Review sách cho cha mẹ: Dạy con trong hoang mang

06 Tháng Chín 2017 9708 lượt đọc

Ngày 23/6/2017, Anbooks tổ chức buổi giao lưu ra mắt sách Dạy con trong "hoang mang" của tác giả TS. Lê Nguyên Phương. Ông là một chuyên gia tâm lý học đường người Việt với 20 năm kinh nghiệm tại Mỹ. Vì thế cuốn sách được hi vọng là một trong những ấn phẩm chất lượng, uy tín trong hàng nghìn đầu sách về hướng dẫn dạy con hiện nay.

Giới thiệu cuốn sách

Bìa sách Dạy con trong hoang mang

Cuốn sách Dạy con trong hoang mang

Dạy con trong "hoang mang" tập hợp 30 bài viết giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của các bố mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn và thần kinh.

Review sách cho cha mẹ: Dạy con trong hoang mang

TS. Lê Nguyên Phương. Ảnh: Anbooks.

Những bài viết lại được xếp theo từng nhóm chủ đề, trong đó, có nhóm chủ đề được tác giả thể hiện bằng 2 - 3 bài viết, có những nhóm chủ đề được tác giả đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng 5 - 7 bài viết. 

Là một chuyên gia tâm lý học đường với 20 năm kinh nghiệm từ khối mầm non đến đại học tại Mỹ, TS Lê Nguyên Phương cho biết: “Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong trí não mình, và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Và đừng biến con thành phương tiện.

Cho dù các nghiên cứu có phát hiện trẻ bây giờ có khả năng phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn hay nhanh hơn chúng ta đã từng nghĩ, đó cũng không phải là lý do con em chúng ta là phương tiện để chúng phải hy sinh làm vật thí nghiệm và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta.

“Dạy con trong hoang mang” được xuất phát từ ước mong tìm kiếm cho độc giả những tri kiến về dạy con, tìm đến sự “minh triết tự thân” trong chính con cái mình, đạt được sự ung dung thanh thản trong vai trò làm cha mẹ, một “nghề nghiệp” trọn đời hết sức thiêng liêng nhưng cũng đem lại không ít đau khổ và thách thức.

TS Lê Nguyên Phương cho biết, quá trình hình thành tác phẩm cũng là hành trình “làm hòa với quá khứ tuổi thơ của mình” và tiến trình “dung hợp hai nền văn hóa Việt Nam và Âu Mỹ”; giúp phần nào trong việc nối liền những “đứt gãy thế hệ” vốn đang hiện hữu trong lòng mỗi gia đình Việt Nam, nơi có sự khác biệt lớn giữa thế hệ bố mẹ trẻ Việt Nam và thế hệ ông bà nội ngoại.

Qua cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”, tác giả mong muốn được cùng độc giả nhìn lại một cách thẳng thắn vào các mối quan hệ giáo dục trong chính gia đình mình và những người xung quanh mình. Căn cứ vào những hiểu biết sâu sắc trên cơ sở khoa học, bằng việc đối chiếu những vấn đề dạy con của bố mẹ Mỹ và bố mẹ Việt Nam, chúng ta thấy rằng nỗi lo và gánh nặng của người làm cha mẹ trên khắp thế giới này cũng giống nhau. Không có một nền giáo dục hoàn toàn ưu việt và cũng chẳng có một nền giáo dục hoàn toàn lạc hậu, bằng tri kiến trên cơ sở khoa học và tình thương sáng suốt của mình, độc giả hãy “tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

Một số ý kiến bạn đọc về cuốn sách

Một độc giả review trên Good Read ngày 30/7/2017:

 

Ý kiến của tiến sĩ Diêu Lan Phương trên FB cá nhân ngày 5/9/2017

Một trang trong sách Dạy con trong hoang mang

Trong cuốn sách mình đang đọc – DẠY CON TRONG HOANG MANG – TS. Lê Nguyên Phương viết: “Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong não mình, và chú tâm hơn trong sinh hoạt hằng ngày của mình. Và đừng biến con thành phương tiện”.
Là một chuyên gia về tâm lý học đường, trong cuốn sách, ông đã đề cập đến rất nhiều vấn đề về chứng trầm cảm, sự hoang mang, những cảm xúc tiêu cực, bạo hành ngôn ngữ… đã tác động đến sự hình thành và phát triển não bộ như thế nào. Đọc, tôi gần như đồng cảm và nhiều lúc cũng cảm thấy có mình trong đó, đã đi qua những con đường đó. Nó quá đúng trong xã hội đương đại khi mà chúng ta phải đương đầu, đối diện với guồng quay nghiệt ngã.

Khi tiếp xúc với nhiều trẻ em, nhiều phụ huynh khác nhau, trong đó có nhiều em có vấn đề về tâm lý, tôi nghiệm ra rằng, một phần gây nên điều đó, là vì phụ huynh thường không tự giải quyết được những tổn thương của chính mình. Mà sống trong thế giới này, ai ai cũng thỉnh thoảng bị tổn thương và gặp những vấn đề về tâm lý. Chúng ta, trước hết đều phải vượt qua và chữa lành vết thương cho mình. Hãy nhớ lại mình đã lớn lên như thế nào, cô bé ấy, chàng trai ấy đã đáng yêu ra sao, để thấy mình xứng đáng được hạnh phúc.

Bản thân tôi, dù không phải là thường xuyên, nhưng cũng khá nhiều lần bị rơi vào trạng thái trầm cảm, đặc biệt là thời tuổi trẻ. Tôi đã luôn luôn sợ cái chết sau khi chứng kiến sự ra đi của 2 bạn cùng lớp hồi lớp 12. Từng “vật vã” với những tình cảm đơn phương của tuổi trẻ. Khi đi học đại học, được đánh giá là “học giỏi” và điểm thường cao nhất lớp, nhưng thay vì cảm giác hạnh phúc, tôi luôn lo sợ và có lúc ước giá như mình cũng phải ở vị trí ấy, mình ghét cảm giác mỗi lần đến kỳ thi, ghét sự hồi hộp của mình mỗi lần nghe thầy đọc điểm. Mình sợ rớt hạng. Rất nhiều lần, chỉ muốn mình học thật bình thường để không bao giờ có những giây phút ấy. Nhưng rồi, vẫn luôn cố gắng. Và luôn lo sợ. Nghĩa là luôn luôn phải giải quyết mâu thuẫn của chính mình. 
Kể cả bây giờ, nhiều lúc, tôi cũng ghét những danh hiệu, ghét học vị…. Bởi cảm giác khoác lên người thêm gì, là thêm những định kiến và áp lực, sẽ thêm những câu “mẹ là TS thì con….; mẹ dạy ngôn ngữ thì con…”. Trong lúc ấy, tôi còn cảm thấy mình có vô số khuyết điểm, vô số điều chưa biết mà lẽ ra mình phải biết hơn.

Bố mẹ à, dù chúng ta là ai trong đời sống này, chúng ta vẫn thỉnh thoảng bị tổn thương. Tôi cũng như bạn, những ký ức không vui tuổi nhỏ, bất bình đẳng giới, thất tình, sự hoang mang, sự sợ hãi… Những vết thương do người khác gây ra cho ta cũng có, mà cũng rất nhiều vết thương là do chúng ta tự gây ra cho mình, chúng ta không tự thứ tha và không chấp nhận những giới hạn của bản thân. Chúng ta kỳ vọng chúng ta hoàn hảo hơn, nhưng bản chất cuộc sống thì luôn không hoàn hảo. Chúng ta luôn muốn thành “bà mẹ siêu nhân” và chúng ta luôn bận rộn hoặc cảm thấy mình bận rộn, chúng ta cảm thấy chúng ta dành thời gian chưa đủ cho con, cũng chưa đủ để hoàn thành công việc, điều gì cũng dở dang hết và giá như ngày dài gấp đôi gấp 3….
Hôm nay ngày khai giảng, vì các con, chúng ta hãy nắm tay nhau thật chặt nhé; để không ai cảm thấy cô đơn và hoang mang trong những lựa chọn của chính mình. Và bởi vì khi chúng ta vui vẻ và có những suy nghĩ tích cực, khi chúng ta “thấy ổn” thì con chúng ta mới có điều kiện tốt để trở thành đứa trẻ hạnh phúc.

Ý kiến của một KH đã mua cuốn Dạy con trong hoang mang trên Tiki

Review sách Dạy con trong hoang mang trên Tiki

Ý kiến của chị Trần Thị Minh Phượng, người đã mua cuốn sách này trên Tiki vào tháng 7/2017

 


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab