Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

Phát triển ngôn ngữ cho con tuổi mầm non qua các trò chơi tại nhà (phần 1)

28 Tháng Hai 2017 14593 lượt đọc

Phát triển ngôn ngữ - đầu tiên là tiếng mẹ đẻ - tốt sẽ giúp con trẻ giao tiếp và nhận thức tốt, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách trẻ, và tạo đà cho khả năng học tập các kiến thức và các ngôn ngữ khác sau này. ConTuHoc tổng hợp một số trò chơi trong gia đình mà bố mẹ có thể bày chơi cùng con để giúp con phát triển ngôn ngữ tốt:

1. Đồ hàng 

Đây là trò mà các mẹ đã chơi rất nhiều thuở còn thơ. Giờ các mẹ có thể bày trò để mẹ và bé thay nhau làm người bán hàng trong siêu thị như này nhé:

- Mẹ chuẩn bị một số đồ vật trong nhà, giỏ xách nhựa, giấy màu
- Mẹ xếp các chai lọ, vật dụng có sẵn trong nhà thành các dãy song song trong phòng
- Mẹ cho bé một chiếc giỏ xách nhựa làm giỏ mua hàng, cắt những miến giấy màu và viết số lên cho bé làm tiền mua sắm
- Mẹ để bé kéo giỏ hàng qua các dãy hàng mẹ xếp và chọn mua những món hàng tùy thích bỏ vào giỏ, mang ra cửa phòng cho mẹ tính tiền. Sau khi mẹ tính tiền thì cho hàng vào túi để bé mang đi hệt như đi siêu thị.

Nguồn: friso.com.vn

- Khi cùng bé chơi trò này, mẹ có thể kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ bằng cách đặt cho trẻ một số câu hỏi như “Con muốn mua gì?”, “Con có bao nhiêu tiền?”, “Con mua cái này để làm gì?”,… để khuyến khích trẻ tập nói nhiều hơn. Mẹ cũng có thể cho trẻ chơi cùng các bạn khác trong lớp mầm non hoặc ở cùng khu phố để trẻ dạn dĩ và cởi mở với bạn bè hơn.

Các bố mẹ cũng có thể tham khảo một đoạn ghi chép của chị Phan Hồ Điệp về cách chơi trò này với bạn Đỗ Nhật Nam:

Trò chơi này mình chắc rằng tuổi thơ ai cũng đã từng chơi. Mình hay dẫn Nam ra công viên chơi đồ hàng. Cũng là những đồ vật như lá cây, thìa nhựa, gạo, cát, sỏi, hoa, quả… nhưng mỗi hôm mình thay đổi “hàng” một chút với mục đích là Nam làm quen được với nhiều danh từ. Mình cũng nâng dần mẫu câu. Lúc Nam mới bập bẹ, thì chỉ nói từ đơn “mua”, sau tăng dần thành câu: Tôi mua. Rồi nâng dần thành đoạn hội thoại:

- Bác ơi, bán cho tôi cái lá.
- Vâng, lá của bác đây, năm đồng bác nhé. Bác còn mua thêm gì nữa không?
- Cho tôi thêm ba viên sỏi.
- Vâng, nhưng tôi chỉ bán có hai viên thôi, một viên tôi để dành tặng con tôi.
- Con bác là ai thế?
- Con tôi là Nam, nhưng mà bạn ấy còn đang ngủ. Bạn ấy hay ngủ dậy muộn bác ạ.

Đến đây thì Nam bắt đầu cười. Mình sẽ nói thêm:

- Nhưng mà bạn ấy cũng rất ngoan. Nên tôi vẫn để dành sỏi để bạn ấy chơi. Bác vui lòng cầm tạm hai viên nhé. Tôi lấy mười đồng. Tôi cảm ơn bác nhé.
- Vâng, thế cũng được. Tôi xin. Tôi cảm ơn bác.

Đó là đoạn hội thoại mình đã ghi lại, mình đóng vai người bán hàng, còn Nam là người mua hàng. Khi ấy Nam 3 tuổi.

Đoạn hội thoại ấy giúp Nam nhớ được số đếm, đồng thời biết cách sử dụng mẫu câu cảm ơn, xin lỗi. Thật là vui phải không?

2. Cái bao bí ẩn

- Cần một cái bao hoặc túi không trong suốt để không nhìn thấy được những vật dụng bên trong túi. Cho vào đó những đồ vật hình oval và hình tròn (trứng, quả bóng nhỏ, bóng lục lạc, “hộp vàng”,…).
- Trước khi người lớn cho những vật trên vào bao, hãy cho bé sờ chúng trước. Sau đó, đề nghị bé tìm vật cần thiết qua cảm ứng: “Bàn tay con có đôi mặt thần kì đó. Con hãy nhìn và chú ý lấy cho mẹ quả bóng xem nào!” (hoặc vật khác). Bạn hãy hỏi bé về đồ vật bé lấy ra khỏi bao: “Đây là cái gì?”, “Có thể chơi bóng như thế nào nhỉ?”.
- Giai đoạn sau, hãy giúp bé phát triển khả năng mô tả bằng cách thò tay sờ một vật trong bao, mô tả hình dạng, kích thước, độ trơn nhẵn ... của nó để bố mẹ/bạn chơi đoán xem bé sắp lấy ra cái gì.
- Trong tất cả những cách chơi nêu trên các bạn có thể thay đổi vai. Nên làm khi bé đã biết rõ quy tắc chơi và khẩu ngữ của bé đủ để cho phép bé dẫn trò chơi. Trò chơi sẽ thú vị và hấp dẫn hơn nếu có một vài trẻ em và người lớn chơi cùng.

 

3. Cùng rối tập nói từ dễ đến khó

Bố mẹ cùng trẻ làm một số con rối đơn giản, rồi cùng trẻ nhập vai cho các nhân vật rối:

- Đầu tiên mẹ sử dụng nhân vật rối là các nhân vật quen thuộc trong các câu chuyện đã biết, cho trẻ mô phỏng hành động và nói câu thoại đơn giản của nhân vật đó.

- Sau đó, nâng cao yêu cầu trẻ sử dụng rối để tái tạo lại nội dung câu chuyện. Rồi để trẻ tự chọn con rối và tự nghĩ ra câu chuyện kể sáng tạo theo ý trẻ.

4. Tìm từ cùng âm, vần

- Tìm từ cùng âm đầu: khi cùng đi ra ngoài với con, gợi ý để bé tìm ra những thứ có âm thanh bắt đầu với chữ “m” (mèo) hoặc “x” (xe) hoặc bất kỳ chữ nào bạn và con vừa nhìn thấy. Nếu ở nhà, hãy khuyến khích bé đi quanh nhà và tìm ra 5 thứ bắt đầu với chữ “c” hoặc chữ “b”… Bạn cũng có thể đố bé, chẳng hạn: “Bắt đầu bằng chữ ‘b’, rất ngọt và thơm”, sau đó để bé tìm câu trả lời. Đáp án là “bánh”.
- Tìm từ cùng vần: Hãy gợi ý cho con tìm những đối tượng mà kết thúc bằng những âm thanh giống nhau (ví dụ, “cá” và “lá”, cùng kết thúc bằng chữ “a”). Hãy tặng bé phần thưởng là sự khen ngợi, ngay cả khi bé trả lời chưa chính xác. 

5. Hát đồng dao

Nhiều trẻ tuổi mầm non phát âm chưa chính xác (chẳng hạn như: Con lợn - Con nợn, Củ cà rốt - Củ cà lốt …) chủ yếu là do cơ quan phát âm của trẻ chưa linh hoạt, nhạy cảm, trẻ chưa biết cách điều chỉnh hơi thở ngôn ngữ và giọng nói cho phù hợp với nội dung nói. Vì vậy, trẻ cần phải được luyện tập thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, và thời gian lâu dài. Những bài đồng dao rất có ích để bố/mẹ và con cùng chơi và cùng luyện phát âm cho rõ tiếng. Dưới đây là một số bài đồng dao phổ biến cùng các động tác phụ họa:

1- BỊT MẮT BẮT DÊ
Một bầy trẻ nhỏ 
Bịt mắt bắt dê 
Dê vấp bờ hè 
Ngã kềnh bốn vó 
Mọi người cười rộ 
Cố đuổi vòng quanh 
Dê chạy thật nhanh 
Túm ngay một chú . 

CÁCH CHƠI:
Hai mẹ con chơi “oẳn tù tì”, người thua sẽ bị bịt mắt đi tìm dê, người thắng làm dê. Người bị bịt mắt sẽ đi theo tiếng trống lắc của người làm dê để bắt. Cả hai không được chạy ra khỏi vòng tròn. Có thể cùng một lúc cho nhiều trẻ làm dê con và 1 người bị bịt mắt (nếu gia đình đông trẻ hoặc đông người).

2- CHI CHI CHÀNH CHÀNH 
Lời 1: Chi chi chành chành 
Nhớ rút cho nhanh 
Tay xoè ngón đặt 
Miệng đặt mắt nhìn 
Đi trốn đi tìm 
Ú tim oà ập ! 

Lời 2: Chi chi chành chành
Chim oanh học nói 
Khỉ già múa rối
Chó sói đuổi bò 
Rùa nhảy khỏi hồ 
Bắt cò ăn thịt 
Sáo nằm gốc mít 
Khóc mẹ hu hu ! 

CÁCH CHƠI:
Để trẻ xoè tay ra, còn bạn giơ một ngón tay trỏ ra đặt vào lòng bàn tay đó, tất cả cùng đọc bài “chi chi chành chành”. Đến chữ “hu hu”, “ập” trẻ nắm tay lại thật nhanh, còn bạn thì rút tay thật nhanh, ai rút không kịp thì phải xoè tay cho người khác chơi .

3- DUNG DĂNG DUNG DẺ
Lời 1: Dung dăng dung dẻ 
Dắt trẻ đi chơi 
Đến hỏi ông trời 
Xin vài cái bánh 
Gặp xe thì tránh 
Đội mũ trên đầu 
Đi chậm đi mau 
Lâu lâu lại ngồi ! 

Lời 2: Dung dăng dung dẻ 
Dắt trẻ đi chơi 
Đến chỗ mát trời 
Chớ nên bỏ phí 
Thở làn không khí 
Vừa sạch vừa trong 
Em thấy mát lòng 
Thân càng mạnh mẽ .

Lời 3: Dung dăng dung dẻ 
Dắt trẻ đi chơi 
Đến chỗ đông người 
Nếu không nhìn kỹ 
Người ta vô ý 
Chân dẫm phải chân 
Đau đớn vô cùng 
Còn chi vui vẻ ! 

Lời 4: Dung dăng dung dẻ 
Dắt trẻ đi chơi 
Những buổi đẹp trời 
Tìm nơi râm mát 
Cùng nhau ca hát 
Cất tiếng cười vang 
Nhảy múa nhịp nhàng 
Cho lòng tươi trẻ . 

CÁCH CHƠI:
Hai mẹ con cùng nắm tay, vừa đi vừa đung đưa theo nhịp bài đồng dao. Đến câu “ lâu lâu lại ngồi” thì tất cả cùng ngồi xổm một lát, rồi lại đứng dậy vừa đi vừa đọc tiếp bài đồng dao. 

4- NU NA NU NỐNG 
Nu na nu nống 
Một hồ nước trong 
Sao không rửa chân 
Cho trắng cho xinh 
Đi thi chân đẹp 
Chân ai sạch sẽ 
Gót đỏ hồng hào 
Được vào đánh trống 
Tùng tùng tùng tùng ! 

CÁCH CHƠI:
Hai mẹ con ngồi đưa hai chân ra phía trước vừa đọc bài đồng dao vừa nhịp chân theo lời bài đồng dao. Đến chữ ‘ tùng tùng …” thì dùng hai tay làm dùi đánh vào chân. 

5- TẬP TẦM VÔNG

Tập tầm vông 
Tay đằng Đông 
Tay đằng Tây 
Tay nào mây 
Tay nào gió 
Tập tầm vó!
Tay nào có 
Tay nào không
Tay nào phồng 
Tay nào dẹp?

CÁCH CHƠI: 
Trẻ vừa đọc bài đồng dao vừa đưa tay theo nhịp bài đồng dao. Trò chơi này cũng có tác dụng rèn cơ tay cho trẻ. Cha mẹ có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như: thay đổi bằng chân, làm nhiều kiểu tay, ….

6- KÉO CƯA LỪA XẺ 
Kéo cưa lừa xẻ 
Bé ngoan bé khoẻ 
Nhớ chăm học hành 
Học nhanh học giỏi 
Sẽ giành điểm mười . 

CÁCH CHƠI:
Đây là một trò chơi nhẹ, có mục đích giải trí. Hai mẹ con ngồi đối diện nhau, cả hai duỗi chân ra và đạp hai bàn chân vào nhau, 2 tay nắm lấy nhau, đẩy qua đẩy lại rồi cùng đọc bài đồng dao .

Nguồn: Internet 

Xem tiếp phần 2


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab