Phát triển ngôn ngữ cho con tuổi mầm non qua các trò chơi tại nhà (phần 2)
Đây là những trò chơi đơn giản, chỉ cần hai người trở lên cùng chơi. Các con cùng bố/mẹ có thể tranh thủ chơi khi quây quần trong phòng khách, khi chờ đồ ăn trong nhà hàng, lúc đi trên tàu xe, hay khi đang làm việc nhà, đang đi bộ cùng nhau hoặc khi đã tắt đèn chuẩn bị đi ngủ. Vừa học được khối điều vừa thân lại thêm thân.
6. NỐI TỪ và TÌM TỪ CÓ TIẾNG ...
"Em thân yêu, em ởi với ai?
Ở với bà
Bà gì?
Bà ngoại?
Ngoại gì
Ngoại xâm
..."
Ngoài trò chơi nối từ quen thuộc với bài đồng dao trên, bố mẹ có thể chơi một trò tương tự, là trò tìm từ có một tiếng nào đó: cho Con chọn một tiếng, ví dụ chọn "nước". Con sẽ nói một từ có nghĩa có tiếng "nước", ví dụ "nước lọc" hay "cứu nước". Sau đó đến lượt người cùng chơi. Nói một từ đã được dùng trước đó là không hợp lệ, phải tìm từ khác. Ai bí quá không tìm được từ nào nữa thì bị ra khỏi cuộc chơi. Người bị loại sớm sẽ được quyền chọn tiếng mới cho vòng chơi mới.
7. NỐI CÂU DÀI RA
Cách chơi: Dùng từ lặp lại âm đầu tạo ra một câu có hình ảnh. Trẻ lặp lại chúng.
Ví dụ:
Người lớn nói: Mẹ may
Bé lặp lại: Mẹ may
Người lớn: Mẹ may mũ mới.
Bé: Mẹ may mũ mới.
hay:
Người lớn: Nam nói.
Bé: Nam nói.
Người lớn: Nam nói nó nóng.
Bé: Nam nói nó nóng.
Tiếp tục trò chơi, mỗi lúc nói câu dài hơn. Khi trẻ giỏi hơn, hãy đổi vai để con sáng tác câu còn bạn lặp lại. Hoặc bạn và con thay phiên cùng nối cho câu dài ra mà vẫn có nghĩa (có thể không cần lặp lại âm đầu).
8. CHỈ ĐƯỜNG
Bày ra một số vật cản trên đoạn đường tới đích trong sân hay phòng khách nhà bạn, bạn bị bịt mắt và để con chỉ dẫn bằng lời để giúp bạn vượt qua vật cản và tới đích. Bạn sẽ thấy trò chơi giúp con biết cách chỉ dẫn chính xác, dễ hiểu và ngắn gọn hơn nhiều.
9. "CHIM, THÚ, CÁ"
- Cách chơi:
- Một người đóng vai Người điều khiển. Người này vừa chỉ tay vào mọi người quanh vừa nói “Chim, thú, cá…”, rồi bất ngờ chỉ một người trong vòng và hô “chim” hoặc “thú”, hoặc “cá”.
- Người bị chỉ phải lập tức nói tên con “chim”, con “thú”, hoặc con “cá” nào đó mà không trùng với các con đã được nói ra từ đầu cuộc chơi tới giờ. Nếu ngập ngừng không nói được ngay hoặc nói trùng thì phải tiếp tục làm người chơi (cộng bị phạt như nào đó theo luật chơi mà cả nhà thống nhất), còn nếu nói đúng được ngay thì được trở thành người điều khiển.
- Dưới đây là gợi ý một số chủ đề để bạn xem xét lựa chọn khi vận dụng trò chơi này cho phù hợp với tuổi của con:
- Chim, Thú, Cá
- Rau, Hoa, Quả
- Đồ chơi, Dụng cụ nhà bếp, Đồ dùng học tập
- Tết, Giáng sinh, Trung thu
- Gia đình, Nhà Trường, Doanh nghiệp
- Người, Cây, Nhà (nhắc đến chủ đề nào phải nói ra tên một bộ phận thuộc chủ đề đó)
- ...
10. MẸ/CON ĐANG NGHĨ ĐẾN ĐIỀU GÌ?
Người thứ nhất lần lượt nói 3 manh mối để người thứ hai đoán xem các manh mối đó dẫn tới từ gì. Trong các manh mối không nên nhắc đến tiếng nào có trong từ cần đoán. Đoán đúng ngay từ manh mối thứ nhất được 3 điểm, phải dùng đến manh mối thứ 2 được 2 điểm, phải dùng cả 3 manh mối thì chỉ được 01 điểm. Đoán xong một từ thì lại được chuyển thành người nêu manh mối.
Để trò chơi dễ hơn, có thể giới hạn những thứ sẽ cần đoán: ví dụ chỉ chơi đoán những từ có trong một danh sách cho trước, hoặc có trong một số trang của quyển sách con đang học, hoặc chỉ bắt đầu bằng một số vần nào đó, hoặc bằng một chủ đề nào đó. Bạn cũng có thể dùng bộ thẻ Taboo luyện nói tiếng Anh (trình độ Beginner) cho mục đích này: trẻ nhìn vào ảnh trên thẻ, và đưa ra các manh mối để bạn đoán ra thẻ định nói đến thứ gì (hoàn toàn bằng tiếng Việt).
Ví dụ muốn nói đến từ “cân nặng”, Mẹ đưa ra manh mối thứ nhất là “Phải sử dụng một dụng cụ có chia vạch để đo nó.”. Nếu con không đoán được thì thêm manh mối thứ hai: “Một con voi có số đo này lớn hơn rất nhiều một con ngựa.”. Vẫn chưa đúng thì đến manh mối thứ ba: “Kilogram là một đơn vị đo của nó “.
Đến lượt Con đưa ra các manh mối cho Mẹ đoán từ, Con sẽ phải động não nhiều về điều nó muốn nói tới, còn Mẹ sẽ thường thích thú cười vì cách hiểu rất hồn nhiên của con trẻ.
Nguồn: Internet
ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu: | ||||
Đăng kí nhận emailNếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học |
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP TRẺ CÓ KĨ NĂNG VIẾT TỐT?
- Bữa tối là thời gian tuyệt vời để trò chuyện và phát triển vốn từ cho trẻ
- Các hoạt động giúp trẻ mở rộng vốn từ
- Hướng dẫn phụ huynh về cách đọc cho lứa tuổi 3-5: Giúp con bạn khám phá chữ cái và từ
- Hướng dẫn chi tiết các cách hỗ trợ hoạt động đọc và viết của trẻ
- Phát triển ngôn ngữ cho con tuổi mầm non qua các trò chơi tại nhà (phần 1)