Nếu chưa được hướng nghiệp, bạn đừng nên đi du học
Nhiều bạn trẻ đi sang nước ngoài học chỉ để có cái mác “du học sinh Mỹ”, “du học sinh Anh”... mà quên mất đam mê hay hoài bão thực sự của bản thân. Hiện trạng này không phải là mới, nhưng nguyên nhân là do đâu?
Liệu có phải bởi học sinh Việt Nam chưa có được sự hướng nghiệp đúng đắn?
Hướng nghiệp: Đã có nhưng chưa triệt để
“Lao động là vinh quang” là câu nói quen thuộc với bao thế hệ học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, chọn đúng nghề sẽ khiến lao động không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà còn đem lại niềm vui và sự vinh quang cho chính bản thân mỗi chúng ta. Do vậy, chọn nghề có thể nói là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người.
Tại Việt Nam, hướng nghiệp vẫn là chuyện còn khá mới mẻ. Hiện nay, hầu như cũng chưa có nơi nào đào tạo về tư vấn hướng nghiệp một các chính thống và bài bản. Các quá trình hướng nghiệp thường tập trung vào đối tượng học sinh THPT và diễn ra một cách khá bản năng như mời diễn giả đến chia sẻ, giáo viên lồng ghép giáo dục nghề vào trong quá trình dạy các môn học cơ bản hay thậm chí là nghe lời khuyên và tư vấn từ chính... phụ huynh.
Sự thiếu hụt về công tác hướng nghiệp đúng đắn, bài bản đối với các du học sinh nói riêng và các bạn học sinh, sinh viên nói chung sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Du học thiếu định hướng: Tốn tiền – Tốn thời gian
Quyết định cho con đi du học luôn là một khoản đầu tư lớn mà mỗi phụ huynh cần cân nhắc. Bởi vậy chắc hẳn “phận làm con” như chúng ta sẽ không muốn phung phí tiền của của bố mẹ một cách vô ích đâu đúng không?
Nhiều bạn cho rằng, sang nước ngoài không chơi bời và chăm chỉ đi làm thêm, có tiền tiêu rủng rỉnh không cần xin bố mẹ là tốt rồi. Thế nhưng, bố mẹ đang đầu tư cho bạn đi học cơ mà? Những gì bạn học được để phục vụ cho cuộc sống sau này của chính bạn mới là điều bố mẹ bạn mong muốn. Do vậy, đừng ngây thơ cho rằng việc không xin thêm tiền của phụ huynh có thể làm bạn trở thành một người con ngoan nhé!
Người ta nói tuổi trẻ không có gì ngoài thời gian và sức lực. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vì thế mà lãng phí tuổi trẻ của mình theo đuổi những điều mình không thực sự đam mê hay có năng lực.
Đã có rất nhiều trường hợp các du học sinh về nước và vẫn loay hoay không biết làm ngành gì, làm ở đâu. Sau quãng thời gian dài du học những gì các bạn thu được chỉ là... giọng nói Tây hơn một chút. Câu chuyện này thực ra không chỉ xảy ra với các du học sinh, ngay cả các bạn học tại Việt Nam cũng phải đối mặt với nỗi hoang mang, bỡ ngỡ khi tốt nghiệp ra trường. Hậu quả là có đến 70% cử nhân ra trường làm trái ngành, trái nghề.
Những hậu quả trên đã có thể được khắc phục một cách triệt để nếu các bạn du học sinh được sớm hướng nghiệp một cách đúng đắn.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để phụ huynh giúp con "được sớm hướng nghiệp một cách đúng đắn"?, ConTuHoc.com sẽ cùng các bạn đọc tìm câu trả lời qua nhiều bài viết của các nguồn trong nước và nước ngoài trong thời gian tới. Dưới đây xin trích dẫn lại một số thông tin từ Hội thảo Thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp tổ chức tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) ngày 3/5 có các diễn giả là GS Ngô Bảo Châu, PGS y khoa Nguyễn Lân Hiếu, TS Nguyễn Thành Nam, KTS Hoàng Thúc Hào... Nhiều học sinh, phụ huynh đã đặt câu hỏi làm thế nào để chọn nghề phù hợp với bản thân, xu hướng của xã hội hay việc hướng nghiệp nên bắt đầu khi nào.
Thời điểm 'vàng' để hướng nghiệp cho học sinh, theo GS Ngô Bảo Châu là cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3, song song với việc học, thi, học sinh sẽ có hứng thú tìm hiểu và theo đuổi nghề mình mong muốn.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần định hướng nghề nghiệp cho trẻ từ cuối năm học cấp 2. Ảnh: VnExpress |
Có hai cách để người lớn hướng nghiệp cho học sinh là để các em được trải nghiệm, cọ xát và có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp. GS Châu khuyên phụ huynh nên cho trẻ tham gia nhiều câu lạc bộ. Cách thứ hai là cho trẻ tiếp xúc với những người tài năng, có lòng yêu nghề để truyền đam mê cho các em. Ngoài ra, người lớn cần đối thoại với trẻ để thể hiện được quan điểm của mình và hiểu tâm tư của con. "Khi lựa chọn nghề nghiệp, các con có thể không thực tế vì ảnh hưởng từ truyền thông, phim ảnh. Cha mẹ và con cái nên đối thoại để định hướng được con đường phù hợp nhất", GS Châu nói.
Mốc thời gian này có thể chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc trải nghiệm thực tế sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất đâu là nghề nghiệp thực sự phù hợp với mỗi cá nhân. Khi đã là sinh viên và theo học ngành toán ở Pháp, có thời gian ông thử sức trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trải nghiệm này giúp ông nhận ra toán học mới là con đường phù hợp nhất và theo đuổi cho đến bây giờ.
Các diễn giả có chung quan điểm cách tốt nhất để hướng nghiệp là cho con cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến ngành nghề, để tìm ra điều phù hợp nhất.
Theo nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang, những thống kê về việc lựa chọn nghề của học sinh trên thế giới cho thấy một phần lớn chịu ảnh hưởng từ cha mẹ.
“Cha mẹ là những người gần nhất với con cái và ảnh hưởng từ nghề nghiệp của cha mẹ là việc rõ ràng nhất. Một số không nhỏ ảnh hưởng bởi truyền thông cụ thể qua phim ảnh với các nghề như luật sư, bác sĩ, phi công… Điều này vô hình trung ảnh hưởng suy nghĩ và lựa chọn về nghề nghiệp của các con, bắt đầu từ việc chọn ngành học tại các trường đại học”.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng hầu hết các cha mẹ có tâm lý muốn con phải ngoan, phải vào một tường đại học có danh tiếng..., nhưng ít khi quan tâm hiểu tâm tư và khả năng của con em mình.
“Đừng quá đặt nặng chuyện đúng sai mà cần tôn trọng tâm tư của các em. Các em có thể thiếu kinh nghiệm sống hoặc chịu ảnh hưởng của truyền thông nên có những định hướng chưa được thực tế lắm. Tôi nghĩ, cần có cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái trên tinh thần tôn trọng con, và để cả hai phía được đưa ra quan điểm của mình. Đây là việc cần nhiều thời gian”, GS Châu nói.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, người nghiên cứu về giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, thì chia sẻ: “Dự báo 20 năm nữa thế giới sẽ có 7 tỷ người máy, như vậy sẽ có những nghề hoàn toàn mới có thể là bảo dưỡng người máy, chống tai biến cho trí tuệ nhân tạo…, thậm chí chúng ta không thể tưởng tượng ra được”.
Theo ông Sơn, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các ngành nghề đều có thể bị đe dọa và cần chuẩn bị thích nghi với việc sẽ có những công việc bị mất đi trong tương lai.
“Việc chuẩn bị ngôn ngữ như biết tiếng Anh, giỏi toán, viết code sẽ giúp các bạn trẻ có những ưu thế nhất định. Đặc biệt, cần khắc phục việc ít đọc sách, bởi theo tôi, đây cũng là điều khiến việc định hướng nghề nghiệp kém”.
Nguồn: Tổng hợp Internet
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- Nên đi du học từ cấp 3 hay từ đại học?
- Học bổng ASEAN cho học sinh Việt Nam học cấp 3 tại Singapore năm học 2018
- Có nên cho con đi du học (phổ thông) sớm?
- Những YES and NO dành cho các em học sinh muốn du học cấp 2-3 tại Mỹ
- Chia sẻ từ một người mẹ từng du học và đã cho hai con đi du học Singapore, Úc, Mĩ
- Những học bổng kỳ lạ nhất thế giới