quen học tập là gì?

Thực sự thì không có cái gọi là “thói quen học tập” một cách rõ ràng, bởi học tập bao gồm rất nhiều việc bên trong:

  • Ngồi vào bàn học
  • Làm bài tập về nhà
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu
  • Chú ý, tập trung
  • Tổ chức, sắp xếp
  • Quản lý thời gian
  • ...

Như vậy, để trẻ có năng lực học tập tốt, việc cha mẹ cần quan tâm là giúp trẻ xây dựng thói quen tốt cho từng việc cụ thể, dần dần từng việc, từng bước một.

4. Giúp trẻ xây dựng thói quen đọc

Việc này nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Khi trẻ được tầm 6 tháng tuổi - có thể dựa vào cha mẹ để ngồi - là một thời điểm hợp lý để bắt đầu chứ không phải là quá sớm. Điều quan trọng là cha mẹ cần duy trì đều đặn hàng ngày, với một tín hiệu nhất định, ví dụ như là một giờ cố định trong ngày.

Cũng nên tạo một góc đọc xinh xắn trong nhà, có thể chỉ là một góc nhỏ đủ để trải một tấm thảm êm, xung quanh là sách, để trẻ có thói quen đọc sách tại góc đọc này, ngăn chặn trước nguy cơ trẻ có thể ngồi đọc tại bất kì chỗ nào, không tốt cho lưng hay cho mắt.

Để trẻ được đáp ứng nhu cầu được hòa hợp, hãy cho trẻ ghi Reading log (nhật ký đọc sách), hãy ghi tên mình vào trang ghi tên trong cuốn sách (hoặc dán nhãn đề tên/hình ảnh của trẻ vào cuốn sách).

Một mẫu Reading log, nguồn: Internet

5. Giúp trẻ xây dựng thói quen ngồi vào bàn học

Hãy để trẻ cảm thấy:

  • Mình có một cái bàn
  • Cái bàn đó là của mình.
  • Mình ngồi vào bàn đó là để khám phá.

Bằng cách:

  • Cho trẻ TỰ CHỌN một cái bàn không chỉ vừa với chiều cao của mình, mà còn khiến mình cảm thấy dễ chịu, thoải mái, cảm thấy được hòa hợp.
  • Để chiếc bàn đó ở một chỗ cố định (ít nhất trong vòng 03 tháng).
  • Cho trẻ sắp xếp, trang trí để tự tạo cảm hứng (nếu thấy bừa bộn cũng hãy chấp nhận).
  • Bổ sung dần thêm những thứ cần thiết vào góc học tập của trẻ theo thời gian.
  • Từ khi trẻ còn nhỏ, hãy cho trẻ ngồi vào bàn để tô, vẽ, cắt, dắn, làm trẻ thấy bàn học là nơi để mình khám phá, để mình làm ra những thứ thú vị.

6. Các quy tắc học tập hiệu quả

  1. Space repetition
    1. Không học nhồi liên tục nhiều khái niệm mới, mà có sự lặp lại khái niệm đã học sau một thời gian.
    2. Để cho não có thể chuyển thông tin từ bộ nhớ ngắn hạn về bộ nhớ dài hạn, thay vì liên tục nạp thông tin mới vào bộ nhớ ngắn hạn.
  2. Testing in diferrent environments: Hỏi trẻ nói về kiến thức đã học trong nhiều môi trường khác nhau, vd như khi đang cùng đi siêu thị, đang đi bộ trong công viên, đang trong phòng bếp,..., để huấn luyện não nhanh chóng truyền đạt các thông tin đã lưu giữ trong bộ nhớ dài hạn sang các nơ-ron thần kinh có nhiệm vụ truyền thông tin đến bộ phận chịu trách nhiệm nói hoặc viết.
  3. Take breaks
    1. Thời gian một người lớn có thể tập trung cao độ liên tục chỉ là khoảng 25", với trẻ em có thể ít hơn, chỉ từ 10-25". 
    2. Trong não bộ có một vùng rất nhỏ có tên là Hippocampus. Vùng này có một tác dụng đặc biệt là sản sinh ra nơ-ron thần kinh mới. Để kích thích vùng này hoạt động, cần thực hiện thay đổi về không gian (space transition) sau mỗi khoảng thời gian cao độ, để hình ảnh mắt thu nhận được thay đổi. Khoảng thời gian thay đổi không gian mắt quan sát được này chỉ cần là 5" với trẻ em.
    3. Như vậy, nên nhắc trẻ đứng lên đi lại trong nhà, ra sân, ra ban công,... nghỉ ngơi khoảng 5" sau mỗi 25" ngồi học tập trung theo phương pháp Pomorodo. Có một số mobile app (free) hỗ trợ nhắc nghỉ sau mỗi 25", ví dụ như Be Focused (có thể dễ dàng tìm ra trên các app store bằng từ khóa Pomorodo).

7. Lập thời khoá biểu như nào là hợp lý?

  • Cha mẹ CÙNG CON quyết định
  • Phân biệt rõ thời gian nào là cố định không thay đổi được (thời gian học ở trường).
  • Nên đơn giản, không cần quá chi tiết đến từng phút, chỉ cần rõ đầu việc cần làm như một thói quen.
  • Nên có thời gian vận động, vui chơi. Mỗi ngày trẻ vận động đến mức toát mồ hôi 30" được là tốt nhất để refresh trí não.
  • Sử dụng hình ảnh trực quan, mang dấu ấn cá nhân hóa của con.

8. Tài liệu khuyến nghị phụ huynh tham khảo

  • 100 cuốn sách thiếu nhi nên đọc
  • 10 quy tắc học tốt
  • Những sách hay cho cha mẹ

Link download các tài liệu trên: https://www.dropbox.com/sh/iaxgqqk08n736q8/AADe7O0vNs3Ek7q_5kIiwgLWa?dl=0 

II. Hỏi và đáp

Phần hỏi đáp nóng đến tận 18h00, khi diễn giả và BTC buộc phải kết thúc chương trình. Tiến sỹ Tuệ Anh luôn trả lời rất rõ ràng, thẳng thắn cho từng câu hỏi.

 


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab