Tình bạn tuyệt đẹp trong cuốn sách thiếu nhi kinh điển "Charlotte và Wilbur"

05 Tháng Mười 2017 10248 lượt đọc

Không hổ danh là một trong những cuốn sách thiếu nhi kinh điển nhất mọi thời đại!

Tôi vừa đọc xong “Charlotte và Wilbur” ngày hôm qua. Lại thêm một câu chuyện thực sự giản dị, trong trẻo mà lắng đọng vô cùng – đúng phong cách mà tôi yêu thích. 

Tôi đã đọc “Charlotte và Wilbur” vào giữa những lúc không làm việc, tranh thủ lúc con tự đi tắm hay khi ngồi nghỉ bên mâm cơm tối, chờ cho xuôi cơm để sau đó còn làm nhiệm vụ dọn, rửa quen thuộc. Có lúc tôi đã mỉm cười, có lúc đã cười phá lên, có lúc lại hơi rơm rớm một tẹo. 

“Charlotte và Wilbur” quả thực là một câu chuyện rất đẹp!

review sách hay Charlotte và Wilbur


Tôi không bao giờ có thể thôi niềm đam mê tha thiết dành cho những tác phẩm viết về đồng quê, viết về nông trang, viết về thiên nhiên, viết về loài vật. Chúng mở ra trước mắt tôi một không gian khác hẳn thứ không gian chật chội, bụi bặm, thiếu cây xanh, thiếu sự an hoà mà tôi và bao người nữa đang ngày ngày gắn bó. 

Đó là không gian của đất rộng, của trời xanh, của nắng tưng bừng, của lạnh tê tái, của những âm thanh rạo rực, đầy sức sống trên đồng, ngoài vườn, trong khu chuồng - nơi Lợn Wilbur và Nhện Charlotte đã gặp nhau, kết bạn cùng nhau, trở thành bạn thân của nhau và sống chết vì nhau.

Làm thế nào để cứu mạng một chú lợn xuân mà tương lai chắc chắn sẽ trở thành món giăm bông, món xúc xích và đủ các món khác trên bàn tiệc Giáng sinh? 

Đó không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Đó thậm chí còn là một thử thách lớn hơn nữa - chắc hẳn nhiều người sẽ cho là vậy - khi đảm nhiệm việc cứu mạng lại là một chị Nhện hàng ngày chỉ biết nhả tơ, giăng tơ, bắt ruồi.

Nhưng không phải vô cớ mà chị Nhện Charlotte ấy cam đoan với Lợn Wilbur rằng, tôi sẽ cứu sống cậu, chắc chắn tôi sẽ làm được. Tất nhiên rồi, Charlotte có sự thông thái, có đức kiên trì, có lòng tận tâm. Nhưng trên hết, nếu không yêu quý Lợn Wilbur, có lẽ Nhện Charlotte chưa chắc đã hết lòng hết sức đến thế trong nhiệm vụ giải cứu mạng sống cho bạn mình. Khi bạn chân thành thương yêu ai đó, bạn có thể làm nên những điều kỳ diệu vì người ấy. Đó là sức mạnh của TÌNH YÊU THƯƠNG, của TÌNH BẠN.

Wilbur là một chú lợn xuân - sinh ra vào mùa xuân, ban đầu là lợn kẹ - từ khi chào đời đã đặc biệt còi cọc, yếu ớt và gia chủ thường chọn cách kết thúc cuộc đời nó từ sớm. Nhưng may mắn, Wilbur được cô bé Fern, 8 tuổi, con gái của ông chủ, cứu mạng. “Con lợn có lỗi gì khi nó sinh ra đã nhỏ con như vậy chứ?”, Fern lý luận với cha như vậy. Và rốt cuộc, Wilbur không phải chết. 

Thoát chết lần thứ nhất có thể là nhờ may mắn. Tới lần thứ hai, với kế hoạch giải cứu cực kỳ sáng suốt của chị Nhện Charlotte, Lợn Wilbur cũng đã thoát chết. Nhưng tôi nghĩ, nếu Wilbur không phải là một chú lợn đặc biệt - một chú lợn biết cô đơn, biết buồn, khóc vì cô đơn, biết khao khát những người bạn đích thực và thiết tha sống đến thế - mà chỉ là một con lợn bình thường - suốt ngày ăn, ngủ, dũi đất, vọc phân, vầy bùn - thì may mắn lần hai này chưa chắc đã đến. (May mắn đôi khi cũng chẳng mang tính ngẫu nhiên chút nào!).

Đọc “Charlotte và Wilbur”, tôi đặc biệt ấn tượng với một đoạn trong câu chuyện, kể về cuộc gặp gỡ giữa mẹ Fern với bác sĩ Dorian. Bà rất lo lắng khi thấy cô con gái 8 tuổi thường xuyên bắc ghế, ngồi bên khu chuồng quây cả ngày, để lắng nghe bầy gia súc, gia cầm trò chuyện, rồi kể lại những câu chuyện thú vị ấy cho mẹ. Bà sợ con gái mình gặp phải vấn đề gì đó khi chỉ thích chơi với các loài vật, chẳng thèm chạy nhảy tung tăng với bạn bè cùng tuổi nên tìm tới bác sĩ xin tư vấn. 

Bác sĩ Dorian, một người vô cùng tuyệt vời, đã trấn an người mẹ rằng: Fern như thế là hoàn toàn bình thường. Là bởi cô bé chú tâm nên đã nghe thấy các con vật trò chuyện. Có khi một con vật nào đó đã lịch thiệp chào tôi, mà vì tôi không chú tâm, nên không hiểu nó nói gì. Trẻ con biết cách chú tâm hơn người lớn rất nhiều. Nếu con người mà nói ít đi - có quá nhiều người là những cái máy nói, lúc nào cũng ba hoa không ngừng - có khi động vật sẽ nói nhiều lên.

Bác sĩ Dorian còn hỏi thăm về anh trai Fern, cậu nhóc Avery. Khi được bà mẹ kể rằng, Avery bị vướng vào cây sơn độc, bị ong thường lẫn ong bắp cày đốt, tha lôi cả ếch về nhà và luôn làm vỡ mọi thứ nó động vào, bác sĩ tỏ ra rất hài lòng và thốt lên: “Tốt!”.

Giá mà người lớn chúng ta, ai cũng được như bác sĩ Dorian thì trẻ con quả là những người may mắn và hạnh phúc nhất quả đất! Không hiểu sao, khi chúng ta thành người lớn, nhìn vào con cái mình, chúng ta lại dường như chưa từng bao giờ làm trẻ con, chưa từng bao giờ trải qua một thời thơ dại?!

Còn một chi tiết cũng rất đáng yêu nữa, về gã Chuột Templeton. Một gã xảo quyệt, tham ăn, chuyên lén lút, vụng trộm, chỉ làm những gì mình thích. Có vẻ là một kẻ xấu – nhân vật phản diện trong câu chuyện. Nhưng điều thú vị là, trong những cuốn sách thiếu nhi tôi từng đọc, và hẳn trong nhiều cuốn sách thiếu nhi khác nữa, cho dù có là nhân vật phản diện, bạn cũng không hoàn toàn xấu xa. Chuột Templeton cũng vài lần tham gia vào cuộc giải cứu Lợn Wilbur, dù vô tình hay với động cơ riêng rất thực dụng của gã. 

Đọc những chi tiết này làm tôi nhớ đến 1 tập truyện trong bộ “Mèo Mog Mập” – khi kẻ trộm lẻn vào nhà và bị nàng Mog phát giác. Trong khi chú cảnh sát trò chuyện với cô bé Debbie lúc này đang ôm nàng mèo anh hùng thì ba mẹ Debbie đứng cạnh tên trộm - cả ba bọn họ đều cầm trên tay một tách trà! Trộm cũng được mời trà đấy nhé, dù sau đó sẽ bị còng tay dẫn về đồn! 

Khi tôi viết những dòng này, ngoài cửa sổ là một ngày mưa rả rích. Một ngày mưa mùa hè nhưng lại mang vẻ u buồn như thể một ngày mưa ngâu tháng Bảy. Tôi chợt hình dung ra khung cảnh ấy, cũng vào một ngày mù sương, ở khu chuồng quây, cái mạng nhện lấp lánh những giọt nước bé xíu đọng vào, sáng bừng lên những con chữ phép màu mà Charlotte đã dệt để cứu mạng Wilbur. 

Như bác sĩ Dorian đã nói, chưa kể đến những con chữ, bản thân cái mạng nhện đã là một phép màu! Bạn có thể được mẹ bạn, bà bạn… dạy cho cách may vá. Nhưng một con nhện, không được ai dạy cả, đã tự mình dệt nên tấm mạng. Đó chẳng phải là phép màu hay sao? Bản thân thiên nhiên đã là một phép màu, một điều kỳ diệu!

Nếu bạn vẫn còn chưa có câu chuyện về tình bạn tuyệt đẹp giữa cậu Lợn cừ, cực kỳ, ngời sáng và khiêm nhường Wilbur với chị Nhện thông thái, dịu dàng, tốt bụng và thuỷ chung Charlotte trong giá sách nhà mình, bạn biết mình phải làm gì rồi đấy! 

Thông tin chung về sách:

Câu chuyện tình bạn tuyệt đẹp trong cuốn sách thiếu nhi kinh điển

Tựa đề: Charlotte và Wilbur

Tác giả: E.B. White. Ông sinh năm 1899 tại thành phố Mount Vernon, bang New York (Mỹ). Tên của ông có trong danh sách những tá giả viết cho trẻ em nổi tiếng nhất thế giới.

Nhận định về tác phẩm: Theo The New York Times Book Review, điều cuốn sách kể chính là tình bạn ở trên đời, yêu mến và bảo vệ, phiêu lưu và phép lạ, sống và chết, lòng tin và bội phản, sung sướng và đau khổ, và sự trôi đi của thời gian. Là một tác phẩm thì nó gần như hoàn hảo, và gần như kỳ diệu trong cái cách nó tựu thành.

Những tác phẩm khác cùng tác giả: Nhắt Stuart, Chiếc kèn của Thiên nga

Nguyễn Huyền


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab