"Nuôi dạy con kiểu cá heo" - cuốn sách dành cho cha mẹ trong thời đại "điên cuồng"

09 Tháng Mười 2017 6600 lượt đọc

Chia sẻ của chị Nguyễn Linh Giang về cuốn sách nuôi dạy con nổi tiếng của bà mẹ 3 con kiêm bác sĩ thần kinh, chuyên gia tạo động lực Shimi Kang.

Nuôi dạy con kiểu cá heo” là một quyển sách tôi đã giới thiệu cho rất nhiều cha mẹ. Sách này không phải tôi làm, bạn đọc hay không không ảnh hưởng đến lương của tôi đâu. Nhưng tôi yêu nó quá nên phải viết dài 1500 từ như dưới đây. Rất dài, nhưng mong các cha mẹ trong friend list của tôi đọc lấy cái status này hẵng, cố gắng vì con bạn!

Sách dày 360 trang khổ lớn chữ nhỏ và dày dít kiến thức khoa học cùng dẫn chứng trích nguồn, cách viết khoa học kín kẽ và dĩ nhiên là diễn đạt khoa học phức hợp đầy đủ, đây là điểm cản trở đầu tiên cho các cha mẹ bận bịu ở VN hiện đại. Ban đầu tôi đã suýt bỏ qua, nhưng lật sơ đến trang về sức khỏe của trẻ thì tôi nghĩ lại, bác sĩ thần kinh tốt là bác sĩ tìm hiểu toàn bộ cơ thể con người chứ không chỉ kê đơn cho hệ thần kinh, và tôi đọc tiếp.

Tôi cần khoảng 1 tháng đọc thực sự nghiêm túc thì mới hiểu tốt sách này. Nhưng dĩ nhiên, cái thu được rất lớn, hơn hẳn một tá những cuốn dạy con bạn tài giỏi, thi đỗ nước ngoài, vươn lên xuất chúng tràn lan trên giá sách của vô số gia đình tôi thấy, cuốn sách này nêu ra vô số nền tảng sinh lý tạo nên tâm lý – thần kinh của một con người.

Bạn muốn xây con mình lên 1 tầng hay 5 tầng, hay thành một tòa 10 tầng vững chãi thành công hạnh phúc, đấy là tùy vào bạn thực sự hiểu về nền móng, nền tảng của con được bao nhiêu. Đây là một cuốn rất vững chãi cho cha mẹ nuôi dạy con thời hiện đại khá là điên cuồng này. (Sách này không có các mục để hỗ trợ cha mẹ có con khuyết tật thần kinh, mảng đó sẽ ở cuốn khác.)

Trong xã hội VN bây giờ, rất thường gặp các ca tự tử, trầm cảm, bệnh tâm lý, rối loạn hormone, béo phì, không vận động đủ, không phản biện đủ, thiếu kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, dựa dẫm vào cha mẹ, thiếu kỹ năng sống tự lập, không ý thức được đúng về gia đình, nuôi dạy con kiểu đè nén và nhồi nhét… Toàn xã hội bùng nổ các lớp học kiến thức từ bé tí, các khóa huấn luyện thần đồng, đa cấp niềm tin để bán sách tâm linh nhồi nhét, trại hè kỹ năng và trại hè kiến thức, sách học các thể loại, sách nuôi dạy con dạng tự sự thiếu chuyên môn và thiếu logic và rất nhiều sản phẩm kinh doanh giáo dục trên cơ sở khủng hoảng niềm tin và tri thức của cha mẹ. Tiếc thay, người gánh hậu quả là các con. Cuốn sách này cải tạo từ cha mẹ, để các con đỡ phải khổ như thế.

Sách hướng dẫn nuôi và dạy con theo một cách phù hợp với thiên nhiên, tạo dựng sinh lý tâm lý khỏe mạnh ổn định cân bằng và đạt đến hạnh phúc bền vững cùng thành công bền vững ở con mình. Tác giả sách là một bác sĩ thần kinh học, chuyên gia về thúc đẩy động lực cho con người, đồng thời cũng là một bà mẹ ba con, đưa ra những phân tích hợp lý, căn cứ theo những kết quả nghiên cứu khoa học về não bộ và hành vi của con người và dựa trên các ca bệnh thanh thiếu niên nhiều năm qua bà gặp phải. Sách hướng dẫn cha mẹ nuôi dạy con mình hiểu sâu sắc về bản thân, thành công vượt bậc, hạnh phúc bền vững, khỏe mạnh suốt đời; đây mới nên là mục tiêu tối cao thực sự mỗi gia đình hướng tới, chứ không chỉ là “con phải học tiếng Anh giỏi”, “con phải đỗ Ams”, “con phải đi Mỹ học”, “con phải lấy chồng”, “con phải đẻ con giai”…

Phần 1 của sách nêu các sự sai sót thường gặp của cha mẹ hổ báo với các con, nó phổ quát đến nỗi đại đa số cha mẹ thấy mình hành xử như vậy là bình thường. Phần này cũng nêu rõ những hậu quả mà người con và gia đình thường phải chịu đựng do những cách nuôi dạy không khoa học như thế. Phân tích sự việc đến tận cùng của thần kinh học, tác giả chỉ ra cho ta thấy ép con học liên tục cả chục tiếng mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đến hormone và não trẻ ra sao, bắt con cuốn vào guồng quay học-học thêm-bổ túc-nâng cao liên tục hằng ngày hằng tuần sẽ khiến con dần dần suy kiệt từng tế bào thế nào. Trầm cảm, lo âu, thiếu kiểm soát nội tại, mất cân bằng là những thứ rất phổ biến trong quá nhiều đứa trẻ bề ngoài cực kỳ xuất sắc và đúng định hướng của gia đình. Đáng tiếc là không thể đổ lỗi cho tố chất của trẻ, nhìn trở lên thì thấy rõ cha mẹ cần điều chỉnh: đừng nuôi dạy con không cân bằng, đừng quá vun vén, đừng quá bảo bọc, đừng ép con quá cạnh tranh. Những điều này, nghe đơn giản, nhưng thực sự là điều mình thấy phủ kín ở đại đa số gia đình quanh mình.

Phần 2 đưa ra các kiến nghị chuyên môn về cách nuôi dạy con phù hợp với thiên nhiên và bản năng con người, tạo dựng nhân cách vững chắc đảm bảo thành công ở con. Thiên nhiên là người mẹ vĩ đại nhất, dung thứ và động viên tốt nhất cho mọi đứa con, mẹ tạo ra những đứa con biết tự sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Ở xã hội như VN hiện giờ, tiêu chí đánh giá một con người thường là “làm ra nhiều tiền không” bất chấp cách làm ra tiền đó có đúng đắn hay không. Nhưng thực ra, theo tác giả, tiêu chí đánh giá nên cao hơn nhiều, cần vui-khỏe-thành công. Như những chú cá heo, rất khỏe, rất vui, rất hòa hợp với xung quanh, rất thông tuệ, rất xuất sắc, rất nhân ái, rất yêu cuộc đời. Có những biện pháp rõ ràng, thế nào là nuôi dạy kiểu cá heo chứ không phải kiểu hổ (đàn áp ép buộc), kiểu sứa (thây kệ mặc xác), ở trang 135 của sách.

Phần 3 nêu bật lên yếu tố rất quan trọng để thành công toàn phần là phải giữ được sự cân bằng, bình hòa trong cơ thể, tâm trí, tư duy. Nếu một người thiếu ngủ trầm trọng, anh ta sẽ chết sớm, kể cả anh ta có 1 tỉ đô la trong túi. Xã hội đang có quá nhiều trạng thái “á kiện khang”, tức là nom khỏe mà thực ra chưa khỏe, cái chưa khỏe đó nằm sâu trong cơ thể, bị che đắp bởi các yếu tố hào nhoáng xã hội hóa, khiến mình chết lụi dần. Đầu tiên tốt cho con cái là cho trẻ thời gian rảnh rỗi, cách thở sâu thở kèm lưu tâm, ăn lành mạnh, uống đủ nước, vận động năng động, ngủ rất đủ (cụ thể thế nào là ăn uống ngủ nghỉ đúng thì xem từ trang 154 của sách).

Phần này còn đặc biệt nêu rõ mấu chốt của những năm đầu đời của trẻ không phải là được học, mà là được vui chơi. Trẻ sẽ học qua sự vui chơi, trưởng thành và dần dần thành công. Nhưng chơi thế nào, căn cứ vào thần kinh học tác giả nêu ra các cách chơi, tác dụng của chúng, cách bố mẹ bỏ thời gian tâm trí ra chơi với con suốt thời bé trẻ. Từ trang 207, sách đề nghị đừng định hướng trẻ quá khi chơi, tạo môi trường cho trẻ vui chơi, đừng ép trẻ làm bài tập đến mức ảnh hưởng đến cơ thể trẻ, tự mình cũng vui chơi làm gương, chơi ngoài thiên nhiên, thật sáng tạo và không theo mẫu.

Phần 4 chú trọng vào thần kinh học và tâm lý học, hướng dẫn để con sống khỏe mạnh, hạnh phúc, luôn có động lực tự thân. Không phải là sau khi con đã có cơ thể khỏe mạnh và tâm trí bình ổn thì cha mẹ có thể yên tâm nhồi nhét con mình. Không phải thế. Kích hoạt và duy trì động lực tự thân trong con thì con mới thực sự tự sống cuộc đời của mình, không cần cha mẹ sống hộ, lo hộ. Đồng hành suốt cuộc đời con không phải là sự bảo bọc của cha mẹ kiểu hổ hay sự phó mặc kiểu sứa, mà là tình yêu minh triết của cha mẹ bền bỉ động viên con biết ăn ở khoa học, tâm thái cân bằng, trí tuệ minh mẫn, và quan trọng nhất là giàu động lực tự thân. Điều đó sẽ giúp con tự sống tốt toàn diện sau này, và tiếp tục gây dựng gia đình tốt như thế cho xã hội.

Theo Sách Nhã Nam


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab