Tôi đã giúp con trai 3 tuổi hình thành những thói quen tốt như thế nào?

25 Tháng Mười Một 2017 3721 lượt đọc

1. THÓI QUEN THỂ DỤC 30p-1h MỖI NGÀY

  • Nếu bố đi làm về đúng giờ thì sẽ là cố định từ 6h tối đến 7h tối. Có hôm hăng quá gần 7 rưỡi mẹ phải xuống sân tìm hai bố con. Hôm nào bố đi làm về muộn thì con tự đá bóng trong nhà cộng thêm việc luyện tập bù vào 6h sáng ngày hôm sau (6h15p-7h kém15).
  • Thói quen tập thể dục thì hình thành từ nhỏ khi bạn ấy biết đi, bất cứ thời gian rảnh nào bố đều dạy đá bóng đu xà, leo núi cuối tuần. Tuy nhiên việc duy trì đều đặn như là việc thiết yếu hằng ngày thì từ khi bạn ấy 2 tuổi rưỡi, đến nay cũng được hơn 1 năm rồi.
  • Lúc đầu việc duy trì khá là vất vả, rất khó khăn để kéo bạn ấy xuống nếu hôm đó bạn ấy không thích hoặc vẫn đang buồn ngủ, hoặc thậm chí có hôm động viên được bạn ấy xuống nhưng bạn ấy ngồi xổm ở đó không chịu tập. Không sao hết, cứ cho bạn ấy ngồi đó, bố mẹ vẫn tập thể dục đá bóng với nhau, hoặc khi nào có mấy anh lớn hơn cũng xuống thì bố sẽ đá bóng với các anh lớn cho bạn ấy nhìn. Lâu dần bạn ấy quen với việc hằng ngày phải xuống sân tập, rồi quen giờ hơn nên đỡ buồn ngủ, sau đó bạn ấy sẽ tham gia nhiệt tình. 
  • Tạo hứng thú cho bạn ấy tập, ví dụ nếu bạn ấy đi xe thăng bằng thì sẽ chơi trò đuổi vịt, bố mẹ sẽ làm vịt và bạn ấy đuổi đằng sau, hoặc cả nhà chạy thi vòng quanh tòa nhà xem ai về trước sẽ được cúp, hoặc chia phe đá bóng.
  • Đa dạng các môn thể thao để bạn ấy cảm thấy đỡ nhàm chán: xe bàn đạp, xe thăng bằng, đá bóng, bóng rổ, bơi lội, leo núi, patin...
  • Bố tích cực cho bạn ấy ra sân đá bóng của bố xem bố và các chú lớn đá, làm cho bạn ấy cảm thấy thể thao thật gần gũi và cần thiết.

Kết quả

  • Từ cậu bé rất lười ăn, ăn ít, gầy thì mấy tháng nay bạn ấy ăn ngon miệng rất nhiều, càng thời gian nào tập nhiều bạn ấy càng ăn ngon miệng hơn.
  • Nhanh nhẹn hoạt bát, ít ốm (hoặc có ốm thì toàn tự khỏi không cần dùng thuốc).

Tôi đã giúp con trai 3 tuổi hình thành những thói quen tốt như thế nào?

(Ảnh: Today's Parent)

2. THÓI QUEN DỌN ĐỒ CHƠI TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

  • Đọc cho bạn ấy truyện "Bubu không cẩn thận" để cho bạn ấy hiểu hơn hậu quả của việc chơi xong mà không dọn dẹp đồ chơi.
  • Cần cho bạn ấy biết đồ nào sẽ cất vào đâu. Để khi bạn ấy dọn bạn ấy sẽ để đúng chỗ mình mong muốn.
  • Đừng bắt bạn ấy phải dọn ngay sau khi mình yêu cầu, thường để cho bạn ấy có thêm thời gian kết thúc trò chơi, hoặc thời gian để bạn ấy chần chừ.
  • Cũng đừng giám sát việc bạn ấy làm, hãy đi chỗ khác và chỉ quay lại kiểm tra kết quả. Mình thường giao hẹn "bây giờ mẹ sẽ đi tắm, tắm xong sẽ đến giờ chúng ta học tiếng anh, đọc truyện và đi ngủ, nên con sẽ không chơi đồ chơi nữa. Khi nào mẹ tắm xong đi ra, mẹ hi vọng là đồ chơi sẽ được dọn dẹp hết vào rồi nhé. Nếu lúc mẹ tắm xong ra mà thấy nhà cửa gọn gàng, cả dép ngoài cửa cũng được cất vào tủ giầy thì mẹ sẽ thưởng cho bạn ấy 3 lần quay vòng vòng" (thưởng thứ gì con thích, con mình thích được mẹ bé quay vòng vòng). Và thế là gần như khi nào mình tắm xong ra, nhà cửa cũng đều gọn gàng hết.
  • Đừng tiếc lời khen với con, mình thường tỏ ra ngạc nhiên kiểu "oa, sao sạch thế này, như là có cô Tấm hiện lên dọn dẹp giúp mẹ ấy, Ôi, cả giầy dép của mẹ cũng được cất gọn nữa chứ...". Thằng bé thương rất tự hào phổng mũi.
  • Nói với con biết những công việc mà mẹ phải làm, để con thấu hiểu và ý thức chia sẻ. Ví dụ lúc đón con đi học về mình hay nói: "ôi, bố về muộn, mẹ phải đón Miyo này, rồi phải đi chợ, nấu cơm, cho con ăn, tắm cho con, dọn nhà, rửa bát....", mẹ có làm nhiều việc không trong khi mẹ đi làm cả ngày cũng mệt lắm rồi. Vì thế nếu con giúp được mẹ thì mẹ nên thể hiện một chút cho con thấy rằng mẹ đỡ mệt hơn rất nhiều.

Kết quả:

  • Việc dọn đồ chơi lâu dần thành nhiệm vụ của con.
  • Con hiểu được, ý thức hơn được việc phải chia sẻ việc trong nhà với mọi người.

Tôi đã giúp con trai 3 tuổi hình thành những thói quen tốt như thế nào?

(Ảnh: Mollymaid)

3. THÓI QUEN ĐÁNH RĂNG, TẮM

  • Việc này là vô cùng thiết yếu này. Bắt buộc phải duy trì đều đặn, vì thế mình cũng nói luôn với con đây là việc bắt buộc phải làm để con hiểu là nó thực sự là BẮT BUỘC, KIỂU GÌ CŨNG PHẢI LÀM.
  • Tự làm luôn các bài thơ về việc đánh răng, tắm rửa và hậu quả nếu không làm kèm với tranh minh họa. Treo tranh thơ ở ngay đầu giường.
  • Dạo gần đây, mình còn để cho bạn ấy tắm, đánh răng, chỉ đứng chỉ cho bạn ấy nên xoa kỹ thêm chỗ nào thôi, bạn ấy được tự làm càng thấy hứng khởi hơn nhiều.

Tôi đã giúp con trai 3 tuổi hình thành những thói quen tốt như thế nào?

(Ảnh: Parents Magazine)

4. THÓI QUEN HỌC BÀI

Đừng khuyên mình sao còn nhỏ thế lại bắt học. Mọi thứ hình thành từ thói quen, theo mình quan niệm, nếu không có thói quen từ nhỏ lớn lên rất khó hình thành. Lúc đến lớp 1 rồi mới đau đầu làm thế nào cho con tập trung, làm thế nào nó chịu ngồi vào bàn... thì e rằng sẽ phải vất vả hơn khi thời điểm này mới bát đầu rèn đấy.

Đơn giản bởi vì, rèn từ khi còn nhỏ 2,3 tuổi thì các bài tập thường là không bắt buộc, đôi khi chỉ là tô màu hay vẽ vời thôi. Quan trọng là đến giờ con răm rắp ngồi vào bạn như một thói quen đầy hứng thú. Còn nhỏ thì ngồi 5p, 10. Lớn hơn chút thì 15p, 20p... Rồi dần dần 30p.

Từng bước như vậy nên khi lên lớp 1 thì mới quen được với 1 tiếng hơn. Chứ không rèn gì, chơi chán, khi vào lớp 1 đùng cái bắt nó học 1-2 tiếng thì rõ là cả con và mẹ đều sẽ stress thôi. Hoặc không là con sẽ ngồi nhìn giờ đối phó đấy. Nên cho con chơi tẹt ga với đúng tuổi thơ rồi khi học thì chạy đua, hay là nên cho con chuẩn bị sớm từng chút một là lựa chọn của mỗi bố mẹ thôi.

  • Sắm cho con một góc học tập, bàn học đèn đóm đủ, một giá sách riêng để cho con biết đó là thế giới của con, và việc con ngồi vào bàn thực sự là quan trọng, sang chảnh thế nào.
  • Tôn trọng và đề cao việc con ngồi vào bàn để con thấy mình đang được làm một việc rất chi là to lớn, ví như không bật tivi, bố mẹ cố gắng nói khẽ....
  • Cố gắng duy trì dù không đủ thời gian đảm bảo đủ giờ thì bớt giờ xuống nhưng phải duy trì. Vì dụ có hôm tối mình cho con sang bà ăn cơm, thì trước khi đi con sẽ phải học (sớm hơn giờ mọi khi) một ít đã để đảm bảo duy trì.

Tôi đã giúp con trai 3 tuổi hình thành những thói quen tốt như thế nào?

(Ảnh: Scholastic)

Kết quả

  • Mỗi buổi con tự ra bàn ngồi 5-10p tô tranh vẽ chữ. Dạo gần đây là học toán.
  • Ngày nào cũng học tầm 30p tiếng anh với mẹ (khoảng 5-10p học trên ipad và 20p học ở sách, có thể chia làm 2 giờ khác nhau).
  • Ngày nào cũng đọc 4-5 cuôn truyện (tùy thời gian có nhiều hay ít trước khi đi ngủ).

5. THÓI QUEN ĂN TẠI BÀN

Thực sự việc giúp cho con ngồi ăn ngoan tại bàn phải bắt nguồn từ việc con hứng thú với việc ăn nghĩa là con muốn ăn, cái này nó liên quan đến mục rèn luyện thể thao. Con có đói, muốn ăn thì việc tạo thói quen ngồi bàn ăn mới thuận lợi được.

Cả nhà nên ngồi ăn trên bàn, sẽ dễ tạo môi trường cho con ngồi ăn cùng

Khi con đã muốn ăn thì mới làm được các bước tiếp theo. Ví như nói cho con nghe về bữa cơm vui vẻ thế nào. Giả vờ lắng nghe bạn dạ dày nói chuyện ra sao....

Tôi đã giúp con trai 3 tuổi hình thành những thói quen tốt như thế nào?

(Ảnh: Academy of Nutrition and Dietetics)

6. THÓI QUEN THỂ HIỆN TÌNH CẢM

Thực sự với trẻ con, từ khi chúng nhận thức được thì thông thường nhìn thấy bố mẹ đi làm về hoặc lâu lâu vài tiếng mới gặp chúng thường thể hiện mừng quýnh, ôm chầm, thơm..., nhưng bạn có thấy rằng, theo thời gian chúng ít dần đi đến một ngày lớn lên việc đó làm chúng ngại ngùng hoặc là thấy không cần thiết nữa. Ôm thơm, nói lời yêu thương tưởng chừng như là thứ rât tự nhiên nhưng chỉ thói quen mới làm nó duy trì thôi.

Bản thân mình cần là người luôn thể hiện tình cảm để con biết. Mỗi lần đón con về, con chạy ra thơm mẹ rối rít là mình hay đứng xúc động và nói với con: "con biết không, nhìn thấy con vui mừng ôm thơm mẹ, mẹ thấy hạnh phúc lắm", hiếm khi nào mình quên nói cho con về sự xúc động và cảm xúc của mình với hành động của con, không nên coi đó là điều đương nhiên, nếu không được cổ vũ và thể hiện thấy cho con đó là điều cần thiết và quan trọng, thì dần dần thói quen đó cũng sẽ mất đi.

Tự dưng mình gọi con ra chỉ đơn giản nói:" Con biết không mẹ yêu con nhiều lắm". Rồi lâu dần cũng thỉnh thoảng tự dưng nó chạy ra nói thầm "con yêu mẹ nhiều lắm".

Ôm con đi ngủ, hát ru cho con để đưa con vào giấc ngủ để tuổi thơ đầy lời ru với vòng tay mẹ nuôi dưỡng tâm hồn con.

Tối trước khi đi ngủ, sáng ngủ dậy, cả nhà hay có thói quen ôm chặt lấy nhau và thơm má chúc ngủ ngon. Sáng dậy, bố mẹ thường dậy trước, con dậy sau bao giờ cũng chạy ra khoanh tay "con chào bố mẹ, chúc bố mẹ một ngày vui vẻ, con cười hì hì" rồi sà vào lòng mẹ.

Tôi đã giúp con trai 3 tuổi hình thành những thói quen tốt như thế nào?

(Ảnh: Parent Toolkit)

Theo FB Pham Hoan Nguyen Thi


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab